ỦY BAN NHÂN DÂN                                                 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TỈNH BÌNH THUẬN                                                             Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

       Số: 13 /CT-UBND                                                 Phan Thiết, ngày 11 tháng 4 năm 2007

CHỈ THỊ

Về việc tổ chức triển khai thực hiện Tổng điều tra

các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007

Thực hiện Quyết định số 187/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp lần thứ 3 – năm 2007 trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp phục vụ công tác hoạch định chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Chính phủ.

Đây là cuộc Tổng điều tra với quy mô lớn định kỳ 5 năm một lần trên phạm vi cả nước. Để đảm bảo cuộc Tổng điều tra đạt kết quả tốt và đúng thời gian quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan và Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp tổ chức triển khai thực hiện Tổng điều tra theo những nội dung sau:

I. Về đối tượng, phạm vi, nội dung, phương pháp, thời điểm điều tra:

1. Đối tượng và phạm vi điều tra:

Trong cuộc điều tra lần này, đối tượng điều tra là các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (sau đây gọi tắt là cơ sở kinh tế); trong đó chia thành 2 khối:

a) Khối sản xuất kinh doanh: Khối này bao gồm: các cơ sở thuộc doanh nghiệp (là trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị phụ trợ, hoặc các đơn vị phụ thuộc khác của doanh nghiệp); các cơ sở hộ sản xuất kinh doanh cá thể; các cơ sở sản xuất kinh doanh do các cơ quan hành chính, sự nghiệp quản lý (không đăng ký thành lập doanh nghiệp).

b) Khối hành chính, đảng, đoàn thể, các đơn vị hoạt động sự nghiệp (gọi tắt là hành chính, sự nghiệp): Khối này bao gồm cơ quan nhà nước (cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp) các cấp, cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị xã hội các cấp, các đơn vị, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, các đơn vị sự nghiệp (khoa học, y tế, giáo dục, văn hoá thể thao, giải trí, tôn giáo tín ngưỡng…).

Cuộc tổng điều tra được tiến hành trên phạm vi toàn tỉnh chia theo cấp hành chính từ tỉnh - thành phố, thị xã, huyện đến xã, phường, thị trấn. Phạm vi tổng điều tra cơ sở kinh tế không bao gồm một số đối tượng sau đây:

- Các cơ sở kinh tế cá thể hoạt động trong các ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (đã điều tra trong tổng điều tra nông thôn nông nghiệp).

- Các cơ sở kinh tế không có địa điểm hoạt động cố định như vận tải thô sơ, bán hàng rong…(không điều tra, mà chỉ lập danh sách theo nơi cư trú của người hành nghề đó).

2. Đơn vị điều tra là “cơ sở kinh tế” với định nghĩa như sau:

- “Cơ sở” là nơi trực tiếp diễn ra hoạt động kinh tế, bao gồm hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ, hoặc hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động của Đảng, đoàn thể, hiệp hội…;

- Có người quản lý hoặc người chịu trách nhiệm thực hiện công việc tại đó;

- Có địa điểm xác định; và thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục/ định kỳ.

Với định nghĩa này, đơn vị điều tra không phụ thuộc vào cấp quản lý (trung ương/tỉnh, thành phố/huyện, quận/xã, phường); không phụ thuộc loại hình hạch toán (độc lập/phụ thuộc); không phụ thuộc qui mô (lớn/nhỏ).

3. Nội dung điều tra:

Nội dung thông tin thu thập điều tra bao gồm các nhóm chỉ tiêu chính như sau:

a) Nhóm chỉ tiêu nhận dạng, phân loại về đơn vị cơ sở như: tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại, số Fax, loại hình tổ chức, ngành nghề hoạt động...

b) Nhóm chỉ tiêu về lao động như: lao động thuê ngoài, lao động là người nước ngoài, trình độ đào tạo, giới tính, độ tuổi...

c) Nhóm chỉ tiêu về kết quả hoạt động và ứng dụng công nghệ thông tin như doanh thu (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh), thu nhập (đối với cơ sở hành chính, sự nghiệp, đoàn thể, hiệp hội), sản phẩm chủ yếu...

d) Nhóm chỉ tiêu kết quả kinh doanh, tài chính: doanh thu, vốn, tài sản, chi phí, lãi, lỗ,...sẽ được kết hợp khai thác từ kết quả cuộc điều tra doanh nghiệp (đã được tiến hành vào thời điểm 01/02/2007);

e) Nhóm thông tin về tình hình phát triển nghề truyền thống, làng nghề và hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm làng nghề....

4. Phương pháp điều tra:

Do đối tượng điều tra rộng, nhiều loại hình kinh tế, qui mô sản xuất kinh doanh, trình độ hạch toán kinh tế khác nhau, vì vậy, cuộc Tổng điều tra sẽ sử dụng hai phương pháp điều tra trực tiếp và gián tiếp.

- Điều tra trực tiếp: điều tra viên đến từng đơn vị điều tra để trực tiếp phỏng vấn, ghi phiếu điều tra. Phương pháp này áp dụng chủ yếu đối với các đơn vị điều tra là các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.

- Điều tra trực tiếp kết hợp với gián tiếp: Điều tra viên đến phát phiếu điều tra và bản giải thích cho từng đơn vị điều tra, hướng dẫn cách làm, hẹn thời gian kiểm tra, thu phiếu; đơn vị điều tra tự điền thông tin vào phiếu điều tra như đối với các đơn vị điều tra là doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập thuộc mọi loại hình tổ chức, các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc của chúng và các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Tuy nhiên, trong những trường hợp thuận lợi, đối với các loại phiếu này, điều tra viên cũng có thể tiến hành phỏng vấn trực tiếp và ghi phiếu (ví dụ đối với một số cơ sở sự nghiệp hoặc một số đơn vị chi nhánh…).

Riêng đối với các cơ sở thuộc khối cơ quan nhà nước như: Toà án, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp (tỉnh/thành phố, thị xã, huyện/xã phường) và các đơn vị phụ thuộc khối này; các cơ quan giáo dục, y tế và các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị phụ thuộc khối này, việc phát và thu phiếu điều tra sẽ thông qua đầu mối là cơ quan chủ quản.

5. Thời điểm điều tra và thời kỳ thu thập thông tin:

- Thời điểm điều tra: 01/7/2007.

- Thời kỳ số liệu có 2 dạng thu thập:

+ Số liệu thời điểm: lấy tại thời điểm 01/7/2007.

+ Số liệu thời kỳ: lấy số liệu năm 2006 và một số chỉ tiêu lấy số liệu 6 tháng đầu năm 2007.

II. Tổ chức thực hiện:

1. Thành lập Ban chỉ đạo tổng điều tra cấp tỉnh, cấp thành phố, thị xã, huyện, đến cấp xã, phường, thị trấn và đồng thời thành lập Tổ thường trực tổng điều tra cấp tỉnh, thành phố, thị xã, huyện giúp Ban chỉ đạo trong quá trình tổ chức, chỉ đạo, triển khai tổng điều tra.

a) Ban chỉ đạo các cấp khẩn trương, chỉ đạo thực hiện các công việc sau:

- Ở tỉnh: Ban chỉ đạo tỉnh có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, điều hành, mở hội nghị triển khai, tập huấn nghiệp vụ, lập dàn mẫu, phân công các thành viên Ban chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở tiến hành điều tra thu thập số liệu kịp thời, chính xác theo từng tiêu chí biểu mẫu quy định, chỉ đạo công tác phúc tra trên địa bàn tỉnh.

- Ở huyện, thị xã, thành phố: Ban chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai tập huấn nghiệp vụ lập danh sách, điều tra cụ thể cho Ban chỉ đạo và tổ trưởng, điều tra viên ở các xã, phường, thị trấn; thanh tra, kiểm tra, giám sát hướng dẫn, đôn đốc cơ sở tiến hành điều tra theo đúng phương án, biểu mẫu, đồng thời thu thập phần kết quả điều tra của cơ sở, kiểm tra, phúc tra, tổng hợp nhanh kết quả điều tra, phúc tra theo đúng phương án quy định của Ban chỉ đạo tỉnh.

- Ở xã, phường, thị trấn: Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn tổ chức tập huấn, chỉ đạo lập danh sách các đơn vị điều tra trên địa bàn mình phụ trách; tuyển chọn lực lượng trực tiếp điều tra (điều tra viên, đội trưởng điều tra) là những người có trình độ văn hóa, am hiểu tình hình thực tế của địa phương, đã từng tham gia các cuộc điều tra thống kê trước đây. Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc điều tra viên và cơ sở tiến hành điều tra theo đúng phương án, biểu mẫu, đồng thời thu thập phân tích kết quả điều tra của cơ sở, kiểm tra, tổng hợp nhanh kết quả điều tra đúng theo phương án quy định của Ban chỉ đạo tỉnh.

2. Giao Cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng phương án cụ thể Tổng điều tra của tỉnh đảm bảo đạt yêu cầu, mục đích và tiến độ thời gian của cuộc Tổng điều tra do trung ương và tỉnh quy định.

3. Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và thường trực Ban chỉ đạo tỉnh (Cục Thống kê) có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa và nội dung của cuộc Tổng điều tra lần này. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Văn hóa thông tin, Đài truyền thanh và truyền hình huyện, thị xã, thành phố tuyên tuyền các nội dung Tổng điều tra trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

4. Sở Tài chính cung cấp danh sách các đơn vị hành chính, sự nghiệp; Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp danh sách đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp, văn phòng đại diện,…và Cục Thuế cung cấp danh sách các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp, hộ cá thể theo các chỉ tiêu tên cơ sở, mã số thuế, địa chỉ và số thuế đã nộp cho thường trực Ban chỉ đạo tỉnh.

5. Cục Thống kê phối hợp với Sở Tài chính lập dự trù kinh phí xử lý tổng hợp số liệu tổng điều tra, thiết kế đĩa CD-ROM (chi tiết đến địa bàn xã, phường, thị trấn) làm tài liệu phục vụ cho những yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

III. Thời gian tổ chức, triển khai thực hiện Tổng điều tra:

1. Thành lập Ban chỉ đạo tỉnh và cấp huyện/thị xã/thành phố trong tháng 3/2007 và thành lập Ban chỉ đạo/Tổ chỉ đạo cấp xã/phường trong tháng 4/2007.

2. Ban chỉ đạo tỉnh, huyện tổ chức tập huấn trong tháng 5/2007.

3. Lập sanh sách các đơn vị điều tra trên địa bàn trong tháng 6/2007.

4. Điều tra thu thập thông tin theo các phiếu trong tháng 7/2007, bắt đầu từ ngày 01/7/2007 (30 ngày).

5. Nghiệm thu vào tháng 8, 9, 10/2007.

6. Tổng hợp nhanh trong tháng 11/2007.

7. Xử lý, tổng hợp phân tích kết quả Tổng điều tra trong tháng 02/2008.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Giao cho Cục Thống kê tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp và các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt nội dung chỉ thị./.

Nơi nhận:

- Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương;

- Thường trực Tỉnh ủy;

- Thường trực HĐND tỉnh;

- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;

- Mặt trận và các Đoàn thể tỉnh;

- Các cơ quan thuộc UBND tỉnh;

- Các cơ quan HCSN thuộc Trung ương;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố;

- Chánh, Phó Văn phòng UBND tỉnh;

- Lưu:VT, TH, KT. Nở (90b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

Đã ký

 

 

Huỳnh Tấn Thành