[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 ]

Năm 2011 trong điều kiện nền kinh tế của nước ta đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức: sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; lạm phát cao; hoạt động các cơ sở kinh tế nhìn chung gặp khó khăn do thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, mặt bằng lãi suất cao, lạm phát tăng nhanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp … Song tình hình kinh tế xã hội tỉnh nhà vẫn có một số chuyển biến tích cực thể hiện qua các kết quả sau.

- Thời tiết sản xuất nông nghiệp ổn định; sản lượng lương thực tiếp tục tăng so với năm trước. Các bệnh thông thường ở đàn gia súc, gia cầm được khống chế kịp thời, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc và các dịch bệnh nguy hiểm được các địa phương triển khai tích cực. Khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản ổn định. - Sản xuất công nghiệp địa phương tiếp tục tăng trưởng; hầu hết các sản phẩm đều tăng so với năm trước; các cơ sở kinh tế tiếp tục thể hiện tính năng động trong sản xuất, giữ được thị trường tiêu thụ ổn định.

- Hoạt động thương mại nội địa ổn định; Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng so với năm trước, trong đó giá trị hàng may mặc, cao su, nhân hạt điều tăng khá. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tiếp tục tăng cường, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng được hạn chế. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển; lượng khách đến lưu trú tại địa phương tăng thêm so với năm trước; khách quốc tế vẫn giữ ổn định, lưu trú dài ngày hơn. Hoạt động vận tải ổn định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách trên tất cả các tuyến đường.

- Các vấn đề xã hội tiếp tục chuyển biến. Dịch bệnh phát sinh được khống chế kịp thời; các bệnh xã hội thường xuyên được chú trọng. Chương trình y tế quốc gia được triển khai đều ở các tuyến. Mạng lưới trường lớp được duy trì và tiếp tục có những chuyển biến đáng kể về quy mô phát triển, các điều kiện đảm bảo cho chất lượng được đầu tư và tăng cuờng, tỉ lệ huy động học sinh ra lớp ở các độ tuổi đều tăng so với năm học trước. Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được củng cố và ổn định. Chất lượng giáo dục các mặt được giữ vững, ổn định và đạt nhiều kết quả tiến bộ; tỷ lệ học sinh yếu, kém về học lực giảm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học có nhiều cố gắng, triển khai có hiệu quả đề án giáo án điện tử một số môn trung học phổ thông.

- Các biện pháp triển khai đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc. Đã có nhiều cố gắng trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cho vay vốn giải quyết việc làm nên số lao động tìm được việc làm. Công tác đào tạo nghề nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn triển khai tích cực, bám sát yêu cầu của người lao động. Chương trình Giảm nghèo tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015 được sớm ban hành và tiếp tục đẩy mạnh thông qua triển khai thực hiện các chính sách, dự án. Các chính sách an sinh xã hội (như trợ cấp xã hội thường xuyên, trợ cấp tiền điện, trợ cấp khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) đảm bảo tốt, các họat động cứu trợ thực hiện kịp thời, chất lượng chăm sóc đối tượng và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội được nâng cao. Đã giải quyết kịp thời các chế độ chính sách và hỗ trợ đời sống đối với người có công.

- Hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tiếp tục được đẩy mạnh, trẻ em có hòan cảnh đặc biệt được chăm sóc tốt hơn về số lượng và chất lượng. Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em tiếp tục được mở rộng.

Những kết quả đó đã đưa tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2011 đạt 31.602 tỷ đồng; nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì GDP tăng 9,7% so với năm trước, trong đó nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,1%; nhóm công nghiệp và xây dựng tăng 9,6%; nhóm dịch vụ tăng 12,4%. Trong 9,7% tăng trưởng chung, nhóm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 1,6%; nhóm công nghiệp và xây dựng đóng góp 3,6% và nhóm dịch vụ đóng góp 4,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch; nhóm nông lâm thuỷ sản chiếm 20,1% (năm trước 21%); công nghiệp xây dựng 34,2% (năm trước 34,2%), dịch vụ 45,7% (năm trước chiếm 44,8%).GDP bình quân đầu người đạt 26,6 triệu đồng (tương đương 1.269 USD).

Để đánh giá đúng thực trạng mức sống dân cư trên địa bàn, năm 2011 Cục Thống kê Bình Thuận đã tiến hành điều tra mẫu 1.500 hộ gia đình. Kết quả chọn mẫu 1.500 hộ theo cơ cấu phù hợp với kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 về phân theo khu vực, phân theo vùng, phân theo thành phần kinh tế, phân theo ngành nghề. Thông qua kết quả điều tra, Cục Thống kê Bình Thuận biên soạn chuyên đề: “Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2011 tỉnh Bình Thuận” giúp lãnh đạo các ngành, các cấp tham khảo.

Chuyên đề được trình bày với một số nội dung sau:

- Hộ, nhân khẩu, lao động trên địa bàn

- Trình độ học vấn (người từ 6 tuổi trở lên) và trình độ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ (người từ 15 tuổi trở lên)

- Nhà ở, sử dụng điện, nguồn nước, vệ sinh môi trường và tiện nghi sinh hoạt

- Thu nhập của hộ gia đình

- Chi tiêu và cơ cấu chi tiêu

- Tích luỹ hộ gia đình

- Tiếp cận thông tin và hoạt động thể dục thể thao, du lịch

- Nhận định của chủ hộ về một số vấn đề xã hội

- Đánh giá tổng quát

- Một số giải pháp chủ yếu để tiếp tục cải thiện, nâng cao mức sống

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo