[1][2][3][4][5][6][7][8][9]

2. Những vấn đề còn tồn tại trong năm 2010.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội không tránh khỏi những vấn đề có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả đầu tư của DN, mà từ đó chúng ta cần phải rút ra bài học kinh nghiệm cho những năm tiếp theo:

- Yếu tố thứ nhất là điện, nước:  Tuy tình hình mất điện trong năm 2010 đã được cải thiện phần nào, nhưng theo ý kiến từ các DN cho thấy vấn đề này vẫn còn gây ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các loại hình kinh tế với tỷ lệ bị ảnh hưởng chiếm 78,3% DN được hỏi ý kiến. Mặc dù ý kiến về ảnh hưởng của mất điện gây cản trở tương đối và cản trở đáng kể đã giảm 4,7% so với năm trước, nhưng tỷ lệ về mức độ rất nghiêm trọng lại tăng 0,1% và tỷ lệ hài lòng giảm 2,6% so với năm trước. Đặc biệt tỷ lệ cho biết có gây đôi chút cản trở tăng 7,5% so với năm trước, điều đó cho thấy mất điện đã gây ảnh hưởng trên diện rộng hơn và tạo rất nhiều khó khăn cho các DN. Bình quân số ngày cắt điện là 18 ngày/1DN, bình quân giá trị thiệt hại là 22 triệu đồng/1DN. Trong đó, DN sản xuất công nghiệp chiếm tỷ lệ 27,7%; DN thương nghiệp chiếm tỷ lệ 25,5%; DN du lịch chiếm tỷ lệ 8,5%.... Trong các ngành này thì ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp có tỷ lệ giảm so với năm trước và ngược lại các ngành vận tải, du lịch, tài chính, giáo dục, các cơ quan hành chính… đều có tỷ lệ tăng so với năm trước.

Theo các DN, việc giá điện tăng không quan trọng bằng việc cúp điện quá nhiều, trong khi giá xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến cho nhiều DN cũng như hộ dân gặp khá nhiều khó khăn, nhất là điện phục vụ cho sản xuất thanh long trái vụ, điện phục vụ cho ngành chế biến hải sản, may mặc, cơ khí, khách sạn, nhà hàng và nhiều ngành nghề khác.

Bên cạnh đó, vấn đề thiếu nước đang bắt đầu gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Tỷ lệ DN cho biết được cung cấp không đủ nước trong năm 2010 tăng lên 9% so với năm 2009 chỉ là 6,2%. Bình quân số ngày bị cúp nước là 25 ngày/1DN và giá trị thiệt hại bình quân là 17 triệu đồng/1DN. Tỷ lệ này tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp, du lịch… và tỷ lệ thiệt hại nặng nhất thuộc về các DN sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến thực phẩm.

- Yếu tố thứ hai là quản lý thuế: Mặc dù tỷ lệ hài lòng có tăng so với năm trước, nhưng song hành đó thì tỷ lệ DN cho biết có cản trở đáng kể trở lên cũng tăng 4,2% so với năm trước. Điều đó cho thấy, tuy đã được cải thiện khá tốt, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất hợp lý về thuế suất khiến cho một số DN chưa thực sự hài lòng. Thể hiện rõ nhất là việc thu thuế ở khu vực mua bán trái thanh long còn khá thấp, trong khi doanh thu thì đạt rất cao, đời sống của người dân ở các khu vực này phát triển rất nhanh so với những nơi khác.

- Yếu tố thứ ba là trình độ, kỹ năng của lao động: Tỷ lệ hài lòng về người lao động có tăng trong năm 2010, nhưng song song đó là tỷ lệ không hài lòng về người lao động cũng tăng lên. Tỷ lệ DN cho biết trình độ của người lao động có gây cản trở đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ tăng 0,5% so với năm trước, tỷ lệ cho biết cản trở rất nghiêm trọng tăng 1% so với năm trước. Trên thực tế, trình độ chuyên môn của người lao động của một số ngành không đáp ứng được nhu cầu của các DN, nhất là ngành du lịch. Hiện nay, khách du lịch quốc tế đến tham quan, nghỉ ngơi tại Bình Thuận ngày một tăng, trong đó tỷ lệ khách Nga, Đức khá đông, vì thế đòi hỏi phải có một lực lượng nhân viên sử dụng được ngôn ngữ của các nước này, nhưng tại các khu du lịch chỉ chú trọng vào sử dụng tiếng Anh, còn tỷ lệ sử dụng được các thứ tiếng khác là rất ít. Nên khi có khách Nga hay Đức thì các nhân viên phục vụ tỏ ra khá lúng túng, không đáp ứng kịp thời được những nhu cầu của du khách.

Theo đánh giá chung, trình độ tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp của công nhân lao động còn thấp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy đã có nghịch lý, các doanh nghiệp thiếu thị trường lao động kỹ thuật cao còn người lao động lại thiếu việc làm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, phần lớn số lao động hiện nay không đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng trong vai trò là cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật bậc cao. Điều này cho thấy có sự thiếu hụt trầm trọng nhân lực có trình độ cao trong thị trường lao động hiện nay.

Trình độ công nhân thấp nhưng việc đầu tư và nâng cao trình độ chuyên môn cho công nhân không được coi trọng, do các doanh nghiệp ít tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có thể học tập, nên số công nhân lao động được đào tạo, nâng cao trình độ không nhiều. Bên cạnh chính sách của các ngành chức năng còn lúng túng thì bản thân phần nhiều người lao động thụ động trong việc trau dồi kiến thức. Gần đây, qua các phiên giao dịch việc làm đã xuất hiện tín hiệu kinh tế đang phục hồi và thị trường lao động bắt đầu ấm dần lên. Cũng tại những phiên giao dịch này sự thiếu hụt về nhân lực “biết làm việc” thể hiện rất rõ.

Nếu vài năm nữa, vấn đề nhân lực vẫn giậm chân tại chỗ sẽ là một rào cản lớn đối với động lực phát triển kinh tế. Vấn đề này, bên cạnh trách nhiệm của ngành lao động, sự tự giác trong định hướng lựa chọn nghề của người lao động, rất cần doanh nghiệp sử dụng cùng tham gia xây dựng, đào tạo, tự trang bị cho mình nguồn nhân lực, thay vì chờ đợi như hiện nay.

 

[1][2][3][4][5][6][7][8][9]