[1][2][3][4][5][6][7][8][9]

Phát triển kinh tế xã hội, nâng cao mức sống của người dân là mục tiêu của mỗi quốc gia nói chung và của từng địa phương nói riêng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã nêu: Mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2001-2010 là: Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao

Thực hiện những mục tiêu nhiệm vụ chiến lược nêu trên, trong những năm qua Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã cụ thể hoá và lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội. Phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng, các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đề ra, đưa kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển

Trong 4 năm (2006-2009) tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn (GDP) tăng bình quân 13%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2009 đạt 16,9 triệu đồng (tương đương 938 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỷ trọng các nhóm ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong GDP tăng dần. Năm 2009 nhóm ngành công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 34,4% (năm 2005 chiếm 32,7%), nhóm dịch vụ chiếm 43% (năm 2005 chiếm 36,9%), nhóm nông lâm thuỷ sản 22,4% (năm 2005 chiếm 30,4%).

Thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đạt được một số kết quả nhất định; trong 4 năm (2006-2009) đã có 43 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 151,5 triệu USD, nâng tổng số dự án còn hiệu lực đến cuối năm 2009 là 74 dự án với tổng vốn đăng ký là 1.081 triệu USD, trong đó 37 dự án du lịch – dịch vụ (964,2 triệu USD); 20 dự án công nghiệp-xây dựng (81,8 triệu USD); 7 dự án nông –lâm nghiệp (24,9 triệu USD); 10 dự án nuôi trồng thủy sản (10,1 triệu USD)

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, diện tích trồng cây công nghiệp, cây ăn quả tăng nhanh hơn cây hàng năm; cơ cấu cây hàng năm giảm dần (năm 2005 chiếm 75,2%; đến 2009: 69,6%), cây lâu năm tăng lên (2005: 24,8%; đến 2009: 30,4%). Hệ số sử dụng đất cây hàng năm tăng dần, năm 2006 chỉ đạt 1,17 lần thì đến năm 2009 đạt 1,21 lần. Sản lượng lương thực không ngừng tăng lên; năm 2006 đạt 462 ngàn tấn; năm 2009 đạt 612 ngàn tấn. Sản lượng các cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị xuất khẩu tăng nhanh; so với năm 2005 sản lượng cao su năm 2009 tăng 2,7 lần, trái thanh long tăng gấp 2,7 lần. Hệ số sử dụng đất cây lâu năm từ 0,60 lần (năm 2006) tăng lên 0,68 lần (năm 2009). Kết quả trên đã nâng giá trị sản phẩm trồng trọt từ 17,3 triệu đồng/ha (năm 2006) lên 34,9 triệu đồng/ha (năm 2009). Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển, đến cuối năm 2009 có 2.449 trang trại (năm 2005 có 1.959 trang trại); diện tích đất sản xuất trên 10.308 ha (năm 2005 có 8.080 ha); tồng nguồn vốn sản xuất đạt 894 tỷ đồng (năm 2005 có 426 tỷ đồng); bình quân 365 triệu đồng/trang trại (năm 2005 chỉ có 217 triệu đồng); thu nhập năm 2009 đạt bình quân 107,3 triệu đồng/trang trại (năm 2005 đạt 45 triệu đồng). Kinh tế thuỷ sản tiếp tục phát triển cả khai thác và nuôi trồng đồng thời gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Sản lượng hải sản khai thác năm 2009 ước đạt 169 nghìn tấn (tăng 22 nghìn tấn so với năm 2005); sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2009 đạt 12,9 ngàn tấn (tăng 1,9 lần so với năm 2005); nuôi tôm giống cũng phát triển khá nhanh và mang lại nhiều kết quả khả quan, sản lượng năm 2009 ước đạt 5,8 tỷ post (tăng 40% so với 2005). Giá trị nuôi trồng thủy sản trên 1 ha từ 87,6 triệu đồng (năm 2006) nâng lên 229,7 triệu đồng (năm 2009)

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 17,3%/năm. Do có thêm các Nhà máy thủy điện, phong điện đi vào hoạt động nên công nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước tăng với mức độ khá (trong giai đoạn 2006-2010, bình quân tăng 20,2%/năm); công nghiệp thuộc khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,6%; công nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 15,6%/năm. Các sản phẩm tăng là: đá xây dựng, thuỷ sản đông lạnh, nước mắm, gạch các loại, nước khoáng, may mặc, nước máy. Các DNNN địa phương sau khi cổ phần hóa đã có những bước tiến quan trọng, nâng cao hiệu quả hoạt động trong quá trình hội nhập và khẳng định thương hiệu.

Lưu thông hàng hóa giữa các vùng, các địa phương tiếp tục thuận lợi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 20%/năm. Giá cả các mặt hàng trọng yếu nhìn chung qua biến động không lớn, không kéo dài. Hoạt động ngoại thương phát triển, thị trường xuất khẩu hàng hải sản tiếp tục giữ ổn định ở 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; mặt hàng thanh long ngoài thị trường Trung Quốc đã có thêm một số thị trường mới như: Đức, Hà Lan, UAE, Malaysia, Xin-ga-po, Thái Lan, Mỹ…. Hàng may mặc đã khẳng định được vị thế và chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2009 đạt 133 triệu USD, tăng 38% so với năm 2005

Hoạt động du lịch phát triển nhanh. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2009 đạt 1.891 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại các khách sạn tăng bình quân 14,8%/năm, thời gian lưu trú 1 lượt khách dài hơn so với trước đây; năng lực và chất lượng phục vụ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Giao thông vận tải ổn định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển rộng khắp; số thuê bao điện thoại, thuê bao Internet phát triển nhanh.

[1][2][3][4][5][6][7][8][9]