[1][2][3][4][5][6][7][8][9]

- Yếu tố thứ tư là chi phí vay vốn: Tỷ lệ cho rằng tình hình rất nghiêm trọng đã giảm xuống, nhưng tỷ lệ ý kiến đánh giá về tình hình ảnh hưởng đáng kể và tương đối cản trở lại tăng lên 2,9% so với năm trước. Như vậy, dù việc tiếp cận nguồn vốn đã tương đối dễ dàng hơn, nhưng lãi suất lại tăng cũng gây nhiều khó khăn cho các DN. Các ngân hàng thắt chặt các điều khoản cho vay vốn, nhiều doanh nghiệp do tình hình kinh doanh không thuận lợi nên không thể vay vốn được vì các DN này đều vay theo dạng thế chấp, trong khi lãi suất cho vay ngày càng tăng khiến cho họ khó có thể trả nợ kịp thời. Song hành với đó ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn đáng kể, nếu DN thế chấp bằng đất đai thì việc thu hồi vốn sẽ gặp nhiều bất lợi trong tình cảnh thị trường bất động sản tiếp tục phát triển không thuận lợi.

- Yếu tố thứ năm là tình hình an ninh trật tự: Tình hình an ninh trật tự trong năm 2010 cũng đã được cải thiện khá nhiều, nhưng mức độ nghiêm trọng thì có vẻ tăng so với năm trước (tăng 0,5%). Tình hình đánh nhau, trộm cắp, chèo kéo khách hàng vẫn còn tiếp tục xảy ra với tính chất liều lĩnh hơn. Tình hình đua xe vẫn còn diễn ra liên tục trên một số tuyến đường chính gây nguy hiểm cho người đi đường xảy ra khá nhiều; tình trạng xin ăn, bán vé số đeo bám gây khó chịu cho du khách diễn ra thường xuyên ở các khu vực ẩm thực, vui chơi giải trí.

Là một vùng đất có thế mạnh về du lịch, nhưng với những gì đang diễn ra hiện nay cho thấy Bình Thuận vẫn chưa thực sự tạo được sự an tâm, tin cậy cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự tại các khu vực có đông lao động nhập cư sinh sống vẫn còn khá nhiều phức tạp và luôn tiềm ẩn những vấn đề xã hội nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương.

- Yếu tố thứ sáu là xử ngoài luật và cạnh tranh không lành mạnh: Tỷ lệ ý kiến hài lòng của các DN trong năm 2010 đã giảm 0,3% so với năm trước, trong khi đó tỷ lệ không hài lòng tăng 1,8% so với năm trước. Tình hình tranh chấp giữa các DN có xu hướng ngày càng tăng, từ khâu đầu vào cho đến bán sản phẩm đều có sự cạnh tranh quyết liệt. Với việc nguồn nguyên liệu hải sản biển ngày càng cạn kiệt, số lượng tàu thuyền đánh bắt khá lớn cộng thêm tàu thuyền của các tỉnh bạn tham gia đánh bắt trên ngư trường tỉnh khá đông đã khiến cho giá thu mua thay đổi giữa các DN chế biến nhằm thu được nguồn hàng nhiều nhất. Dẫn đến người bán ghim hàng chờ giá tăng để bán, vì thế nhiều khi DN phải chấp nhận mua nguyên liệu đầu vào với giá cao để đảm bảo hợp đồng đã ký, trong khi đó giá bán không tăng nên DN rất dễ bị lỗ. Ngoài ra, vì mục đích bán cho bằng được sản phẩm của mình và triệt hạ đối thủ, một số doanh nghiệp đã hạ giá bán sản phẩm khiến cho các doanh nghiệp khác cũng phải hạ giá theo. Vấn đề này đã dẫn đến việc đối tác mua hàng sẽ giữ thái độ im lặng chưa chịu mua hàng nhằm ép giá bán tiếp tục hạ xuống đến mức thấp nhất, những trường hợp này tập trung vào các DN mua bán nông sản. Chính những phương thức cạnh tranh không lành mạnh như trên đã dẫn đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp liên tục bị lỗ là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc xử ngoài luật của một số DN cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cùng ngành với nhau.

- Yếu tố thứ bảy là hệ thống pháp lý và giải quyết tranh chấp: Tỷ lệ cản trở đã giảm xuống, tỷ lệ ý kiến hài lòng đã tăng thêm 2,6% so với năm trước. Nhưng tỷ lệ ý kiến cho biết cản trở rất nghiêm trọng lại tăng 1,1% so với năm trước, điều đó cho thấy hệ thống pháp lý trong vấn đề giải quyết tranh chấp còn có những khiếm khuyết chưa được khắc phục. Qua đó, ta thấy hệ thống pháp lý của địa phương vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như giải quyết các tranh chấp xảy ra và từ đó chỉ ra một vấn đề là năng lực của một số cán bộ thực thi pháp luật vẫn còn những hạn chế nhất định.

- Yếu tố thứ tám là tình hình chung chi cho các cán bộ Nhà nước: Mặc dù tình hình chung cho thấy, hiện tượng chi tiền cho các cán bộ của các cơ quan chức năng Nhà nước đã giảm đáng kể, nhưng tỷ lệ chi tiền rải đều theo tỷ lệ số tiền của các DN lại có hiện tượng tăng lên. Một số DN có tỷ lệ chung chi tăng lên nhiều như ngành nông nghiệp có tỷ lệ DN chung chi từ 10 < 20% doanh thu tăng 6,1% so với năm trước; ngành điện có tỷ lệ DN chung chi dưới 1% doanh thu tăng 23,9% so với năm trước; ngành vận tải có tỷ lệ DN chung chi từ 1 < 2% doanh thu tăng 11,1% so với năm trước; ngành du lịch có tỷ lệ DN chung chi từ 2 < 10% doanh thu tăng 8,7% so với năm trước; ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ có tỷ lệ DN chung chi từ 1 < 2% doanh thu tăng 12% so với năm trước. Đặc biệt, các tỷ lệ chung chi trong ngành xây dựng đều tăng, trong đó tỷ lệ DN chung chi trên 30% doanh thu tăng 0,5% so với năm trước. Với nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển, thì việc chi tiền để tránh những quy định của Nhà nước, hoặc ký kết hợp đồng dễ dàng hơn đang được một số DN xem như là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho mình. Và đối với một số cán bộ công chức Nhà nước thì việc đó như là một điều tất yếu, có sự trao đổi qua lại mà cả hai bên đều cùng có lợi.

Với những nhận định trên cho thấy tình hình nhận tiền “lót tay” của một số cán bộ Nhà nước vẫn còn tồn tại, điều đó đồng nghĩa với việc ngân sách sẽ mất đi một khoản thu nhất định và việc nhũng nhiễu, gây khó dễ cho hoạt động kinh doanh của các loại hình kinh tế sẽ còn tiếp tục tái diễn. Song hành đó thì tình hình vi phạm về môi trường sống, vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về xây dựng, thủ tục hành chính,… sẽ còn tiếp tục phát triển.

[1][2][3][4][5][6][7][8][9]