[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 ]

 

 

 

2. Kết quả kinh tế - xã hội của Bình Thuận trong năm 2011.

Năm 2011 trong điều kiện nền kinh tế của nước ta đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức: sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; lạm phát cao; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do năng lực tài chính hạn chế, công nghệ lạc hậu, hàng hóa tồn kho lớn; mặt bằng lãi suất cao… Song tình hình kinh tế xã hội tỉnh nhà vẫn có một số chuyển biến tích cực. Sản lượng lương thực tiếp tục tăng, chăn nuôi gia cầm đã hồi phục dần; sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản ổn định; hoạt động thương mại và du lịch tiếp tục phát triển, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng hơn năm trước; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ được tổ chức trang trọng, tạo khí thế tự hào, phấn khởi trong nhân dân. Tuy vậy vẫn có một số khó khăn nhất định: Tiến độ xây dựng các khu công nghiệp chậm, thu hút đầu tư ít; tai nạn giao thông trên địa bàn có xu hướng tăng; giá hàng tiêu dùng tăng cao; tỷ giá USD Mỹ và giá vàng diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu tăng cao, giá điện, nước máy tăng… đã tác động không nhỏ đến đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đời sống của các tầng lớp dân cư.

Dự ước tổng sản phẩm trong tỉnh (kể cả sản xuất điện) năm 2011 đạt 31.602 tỷ đồng; nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì GDP tăng 9,7% so với năm trước, trong đó nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,1%; nhóm công nghiệp và xây dựng tăng 9,6%; nhóm dịch vụ tăng 12,4%.

Trong 9,7% tăng trưởng chung, nhóm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 1,6%; nhóm công nghiệp và xây dựng đóng góp 3,6% và nhóm dịch vụ đóng góp 4,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch; nhóm nông lâm thuỷ sản chiếm 20,1% (năm trước 21%); công nghiệp xây dựng 34,2% (năm trước 34,2%), dịch vụ 45,7% (năm trước chiếm 44,8%).GDP bình quân đầu người đạt 26,6 triệu đồng (tương đương 1.269 USD).

Thời tiết sản xuất nông nghiệp trong năm khá thuận lợi, các biện pháp chỉ đạo thời vụ, điều tiết nguồn nước, phòng chống dịch bệnh được triển khai chặt chẽ, kịp thời, có hiệu quả nên diện tích, năng suất cây trồng tăng khá so với cùng kỳ năm trước, nhất là vụ Đông Xuân 2010 - 2011.

Diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 200.223 ha, đạt 106,6% KH, tăng 2,2 % so với năm trước; trong đó, nhóm cây lương thực đạt 128.765 ha, đạt 104,7% KH, tăng 2,2% so với năm trước (trong đó lúa 111.330 ha, đạt 108,1% KH, tăng 3,8% so với năm trước). Nếu vụ Mùa không có những yếu tố bất thường thì khả năng tổng sản lượng lương thực cả năm sẽ đạt 698.647 tấn, đạt 110,9 % KH, tăng 8,3% so với năm trước. Năm nay, diện tích cây mỳ phát triển khá do giá tăng đã góp phần đưa diện tích nhóm cây có bột đạt 153,6 % so với KH, tăng 20,5% so với năm trước.

Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả; một số cây trồng lợi thế phát triển mạnh so với năm trước như: cây Thanh long trồng mới đạt 3.060 ha, nâng tổng diện tích Thanh long toàn tỉnh lên 18.616 ha, đạt 136,38% KH, tăng 38,9 % so với năm trước; cao su trồng mới 2.109 ha, nâng tổng diện tích cao su toàn tỉnh lên 34.727 ha, đạt 107,3% KH, tăng 6,5% so với năm trước. Công tác tuyên truyền không sử dụng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật trên trái Thanh long luôn được chú trọng, các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương tăng cường thanh tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, qua đó đã phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần ổn định trật tự kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.

Các công trình thủy lợi đã tiếp tục phát huy hiệu quả. Nhờ chủ động tích nước cuối mùa mưa nên trong những tháng đầu năm hầu hết các hồ chứa nước đều có dung tích hữu ích đạt khá; đặc biệt đã tận dụng tối đa nguồn nước xả của thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, thủy điện Đại Ninh phục vụ sản xuất. Công tác theo dõi, điều tiết hợp lý nguồn nước từ các hồ chứa phục vụ sản xuất, sinh hoạt được quan tâm đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng và đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong các tháng mùa khô. Các công trình hồ chứa, đập dâng và các kênh chuyển nước lưu vực tiếp tục được gia cố, điều tiết mực nước phù hợp… để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Diện tích tưới các công trình thủy lợi trong năm ước đạt 95.200 ha (đạt 97,45% KH).

Chăn nuôi gia súc chậm hồi phục do ảnh hưởng giá giống và thức ăn tăng. Tại thời điểm 01/10/2011, đàn bò có 167,1 ngàn con (đạt 71,1% KH), đàn heo có 205,8 ngàn con (58,8% KH), đàn dê cừu 17,5 ngàn con (43,7% KH), đàn gia cầm có 2,7 triệu con (90,7% KH). So với năm trước, đàn bò giảm 25,3%, đàn heo giảm 23,7%, đàn dê cừu giảm 23,6%, đàn gia cầm tăng 13,8%. Dịch bệnh trên vật nuôi cơ bản được kiểm soát, đến nay toàn tỉnh chưa xảy ra dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc và bệnh tai xanh trên heo. Công tác cải tạo chất lượng giống bò, giống heo được tiếp tục chú trọng; hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung, khuyến khích mở rộng các đối tượng chăn nuôi mới phát triển như: nuôi dông, heo đen....

Ước cả năm thực hiện trồng mới 2.915 ha rừng tập trung (đạt 100% KH) (gồm: 325 ha rừng phòng hộ, 2.590 ha rừng sản xuất) và 1.074 ha cây phân tán (KH 440 ha) theo chính sách hỗ trợ giống cho dân trồng rừng.

Thực hiện theo dõi và cấp phép khai thác rừng trồng, khai thác tận dụng rừng tự nhiên và lâm sản phụ cho các đơn vị. Đến nay, lượng lâm sản đã khai thác được 12.319 m3 các loại (bao gồm cả củi), chủ yếu là rừng trồng, khai thác lâm sản phụ được 289.540 cây các loại.

Giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn vốn ngân sách thực hiện được 101.190 ha (đạt 99,7% KH), trong đó giao khoán cho đồng bào dân tộc thiểu số 88.014 ha. Diện tích khoanh nuôi tái sinh 12.021 ha (đạt 100% KH).

Đã triển khai thực hiện các Phương án: Chống lấn chiếm đất lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy rừng, Chỉ thị 35 về bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và khu vực giáp ranh các tỉnh. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, truy quét chống phá rừng tại các điểm nóng và vùng giáp ranh, trong 11 tháng đã phát hiện 1.168 vụ vi phạm lâm luật (cùng kỳ năm trước có 1.187 vụ vi phạm). Công tác phòng chống cháy rừng mùa khô được triển khai đồng bộ, các vụ cháy được cứu chữa kịp thời, không gây thiệt hại về cây gỗ.

Thời tiết, ngư trường trong những tháng đầu năm không thuận lợi, giá cả nhiên liệu, dịch vụ tăng cao đã tác động bất lợi đến hoạt động khai thác hải sản; tuy nhiên, nhờ vụ cá Nam, cá xuất hiện khá dày, đặc biệt cá cơm áp lộng đã mang lại hiệu quả khai thác cho một số nghề ven bờ; các nghề hoạt động di chuyển ngư trường xa Vũng Tàu, Côn Sơn,...đánh bắt có hiệu quả. Sản lượng khai thác hải sản cả năm ước đạt 176,9 ngàn tấn , đạt 104,1% kế hoạch; tăng 2,3% so với năm trước. Đã tiếp tục triển khai phát triển khai thác hải sản xa bờ theo mô hình tổ, đội gắn với dịch vụ hậu cần, chế biến trên biển; trong năm ngư dân đã đóng mới 33 thuyền /15.397 CV (bình quân 466,6 CV/thuyền). Số tàu cá công suất từ 90 CV trở lên tăng 111 chiếc so với đầu năm (vừa cải hoán, vừa đóng mới); đến nay toàn tỉnh có 8.418 chiếc với 674,3 ngàn cv; công suất bình quân 80,1 cv/thuyền, trong đó tàu thuyền có công suất từ 90 cv trở lên 1.816 chiếc.

Hoạt động đầu tư, sản xuất trong nuôi trồng và chế biến thủy sản tiếp tục được chú trọng, tập trung vào các đối tượng và sản phẩm lợi thế; tiếp tục thực hiện các mô hình đạt hiệu quả cao như nuôi cá tầm, cá mú, cá giò… Nuôi thủy sản tương đối ổn định, ngoại trừ một số thời điểm do ảnh hưởng của thời tiết và môi trường đã làm một số diện tích tôm cá nuôi bị chết song thiệt hại không đáng kể. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm ước đạt 15,6 ngàn tấn; đạt 104,5% kế hoạch, tăng 7,9% so với năm trước, trong đó sản lượng tôm nước lợ đạt 10.666 tấn (đạt 115,9% KH, tăng 13,9% so với năm trước). Các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường vùng nuôi, chú ý phòng trừ dịch bệnh nhằm đảm bảo năng suất vụ nuôi. Lợi thế về sản xuất tôm giống tiếp tục được duy trì, năm 2011 phần lớn các cơ sở tập trung đầu tư sản xuất giống tôm thẻ chân trắng; do nhu cầu giống của thị trường các tỉnh năm nay tăng cao, đồng thời chu kỳ sản xuất quay vòng của tôm thẻ chân trắng ngắn nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ giống trong năm tăng cao, ước cả năm đạt 10,5 tỷ post, đạt 131,2% KH, tăng 13,4% so với năm trước.

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 (theo giá cố định 1994) ước đạt 5.479,7 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm trước; trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 1.227,5 tỷ đồng, giảm 18,7% so năm trước (riêng sản xuất thủy điện khu vực nhà nước đạt 1.029,6 tỷ đồng, giảm 21,8% so với năm trước); kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.940,9 tỷ đồng, tăng 13,8% so năm trước (riêng sản xuất thủy điện, điện gió khu vực ngoài nhà nước đạt 139,5 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm trước); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 311,2 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so năm trước.

Nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp khá ổn định, các cơ sở sản xuất giữ được thị trường tiêu thụ; các sản phẩm sản xuất đều tăng so với năm trước, trong đó các sản phẩm tăng khá cao là: gạch nung (tăng 12,6%), đá xây dựng (tăng 10,1%); nước khoáng (tăng 21,6%); trang in (tăng 26,3%); đường (tăng 21,1%); nước máy (tăng 16,2%); thủy sản đông lạnh (tăng 14,4%), thủy sản khô (tăng 14,8%), nước mắm (tăng 19,2%), hạt điều nhân (tăng 32,4%); sản phẩm may mặc (tăng 32%).

Đã hoàn thành và đưa vào vận hành 20 turbine (30MW) dự án Phong điện 1 -Bình Thuận (giai đoạn 1), đang chuẩn bị công tác đầu tư giai đoạn 2 (90MW). Khởi công và lắp đặt 1 trụ turbine dự án điện gió Phú Quý, dự kiến đến cuối năm dự án hoàn thành và phát điện; khởi công xây dựng dự án điện gió Thuận Nhiên Phong (32MW). Đang tiếp tục thi công san lắp mặt bằng, hoàn thành đê bao lấn biển Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (gồm 4 nhà máy nhiệt điện than - 5.668MW); đang thi công nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Đang lập hồ sơ dự án đầu tư Trung tâm Nhiệt điện Sơn Mỹ (gồm 2 nhà máy turbine khí hỗn hợp - 3.900MW); báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất chấp thuận vị trí địa điểm dự án kho, cảng nhập khí LNG tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân phục vụ Trung tâm điện lực Sơn Mỹ.

Trong năm đã triển khai thực hiện 12 đề tài, dự án (trong đó có 6 đề tài dự án mới); nghiệm thu 07 đề tài, dự án; công nhận kết quả và bàn giao kết quả 09 đề tài, dự án đến các ngành chức năng triển khai ứng dụng. Các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện 14 đề tài, dự án (trong đó có 10 đề tài, dự án mới), nghiệm thu 02 đề tài chuyển tiếp từ năm trước. Các đề tài, dự án chủ yếu là ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Vốn đầu tư phát triển thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2011 ước đạt 1.292 tỷ đồng (đạt 122,9% KH), trong đó: Vốn XDCB tập trung đạt 338 tỷ đồng; vốn TW hỗ trợ có mục tiêu 195 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ 266 tỷ đồng; vốn khác 493 tỷ đồng. Dự ước vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2011 đạt 13.500 tỷ đồng.

Về cấp phép đầu tư: Trong 11 tháng, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (6 dự án du lịch; 1 dự án nông nghiệp, 1 dự án thủy sản, 9 dự án công nghiệp, 12 dự án dịch vụ, 3 dự án xăng dầu) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.698,5 tỷ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có thêm 13 dự án được cấp Giấy phép đầu tư và 14 doanh nghiệp điều chỉnh Giấy phép đầu tư với tổng số vốn bổ sung là 11,9 triệu USD, nâng tổng số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực là 90 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.687,9 triệu USD. Như vậy đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.154 dự án đã được UBND Tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 87.694 tỷ đồng, trong đó có 411 dự án du lịch, 80 dự án nuôi trồng thuỷ sản, 199 dự án nông lâm nghiệp, 209 dự án công nghiệp, 112 dịch vụ, 131 dự án xăng dầu, 12 dự án khu dân cư.

Về cấp phép đăng ký kinh doanh: Trong 11 tháng đã tiếp nhận 1.610 hồ sơ và giải quyết 1.589 hồ sơ đăng ký kinh doanh (trong đó giải quyết sớm 823 hồ sơ). Như vậy tính đến ngày 30/11/2011, trên địa bàn tỉnh có 3.354 doanh nghiệp, 410 chi nhánh và 73 văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký 30.329 tỷ đồng. Trong năm đã làm thủ tục xóa tên 114 doanh nghiệp, trong đó giải thể 75 doanh nghiệp; chuyển đổi loại hình 39 doanh nghiệp.

Tổng giá trị thực hiện các dự án có vốn tài trợ nước ngoài và các khoản viện trợ khác trong năm ước đạt 6,2 triệu USD; trong đó: Nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) ước khoảng 102,75 tỷ đồng (đạt 74,8 % kế hoạch vận động nguồn ODA năm 2011), giá trị giải ngân các dự án thực hiện 96 tỷ đồng, đạt 69,8% kế hoạch; Nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGOs) ước đạt 1.485.718 USD (đạt 94% kế hoạch vận động năm 2011).

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội cả năm đạt 19.596 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tương đương năm trước.

Trong năm, Tỉnh đã triển khai đầy đủ các Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2011; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khảo sát giao thương tại 10 thị trường nước ngoài; hỗ trợ 18 lượt DN tham gia 17 hội chợ; tổ chức 04 hội chợ trong tỉnh với trên 250 doanh nghiệp tham gia, 02 hội thảo chuyên đề cho trên 80 doanh nghiệp; thực hiện Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện: Đức Linh, Tuy Phong, Tánh Linh.

Công tác kiểm dịch, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trong tỉnh được tiếp tục chú trọng. Các ngành chức năng đã thường xuyên phối hợp nhau tăng cường công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức thanh kiểm tra các hoạt động kinh doanh gia súc, gia cầm và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống và chế biến trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người dân. Công tác chống buôn lậu, quản lý thị trường được duy trì thường xuyên và tăng cường, trọng tâm là công tác sắp xếp trật tự mua bán ở các chợ, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong 11 tháng, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, kiểm soát 2.328 lượt cơ sở, phát hiện 896 cơ sở vi phạm; xử phạt hành chính và nộp ngân sách 6,1 tỷ đồng.

Giá tiêu dùng cả năm tăng 18,70%; trong đó các nhóm tăng khá cao là: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 24,8%); nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 22,84%); giao thông (tăng 22,02%). Tốc độ tăng giá năm nay cao hơn những năm trước do tác động của giá thực phẩm, điện, nước, chất đốt và nhiên liệu.

Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển; lượng khách đến tham quan, du lịch tại Bình Thuận tiếp tục tăng. Các cơ sở kinh doanh du lịch tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới phong cách phục vụ, đón và phục vụ du khách. Trong dịp lễ, tết, các đơn vị kinh doanh lữ hành đã tổ chức đưa du khách đi tham quan, thưởng thức các hoạt động vui chơi khá chu đáo; giá cả hàng hóa, dịch vụ không tăng đột biến; vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự ở các khu, tuyến, điểm du lịch trọng điểm nhìn chung đảm bảo tốt. Dự ước năm 2011 có 2.802 ngàn lượt khách đến, tăng 12,1% so với năm trước; ngày khách phục vụ đạt 3.834 ngàn ngày khách, tăng 12,8% so với kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.381 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2011 ước đạt 215,3 triệu USD, đạt 116,4% kế hoạch, tăng 20,5% so với năm trước, trong đó nhóm hàng thuỷ sản đạt 87,5 triệu USD (đạt 112,2% KH; tăng 2,9% so với năm trước), hàng nông sản đạt 40,4 triệu USD (đạt 126,2% KH; tăng 8,2% so với năm trước), hàng hoá khác 87,4 triệu USD (đạt 116,6% KH; tăng 55,2% so với năm trước); với một số mặt hàng chủ yếu như: hải sản đông 17.763 tấn, hải sản khô 1.196 tấn; nhân hạt điều 1.219 tấn; cao su 2.971 tấn; quả thanh long 33.849 tấn. Nhập khẩu cả năm ước đạt 68,8 triệu USD (đạt 98,3% KH; giảm 12,4% so với năm trước).

Hoạt động vận tải ổn định. Ước tính khối lượng luân chuyển hàng hóa đường bộ cả năm đạt 245,1 triệu tấnkm (tăng 5,1% so với năm trước), luân chuyển hàng hóa đường thủy 3.076 ngàn tấnkm (giảm 33,5%); luân chuyển hành khách đường bộ đạt 565,9 triệu lượt ngườikm (tăng 4,4%), luân chuyển hành khách đường thuỷ đạt 4.549 ngàn lượt ngườikm (tăng 15,9%).

Công tác tuần tra, kiểm soát giao thông được tiếp tục tăng cường; các ngành chức năng đã thường xuyên phối hợp tuần tra kiểm soát giao thông, phát hiện lập biên bản các trường hợp vi phạm, tạm giữ phương tiện giao thông chở quá số người quy định, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm…

Tai nạn giao thông trên địa bàn có xu hướng tăng. Trong 11 tháng đã xảy ra 250 vụ (tăng 46 vụ so với cùng kỳ năm trước); gây chết 277 người (tăng 36 người so cùng kỳ); làm bị thương 148 người (tăng 76 người so với cùng kỳ).

Hoạt động viễn thông tiếp tục phát triển, chất lượng ngày càng cao; các dịch vụ mới (di động 3G,, truy nhập Internet cáp quang…) phát triển, góp phần phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin tại các Sở, ngành, địa phương được chú trọng đầu tư, nâng cấp đáp ứng tốt nhu cầu công việc. Ứng dụng công nghệ thông tin mang lại hiệu quả khá, thông qua việc sử dụng phần mềm quản lý chuyên ngành của các đơn vị. Số thuê bao điện thoại cố định ước đến cuối năm có 222,2 ngàn thuê bao (giảm 4,6% so với năm trước); thuê bao di động có 1,392 triệu thuê bao (tăng 9% so với năm trước). Số thuê bao Internet đến tháng cuối năm ước đạt 49,5 ngàn thuê bao (tăng 14,2 ngàn thuê bao so với năm trước); tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 30%.

Ước thu ngân sách trong năm đạt 7.729,8 tỷ đồng, đạt 135,1% dự toán năm; trong đó thu từ dầu thô là 4.807,5 tỷ đồng (đạt 160,2% dự toán), thuế xuất nhập khẩu là 31,4 tỷ đồng (đạt 157,2% dự toán). Nếu loại trừ thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu thì kết quả thu đạt 2.890,6 tỷ đồng, đạt 107,1% dự toán; tăng 12,1% so với năm trước. Hầu hết các khoản thu đều đạt khá so với dự toán như: thu xổ số kiến thiết (đạt 183,9%), thu từ doanh nghiệp Nhà nước (đạt 105,3%), thu kinh tế ngoài quốc doanh (đạt 110%), thu lệ phí trước bạ (đạt 127,4%), thu thuế nhà đất (đạt 133%), thuế thu nhập cá nhân (đạt 142,3%). Tuy vậy có một số loại thu không đạt dự toán năm như: thu phí xăng dầu (đạt 79,9%), thu DN có vốn ĐTNN (94,9%).

Chi ngân sách trong năm ước thực hiện 4.774,9 tỷ đồng, đạt 114,3% dự toán; trong đó: Chi đầu tư phát triển 696 tỷ đồng (đạt 100,9% dự toán), chi thường xuyên 2.920,8 tỷ đồng (đạt 111,1% dự toán), chi chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ 667 tỷ đồng (đạt 190,3% dự toán), chi từ nguồn để lại quản lý qua ngân sách nhà nước 450 tỷ đồng (đạt 121% dự toán). Nhìn chung chi ngân sách đã bám sát dự toán đề ra, đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các nhu cầu bức xúc như: cứu đói, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai….

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 41 tổ chức tín dụng đang hoạt động (tăng 03 tổ chức tín dụng so với đầu năm). Hoạt động tín dụng ngân hàng tiếp tục phát triển theo hướng tập trung phục vụ phát triển sản xuất – kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cho vay tiêu dùng và bất động sản, chứng khoán được kiểm soát chặt chẽ. Huy động vốn tiếp tục tăng trưởng do các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh huy động vốn với nhiều hình thức linh hoạt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiếp thị, thực hiện tốt chính sách khách hàng, đổi mới phong cách phục vụ tạo niềm tin và tín nhiệm của khách hàng. Công tác tín dụng luôn được chú trọng, tăng cường chất lượng thẩm định, quyết định tín dụng và xét duyệt cho vay, các tổ chức tín dụng tập trung vốn ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, khu vực nông nghiệp nông thôn, cho vay xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực phi sản xuất, và luôn đảm bảo thanh khoản mọi thời điểm. Dự ước đến cuối năm 2011, nguồn vốn huy động đạt 10.491 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm, tổng dư nợ cho vay đạt 12.951 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm; nợ xấu 189 tỷ đồng (chiếm 1,46% tổng dư nợ).

Hoạt động tuyên truyền cổ động được tiếp tục đẩy mạnh. Ngoài những chủ đề tuyên truyền như năm trước, năm nay có thêm nội dung và tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Kết quả trong năm đã thực hiện 40.890 giờ phát thanh xe loa, 12.855m băng rôn, 4.967m2 phướn khẩu hiệu, kẻ vẽ 3.420 m2 panô, treo 4.650 cờ phướn các loại …. Các Đội Tuyên truyền lưu động từ tỉnh đến huyện thực hiện các buổi diễn văn nghệ phục vụ nhân dân, tuyên truyền các ngày lễ, tết … với gần 550 buổi diễn (trong đó Đội TT các huyện, thị xã, thành phố thực hiện 450 buổi diễn). Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng duy trì đều. Đã tổ chức tốt các chương trình nghệ thuật; các Hội thi tiếng hát; cuộc thi ảnh nghệ thuật và thực hiện các chương trình văn nghệ phục vụ chào mừng các ngày kỷ niệm, lễ, tết….

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng tạo sự chuyển biến đáng kể về quy mô phát triển các loại hình giáo dục. Tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình cấp tiểu học đạt 99,84% (tăng 0,15% so với năm học trước); tỷ lệ học sinh lớp 9 được xét công nhận tốt nghiệp THCS đạt 98,43% (tăng 0,69%); tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 88,34% (tăng 4,64%); tỷ lệ đỗ bổ túc THPT đạt 69,63% (tăng 38,58% so với năm học trước). Tỷ lệ học sinh bỏ học năm học 2010-2011 là 1,81% (giảm 0,08% so với năm học trước). Năm học 2011-2012 quy mô trường lớp tiếp tục được phát triển. Cơ sở vật chất được tiếp tục tăng cường, các địa phương đã xây dựng mới 283 phòng học (Mầm non: 30, Tiểu học: 126, THCS: 90, THPT: 37 phòng) và hơn 40 phòng chức năng khác; đã sửa chữa lớn: 566 phòng, trang bị mới 396 bộ bàn ghế giáo viên và 6.497 bộ bàn ghế học sinh thuộc các ngành học, cấp học.

Trong năm, tất cả các xã phường, thị trấn đã duy trì kết quả đạt Chuẩn Quốc gia y tế (trong đó 15 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Hiện có 86/127 trạm y tế xã, phường có bác sỹ công tác; toàn tỉnh bình quân có 5,0 bác sỹ/vạn dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tiếp tục đầu tư; các cơ sở y tế xây mới đưa vào sử dụng trong năm đã phát huy tác dụng tốt. Đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm đường hô hấp cấp nặng do virus cúm, dịch tay chân miệng… và giám sát dịch tể các bệnh dịch nguy hiểm, chuẩn bị sẵn sàng các loại hoá chất, thuốc, vật tư; đẩy mạnh công tác truyền thông về các bệnh dịch trên các phương tiện đại chúng. Các bệnh xã hội được kiểm soát tốt, công tác kiểm tra giám sát tuyến cơ sở được thực hiện thường xuyên, nề nếp. Qua 11 tháng, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; dịch tay-chân-miệng tăng cao (có 730 ca nhiễm, cùng kỳ năm trước 45 ca), không có trường hợp tử vong. Công tác phòng chống bệnh suy dinh dưỡng tiếp tục duy trì và triển khai có kết quả. Các hoạt động: cân trẻ, thực hành dinh dưỡng, tập huấn mạng lưới cộng tác viên kỹ năng phòng chống suy dinh dưỡng vẫn được triển khai đều đặn. Tỷ lệ trẻ sinh ra dưới 2.500g là 2,8%. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai ngay từ đầu năm, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ 7 loại vacxin, đạt 86% (11 tháng).

Trong năm ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành chức năng giải quyết việc làm cho 23,5 ngàn lao động (đạt 102,2% KH), trong đó: xuất khẩu lao động 40 người (đạt 26,7% KH), cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm 2.530 người (đạt 101,2% KH) trong các lĩnh vực: nông lâm nghiệp (12,2 ngàn lao động), công nghiệp – xây dựng (4 ngàn lao động), dịch vụ (7,3 ngàn lao động); triển khai Chợ việc làm tại 03 huyện, thị xã (Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, LaGi) thu hút 1.097 lao động tham dự với 1.371 lượt lao động được tư vấn học nghề, tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động; giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 1.850 người với tổng kinh phí là 5.951 triệu đồng; tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho 652 người thất nghiệp. Đã tổ chức đào tạo nghề cho 12,3 ngàn người (đạt 102,9% KH), tăng 28,1% so với năm trước, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 10 ngàn người (đạt 100% KH) tăng 54,5% so với năm trước. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, trong năm đã tổ chức 10 lớp tập huấn công tác tuyên truyền Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố cho hơn 1.100 người.

Đã giải quyết cho 4.830 hộ nghèo vay vốn sản xuất với số tiền 57 tỷ đồng; hoàn thành việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo (cấp 104.655 thẻ cho người thuộc hộ nghèo, 32.279 thẻ cho người thuộc hộ mới thoát nghèo). Đã hoàn tất việc chi trả hỗ trợ tiền điện cho 24.266 hộ nghèo với tổng số tiền hơn 06 tỷ đồng; chi trả trợ cấp khó khăn theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ cho 8.929 đối tượng là người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với tổng kinh phí là 1.824 triệu đồng và 24.284 hộ nghèo với tổng kinh phí 6.071 triệu đồng.

Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong năm đã giải ngân thực hiện các công trình đầu tư theo Nghị Quyết 39 NQ/TW được 43 tỷ đồng (đạt 100% KH); thực hiện đầu tư phát triển theo Chính sách định canh định cư (QĐ 33/2007/QĐ-TTg) giải ngân được 4 tỷ đồng (đạt 100% KH); thực hiện Chương trình 134 giải ngân được 11,134 tỷ đồng (đạt 111,34% KH).

Đã hợp đồng đầu tư ứng trước bắp lai 1.524 hộ/2.846,3 ha; lúa nước 246 hộ/119,7 ha; đến nay đã thu mua 8.122 tấn bắp, 400 tấn mũ cao su với tổng giá trị trên 41 tỷ đồng (trong đó bắp lai 34 tỷ đồng); thu hồi nợ đầu tư ứng trước trên 90%. Đã tổ chức cung ứng kịp thời các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số như: phân bón hóa học 1.112 tấn; lúa giống 64,4 tấn; bắp giống 47 tấn; thuốc bảo vệ thực vật 28 tấn; gạo ăn 50 tấn; muối Iốt 4,3 tấn; tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, cạo mũ, bón phân cây cao su; đã cung ứng giống cây cao su trên 70 ngàn cây (tương ứng 120 ha).

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo