[1][2][3][4][5][6][7][8][9]

III. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ CỦA BÌNH THUẬN TRONG NĂM 2010:

Khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu vào cuối năm 2008 và kéo dài sang đến năm 2010, đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi đó môi trường đầu tư của địa phương cũng có nhiều ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, dựa vào kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2010, Cục Thống kê Bình Thuận đã chọn mẫu 300 doanh nghiệp để điều tra về môi trường đầu tư của địa phương. Kết quả điều tra đã cho thấy những tín hiệu khả quan về môi trường đầu tư tại Bình Thuận, và cũng còn một số tồn tại nhất định mà tới đây địa phương cần phải rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

1. Những phát triển mới trong năm 2010:

Trong năm qua, các doanh nghiệp Bình Thuận đã có những phát triển khá tốt, thể hiện rõ qua đánh giá về kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của lực lượng lãnh đạo doanh nghiệp. Số giám đốc doanh nghiệp có trên 10 năm kinh nghiệm kinh doanh trong năm 2010 chiếm 18,7% trong tổng số doanh nghiệp (DN) toàn tỉnh, tăng 3,4% so với năm trước. Đặc biệt, số giám đốc DN có kinh nghiệm từ dưới 1 năm chiếm đến 19,7% trong tổng số DN toàn tỉnh, tăng 4,1% so với năm trước. Điều đó cho thấy số DN mới được thành lập khá nhiều, thể hiện rõ sự khởi sắc trong tăng trưởng của nền kinh tế địa phương.

Qua 1 năm đầy biến động, trình độ chuyên môn của các chủ DN cũng đã có những thay đổi đáng kể, đây cũng là điều sẽ xảy ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ngày càng đòi hỏi những sự hiểu biết, trình độ nhất định về công việc mà họ đang thực hiện. Tuy vậy, ngoại trừ 3 nhóm ngành xây dựng, du lịch, tài chính, ngân hàng có tỷ lệ chủ DN có trình độ cao hơn 50%; còn lại các ngành khác tỷ lệ chủ DN có trình độ dưới 50%. Bên cạnh đó, tỷ lệ chủ DN có chuyên ngành được đào tạo không phù hợp với ngành kinh doanh hiện nay chiếm hơn 50% đều rơi vào ngành khai khoáng, bất động sản, sản xuất và phân phối điện…. Điều đó cho ta thấy một số chủ DN vẫn chưa nhận thức được rõ về công việc kinh doanh của họ có tác động như thế nào đối với bên ngoài, nên những vi phạm về môi trường, đất đai, xây lắp điện thường có liên quan đến các DN này.

Thời gian cấp các loại giấy phép, giấy đăng ký trong năm 2010 đã được rút ngắn đáng kể, tiếp tục tạo được sự tin tưởng cho doanh nghiệp. Nếu như trong năm 2009, có 7% doanh nghiệp cho biết thời gian cấp giấy phép từ 2 – 7 ngày, thì sang năm 2010 đã tăng lên là 9,6%. Đây cũng là một sự tiến bộ rất tốt của cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, đảm bảo cho DN tiết kiệm được thời gian đi lại rất nhiều. Đa số DN cho biết không gặp khó khăn gì khi thành lập mới. Tuy vậy trong năm 2010 cũng đã xuất hiện một vài ý kiến cho biết thời gian được cấp giấy phép khá lâu, như từ 3 - 6 tháng có 1,03% ý kiến DN, trên 6 tháng có 0,7% ý kiến. Qua điều tra cho thấy các DN này đều thiếu một vài thủ tục giấy tờ cần thiết, nên chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép. Nhìn chung, tỷ lệ hài lòng về giấy phép kinh doanh và giấy phép hành nghề chiếm đến 59,7% DN được hỏi ý kiến, tăng 8,6% so với năm trước.

[1][2][3][4][5][6][7][8][9]