TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2021

Trong tháng các địa phương đã hoàn thành thu hoạch vụ Mùa và tập trung vào gieo trồng, chăm sóc cây vụ Đông xuân 2020-2021.Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Bình Thuận tăng 14,5% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nông, thủy sản, hàng dệt may, giày dép các loại là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

 

I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong tháng các địa phương đã hoàn thành thu hoạch vụ Mùa và tập trung vào gieo trồng, chăm sóc cây vụ Đông xuân 2020-2021. Vụ Đông xuân 2020-2021 điều chỉnh cắt giảm không bố trí sản xuất 290 ha lúa (Hàm Thuận Nam 90 ha, La Gi 200 ha) do không đảm bảo nguồn nước tưới từ hệ thống công trình thủy lợi. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô được tăng cường. Tình hình chăn nuôi trong tháng tiếp tục được duy trì ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Thời tiết ngư trường trong tháng không thuận lợi do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, nước đục và chảy xiết, hoạt động đánh bắt hải sản trên biển gặp nhiều khó khăn.

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm: Tính đến ngày 15/01/2021, diện tích gieo trồng vụ Đông xuân đạt 25.334,5 ha, tăng 22,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cây lúa đạt 19.850 ha, tăng 39,2%; cây bắp đạt 1.938 ha, bằng 90,9%; rau các loại đạt 1.755 ha, bằng 82,1%; đậu các loại đạt 1.126 ha, tăng 4%; cây công nghiệp ngắn ngày đạt 719 ha, bằng 57,1%; cây hàng năm khác đạt 2 ha, bằng 0,9%.

* Cây lâu năm: Trong tháng chủ yếu tập trung chăm sóc và thu hoạch trên diện tích các loại cây lâu năm hiện có, tình hình một số loại cây chủ lực tỉnh như sau:

- Thanh long: Đang thu hoạch vụ chong đèn bán Tết Nguyên đán, do nhu  cầu tiêu thụ phía Trung Quốc giảm, thương lái hạn chế sản lượng thu mua nên giá bán thanh long tại vườn thấp, trong khi chi phí để sản xuất như: Điện, phân, thuốc, rơm rạ... lại tăng cao nên đa số người sản xuất bị thu lỗ, so với những năm trước cùng thời điểm giá thanh long rất cao. Tính đến ngày 15/01/2021 có 11.419,5 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.

- Cao su: Hiện đang sắp kết thúc vụ thu hoạch, trong tháng giá mủ cao su tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn đang ở mức thấp, dự tính việc phát triển diện tích trồng mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ không tăng.

- Cây điều: Hiện đang là thời điểm điều ra hoa, do đặc điểm của cây điều ra hoa vào thời điểm giáp tết, thời tiết lạnh, khô hanh, nhiều sương muối sẽ ảnh hưởng đến khả năng đậu quả, bên cạnh đó phần lớn diện tích điều trên địa bàn tỉnh đã già cỗi thường được trồng trên nhưng vùng đất bạc màu, việc chăm sóc, đầu tư chưa được nhà vườn quan tâm đúng mức nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

- Cây tiêu: Ở thời điểm bắt đầu thu hoạch, hiện giá tiêu vẫn đang ở mức thấp, bên cạnh đó nấm bệnh đã làm diện tích trồng mới ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh không tăng.

- Các loại cây lâu năm còn lại được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể,...

* Tình hình dịch bệnh: Trong tháng tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng không diễn biến phức tạp, xảy ra dưới dạng cục bộ ảnh hưởng không nhiều đến cây trồng.

- Cây lúa: Bệnh đạo ôn lá nhiễm 2.378 ha, tăng 561 ha so với cùng kỳ; chuột gây hại 1.605 ha, tăng 801 ha so với cùng kỳ; sâu đục thân nhiễm 1.093 ha, tăng 736 ha so với cùng kỳ; sâu cuốn lá nhỏ diện tích nhiễm 743 ha, giảm 1.616 ha so với cùng kỳ.

- Cây mì: Khảm lá virut gây hại trên diện tích 2.606 ha.

- Cây thanh long: Diện tích nhiễm bệnh đốm nâu 6.149 ha, tăng 2.817 ha so với cùng kỳ; ốc sên diện tích bệnh 1.550, tăng 896 ha so với cùng kỳ; bệnh thán thư cành quả diện tích nhiễm 1.092 ha, tăng 465 ha so với cùng kỳ; bệnh thối rễ tóp cành diện tích nhiễm 1.041 ha, tăng 743 ha so với cùng kỳ.

- Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi 204 ha, giảm 166 ha so với cùng kỳ; bệnh thán thư diện tích gây hại 77 ha, giảm 35 ha so với cùng kỳ.

*Tình hình tưới vụ Đông Xuân 2020-2021: Tính đến ngày 10/01/2021, tổng diện tích cấp nước sản xuất vụ Đông xuân 2020-2021 được tưới từ nguồn nước thủy lợi, thủy điện trên toàn tỉnh đạt 29.724 ha/50.105 ha Kế hoạch, đạt 59,3%, trong đó cây lúa và cây màu 9.324 ha/29.482 ha kế hoạch, đạt 31,6%; cây thanh long và cây công nghiệp dài ngày 20.400 ha/20.623 ha kế hoạch, đạt 98,9%.

2. Chăn nuôi:

Chăn nuôi trong tháng tiếp tục được duy trì ổn định, đàn trâu giảm nhẹ, đàn bò có khuynh hướng tăng; chăn nuôi lợn phục hồi tốt, nhiều doanh nghiệp, trang trại mở rộng tái đàn; chăn nuôi gia cầm phát triển thuận lợi; tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều trang trại nuôi gà công nghiệp CP được thành lập mới. Ước tại thời điểm 15/01/2021 đàn trâu có 8.650 con, giảm 2,15% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 170.850 con, tăng 2,16% so với cùng kỳ; đàn lợn 308.850 con, tăng 14,6% so với cùng kỳ; đàn gia cầm có 4.241 ngàn con, tăng 16,1% so với cùng kỳ (trong đó, gà 2.840 ngàn con tăng 40% so với cùng kỳ).

 Nhìn chung, với số lượng đàn gia súc, gia cầm hiện có sản lượng thịt hơi xuất chuồng dự tính đủ khả năng cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và xuất bán các tỉnh lận cận trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021.

* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật: Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ổn định, một số bệnh truyền nhiễm xảy ra trên gia súc, gia cầm ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra, ngành Thú y tỉnh đã phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gia súc, gia cầm bị bệnh; thực hiện triển khai tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao thường xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn để tiêu diệt các mầm bệnh; vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm và quản lý giết mổ động vật.

- Công tác tiêm phòng: Đã tổ chức tiêm phòng 2.371.679 liều vắc xin, trong đó, đàn trâu bò 61.844 liều, đàn lợn 543.216 liều, đàn gia cầm 1.765.860 liều.

- Kiểm dịch động vật: Kiểm dịch 68.626 con lợn; 1.706 con trâu bò; 329.000 con gia cầm; 6.000 kg thịt dê; 2.100.000 quả trứng gia cầm; 47.496 kg thịt bò; 130.577 kg thịt lợn; 155.422 kg thịt gia cầm các loại.

- Kiểm soát giết mổ: Kiểm soát giết mổ 289 con trâu bò; 2.820 con lợn; 4.640 con gia cầm; 300 con dê.

3. Lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng: Đây là tháng mùa khô hoạt động trồng rừng, chăm sóc rừng chưa được triển khai. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ thực hiện chuyển tiếp 132.792 ha, diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh chuyển tiếp 1.500 ha.

- Công tác phòng chống cháy rừng: Trong công tác quản lý bảo vệ rừng tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, xây dựng và triển khai phương án chống phá rừng, PCCCR năm 2021; tăng cường các hoạt động kiểm tra các đơn vị chủ rừng, các xã có rừng triển khai các hoạt động bảo vệ rừng trong mùa khô 2021; chỉ đạo các chủ rừng xây dựng phương án chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng, bổ sung phương án PCCCR, tổ chức thực tập chữa cháy rừng… nhằm tăng cường năng lực phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm luật Lâm nghiệp và tổ chức chữa cháy rừng có hiệu quả trong mùa khô 2021, nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên Đán năm 2021.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Việc kiểm tra, truy quét chống phá rừng tại các điểm nóng và vùng giáp ranh luôn được tăng cường. Tháng 01/2021 đã phát hiện 18 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, phá rừng trái phép 01 vụ, khai thác gỗ và lâm sản khác 06 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 03 vụ, vi phạm khác 08 vụ.

Tổng số vụ vi phạm đã xử lý hành chính trong tháng là 19 vụ (01 vụ từ năm trước chuyển sang), tịch thu 4 xe máy, 2 phương tiện khác, 25,8 m3 gỗ các loại. Số tiền phạt, bán tang vật nộp vào ngân sách là 297,5 triệu đồng.

4. Thuỷ sản

- Diện tích nuôi trồng thủy sản: Trong tháng, tình hình nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, thời tiết thuận lợi cho hộ nuôi trồng thủy sản, không có dịch bệnh. Diện tích nuôi đạt 232,7 ha, tăng 3,2% so với tháng cùng kỳ năm trước (trong đó, cá đạt 155 ha, tăng 3,3%; tôm nuôi đạt 75,6 ha, tăng 2,8%).

- Sản lượng nuôi trồng: Ước trong tháng đạt 1.090,9 tấn tăng 2,2% so cùng kỳ (trong đó, cá các loại ước đạt 465 tấn, tăng 2,9%; Tôm nuôi nước lợ ước đạt 620,5 tấn, tăng 1,7%).

- Sản lượng khai thác: Trong tháng, ngư trường khai thác ảnh hưởng của gió Đông Bắc thổi mạnh, nước chảy siết ít thuận lợi cho hoạt động khai thác biển. Các đội tàu khai thác xa bờ như câu khơi, vây rút chì, mành chụp, mành chà, kéo đôi,... phần lớn nằm nghỉ bờ dài ngày (chỉ một số ít tàu nghề lưới kéo đôi, rê ghẹ, câu, lồng bẫy vẫn còn hoạt động). Các nghề khác như lưới rê nổi ven bờ, lặn hải đặc sản, kéo đơn, lồng bẫy,... hoạt động chưa đều, hiệu quả đánh bắt không ổn định. Sản lượng khai thác ước đạt 11.037,4 tấn, giảm 0,6% so với tháng cùng kỳ năm trước (trong đó, khai thác biển ước đạt 10.980 tấn, giảm 0,6%; khai thác nội địa đạt 57 tấn, giảm 2,5%, tập trung ở những vùng địa bàn có sông, hồ, các hồ chứa của công trình thuỷ lợi, các sản phẩm khai thác phổ biến như: các loại cá, cua, lươn, ếch,...).

- Sản xuất giống thuỷ sản: Sản lượng giống sản xuất chủ yếu là tôm giống, ước tháng 1 sản xuất 1,6 tỷ post, tăng 4,7% so với tháng cùng kỳ năm trước. Với thời tiết thuận lợi cho việc nuôi trồng cùng với nhu cầu tôm giống ở các tỉnh phía Nam tăng nên sản xuất tôm giống trong tháng của tỉnh đầu năm tăng.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản; triển khai tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý thuyền nghề giã cào bay hoạt động trái phép trên vùng biển của tỉnh; triển khai công tác thanh tra, kiểm soát nghề cá vi phạm. Đã thực hiện cấp 23 giấy chứng nhận tàu cá đủ điều kiện ATTP; xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho 23 chủ tàu/thuyền trưởng. Luỹ kế đến ngày 10/01/2021, không có vụ vi phạm nguồn lợi thủy sản nào xảy ra.

Tổ chức điều chỉnh, sắp xếp lại cơ cấu đội tàu khai thác thủy sản theo nghề, đối tượng khai thác phù hợp với trữ lượng và khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi theo phân cấp quản lý. Đối với các loại nghề khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, xâm hại nguồn lợi thủy sản, có kế hoạch cấm, hạn chế theo lộ trình.

Phát triển các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và khai thác thủy sản, đặc biệt là các hoạt động khai thác thủy sản mang tính hủy diệt.

II. Công nghiệp; đầu tư phát triển; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

1. Công nghiệp:

Trong tháng 01, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Bình Thuận tăng 14,5% so với cùng kỳ, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao góp phần chủ đạo trong tăng trưởng toàn ngành, do là tháng gần Tết Nguyên đán nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường hoạt động phục vụ Tết, các đơn vị sản xuất sản phẩm ăn liền, sản phẩm từ hải sản tăng cường sản xuất. Ba nhóm ngành còn lại ngành khai khoán; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng tăng khá so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01 ước giảm 2,52% so tháng 12 năm trước và tăng 14,5% so cùng kỳ năm trước; trong đó, chỉ số ngành khai khoáng tăng 11,27%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22,11%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng nhẹ 0,53%. Ngành chế biến chế tạo tăng cao nguyên nhân chủ yếu do tháng 01/2020 rơi vào dịp Tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp sản xuất hoạt động 15 đến 20 ngày.

 

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) trong tháng 01 ước đạt 3.243,8 tỷ đồng, đạt 8,08% kế hoạch năm, tăng 16,67% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp khai khoáng 66,9 tỷ đồng (tăng 11,49%); công nghiệp chế biến chế tạo 1.432,9 tỷ đồng (tăng 21,51%); sản xuất và phân phối điện 1.719,7 tỷ đồng (tăng 13,37%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 24,2 tỷ đồng (tăng 0,43%).

Các sản phẩm sản xuất trong tháng hầu hết đều tăng so cùng kỳ năm trước, những sản phẩm tăng cao gồm: Đồ gỗ và các sản phẩm gỗ tăng gấp 2,4 lần; sơ chế mủ cao su tăng gấp 2 lần; giày, dép các loại tăng 90%; nước khoáng tăng 22,99%; đá khai thác tăng 21,62%; nước mắm tăng 14,99%; thủy sản đông lạnh tăng 13,04%; điện sản xuất tăng 13,38%; quần áo may sẵn tăng 6,19%; hạt điều nhân tăng 4,14%.

2. Đầu tư phát triển:

Trong tháng, vốn đầu tư thuộc vốn ngân sách Nhà nước ước thực hiện 82,9 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch năm, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 60,7 tỷ đồng, tăng 8,7%, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 20,5 tỷ đồng, tăng 3,5% và vốn ngân sách nhà nước cấp xã 1,7 tỷ đồng, tăng 3,0% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng so với cùng kỳ do thời điểm Tết Nguyên đán năm ngoái rơi vào tháng 01/2020 nên một số công trình nghỉ sớm cho công nhân về quê ăn Tết, còn năm nay Tết rơi vào tháng 2/2021.

3. Đăng ký kinh doanh:

Trong tháng 01 (từ 15/12/2020-15/01/2021), có 134 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó, có 56 đơn vị trực thuộc), tăng 36,73% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký mới 1.210,61 tỷ đồng, tăng 60,59% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đã giải thể 136 doanh nghiệp (trong đó, có 107 đơn vị trực thuộc), tăng 38,78% so với cùng kỳ năm trước; tạm ngừng hoạt động 109 doanh nghiệp (trong đó có 18 đơn vị trực thuộc), tăng 39,74% so với cùng kỳ năm trước; đăng ký chuyển đổi loại hình 5 doanh nghiệp, giảm 58,33% so với cùng kỳ năm trươc; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 95 doanh nghiệp (trong đó có 14 đơn vị trực thuộc), tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Thông báo cảnh báo 16 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, thu hồi 01 trường hợp (xe buýt Điện Xanh).

 4. Đăng ký đầu tư:

Trong tháng 01 (tính đến ngày 18/01/2021), có 01 dự án được cấp, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng diện tích 03 ha, tổng vốn đăng ký 13,7 tỷ đồng. Luỹ kế đến ngày 18/01/2021, trên địa bàn tỉnh có 1.590 dự án được cấp, với tổng diện tích đất 50.032 ha và tổng vốn đăng ký 321.184 tỷ đồng.

Tính đến ngày 18/01/2021, không có dự án khởi công và cũng không có dự án bị thu hồi. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện [[1]], công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn.

III. Thương mại, giá cả; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại, giá cả:

Đây là tháng cao điểm mà sức mua hàng hoá và tiêu dùng trong dân cư tăng cao so với các tháng trước. Để chuẩn bị tốt cho Tết Nguyên đán sắp tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ và các cơ sở sản xuất đã bắt đầu chuẩn bị nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng, thị trường hàng hóa phục vụ cho dịp Tết càng trở nên sôi động với đa dạng các mặt hàng phong phú. Công tác kích cầu tiêu dùng được tăng cường. Thực hiện tốt công tác tổ chức thị trường, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa sau Tết. Hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình bình ổn thị trường, giá cả các hoạt động kết nối cung cầu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thực hiện.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 ước đạt 6.208,5 tỷ đồng, tăng 2,99% so với tháng trước và tăng 11,05% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 4.169,6 tỷ đồng, tăng 3,23% so với tháng trước và tăng 13,17% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ước đạt 633,6 tỷ đồng, tăng 2,14% so với tháng trước và tăng 7,63% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.405,2 tỷ đồng, tăng 2,65% so với tháng trước và tăng 6,66% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 01, nhóm hàng lương thực, thực phẩm dự ước đạt 2.124,7 tỷ đồng, tăng 3,96% so với tháng trước và tăng 15,11% so với cùng kỳ năm trước. Hàng may mặc dự ước đạt 197,8 tỷ đồng, tăng 4,59% so với tháng trước và tăng 9,22% so với cùng kỳ năm trước; đồ dùng trang thiết bị gia đình dự ước đạt 376,7 tỷ đồng so với tháng trước tăng 4,18%, so với cùng kỳ năm trước tăng 11,94%. Nhóm gỗ vật liệu xây dựng dự ước đạt 230,3 tỷ đồng, tăng 2,17% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; Phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phương tiện) ước đạt 193,7 tỷ đồng, tăng 2,27% so với tháng trước, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước; Xăng dầu các loại dự ước đạt 605,1 tỷ đồng tăng 1,41% so với tháng trước và tăng 10,69% so với cùng kỳ năm trước; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) ước đạt 62,2 tỷ đồng so với tháng trước tăng 0,25% và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Đá quý, kim loại quý ước đạt 56,9 tỷ đồng, tăng 1,64% so với tháng trước, tăng 14,65% so cùng kỳ năm trước; Nhóm hàng hóa khác ước đạt 191,9 tỷ đồng tăng so với tháng trước 1,98% và so với cùng tháng năm trước tăng 12,03%; Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy ước đạt 80,3 tỷ đồng tăng 2,69% so với tháng trước và tăng 11,98 % so với cùng kỳ năm trước.

 

* Tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Để đảm bảo đầy đủ số lượng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 4963/KH-UBND, ngày 18/12/2020 về dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Dự kiến mức dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá theo kế hoạch của các đơn vị năm 2021 đạt khoảng 113,4 tỷ đồng (Siêu thị Co.opMart Phan Thiết 50,69 tỷ đồng; Siêu thị Co.op Mart La Gi 18,13 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart Phan Rí Cửa 10 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận 09 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ: 01 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan 10 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận 13 tỷ đồng; Trung tâm Dịch vụ miền núi 1,6 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách cấp hoạt động).

 Kế hoạch dự trữ các mặt hàng bán bình ổn giá: Gạo tẻ, gạo nếp 6,4 tỷ đồng; mì gói 9,5 tỷ đồng; đường ăn các loại 5,1 tỷ đồng; dầu ăn 10 tỷ đồng; thịt các loại 11,8 tỷ đồng; sữa các loại 16,9 tỷ đồng; rau củ quả 12,8 tỷ đồng; thực phẩm chế biến 22,8 tỷ đồng; bánh mứt 5,4 tỷ đồng; nước mắm, nước tương 1,3 tỷ đồng; bột ngọt 4,3 tỷ đồng và một số mặt hàng khác như: nước giải khát, gia vị, muối Iốt, trứng gia cầm,... hơn 7 tỷ đồng.

* Công tác quản lý thị trường: Được thực hiện thường xuyên; việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về hoạt động thương mại, đặc biệt là giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý xảy ra. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày cho người dân như: Gạo, muối, trứng, thực phẩm… ổn định giá cả, biến động của thị trường qua đó phát hiện nhanh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng kinh doanh theo quy định của pháp luật. Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường. Việc kiểm tra, kiểm soát đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2021 so tháng trước tăng 0,09%; so tháng cùng kỳ năm trước (sau 01 năm) giảm 1,42%.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, hầu hết các  nhóm hàng tăng giá hoặc ổn định: Giao thông tăng 2,52%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,80%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,40%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,30%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,12%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%. Có 3 nhóm thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông và giáo dục không tăng, giảm so với tháng trước. Riêng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,92%.

2. Hoạt động du lịch:

Tình hình du lịch trong tháng 01 có chuyển biến tích cực, lượng khách đến tỉnh tăng so với tháng trước, tuy nhiên vẫn còn giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Nhằm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp đến, các công ty du lịch lữ hành đang chuẩn bị kế hoạch cho các tour du lịch cuối năm. Các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh đã tích cực chuẩn bị chu đáo và khá tốt để phục vụ du khách trong dịp tết Nguyên Đán. Chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch được đảm bảo.

Dự ước trong tháng 01 các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ 399,2 ngàn lượt khách, tăng 3,21% so với tháng trước và giảm 31,87% so với cùng kỳ năm trước; số ngày khách phục vụ đạt 772,1 ngàn ngày khách, tăng 4,6% so với tháng trước và giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình khách quốc tế: Trong tháng lượng khách quốc tế có xu hướng tăng so với tháng trước nhưng vẫn còn giảm sâu so với cùng kỳ, do thực hiện giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19. Lượng khách quốc tế đến tỉnh trong tháng 01 đạt thấp, chỉ đạt 5,24 ngàn lượt khách, tăng 2,03% so với tháng trước và giảm 93,39% so với cùng kỳ năm trước; số ngày khách phục vụ đạt 20,15 ngàn ngày khách, tăng 4,79% so với thang trước và giảm 91,93% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách chiếm tỷ trọng cao trong tháng 01 gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Pháp. Hiện nay khách quốc tế du lịch tại địa phương chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài, chủ doanh nghiệp nước ngoài và đại sứ quán các nước.

Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng 01 ước đạt 923,4 tỷ đồng tăng 2,5% so với tháng trước, và giảm 37,96 % so với cùng kỳ năm trước.

3. Xuất, nhập khẩu:

Trong tháng xuất khẩu các mặt hàng nông, thuỷ sản, hàng dệt may, giày dép các loại là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, là do tháng 01 năm nay không trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, làm cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước.

- Kim ngạch xuất khẩu tháng 01 ước đạt 44,69 triệu USD, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 42,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng thủy sản ước đạt 14,51 triệu USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 32,46% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh); nhóm hàng nông sản ước đạt 0,80 triệu USD, giảm 12,36% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa khác ước đạt 29,38 triệu USD, tăng 41,04% so với cùng kỳ.

+ Xuất khẩu trực tiếp tháng 01 ước đạt 43,52 triệu USD (tăng 45,35% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường xuất khẩu chủ yếu thị trường Châu Á ước đạt 27,09 triệu USD, tăng 2,09% so với cùng kỳ năm trước (tăng chủ yếu ở thị trường Nhật Bản mặt hàng tôm thẻ, thủy sản, áo sơ mi, áo jaket; Đài Loan mặt hàng bộ quần áo, mực tươi; Ixraen mặt hàng mực tươi, giày dép các loại). Thị trường Châu Âu đạt 5,78 triệu USD, tăng 25,72% so với cùng kỳ năm trước (Tăng chủ yếu ở thị trường Anh mặt hàng tôm thẻ, tôm; Thụy Điển mặt hàng giày dép; Italia mặt hàng giày dép; Đức mặt hàng tôm thẻ, sản phẩm từ sắt thép; Hà Lan ở mặt hàng giày dép). Thị trường Châu Mỹ đạt 9,88 triệu USD, tăng 94,24% so với cùng kỳ năm trước (tăng chủ yếu ở thị trường Mỹ mặt hàng giày dép, đồ ghỗ nội thất, tôm thẻ).

+ Ủy thác xuất khẩu tháng 01 ước đạt 1,18 triệu USD, giảm 13,53% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu giảm ở mặt hàng áo sơ mi, mực tươi, quần khác).

- Nhập khẩu tháng 01 năm 2021 ước đạt 61,91 triệu USD tăng 14,65% so với cùng kỳ (các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như thức ăn gia súc, hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may da giày).

4. Giao thông vận tải:

Hoạt động vận tải tháng 01 tăng so với tháng trước do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch 2021. So với cùng kỳ hoạt động vận tải vẫn còn giảm khá sâu. Bên cạnh đó, các hộ cá thể kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19 những tháng gần đây thiếu vốn nên hoạt động cầm chừng. Mặc dù đến nay hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường, tuy nhiên đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2020. Để chuẩn bị cho Tết Tân Sửu 2021 và mùa Lễ hội xuân năm 2021, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phục vụ vận chuyển hành khách, phối hợp với các doanh nghiệp vận tải bố trí, điều động phương tiện vận tải đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Công tác tuần tra, kiểm soát duy trì thường xuyên.

- Vận tải hành khách:

+ Ước tháng 01 vận chuyển 1.534,77 nghìn hành khách, giảm 38,94% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 79,06 triệu hk.km, giảm 35,51% so với cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 01 vận chuyển hành khách đường bộ đạt 1.527,8 nghìn hành khách, giảm 38,81% so cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách đường thủy đạt 6,99 nghìn hành khách, giảm 57,88%; luân chuyển hành khách đường bộ đạt 78,29 triệu hk.km, giảm 35,15%; luân chuyển hành khách đường thủy đạt 0,76 triệu hk.km, giảm 58,77% so cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hoá:

+ Ước tháng 01 vận chuyển hàng hoá đạt 691,6 nghìn tấn, giảm 26,13% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hàng hoá đạt 45,8 triệu tấn.km, giảm 11,67% so với cùng kỳ năm trước.

 

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 01 vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt 690,99 nghìn tấn, giảm 26,13% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,63 nghìn tấn, giảm 26,38%; luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 45,73 triệu tấn.km, giảm 11,63%, luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,69 triệu tấn.km, giảm 31,17% so với cùng kỳ năm trước.

- Cảng tổng hợp Vĩnh Tân: Ước tháng 01 khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 100.000 tấn (trong đó, không có khối lượng bốc xếp ngoài nước), doanh thu ước đạt 4 tỷ đồng (năm 2020 khối lượng bốc xếp hàng hóa đạt 23.109 tấn, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng). Các loại hàng hóa bốc xếp chủ yếu như quặng Ilmenite, cát, tro bay, xi măng, bê tông cọc.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước tháng 01 đạt 156,82 tỷ đồng, tăng 5,29% so với tháng trước và giảm 28,98% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 56,1 tỷ đồng, giảm 42,24% so với cùng kỳ; Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 97,4 tỷ đồng, giảm 18,38% so với cùng kỳ; Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 3,3 tỷ đồng, giảm 23,54% so với cùng kỳ.

5. Bưu chính, viễn thông:

Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng và triển khai cung cấp dịch vụ di động 5G; đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin; thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông với 1.230 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, đạt bán kính phục vụ bình quân 1,4 km/cơ sở.

Số thuê bao điện thoại cố định là 30.840, số thuê bao điện thoại di động trả sau 31.950, mật độ điện thoại 147 thuê bao/100 dân. Số thuê bao Internet ước đạt 138.830 thuê bao, tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) là 61,75%.

V. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách:

Trong tháng 01, đã tập trung thu nợ đọng, lệ phí môn bài, thuế GTGT hộ cố định và các khoản phát sinh khác...; đồng thời tăng cường công tác quản lý, điều hành bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 và tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phối hợp thực hiện tấn công, trấn áp tội phạm dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Ước thu ngân sách tháng 01 (tính đến ngày 12/01/2021) đạt 600 tỷ đồng, đạt 7,21% dự toán năm, giảm 46,97% so cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa (trừ dầu) đạt 500 tỷ đồng, đạt 8,31% dự toán năm, giảm 48,56% so cùng kỳ. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí 414,8 tỷ đồng, đạt 8,09% dự toán năm, giảm 51,83%; thu tiền nhà, đất 85,2 tỷ đồng, đạt 9,57% dự toán năm, giảm 23,29% (trong đó, thu tiền sử dụng đất 60 tỷ đồng, đạt 8,57% dự toán năm, giảm 29,02%); thu dầu thô 50 tỷ đồng, đạt 8,57% dự toán năm, giảm 49,42% và thu thuế xuất nhập khẩu 50 tỷ đồng, đạt 3,33% dự toán năm, giảm 17,22% so cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách trong tháng 01 ước thực hiện 700 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 650 tỷ đồng); trong đó, chi đầu tư phát triển 350 tỷ đồng, chi thường xuyên 300 tỷ đồng, chi chuyển giao ngân sách 50 tỷ đồng. Trong chi ngân sách, đã bám sát theo Quyết định giao dự toán của Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước.

3. Hoạt động tín dụng:

Mạng lưới ngân hàng tiếp tục được phát triển; tín dụng tăng trưởng khá; vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; công tác thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, thanh toán chuyển tiền điện tử tiếp tục được đẩy mạnh; việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu tiếp tục được quan tâm triển khai, đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân nói riêng phát triển an toàn. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó chủ động làm việc với khách hàng, đánh giá mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của dịch để triển khai thực hiện các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới theo tinh thần Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tính đến ngày 13/01/2021, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 841,14 tỷ đồng/4.357 khách hàng; giảm lãi vay cho 2.703 khách hàng với số tiền lãi được giảm là 1,17 tỷ đồng. Cùng với việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi vay, tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, triển khai thực hiện các chương trình cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch từ ngày 23/01/2020 là 14.632 tỷ đồng/5.004 khách hàng.

Tình hình thực hiện lãi suất: Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng là 3,1 - 3,95%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 3,6 - 6,9%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên là 5,6 - 7,2%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4,5%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân là 5,5%/năm), các lĩnh vực khác từ 7 - 9%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9 - 11,5%/năm.

Hoạt động huy động vốn tiếp tục đẩy mạnh để tạo nguồn cho vay phục vụ phát triển KT-XH. Tính đến ngày 31/12/2020, nguồn vốn huy động đạt 40.973 tỷ đồng, tăng 5,05% so với cuối năm 2019. Dự ước cả năm 2020 (tính đến cuối 31/12/2020), vốn huy động đạt 41.096 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cuối năm 2020.

Hoạt động tín dụng: Các Tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng cho vay đi đối với an toàn và hiệu quả, gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ cho vay đạt 69.676 tỷ đồng, tăng 18,38% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 68.545 tỷ đồng, chiếm 98,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 37.986 tỷ đồng, chiếm 54,5% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm khoảng 8% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7-9%/năm chiếm 26,2% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 56,2% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 5,4% tổng dư nợ.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và Địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 37.046 tỷ đồng, chiếm 53,2% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu đạt 510 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.266 tỷ đồng, chiếm 20,5% tổng dư nợ; cho vay các đối tượng chính sách xã hội đạt 2.935 tỷ đồng.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ đạt 928,1 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 295,2 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 629 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 5,7 tỷ đồng), trong đó nợ xấu 87,38 tỷ đồng/6 tàu; nợ cơ cấu lại thời hạn 140,4 tỷ đồng/91 tàu.

Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN và Nghị quyết số 30/NQ-CP: Dư nợ cho vay đạt 321 tỷ đồng phục vụ nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi tôm giống công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao; dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, sản xuất thuốc thú y, thức ăn gia súc đạt 551 tỷ đồng.

Cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: Hiện đang được triển khai tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, dư nợ đạt 57,4 tỷ đồng/150 hộ.

- Hoạt động thanh toán, cung ứng tiền mặt: Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội. Tăng cường đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển lương qua tài khoản, thanh toán qua POS. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục được mở rộng, hoạt động thông suốt và an toàn. Đến 31/12/2020, trên địa bàn có 184 máy ATM (tăng 9 máy so với đầu năm) và 1.713 máy POS (tăng 93 máy so với đầu năm), hầu hết máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Tình hình thị trường ngoại tệ và vàng trên địa bàn: Các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bám sát điều hành tỷ giá và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Diễn biến thị trường vàng, ngoại hối trên địa bàn tiếp tục phát triển theo hướng ổn định. Doanh số mua bán ngoại tệ trong năm 2020 đạt 597 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 124 triệu USD.

VI. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa:

Đã tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; 71 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12); Tết Dương lịch năm 2021; công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới…

Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đã diễn phục vụ chính trị 80 buổi; thực hiện chương trình nghệ thuật phục vụ tết Dương lịch “Chào năm mới 2021” (Countdown), thu hút trên 7.000 khán giả đến xem trực tiếp; Tổ chức chương trình Đờn ca tài tử và Acoustic chủ đề: “Hương sắc biển xanh”. Phối hợp tổ chức Ngày hội Văn hóa - Điện ảnh lần thứ XI, năm 2020 tại huyện Bắc Bình. Đang tập luyện chương trình ca, múa, nhạc: “Mừng Đảng - mừng Xuân Tân Sửu năm 2021” và kịch bản tuyên truyền “Ma túy, nỗi bất hạnh”. Chuẩn bị các khâu tổ chức Đại hội Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Bình Thuận lần thứ I, nhiệm kỳ (2020 - 2023). Đội Tuyên truyền và chiếu phim lưu động biểu diễn 35 buổi các chương trình ca, múa, nhạc và tuyên truyền phục vụ nhân dân các huyện, thị  xã, thành phố trong tỉnh.

Hoạt động Thư viện: Cấp mới 39 thẻ (thiếu nhi 09 thẻ), phục vụ 1.231 lượt (thiếu nhi 497), luân chuyển 2.549 lượt (thiếu nhi 1.050 lượt); lượt bạn đọc truy  cập website 321.521 lượt. Sưu tầm cho Tập thông tin tư liệu Bình Thuận (19 tin, bài), chuyên mục Thông tin kinh tế (75 tin, bài). Phục vụ xe ô tô thư viện lưu động tại 03 điểm với 6.000 bản sách, thu hút 1.150 lượt bạn đọc.

Hoạt động bảo tồn, bảo tàng, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa đem lại cho du khách tham quan, thưởng lãm nhiều trải nghiệm quý báo về con người văn hóa Bình Thuận. Trong tháng đã đón 27.151 lượt khách, trong đó 143 lượt khách nước ngoài. Tổng hợp lý lịch hiện vật sưu tầm năm 2019 và 2020; tổ chức khảo sát, kiểm tra một số di chỉ khảo cổ học trên địa bàn xã huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam; tổ chức một số hoạt động phục vụ khách tham quan dịp tết Dương lịch 2021.

2. Thể dục thể thao:

Hoạt động thể thao quần chúng: Tổ chức Ngày Chạy Việt dã - Chào năm mới 2021 (thu hút trên 2.000 vận động viên trên địa bàn thành phố Phan Thiết tham gia); Giải Việt dã - Đại hội thể dục thể thao thành phố Phan Thiết lần VIII-2021 (có 200 vận động viên của 20 đơn vị tham gia) và Giải Đua xe đạp thành phố Phan Thiết mở rộng lần thứ V năm 2021 (thu hút hơn 50 vận động viên của 11 đơn vị tham gia); tổ chức các giải: Bóng rổ học sinh Trung học phổ thông mở rộng “Mừng Đảng, Mừng Xuân” năm 2021; giải Mui Ne Dunes Marathon năm 2020; giải Futsal vô địch tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII năm 2020; giải Việt dã “Chạy vì sức khỏe cộng đồng” tỉnh Bình Thuận năm 2020. 

Hoạt động thể thao thành tích cao: Đội tuyển Bóng đá tham dự giải Bóng đá bãi biển vô địch quốc gia tại Khánh Hòa (xếp hạng 4/4 đội tham dự); Đội tuyển Bóng rổ tham dự giải vô địch Bóng rổ quốc gia năm 2020 tại Khánh Hòa (xếp hạng 4/5 đội vòng bảng); Đội tuyển Điền kinh tham dự giải Việt dã Leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” lần thứ 27 năm 2021, tại Bình Phước (đạt 01 huy chương đồng).

3. Giáo dục và Đào tạo:

Đã tổ chức rà soát, tổng hợp số liệu báo cáo sơ kết Học kỳ I năm học 2020 - 2021, qua đó kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác dạy và học đối với lớp 9 THCS, lớp 12 THPT để kịp thời chấn chỉnh và có giải pháp bồi dưỡng, phụ đạo chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào lớp 10 cuối năm học; triển khai nghiêm túc nội dung chương trình Học kỳ II theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh tại Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo. Phối hợp với báo Giáo dục TP.HCM và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh. Tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ 1 cấp Tiểu học năm học 2020 -2021.

4. Y tế

Tiếp tục triển khai đẩy mạnh các hoạt động chương trình y tế Quốc gia. Trong tháng không có dịch bệnh nào xảy ra. Công tác phòng chống bệnh dịch được tiếp tục chú trọng và theo dõi thường xuyên. Công tác phòng chống các bệnh xã hội, phòng chống HIV/AIDS duy trì đều. Công tác khám chữa bệnh ở các cơ sở nhà nước đáp ứng được nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh,… và các dịch bệnh khác được tiếp tục tăng cường. Công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virút Corona gây ra. Đến ngày 15/01/2021 Bình Thuận đã liên tiếp 309 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm Covid-19.

Trong tháng (từ ngày 15/12/2020-15/01/2021) toàn tỉnh có 370 cas mắc sốt xuất huyết, 05 cas mắc sốt rét và 97 cas mắc tay chân miệng, tất cả đều không có cas tử vong. Số bệnh nhân mắc bệnh phong 05 bệnh nhân, không có bệnh nhân phát hiện mới và không có bệnh nhân mới tàn tật độ II, có 422 bệnh nhân đang quản lý.

Công tác phòng chống Lao: có 1.354 tổng số lượt khám, số bệnh nhân thu dung điều trị 224. Số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới 102.

Số nhiễm HIV mới phát hiện 09 cas (lũy kế 1.559 cas); có 01 cas chuyển IDS mới (lũy kế 1.067 cas); có 01 cas tử vong (lũy kế 533 cas).

Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai tích cực; trong tháng không xảy ra ngộ độc thực phẩm..

Các bệnh viện, các đơn vị điều trị chủ động thực hiện tốt công tác thường trực, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện đầy đủ các quy định chuyên môn của Bộ Y tế; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong tháng, số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh 66.634 lượt, số bệnh điều trị nội trú 9.059, số bệnh nhân chuyển viện là 322. Số bệnh nhân tử vong 37. Công suất sử dụng giường bệnh tại các tuyến đạt kế hoạch đề ra.

5. Lao động - Xã hội:

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm có nhiều cố gắng. Trong tháng 01, vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm. Đang triển khai tổ chức để đào tạo nghề cho 318 thanh niên xuất ngũ năm 2020.

Công tác chính sách người có công: Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho 33 đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công; trợ cấp mai táng phí cho 62 trường hợp. Trợ cấp dụng cụ chỉnh hình cho 02 trường hợp. Cấp mai táng phí cho 18 trường hợp. Ngoài ra, tiếp nhận  05 hồ sơ (gồm: 03 hồ sơ liệt sĩ, 02 hồ sơ người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học); di chuyển tỉnh ngoài 01 hồ sơ hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học. Tiếp nhận 10 hài cốt liệt sĩ do gia đình quản lý vào an táng trong Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo cấp huyện thăm, chúc Tết cho các gia đình người có công Tết Tân Sửu năm 2021.

Toàn tỉnh có 3.536 người nghiện ma túy; có 114/124 xã, phường, thị trấn có người sử dụng chất ma túy, chiếm 91,93%. Số người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone là 1.641 người.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ: Trong tháng (tính từ 12/12/2020-11/01/2021), tỉnh đã phê duyệt danh sách và chi hỗ trợ cho các đối tượng của các huyện, thị xã, thành phố:

+ Hỗ trợ các nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng và thân nhân Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là 115.323 người, với số tiền 117,8 tỷ đồng.

+ Hỗ trợ nhóm đối tượng: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và hộ kinh doanh là 121 đối tượng với số tiền 121 triệu đồng. Nâng tổng số đối  tượng được  hỗ trợ đến nay là 28.312 đối tượng, với số tiền 29,3 tỷ đồng.

6. Hoạt động bảo hiểm

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch. Công tác thu vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, dẫn đến số tiền nợ cao. Tính đến ngày 31/12/2020, đã tiếp nhận 757 đơn đề nghị của các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp xin giãn, miễn đóng, miễn lãi chậm đóng, dừng đóng vào các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; thông báo giảm 20.590 lao động, trong đó có 8.416 lao động thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động; 10.297 lao động nghỉ việc không hưởng lương, 1.877 lao động nghỉ hưởng chế độ BHXH; đã xác nhận 9.009 sổ BHXH để bảo lưu.

Tính đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh có 92.050 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 5,3% so với cùng kỳ; có 83.264 người tham gia BHTN, giảm 5,1% so với cùng kỳ; số người tham gia BHXH tự nguyện 12.225 người, tăng 182,1% so với cùng kỳ; Số người tham gia BHYT 1.018.718 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.312 người), tăng 2,8% so với cùng kỳ. Đã xét duyệt, giải quyết cho 63.888 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, giảm 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, hưởng các chế độ BHXH dài hạn 1.326 lượt  người; hưởng trợ cấp BHXH một lần 11.377 lượt người; hưởng chế độ BHXH ngắn hạn 37.986 lượt người; hưởng trợ cấp BHTN 13.199 lượt người. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 90,26% dân số.

Tổng số đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng đến đầu tháng 01/2021 là 16.175 người. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng số thu 2.465,3 tỷ đồng, đạt 100,37% kế hoạch, tăng 2,95% so với cùng kỳ; tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 95,03 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước.

7. Tai nạn giao thông (từ 15/12/2020-14/01/2021):

Trong tháng 01/2020 (từ 15/12/2020 - 14/01/2021), tai nạn giao thông trên địa bàn xảy ra như sau:

- Số vụ tai nạn giao thông 41 vụ (so tháng trước tăng 10 vụ). So cùng kỳ năm trước tăng 16 vụ.

- Số người bị thương 25 người (tăng 4 người so tháng trước). So cùng kỳ năm trước tăng 6 người.

- Số người chết 29 người (tăng 11 người so tháng trước). So cùng kỳ năm trước tăng 16 người.

Trong tháng không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào đặt biệt nghiêm trọng. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở khu vực ngoài đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát.

8. Thiên tai, cháy nổ:

- Thiên tai: Trong tháng xảy ra 02 vụ thiên tai do gió to, sóng mạnh kết hợp triều cường dâng liên tục vào bờ gây sạt lún, sát lỡ bờ kè bảo vệ bờ biển gây ảnh hưởng 2 nơi: Biển Đồi Dương - Thường Chánh phía sau nhà thờ Vĩnh Phú (phường Hưng Long) và khu vực biển Mũi Né (ở tại khu vực du lịch Thanh Thanh và đoạn giữa khu du lịch Nắng Hòn Rơm - Mũi Né Xanh (thành phố Phan Thiết) chưa đánh giá thiệt hại. Có 01 vụ gió mạnh trên vùng biển xã Hòa Thắng huyện Bắc Bình làm 01 thuyền máy của ngư dân bị chìm. Ước giá trị thiệt hại do gió mạnh 100 triệu đồng.

- Cháy nổ: Trong tháng xảy ra 02 vụ cháy (giảm 08 vụ so với cùng kỳ), thiệt hại 65 triệu đồng (giảm 92,7% so với cùng kỳ); không xảy ra nổ.

 

- Vi phạm môi trường: Trong tháng đã phát hiện 4 vụ (tăng 01 vụ so cùng kỳ), đã xử phạt 162,2 triệu đồng (tăng 36,1% so cùng kỳ)./.

CTK Bình Thuận

ƯỚC KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI 01 THÁNG NĂM 2021

 

 


[[1]] Làm việc với Công ty Mainstream Renewable (MRP) về hợp tác trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi theo văn bản đăng ký làm việc số 118/2020 ngày 09/11/2020 của Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/