TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2020 tỉnh Bình Thuận

Kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2020 của tỉnh diễn ra trong bối cảnh có nhiều bất lợi, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi nắng hạn; đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, cùng với đó tình hình kinh tế của cả nước cũng như thế giới có nhiều biến động như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,… suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran, Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng căng thẳng,…

Trong điều kiện đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2020, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã sớm ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình dịch bệnh; kịp thời ban hành các kế hoạch và nhiều văn bản triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 đạt được những kết quả như sau:

I. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 3,81% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2016-2019 (Năm 2016 tăng 6,6%; năm 2017 tăng 6,53%; năm 2018 tăng 8,58%; năm 2019 tăng 8,46%.). Tuy thấp hơn so với cùng kỳ những năm gần đây, nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 gây ra. Trong mức tăng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,22%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,05%, đóng góp 4,52 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ giảm 3,18%, làm giảm 1,15 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,5%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 sáu đầu năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của nắng hạn, phải cắt giảm khoảng 15 ngàn hécta lúa vụ đông xuân; trong đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 3,07%; ngành lâm nghiệp tăng 18,45%; ngành thủy sản tăng 2,49%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 15,62% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành khai khoáng tăng 12,26%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,23%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 20,17%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,55%. Ngành xây dựng tăng 11,08%.

Ngành dịch vụ, đây là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19, nhất là lĩnh vực thương mại, xuất khẩu, dịch vụ. Sáu tháng đầu năm 2020, khu vực này có tốc độ tăng trưởng âm 3,18%; trong đó, nhóm ngành có tỷ trọng lớn góp phần vào mức tăng trưởng âm là dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh, giảm 19,34% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi giảm 19,78%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,26%; khu vực dịch vụ chiếm 31,68%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,27% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 24,9%; 32,81%; 33,78%; 8,51%).

II. Nông - Lâm - Thuỷ sản

Sáu tháng đầu năm 2020, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nắng hạn, theo đó Ủy ban Nhân dân tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh; nông dân tích cực gieo trồng vụ hè thu và thực hiện các biện pháp chống hạn; dịch tả lợn Châu Phi cơ bản được khống chế, đã có 47/47 xã có quyết định công bố hết dịch; thời tiết ngư trường thuận lợi, sản lượng khai thác thuỷ sản tăng (tăng 1,25% so cùng kỳ); công tác phòng, chống cháy rừng tiếp tục được tăng cường, không để xảy ra cháy gây thiệt hại về rừng.

1. Trồng trọt:

* Cây hàng năm:

- Vụ Đông Xuân 2019-2020: Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 31.926,1 ha, giảm 32,7% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích cây lúa đạt 22.208,9 ha, giảm 39,9%; cây bắp đạt 3.450,6 ha, giảm 3,0%.

Dự ước sản lượng lương thực vụ đông xuân đạt 176.527 tấn, giảm 34,5% so với cùng kỳ, năng suất bình quân ước 68,8 tạ/ha, tăng 2,3 tạ/ha. Trong đó, sản lượng lúa 148.266,6 tấn, giảm 38,7%, năng suất ước 66,8 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha; sản lượng bắp 28.260,4 tấn, tăng 1,7%, năng suất ước 81,9 tạ/ha tăng 3,8 tạ/ha.

- Tiến độ sản xuất vụ hè thu năm 2020: Kế hoạch sản xuất vụ hè thu của địa phương bắt đầu từ ngày 05/04 cho đến 30/06. Đối với những vùng chủ động nguồn nước, xuống giống tập trung từ 10/4 đến ngày 30/5, riêng hai huyện Đức Linh và Tánh Linh, một số vùng bố trí sản xuất vụ hè thu sớm để tránh lũ. Đối với những vùng chưa chủ động được nguồn nước tưới thì tùy thuộc tình hình nguồn nước tưới tại chỗ và diễn biến của thời tiết mà mỗi địa phương sẽ được bố trí lịch thời vụ cụ thể.

Ước tính đến ngày 15/6 toàn tỉnh xuống giống vụ Hè thu được 25.559,2 ha, bằng 51,8 % so với cùng kỳ và bằng 28,5 % so với kế hoạch vụ; các loại cây trồng khác đều giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng nắng hạn. Đối với cây lương thực, diện tích gieo trồng đạt 20.943,5 ha; trong đó, cây lúa đạt 18.225,5 ha, bằng 53,9% so với vụ cùng kỳ và bằng 43,2% so với kế hoạch (diện gieo trồng tích chủ yếu ở hai huyện Đức Linh và Tánh Linh); cây bắp đạt 2.718 ha, bằng 44,7% so với cùng kỳ. Cây có hạt chứa dầu đạt 699 ha, bằng 93% so với cùng kỳ. Cây thực phẩm đạt 3.420 ha, bằng 50,2% so với cùng kỳ. Cây hàng năm khác đạt 322,6 ha, bằng 93,2 % so với cùng kỳ.

* Cây lâu năm:

- Tổng diện tích trồng cây lâu năm 6 tháng đầu năm 2020 đạt 108.200 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ; trong đó, cây công nghiệp lâu năm 63.567,3 ha, giảm 0,6%; cây ăn quả lâu năm đạt 40.949 ha, tăng 4,2%; cây lâu năm còn lại 1.572,1 ha, giảm 2,6%. Diện tích, sản lượng một số cây chủ yếu, như sau:

+ Thanh long: Tổng diện tích đạt 32.664,6 ha, tăng 11,0% so với cùng kỳ; diện tích tăng chủ yếu là do hiệu quả trồng thanh long cao hơn một số cây lâu năm khác nên nhiều hộ đầu tư trồng mới. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 330.800 tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ, sản lượng dự ước tăng chủ yếu là do diện tích đến kỳ cho thu hoạch sản phẩm tăng. Đến thời điểm ngày 15/6/2020, có 9.850,7 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.

+ Cây điều: Tổng diện tích đạt 17.170 ha, giảm 1,8% so với cùng kỳ; diện tích biến động do một số nguyên nhân như ở huyện Hàm Tân diện tích tăng do thổ nhưỡng ở đây phù hợp với cây điều cao sản nên một số hộ dân đầu tư; thành phố Phan Thiết giảm do diện tích nằm trong khu quy hoạch sân bay và một phần do người dân sang nhượng chuyển bán; huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh giảm do hiệu quả không cao nhà vườn chuyển sang trồng các loại cây lâu năm khác. Sản lượng thu hoạch ước đạt 11.200 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

+ Cao su: Tổng diện tích đạt 42.260 ha, giảm 0,2 % so với cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 13.710 tấn, tăng 3,5%; trong những năm gần đây giá mủ cao su thấp, thị trường xuất khẩu chưa có nhiều chuyển biến tích cực, việc phát triển diện tích trồng mới trong thời gian tới dự ước sẽ không tăng.

+ Cây tiêu: Tổng diện tích đạt 1.420 ha, giảm 6,2% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 1.840 tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Do giá tiêu ở mức thấp, cây tiêu thường xuyên xuất hiện nhiều sâu bệnh (chết nhanh, chết chậm), nên việc phát triển thêm diện tích mới trong thời gian tới dự tính sẽ khó khăn.

+ Cà phê: Tổng diện tích đạt 2.315,5 ha, tăng 3,6 % so với cùng kỳ, hiện chưa đến vụ thu hoạch.

- Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể,...

* Tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng:

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng không diễn biến phức tạp, chỉ xảy ra dưới dạng cục bộ, ảnh hưởng không đáng kể đến cây trồng; diễn biến tình hình cụ thể như sau:

- Cây lúa: Diện tích bị nhiễm do bọ trĩ 1.038 ha, tăng 931 ha so với cùng kỳ, với mật độ 1.250-2.500 con/m2; ốc bươu vàng 115 ha, giảm 234 ha so với cùng kỳ, mật độ 2,5-5 con/m2; sâu đục thân 35 ha, tăng 35 ha so với cùng kỳ; bệnh đạo ôn lá 850 ha, trong đó, nhiễm nhẹ tỉ lệ bệnh 5-10% là 700 ha, nhiễm trung bình tỉ lệ 7,5-15% là 150 ha, tăng 715 ha so với cùng kỳ.

-  Cây mỳ: Bệnh nhện đỏ gây hại 370 ha, tăng 120 ha so với cùng kỳ; rệp sáp diện tích nhiễm 110 ha, tăng 15 ha so với cùng kỳ.

- Cây thanh long: Diện tích nhiễm bệnh nám vàng cành 4.351 ha, tăng 2.308 ha so với cùng kỳ, trong đó, nhiễm nhẹ tỉ lệ 5-10% là 3.806 ha, nhiễm trung bình tỉ lệ 10-20% là 406 ha, nhiễm nặng tỉ lệ >20 % là 80 ha; bệnh thối rễ tóp cành 1.589 ha với tỉ lệ 7,5-15%, tăng 1.050 ha so với cùng kỳ, trong đó nhiễm nhẹ tỉ lệ 5-10% là 1.583 ha, nhiễm trung bình tỉ lệ 7,5-15% là 6 ha; bệnh đốm nâu 379 ha với tỉ lệ 5-10%, giảm 307,5 ha so với cùng kỳ.

- Cây điều: Diện tích nhiễm bệnh bọ xít muỗi 49 ha, giảm 144 ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích nhiễm bệnh thán thư 40 ha, giảm 765 ha.

* Tình hình tưới tiêu 6 tháng đầu năm:

Sáu tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối diện với tình trạng hạn hán cấp độ 2, dẫn đến tình hình tưới tiêu và nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh đã có mưa trên diện rộng, hệ thống thủy lợi có khoảng 49,9 triệu m3/259,4 triệu m3, đạt 19,3% dung tích thiết kế, mực nước ở hai hồ thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận có khoảng 83,8 m3/774,2 m3, đạt 10,8% dung tích thiết kế; nguồn nước ngọt cung cấp sinh hoạt cho người dân hiện nay được ổn định, chính quyền địa phương các cấp tập trung phân bổ nguồn nước tưới để giảm tải thiệt hại cây trồng do nắng hạn trong thời gian qua.

Kế hoạch tưới tiêu vụ Hè thu 32.095 ha, nhưng hiện tại việc phục vụ tưới tiêu chỉ đạt khoảng 12.840 ha, bằng 40% kế hoạch toàn tỉnh; trong đó, chi nhánh La Ngà thực hiện được 12.040 ha, chi nhánh La Gi - Hàm Tân thực hiện được 349 ha và chi nhánh Hàm Thuận Bắc thực hiện được 452 ha.

2. Chăn nuôi:

- Chăn nuôi trâu, bò: Ứớc đến thời điểm 15/6/2020 toàn tỉnh có 177.040 con trâu, bò, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Trong đó, đàn trâu 8.650 con, giảm 3,3%, nguyên nhân giảm chủ yếu do thời gian sinh trưởng và phát triển đàn chậm, hiệu quả kinh tế thấp so với các loại vật nuôi khác; đàn bò 168.390 con, tăng 0,9%, chăn nuôi bò tiếp tục duy trì và phát triển, góp phần tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông thôn.

- Chăn nuôi lợn: Đang hồi phục do giá lợn hơi đang ở mức cao, các đơn vị chăn nuôi đang mở rộng quy mô phát triển đàn trở lại. Ước đến thời điểm 15/6/2020, tổng đàn lợn 271.300 con, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

- Chăn nuôi gia cầm: Đàn gia cầm phát triển khá tốt, dịch bệnh được kiểm soát, giá cả và tình hình tiêu thụ ổn định; do đó nhiều cơ sở chăn nuôi mạnh dạn mở rộng quy mô đàn. Ước đến thời điểm 15/6/2020, tổng đàn gia cầm 3.756 ngàn con, tăng 9,9% so với cùng kỳ.

- Đàn gia súc khác (dê, cừu,...): ước đến thời điểm 15/6/2020, có 36.990 con dê, cừu tăng 6,2% so với cùng kỳ; trong đó đàn dê 34.100 con, tăng 6,6%, đàn cừu 2.890 con, tăng 1,6%. Đàn dê, cừu phát triển do thị trường đầu ra, giá bán ổn định đã khuyến khích người chăn nuôi phát triển đàn.

- Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 32.684 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó thịt bò 3.812 tấn, tăng 3,3%; thịt lợn 24.000 tấn, tăng 8,0%; thịt gia cầm các loại 4.554,5 tấn tăng 8,4%.

* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật:

- Công tác tiêm phòng: Trong tháng 6 năm 2020 đã tổ chức tiêm phòng 2.184.340 liều vắc xin; trong đó, đàn trâu bò 406 liều, đàn heo 48.598 liều, đàn gia cầm 2.134.350 liều. Luỹ kế 6 tháng (tính đến ngày 15/6/2020) đã tiêm phòng 11.692.808 liều vắc xin; trong đó, đàn trâu bò 80.148 liều, đàn heo 200.625 liều, đàn gia cầm 11.412.035 liều.

- Kiểm dịch động vật: Trong tháng 6 năm 2020 đã tổ chức kiểm dịch đàn heo 65.899 con, 387 con trâu bò, 479.540 con gia cầm, 3.670 kg thịt dê, 2.572.120 quả trứng gia cầm. Lũy kế 6 tháng (tính đến ngày 15/6/2020) đã kiểm dịch 612.980 con heo, 4.882 con trâu bò, 1.866.714 con gia cầm, 208 con dê, 21.751 kg thịt dê, 13.703.480 quả trứng gia cầm.

- Kiểm soát giết mổ: Trong tháng 6 năm 2020 đã tổ chức thực hiện kiểm soát giết mổ 32 con trâu, bò; 1.965 con heo; 4.245 con gia cầm; 189 con dê. Luỹ kế 6 tháng (tính đến ngày 15/6/2020) đã kiểm soát 234 con trâu, bò; 14.895 con heo; 32.382 con gia cầm; 968 con dê.

3. Lâm nghiệp:

- Sáu tháng đầu năm hoạt động trồng rừng chưa được triển khai. Các đơn vị chủ rừng gieo tạo 540 nghìn cây giống, lũy kế 6 tháng đạt 2.425 nghìn cây, đạt 115,5% kế hoạch năm. Diện tích rừng trồng khai thác là 5.939 ha; lũy kế 6 tháng đạt 12.104 ha. Diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng 6 tháng năm 2020 ước đạt 1.500 ha.

- Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 41 trường hợp cháy rừng, với diện tích 67,02 ha, chủ yếu cháy trảng cỏ, cây bụi, lá khô dưới tán rừng được huy động chữa cháy kịp thời nên không gây hại về tài nguyên rừng.

- Giao khoán bảo vệ rừng 131.392 ha, đạt 108,6% kế hoạch. Khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 1.500 ha, đạt 100% kế hoạch.

- Trong tháng đã phát hiện 34 vụ vi phạm lâm luật; lũy kế 6 tháng 123 vụ. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý trong tháng 31 vụ, luỹ kế 6 tháng đã xử lý 122 vụ. Số tiền phạt, bán tang vật nộp vào ngân sách là 640 triệu đồng.

4. Thuỷ sản:

- Sản lượng thuỷ sản tháng 6 ước 22 ngàn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ; trong đó nuôi trồng 1,2 ngàn tấn, tăng 0,3%, khai thác 20,8 ngàn tấn tăng 3,8%. Luỹ kế 6 tháng ước đạt 101,4 ngàn tấn, tăng 1,14% so cùng kỳ; chia ra, nuôi trồng 6,9 ngàn tấn, giảm 0,35%, khai thác 94,5 ngàn tấn, tăng 1,25%.

- Sản lượng tôm giống sản xuất tháng 6 đạt 2,2 tỷ post, bằng 82,6% so với tháng cùng kỳ; lũy kế 6 tháng, ước đạt 11,2 tỷ post, bằng 82,6% so với cùng kỳ; tình hình sản xuất tôm giống trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng về giá, sản lượng tôm thương phẩm tiêu thụ chậm. Cá giống các loại trong tháng ước đạt 1,5 triệu post, giảm 6,2% so cùng kỳ; luỹ kế 6 tháng, ước đạt 7,6 triệu post, giảm 5% so với cùng kỳ.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường. Luỹ kế 5 tháng (tính đến 15/5/2020) có 33 vụ vi phạm; trong đó, có 02 vụ không đăng ký tàu cá, 03 vụ không chứng chỉ thuyền trưởng, 02 vụ không đánh dấu tàu cá, 2 vụ tàng trữ ngư cụ cấm trên tàu cá, 09 vụ không cập cảng cá chỉ định bốc dở sản phẩm, 07 vụ không thông báo trước khi cập cảng, 05 vụ thuyền viên không có tên trong sổ danh bạ,…). Thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Trung ương về chống khai thác IUU và khắc phục tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU theo ý kiến kết luận của Đoàn Thanh tra Ủy ban Châu Âu; tập trung thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, tính đến ngày 07/5/2020 đã lắp đặt 1.217 tàu/1.948 tàu; trong đó lắp đặt được 35 tàu /36 tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên, đạt 97,2% và 1.182 tàu/ 1.912 tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét thuộc diện lắp đặt thiết bị VMS, đạt 61,8%). Ứớc thực hiện đến ngày 30/6/2020 đăng kiểm 1.310 chiếc/ 3.878 chiếc (đạt 33,8%), giảm 136 chiếc so cùng kỳ.

- Đã kiện toàn và duy trì hoạt động 129 tổ đoàn kết/982 thuyền/5.184 lao động và 02 nghiệp đoàn nghề cá. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa.

III. Công nghiệp; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

1. Công nghiệp:

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến khu vực sản xuất công nghiệp, nhất là các lĩnh vực ngành nghề như chế biến, chế tạo; dự ước chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 14,61% so với cùng kỳ (sáu tháng đầu năm 2019/2018 tăng 22,07%). Các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng dịch Covid-19; các ngành hàng bị ảnh hưởng về thị trường xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm gồm: giày da, may mặc, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ, nông sản, thủy sản.

- Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm ước đạt 17.234 tỷ đồng, đạt 47,32% kế hoạch, tăng 9,51% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp khai khoáng 363 tỷ đồng, tăng 11,57%; công nghiệp chế biến chế tạo 7.989 tỷ đồng, tăng 0,96%; sản xuất và phân phối điện 8.732 tỷ đồng, tăng 18,69%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải 149 tỷ đồng, tăng 5,4%.

- Một số sản phẩn chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: cát sỏi các loại tăng 4,73%; đá khai thác tăng 2,47%; muối hạt tăng 45,37%; thuỷ sản đông lạnh tăng 0,28%; hạt điều nhân tăng 27,8%; nước khoáng tăng 2,63%; gạch các loại tăng 16,18%; nước máy sản xuất tăng 1,33%; điện sản xuất tăng 17,42%; thức ăn gia súc tăng 15,34%.

- Dự ước chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 6 năm 2020 tăng 18,92% so với cùng kỳ, trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,5%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,34%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 24,63%, ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,52%. Dự ước chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 14,61% so với cùng kỳ, trong đó, ngành khai khoáng tăng 8,44%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,02%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 18,85%, ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,41% so với cùng kỳ.

- Xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như sau:

+ Sản xuất kinh doanh quý II/2020 so quý I/2020: Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo cho thấy có 47,89% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; có 28,17% số doanh nghiệp cho rằng ổn định, tuy nhiên có 23,94% số doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất gặp khó khăn.

+ Có 47,62% doanh nghiệp ngoài quốc doanh đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh có chiều hướng tốt lên; có 25,4% doanh nghiệp ngoài quốc doanh cho rằng có chiều hướng giữ nguyên; tuy nhiên có 26,98% số doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất gặp khó khăn.

+ Có 42,86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh có chiều hướng tốt lên; có 57,14% doanh nghiệp vốn FDI cho rằng có chiều hướng giữ nguyên và không có doanh nghiệp vốn FDI nào đánh giá có chiều hướng giảm (khó khăn hơn).

+ Về số lượng đơn đặt hàng mới, có 46,48% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng quý 2/2020 cao hơn quý trước; có 23,94% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng giảm và 29,58% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng ổn định.

+ Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2020 so với quý 2/2020 của các doanh nghiệp: Có 98,57% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó, có 78,57% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn, 20% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh ổn định và 1,43% cho rằng sẽ khó khăn hơn.

+ Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II/2020 so với quý I/2020, có 40% doanh nghiệp đánh giá do thiếu nguyên nhiên vật liệu; có 7,69% doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; có 10,77% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; có 7,69% doanh nghiệp đánh giá do nhu cầu thị trường quốc tế thấp; có 7,69% doanh nghiệp cho rằng do không tuyển được lao động theo yêu cầu; có 10,77% doanh nghiệp cho rằng do gặp khó khăn về tài chính; có 6,15% doanh nghiệp đánh giá do chính sách pháp luật nhà nước và có 9,24% doanh nghiệp đánh giá lý do khác.

- Tình hình hoạt động của các khu công nghiệp: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cơ bản được duy trì ổn định. Trong tháng 5/2020, phần lớn các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, các doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm lao động và đang lập hồ sơ danh sách người lao động cần được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP để gửi cho Ban Quản lý các khu công nghiệp thẩm định; do đó, một số chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh có giảm so với cùng kỳ, cụ thể: doanh thu ước đạt 190 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng ước đạt 1.270 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ và đạt 23,96% kế hoạch năm.

2. Đầu tư phát triển:

Qua 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã kịp thời có những giải pháp, đồng bộ, hiệu quả để ứng phó cả trước mắt và lâu dài, tháo gỡ khó khăn, khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, quan trọng, bức xúc và các dự án lớn tạo đột phá để khai thác tiềm năng lợi thế, thu hút mạnh mẽ đầu tư trên địa bàn. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2020 đạt 13.518,7 tỷ đồng, tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt 1.410,8 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng vẫn tiếp tục thực hiện hiện các dự án trọng điểm của tỉnh (theo Nghị quyết số 93/NQ-HĐND, ngày 02/12/2019 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công và danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh năm 2020). Qua 6 tháng đầu năm 2020, các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh đã được quan tâm triển khai thực hiện; được ưu tiên bố trí vốn; định kỳ hàng tháng rà soát đánh giá tiến độ thực hiện của từng dự án, giải quyết kịp thời các vướng mắc khó khăn,...

3. Đăng ký kinh doanh:

Từ đầu năm đến nay (đến 20/6/2020) có 596 doanh nghiệp thành lập mới, bằng so với cùng kỳ (trong đó có 404 doanh nghiệp, tăng 1,25% so với cùng kỳ và 192 đơn vị trực thuộc, giảm 2,54% so với cùng kỳ); vốn đăng ký 4.587,94 tỷ đồng, giảm 18,19% so với cùng kỳ; đã giải thể 91 doanh nghiệp, giảm 32,59% so với cùng kỳ (trong đó có 45 đơn vị trực thuộc); tạm ngừng hoạt động 185 doanh nghiệp, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ (trong đó 36 đơn vị trực thuộc); thông báo thay đổi 195 doanh nghiệp, tăng 36,36% so với cùng kỳ; hoạt động trở lại 54 doanh nghiệp (trong đó 9 đơn vị trực thuộc), giảm 29,87% so với cùng kỳ.

4. Đăng ký đầu tư:

Từ đầu năm đến ngày 10/6/2020, trên địa bàn tỉnh có 22 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng diện tích đất 235,6 ha, tổng vốn đăng ký 5.292,9 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế đến ngày 10/6/2020, trên địa bàn tỉnh có 1.569 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng diện tích đất 49.835 ha, tổng vốn đăng ký 319.049 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng (tính đến 10/6/2020) có 07 dự án khởi công, không có dự án đi vào hoạt động và 04 dự án bị thu hồi do chậm triển khai thực hiện theo quy định. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng; công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện.

IV. Thương mại, giá cả; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải
1. Thương mại, giá cả:

Sáu tháng đầu năm 2020, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra; tuy nhiên, hàng hoá vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng, giá bán ổn định không tăng giá đột biến; các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, hệ thống chợ trong toàn tỉnh vẫn duy trì phục vụ nhu cầu người dân và có sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Hoạt động thương mại, dịch vụ giảm so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 6 ước đạt 4.478,2 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 4,68% và giảm 3,28% so với tháng cùng kỳ; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 3,18% so tháng trước và giảm 2,54% so với tháng cùng kỳ; dịch vụ ước đạt 525,3 tỷ đồng, tăng 4,74% so tháng trước và tăng 7,33% so tháng cùng kỳ; lưu trú, ăn uống ước đạt 844,9 tỷ đồng, tăng 9,98% so tháng trước và giảm 10,7% so tháng cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, ước đạt 26.803,2 tỷ đồng, giảm 3,83% so cùng kỳ năm trước (luỹ kế 6 tháng năm 2018/2017 tăng 11,3%; luỹ kế 6 tháng năm 2019/2018 tăng 11,77%).

+ Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 18.767,9 tỷ đồng, chiếm 70,02% tổng mức và tăng 1,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm ngành lương thực, thực phẩm tăng 0,81%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 0,67%; may mặc giảm 1,19%; phương tiện đi lại tăng 1,92%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 0,57%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm tăng nhẹ do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

+ Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm ước tính đạt 5.176,9 tỷ đồng, chiếm 19,31% tổng mức và giảm 18,23% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019/2018 tăng 13,56%). Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn tỉnh từ tháng 1/2020 đến khoảng trung tuần tháng 3/2020 hoạt động bình thường; từ giữa trung tuần tháng 3/2020 đến 25/4/2020 các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn tỉnh bị đình trệ gần như hoàn toàn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra; tuy nhiên, sau gần 1,5 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch, đặc biệt từ sau nghỉ lễ 30/4, 1/5 và việc mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, tâm lý người dân đã bớt lo ngại, các hoạt động lưu trú, ăn uống đã hoạt động trở lại, nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm mạnh.

+ Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng đầu năm ước tính đạt 2.858,5 tỷ đồng, chiếm 10,66% tổng mức và giảm 5,27% so với cùng kỳ năm trước.

- Công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, quản lý địa bàn, nắm tình hình giá cả, biến động được tăng cường, qua đó phát hiện nhanh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng kinh doanh theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hoá lưu thông trên thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trong tháng 5 năm 2020, đã kiểm tra 204 vụ, phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm; trong đó, có 02 vụ vi phạm hàng cấm, 01 vụ hàng nhập lậu, 01 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, 01 vụ vi phạm trong kinh doanh...; đã xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước 141,9 triệu đồng. Luỹ kế 5 tháng, đã kiểm tra 789 vụ, phát hiện và xử lý 124 vụ vi phạm; trong đó có 17 vụ vi phạm hàng cấm, 10 vụ vi phạm hàng nhập lậu, 03 vụ vi phạm đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, 39 vụ vi phạm trong kinh doanh, 28 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, 27 vụ vi phạm trên các lĩnh vực khác...; đã xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước 1.174 triệu đồng.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2020 so với tháng trước tăng 0,69%; so với tháng cùng kỳ năm trước (sau 01 năm) tăng 3,91%; bình quân 6 tháng năm 2020 tăng 4,57% so bình quân 6 tháng năm 2019; so với tháng 12/2019 chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,72%.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm hàng tăng: Giao thông tăng 7,06%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,63%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,38%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,05%. Riêng, 3 nhóm hàng vẫn ở mức ổn định, không biến động: Thuốc và dịch vụ y tế 100%; bưu chính viễn thông100% và giáo dục 100%.

2. Du lịch:

Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng khá nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Lượng khách đến cũng như doanh thu giảm mạnh làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Dự ước trong tháng 6 các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ 109 ngàn lượt khách, tăng 19,22% so tháng trước và giảm 78,29% so tháng cùng kỳ; số ngày khách phục vụ đạt 206,9 ngàn ngày khách, tăng 20,31% so tháng trước và giảm 75% so tháng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng, ước đạt 1.546,2 ngàn lượt khách, giảm 47,59% so cùng kỳ năm trước; số ngày khách ước đạt 2.629,7 ngàn ngày khách, giảm 45,58% so cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 6, lượng khách quốc tế đến tỉnh chưa có dấu hiệu tăng trở lại so với tháng trước, do nước ta tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến tỉnh trong tháng thấp, chỉ đạt 3,1 ngàn lượt khách, tăng 0,57% so với tháng trước và giảm 94,91 so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, khách quốc tế đến tỉnh 155,5 ngàn lượt khách, giảm 58,77% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ đạt 511,1 ngàn ngày khách, giảm 55,25% cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng 6 ước đạt 497 tỷ đồng, tăng 17,39% so với tháng trước và giảm 61,49% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 6 tháng, ước đạt 4.652,3 tỷ đồng, giảm 37,39% so với cùng kỳ năm trước.

3. Xuất, nhập khẩu:

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Trong giai đoạn cao điểm của dịch, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều diễn ra rất chậm, giảm mạnh, chủ yếu do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 6 năm 2020 ước đạt 31,24 triệu USD, giảm 10,32% so với tháng trước và giảm 21,88 so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng thủy sản ước đạt 8,94 triệu USD, giảm 22,79% so với tháng trước, giảm 22,8% so với cùng kỳ; nhóm hàng nông sản ước đạt 0,58 triệu USD, giảm 17,64% so với tháng trước, giảm 20,47% so với cùng kỳ; nhóm hàng hóa khác ước đạt 21,72 triệu USD, giảm 3,68% so với tháng trước, giảm 21,52% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 207,7 triệu USD, giảm 3,01% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 163,92 triệu USD (chiếm 78,92% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 2,36%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,78 triệu USD (chiếm 21,08% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 17,23%.

- Xuất khẩu trực tiếp 6 tháng đầu năm năm 2020 đạt 198,71 triệu USD, giảm 2,67% so với cùng kỳ; về thị trường hàng hóa xuất khẩu trực tiếp: thị trường Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng đầu năm với kim ngạch ước đạt 135,18 triệu USD, giảm 1,79%; thị trường Châu Âu đạt 29,40 triệu USD, tăng 25,85%; thị trường Châu Mỹ đạt 32,37 triệu USD, giảm 19,78%.

- Ủy thác xuất khẩu 6 tháng năm 2020 ước đạt 8,99 triệu USD, giảm 9,87% so với cùng kỳ.

- Nhập khẩu 6 tháng đầu năm năm 2020 ước đạt 325 triệu USD, giảm 48,53% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 52,04%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 26,32%. Các mặt hàng có số lượng nhập khẩu tăng mạnh như: mặt hàng thuỷ sản tăng 203,4%; mặt hàng rau tăng 84,51%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 23,51%. Bên cạnh đó, các mặt hàng có tỷ trọng lớn giảm mạnh như: máy móc, thiết bị phụ tùng khác giảm 97,4%; vải may mặc giảm 6,01%; hàng hóa khác giảm 19,03%.

4. Giao thông vận tải:

Sáu tháng đầu năm 2020, trước diễn biến khá phức tạp của dịch Covid-19 và đồng thời thực hiện việc giãn cách xã hội đã tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh; trong đó, vận tải hành khách chịu ảnh hưởng lớn khi lượng khách vận chuyển 6 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ.

- Vận tải hành khách:

+ Ước tháng 6 đã vận chuyển 846,8 nghìn hành khách và luân chuyển 43,8 triệu hk.km. Lũy kế 6 tháng, vận chuyển 8.301,8 nghìn nh khách, giảm 36,59% so cùng kỳ và luân chuyển 417,6 triệu hk.km, giảm 35,84% so cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 6 vận chuyển hành khách đường bộ đạt 835,24 nghìn hành khách; lũy kế 6 tháng đạt 8.245,24 nghìn hành khách, giảm 36,59% so với cùng kỳ. Vận chuyển hành khách đường thủy đạt 11,5 nghìn hành khách; lũy kế 6 tháng đạt 56,6 nghìn hành khách, giảm 46,35% so với cùng kỳ. Luân chuyển hành khách đường bộ đạt 42,7 triệu hk.km, lũy kế 6 tháng đạt 411,68 triệu hk.km, giảm 35,58% so với cùng kỳ; luân chuyển hành khách đường thủy đạt 1,07 triệu hk.km, lũy kế 6 tháng đạt 5,9 triệu hk.km, giảm 49,65% so với cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hoá:

+ Ước tháng 6 vận chuyển hàng hoá đạt 478,43 nghìn tấn và luân chuyển hàng hoá đạt 26,31 triệu tấn.km. Lũy kế 6 tháng, toàn tỉnh đã vận chuyển 3.853,16 nghìn tấn hàng hoá, giảm 23,5% so với cùng kỳ và luân chuyển hàng hoá đạt 209,48 triệu tấn.km, giảm 26,67% so với cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 6 vận chuyển hàng hoá đường bộ đạt 477,93 nghìn tấn, lũy kế 6 tháng đạt 3.849,94 nghìn tấn, giảm 23,58% so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,49 nghìn tấn, lũy kế 6 tháng đạt 3,22 nghìn tấn, giảm 31,17% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 25,687 triệu tấn.km, lũy kế 6 tháng đạt 205,64 triệu tấn.km, giảm 26,73% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 55,44 nghìn tấn.km, lũy kế 6 tháng đạt 370,80 nghìn tấn.km, giảm 31,43% so với cùng kỳ năm trước.

- Cảng quốc tế Vĩnh Tân: Khối lượng bốc xếp hàng hoá tháng 6 ước đạt 30.000 tấn; lũy kế 6 tháng, đạt 265.092 tấn. Các mặt hàng chủ yếu thông qua cảng gồm quặng Ilmenite, cát, tro bay, xi măng,... Ước doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 12,57 tỷ đồng.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước tháng 6 đạt 117.344,4 triệu đồng, tăng 11,42% so với tháng trước và giảm 40,36% so với cùng kỳ; luỹ kế 6 tháng ước đạt 861.166,7 triệu đồng, giảm 27,38% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 335.503,8 triệu đồng, giảm 34,50% so với cùng kỳ; Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 506.737,6 triệu đồng, giảm 21,82% so với cùng kỳ; Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 18.925,3 triệu đồng, giảm 25,84% so với cùng kỳ.

V. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách:

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ. Thu NSNN của tỉnh giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp SXKD, đồng thời bị ảnh hưởng một phần do điều chỉnh chính sách thu theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Chi ngân sách đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ nhu cầu phát triển KT-XH, ANQP và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 37/NQ-CP; thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP.

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước thực hiện 4.983,8 tỷ đồng, đạt 46,36% dự toán năm, giảm 29,51% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 3.623,8 tỷ đồng, đạt 47,37% so với dự toán, giảm 23,63% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 615,7 tỷ đồng, đạt 47,36% dự toán năm, giảm 36,77% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 744,3 tỷ đồng, đạt 41,35% dự toán năm, giảm 44,94% so cùng kỳ. Một số khoản thu nội địa giảm lớn so với cùng kỳ năm trước là do tác động của dịch bệnh Covid-19 và việc thực hiện chính sách của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Chi ngân sách địa phương trong tháng 6 ước thực hiện 500 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đạt 7.224,97 tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển 2.454,9 tỷ đồng, chi thường xuyên 2.675,4 tỷ đồng.

2. Hoạt động tín dụng:

- Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tính đến 31/5/2020, nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn là 534 tỷ đồng, chiếm 0,87% tổng dư nợ, tăng 0,3% so với cuối năm 2019. Đến 10/6/2020, đã giảm lãi vay cho 86 khách hàng với số tiền lãi được giảm là 141 triệu đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.087 tỷ đồng/2.227 khách hàng. Cùng với việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi vay, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, triển khai thực hiện các chương trình cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch từ 23/01/2020 là 5.514 tỷ đồng/2.353 khách hàng.

- Tình hình thực hiện lãi suất: Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng là 4-4,25%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 5,1-6,8%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên là 6,8-7,4%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 5%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân là 6%/năm), các lĩnh vực khác từ 7,5-9,5%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9,5-12%/năm.

- Hoạt động huy động vốn: Tính đến 31/5/2020, nguồn vốn huy động đạt 38.511 tỷ đồng, giảm 1,27% so với cuối năm 2019. Ước đến 30/6/2020, vốn huy động đạt 40.175 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2019.

- Hoạt động tín dụng: Các Tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng cho vay đi đôi với an toàn và hiệu quả, gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương. Tính đến 31/5/2020, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 61.222 tỷ đồng, tăng 3,79% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 60.133 tỷ đồng, chiếm 98,2% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 33.219 tỷ đồng, chiếm 54,3% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm 3,4% tổng dư nợ; lãi suất từ 6-7%/năm chiếm 9,1% tổng dư nợ; lãi suất trong khoảng 7-9%/năm chiếm 21% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 57% tổng dư nợ; lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 9,5% tổng dư nợ. Ước đến 30/6/2020, dư nợ đạt 62.523 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2019.

- Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và Địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 34.343 tỷ đồng, chiếm 56,1% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 703 tỷ đồng, chiếm 1,15% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 13.893 tỷ đồng, chiếm 22,7% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay các đối tượng chính sách xã hội đạt 2.777 tỷ đồng.

- Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ đạt 960,6 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 296 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 656,3 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 8,3 tỷ đồng), trong đó nợ xấu 23 tỷ đồng/6 tàu; nợ cơ cấu lại thời hạn 94,2 tỷ đồng/91 tàu.

- Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN và Nghị quyết số 30/NQ-CP: Dư nợ cho vay đạt 321 tỷ đồng phục vụ nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi tôm giống công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao; dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, sản xuất thuốc thú y, thức ăn gia súc đạt 461 tỷ đồng.

- Cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: Hiện đang được triển khai tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh với dư nợ đạt 36,5 tỷ đồng/100 hộ.

- Hoạt động thanh toán, cung ứng tiền mặt: Tăng cường đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển lương qua tài khoản, thanh toán qua POS. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục được mở rộng, hoạt động thông suốt và an toàn. Đến 31/5/2020, trên địa bàn có 185 máy ATM (tăng 10 máy so với cuối năm 2019) và 1.633 máy POS (tăng 13 máy so với cuối năm 2019), hầu hết máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

- Tình hình thị trường ngoại tệ và vàng trên địa bàn: Các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bám sát và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động ngoại tệ, quy định cho vay bằng ngoại tệ, các quy định về mua bán ngoại tệ. Diễn biến thị trường vàng, ngoại hối trên địa bàn tiếp tục phát triển theo hướng ổn định. Nhìn chung, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Doanh số mua bán ngoại tệ trong 05 tháng đầu năm đạt 292,8 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 40,2 triệu USD.

VI. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa:

Công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị được tăng cường, nhất là tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về công tác phòng, chống, ứng phó dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần ổn định dư luận trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Hoạt động Thư viện: Cấp mới 323 thẻ (thiếu nhi 60 thẻ); phục vụ 1.410,7 ngàn lượt bạn đọc (thiếu nhi 243,2 ngàn lượt), lượt bạn đọc truy cập website 1.397,5 ngàn lượt, luân chuyển 1.427,19 ngàn lượt tài liệu (thiếu nhi 20,87 ngàn lượt). Hoạt động bảo tồn, bảo tàng trong 6 tháng đầu năm 2020 đã đón 69.846 lượt khách, trong đó 11.973 lượt khách nước ngoài.

2. Thể dục thể thao:

Trong quý I/2020, hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường. Tuy nhiên, từ nữa cuối tháng 3/2020 trở đi do phải thực thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó nhiều chương trình lễ hội bị hủy, các hoạt động thể dục thể thao địa phương tạm hoãn tổ chức. Tổng số huy chương 6 tháng đầu năm 2020: 05 huy chương, đạt 4,5% chỉ tiêu, trong đó 02 huy chương bạc, 03 huy chương đồng.

3. Giáo dục và Đào tạo:

Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì, kết quả sơ kết học kỳ I năm học 2019-2020, như sau: Kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đạt 01 giải nhì, 02 giải ba, 07 giải khuyến khích (so với năm học 2018-2019, tăng 01 giải khuyến khích); kết quả kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2019-2020 đạt 15 giải nhất, 63 giải nhì, 277 giải ba; kết quả cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học có 38 dự án tham gia dự thi, kết quả có 14 dự án đạt giải chính thức, 01 đơn vị đạt giải tập thể, ngoài ra có 06 dự án đạt giải chuyên biệt.

Triển khai đồng bộ giải pháp tích cực, thường xuyên tổ chức kiểm tra, vận động học sinh bỏ học ra lớp; Tỷ lệ học sinh bỏ học trong học kỳ I, năm học 2019 - 2020 là 373 em, đạt tỷ lệ 0,16% (giảm 253 học sinh bỏ học so với cùng kỳ năm học trước), cụ thể: cấp Tiểu học là 0,003% (giảm 0,017% so với cùng kỳ năm học trước), cấp Trung học cơ sở là 0,39% (giảm 0,29% so với cùng kỳ năm học trước), cấp Trung học phổ thông là 0,20% (giảm 0,01% so với cùng kỳ năm học trước), nguyên nhân số học sinh bỏ học là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, có học lực yếu kém và các nguyên nhân khác,...

 Tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động giáo dục và đào tạo trong học kỳ II của năm học 2019-2020 bị gián đoạn, kéo dài, ảnh hưởng đến việc dạy học của giáo viên, việc học tập của học sinh, sinh viên, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đều chậm tiến độ.

4. Y tế:

Tập trung phòng, chống dịch bệnh được các đơn vị triển khai kế hoạch phòng chống ngay từ đầu năm nhất là các bệnh truyền nhiễm như Cúm A H1N1, H5N1, H7N9, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh Zika,...

Đặc biệt, đã triển khai đồng bộ các hoạt động, các công việc để phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đến nay, tỉnh Bình Thuận có 9/9 ca nhiễm đã được chữa khỏi bệnh, 237 đối tượng Vòng 1 (F1) của 9 ca dương tính đã được cách ly tập trung và xử lý theo quy định, đều có kết quả xét nghiệm âm tính và theo dõi tại địa phương. Số tiếp xúc gần (Vòng 1) đến nay đã ghi nhận được là 356 trường hợp. Số mẫu xét nghiệm đã lấy đến thời điểm ngày 11/5/2020 là 1.495 mẫu, trong đó 9 trường hợp dương tính và 1.421 trường hợp âm tính, còn lại là những trường hợp xét nghiệm lại. Thực hiện tốt các nhiệm vụ sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các trường hợp bệnh nhân nhiễm vi rút Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly, thành lập các đội đáp ứng nhanh hỗ trợ điều trị cho tuyến dưới, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ, thuốc, hóa chất phòng chống dịch.

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường, từ đầu năm đến nay xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số người mắc là 02 người; trong đó, có 01 người tử vong, xác định nguyên nhân do độc tố tự nhiên từ cá nóc mú.

5. Thông tin và Truyền thông; Khoa học - Công nghệ; Bưu chính, viễn thông:

- Thông tin và Truyền thông: Trong 6 tháng đầu năm 2020, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời, đa dạng. Đáng chú ý các báo tập trung đăng tin, bài về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi Covid-19 và những nỗ lực ngăn chặn dịch của tỉnh. Thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhân dân; hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông được đầu tư theo hướng hiện đại, chất lượng các dịch vụ ngày càng được nâng lên. Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng; đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Các sở, ngành, địa phương đã tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn. Các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy cải cách hành chính, minh bạch hóa thông tin, phục vụ chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và phòng chống mã độc trong các cơ quan nhà nước được quan tâm thực hiện.

- Khoa học - Công nghệ: Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được chú trọng. Đã nghiệm thu và bàn giao đưa vào ứng dụng 04 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Đã nghiệm thu 08 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2019, phê duyệt triển khai thực hiện 14 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2020. Tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp được quan tâm, đã thông báo doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2020; đăng ký tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020.

- Bưu chính, viễn thông: Hạ tầng bưu chính, mạng viễn thông tiếp tục được phát triển mở rộng; đảm bảo an toàn và thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông với 1.166 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, đạt bán kính phục vụ bình quân 1,46 km/cơ sở. Tổng số thuê bao điện thoại các loại ước đạt 1.838.850 thuê bao (điện thoại cố định là 35.000 thuê bao); mật độ điện thoại 146,5 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao Internet ước đạt 133.000 thuê bao, tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) 60,5%.

6. Xây dựng; Tài nguyên - môi trường

Tăng cường công tác quản lý đất đai, triển khai lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, đã thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 1.213 ha, đạt 36,1% kế hoạch (Trong đó tổ chức là 105 ha, đạt tỷ lệ 21,1% kế hoạch; hộ gia đình cá nhân là 1.108 ha đạt 38,8%).

Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường. Kiểm tra, xử lý kịp thời, có chuyển biến tích cực đối với các điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép, các khu vực mỏ thực hiện khai thác không đúng quy định. Các điểm nóng về môi trường luôn được giám sát chặt chẽ, nhất là tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, các trang trại chăn nuôi heo (Làng Việt Nam, Phước Dung, Việt Đức, Cường Hoa, Phúc Thịnh Phát), nhà máy sản xuất gạch Ceramic và Granite của Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản và Sản xuất Vật liệu xây dựng Trung Nguyên,...

 Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triển khai kịp thời công tác chống hạn, nắm chắc tích trữ nước tại các hồ thủy lợi để có biện pháp điều tiết nước hợp lý, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất.

7. Lao động - Xã hội; Chính sách vùng đồng bào dân tộc:

- Lao động - xã hội: Sáu tháng đầu năm 2020, đã giải quyết việc làm cho khoảng 9.326 lao động, đạt 38,86% kế hoạch, giảm 26,04% so với cùng kỳ. Trong đó, cho vay vốn giải quyết việc làm 520 lao động, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh 2.010 lao động, đưa đi làm việc ở nước ngoài 15 lao động. Các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội giải quyết việc làm 6.781 lao động.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động. Số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp 5.375 lao động, đã có 5.152 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển mới và đào tạo nghề cho khoảng 4.062 người, đạt 36,9% kế hoạch năm.

Chế độ chính sách ưu đãi và hỗ trợ đời sống đối với người có công với cách mạng được quan tâm triển khai tích cực. Vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ước thực hiện 3,3 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch năm. Các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo tiếp tục được triển khai; tổ chức tốt các giải pháp trợ giúp hộ nghèo ổn định sản xuất và phát triển sản xuất; chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, chi trả kịp thời, đúng chế độ, chính sách. Triển khai kịp thời Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đời sống của nhân dân nói chung ổn định, không xảy ra thiếu đói. Tính đến ngày 10/6/2020, đã thực hiện chi hỗ trợ cho 114.927 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền là 117,32 tỷ đồng.

- Chính sách vùng đồng bào dân tộc: Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cung ứng kịp thời vật tư hàng hoá các loại phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc. Nhìn chung hoạt động sản xuất và đời sống của đồng bào được cải thiện rõ nét, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong vùng đồng bào dân tộc cơ bản ổn định, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố tiếp tục được nâng lên và giữ vững.

8. Hoạt động Bảo hiểm:

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT chính xác, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch. Công tác thu vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên số tiền nợ cao (tính đến ngày 31/5/2020 đã tiếp nhận 73 văn bản của đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị giãn đóng, miễn đóng, miễn lãi chậm đóng, dừng đóng vào các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; thông báo giảm 12.791 lao động, trong đó có 5.663 lao động thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động; 5.896 lao động nghỉ việc không hưởng lương, đã xác nhận 6.083 sổ BHXH để bảo lưu).

Tính đến ngày 31/5/2020, toàn tỉnh có 87.733 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 6,6% so với cùng kỳ; có 78.395 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, giảm 4,3% so với cùng kỳ; số người tham gia BHXH tự nguyện 4.194 người, tăng 166,8% so với cùng kỳ; Số người tham gia BHYT 984.679 người, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 85,1% dân số.

Toàn tỉnh thu được 925,28 tỷ đồng (tính đến ngày 31/5/2020), đạt 36,1% kế hoạch, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 164,92 tỷ đồng, đạt 6,44% kế hoạch và tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước.

9. Tai nạn giao thông (từ 15/5-14/6/2020):

- Số vụ tai nạn giao thông 25 vụ, so với tháng trước giảm 4 vụ và so với cùng kỳ năm trước giảm 10 vụ. Luỹ kế 6 tháng 147 vụ (trong đó đường sắt 01 vụ), so với cùng kỳ năm trước giảm 47 vụ.

- Số người bị thương 11 người, giảm 13 người so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước giảm 17 người. Luỹ kế 6 tháng 92 người, giảm 42 người so với cùng kỳ năm trước.

- Số người chết 18 người, tăng 7 người so với tháng trước và tăng 2 người so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng 85 người (trong đó đường sắt 01), so với cùng kỳ giảm 33 người.

Trong tháng không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào đặt biệt nghiêm trọng. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra và tập trung trên tuyến quốc lộ 1A, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, đi không đúng phần đường, làn đường, chuyển hướng sai quy định, không nhường đường, lái xe đã uống rượu bia,... ngoài ra còn có các nguyên nhân khác và do người đi bộ gây ra. Qua 6 tháng thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt” các vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia khi tham gia giao thông đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế ra đường và ở nhà nên cũng góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

10. Thiên tai, cháy nổ:

- Thiên tai: Trong tháng xảy ra 06 vụ thiên tai do sạt lở ven biển tại Phan Thiết; mưa lớn, lốc xoáy, dông kèm sét đánh cục bộ tại huyện Tánh Linh, Bắc Bình, làm chết 01 người; tốc mái 16 căn nhà, mái hiên; 30 căn nhà ngập một phần; làm ngập úng trên 201,52 ha lúa hè thu; gãy đổ 60 cây điều; 02 ha cây cao su; 04 ha cây ăn quả; 120 m đường bị cát bồi lấp (cao hơn 1m). Ước tổng giá trị thiệt hại ban đầu 2,31 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng có 08 vụ thiên tai, ước tổng thiệt 2,51 tỷ đồng.

- Cháy nổ: Trong tháng xảy ra 04 vụ cháy (tăng 4 vụ so với cùng kỳ), không thiệt hại về người, không xảy ra nổ; Ước thiệt hại ban đầu khoảng 590 triệu đồng; làm hư hỏng 01 xe ôtô, 01 kho kiốt chợ, 01 vườn thanh long, 2 ha keo lá tràm. Lũy kế 6 tháng có 52 vụ cháy, tăng 2,3 lần số vụ so với cùng kỳ; tổng thiệt hại hơn 7,77 tỷ đồng, tăng 9,7 lần so với cùng kỳ.

- Vi phạm môi trường: Trong tháng đã phát hiện 01 vụ (giảm 04 vụ so với cùng kỳ), đã xử phạt 160 triệu đồng. Lũy kế 6 tháng có 14 vụ (giảm 01 vụ so với cùng kỳ), đã xử phạt 1.044 triệu đồng.

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trưởng, đạt được kết quả trên một số mặt, cụ thể là:

- Sản xuất nông nghiệp có nhiều cố gắng, diện tích gieo trồng cây lâu năm, sản lượng khai thác hải sản tăng so với cùng kỳ năm trước; đàn gia súc, gia cầm đang phục hồi, phát triển ổn định. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi cơ bản được khống chế; tình trạng cháy rừng gây thiệt hạn về tài nguyên rừng không xảy ra. Các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt.

- Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, các công trình, dự án điện được đẩy nhanh tiến độ thực hiện; trong đó, sản lượng điện sản xuất tăng 17,43% so với cùng kỳ năm 2019.

- Hoạt động thương mại, dịch vụ, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Canh Tý 2020 và trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xuất khẩu thủy sản và nông sản duy trì. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường.

- Thu ngân sách nhà nước có nhiều cố gắng. Hoạt động tín dụng trên địa bàn ổn định. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước cơ bản đạt tiến độ đề ra.

- Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì. Đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống và điều trị các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Công tác khám chữa bệnh tiếp tục đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm, kịp thời chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo; công tác giải quyết việc làm có nhiều cố gắng.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội ở một số lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm vẫn còn những hạn chế, tồn tại, đó là:

- Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của tỉnh bị đình trệ; ngành chế biến, chế tạo gặp khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm, hoạt động dịch vụ du lịch, xuất nhập khẩu giảm mạnh; doanh nghiệp, hộ kinh doanh cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ không hưởng lương, hoặc giải thể, tạm dừng kinh doanh làm cho tình trạng lao động mất việc làm và giải quyết trợ cấp thất nghiệp tăng cao. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dự ước giảm so với cùng kỳ năm trước.

- Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do nắng hạn kéo dài, nguồn nước cạn kiệt, mùa mưa đến muộn làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp diện tích gieo trồng cây ngắn ngày, sản lượng lương thực giảm so với cùng kỳ; vi phạm lâm luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa ngăn chặn triệt để, đặc biệt là các vùng giáp ranh với các tỉnh.

- Nhiều khoản thu đạt tương đối thấp so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công chậm.

- Hoạt động giáo dục và đào tạo bị gián đoạn, kéo dài, ảnh hưởng đến việc dạy học của giáo viên, việc học tập của học sinh, sinh viên. Việc triển khai một số hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thể thao bị gián đoạn, nhiều hoạt động tạm dừng hoặc không thể tổ chức như kế hoạch đề ra. Dịch bệnh Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

CỤC THỐNG KÊ BÌNH THUẬN




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/