CHƯƠNG 1

QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CUỘC TỔNG ĐIỀU TRA

Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 được thực hiện theo Quyết định số 94/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số lần thứ tư và điều tra nhà ở lần thứ ba tiến hành ở nước ta kể từ khi nước nhà thống nhất vào năm 1975. Cuộc Tổng điều tra nhằm thu thập số liệu cơ bản về dân số và nhà ở trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin, đánh giá tình hình thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ từ năm 2001 đến năm 2010 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.

1. Công tác chuẩn bị và lập kế hoạch

Ngày 10 tháng 7 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 94/2008/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

Ngày 16 tháng 10 năm 2008, Ban Bí Thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về lãnh đạo thực hiện thắng lợi cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

Thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp: Căn cứ Quyết định số 94/2008/QĐ-TTg ngày 10/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

Cục Thống kê Bình Thuận (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) đã trực tiếp tham mưu với UBND tỉnh ra Quyết định số 2135/QĐ-UBND ngày 15/8/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập BCĐ và Văn phòng BCĐ TĐT dân số và nhà ở tỉnh. Đồng thời hướng dẫn cho các huyện, thị xã, thành phố tiến hành thành lập BCĐ các cấp, theo Công văn số 3768/UBND-VX ngày 6 tháng 8 năm 2008 của Chủ tịch UBND tỉnh và đã thành lập 10 BCĐ, VP.BCĐ cấp huyện và 127 BCĐ cấp xã.

Ngày 28 tháng 10 năm 2008 Tỉnh ủy có Công văn số 1111/CV-TU chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố, về việc lãnh đạo thắng lợi cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 01/4/2009.

1.1 Đối tượng điều tra

Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 tiến hành điều tra tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú trên địa bàn tỉnh có đến thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2009; người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định; các trường hợp chết (của hộ) đã xảy ra từ ngày 01 Tết Mậu Tý (ngày 07 tháng 2 năm 2008 theo Dương lịch) đến ngày 31 tháng 3 năm 2009; nhà ở của hộ dân cư.

Điều tra dân số và điều tra nhà ở được tiến hành đồng thời với đơn vị điều tra là hộ. Hộ bao gồm một người ăn ở riêng hoặc một nhóm người ở chung và ăn chung. Đối với hộ có từ 2 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu chi chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng; hoặc kết hợp cả hai.

Chủ hộ là người cung cấp thông tin chính. Đối với những thông tin mà chủ hộ không nắm chắc, điều tra viên phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra. Riêng các thông tin về lao động - việc làm, điều tra viên phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra từ 15 tuổi trở lên; các câu hỏi về sinh đẻ, điều tra viên phỏng vấn trực tiếp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) để xác định thông tin. Đối với các thông tin về nhà ở, điều tra viên phỏng vấn trực tiếp chủ hộ và/hoặc kết hợp với quan sát trực tiếp để xác định.

1.2 Nội dung điều tra

Nội dung điều tra được thể hiện trên hai loại phiếu điều tra: phiếu điều tra toàn bộ (phiếu ngắn) và phiếu điều tra mẫu (phiếu dài).

* Nội dung điều tra toàn bộ

a) Về dân số:

- Các thông tin cá nhân (họ và tên, giới tính, tháng năm sinh/tuổi);

- Quan hệ với chủ hộ;

- Tình hình đi học hiện nay;

- Trình độ học vấn;

- Dân tộc và tôn giáo;

- Tình trạng biết đọc và biết viết.

b) Về nhà ở:

- Tình trạng nhà ở hiện tại;

- Kết cấu nhà và loại vật liệu xây dựng chính;

- Quy mô diện tích nhà ở;

- Năm đưa vào sử dụng.

* Nội dung điều tra chọn mẫu

Ngoài các thông tin như trong phiếu điều tra toàn bộ, phiếu điều tra mẫu còn có thêm các thông tin sau đây:

a) Về dân số:

- Nơi thường trú cách đây 5 năm;

- Tình trạng khuyết tật;

- Tình trạng hôn nhân;

- Trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất đã được đào tạo;

- Tình trạng hoạt động kinh tế trong 7 ngày qua.

b) Về tình hình sinh đẻ của phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi:

- Tình hình sinh con;

- Số con đã sinh, số con còn sống và số con đã chết;

- Tháng, năm sinh và số con trai, số con gái của lần sinh gần nhất.

c) Về người chết:

- Tình hình tử vong của hộ;

- Thông tin cá nhân của người chết;

- Nguyên nhân chết và chết do thai sản.

d) Về nhà ở:

- Tình hình sử dụng nhà ở;

- Tình trạng sở hữu nhà ở;

- Loại nhiên liệu chính để thắp sáng và nấu ăn;

- Nguồn nước chính sử dụng để ăn uống;

- Loại hố xí đang sử dụng;

- Một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.

2. Công tác tuyên truyền:

Kinh nghiệm của các cuộc Tổng điều tra trước cho thấy thành công của Tổng điều tra phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm, chỉ đạo và ủng hộ của chính quyền các cấp và sự cộng tác của nhân dân. Vì vậy, Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cuộc Tổng điều tra lần này với các kế hoạch chi tiết, nội dung cụ thể bằng nhiều hình thức phong phú để mọi người dễ tiếp cận. Công tác tuyên truyền sâu rộng của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, nhằm:

- Tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của chính quyền các cấp, các cơ quan truyền thông đại chúng và các tổ chức quần chúng, bằng việc tạo ra sự hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng và mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra.

- Làm cho người dân hiểu được lợi ích của Tổng điều tra, nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với Tổng điều tra; qua đó sẵn lòng hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác.

Quyết định số 94/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 27-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo thực hiện thắng lợi cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 được phổ biến đến từng chi bộ, từng tổ dân phố và. Thực hiện Quyết đinh và Chỉ thị trên, các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, đồng thời Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban kiểm điểm tiến độ thực hiện, từ đó đã thu hút cả hệ thống chính trị tham gia. Đây là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào sự thành công của cuộc Tổng điều tra.

* Tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền:

- Các tài liệu tuyên truyền của Trung ương:

+ Đĩa Betacam chuyển cho Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh để phát sóng, đĩa VCD (45 giây quảng bá về Tổng điều tra, đĩa CD Audio (gồm 18 câu hỏi - trả lời và 4 bài hát.

+ Sổ tay hướng dẫn công tác tuyên truyền, Lô gô (dán ở cửa phòng làm việc, trụ sở,….), Áp phích (treo tại các trụ sở chính quyền, nơi công cộng,….), Tại chí số đặc biệt về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

- Các tài liệu tuyên truyền do địa phương tự làm:

+ Cấp tỉnh : 2 panô và 30 băng rôn căng ngang đường;

+ Cấp huyện : 10 panô và 40 băng rôn căng ngang đường;

+ Mỗi xã từ 1 - 2 băng rôn căng ngang đường.

- Ngoài ra BCĐ tỉnh còn ký hợp đồng với các cơ quan truyền thông: Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh để phát hình và hợp đồng với Trung tâm Văn hóa Triển lãm tỉnh treo 8 băng rôn căng ngang đường và tuyên truyền lưu động bằng xe loa. Cấp huyện hợp đồng với Đài Phát thanh Truyền hình huyện để phát tin địa phương và hợp đồng với Trung tâm Văn hóa Thể thao tuyên truyền lưu động bằng xe loa.

* Tình hình tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền:

- BCĐ tỉnh đã có Công văn số 17/VP-BCĐ ngày 11/3/2009 của Trưởng Ban chỉ đạo về việc phối hợp tuyên truyền với các đơn vị: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận, các Ban chỉ đạo TĐTDS và nhà ở các huyện, thị xã và thành phố.

- BCĐ tỉnh đã có Công văn số 20/VP-BCĐ ngày 15/3/2009 của Trưởng Ban chỉ đạo về việc hướng dẫn tuyên truyền cho Ban chỉ đạo TĐTDS và nhà ở các huyện, thị xã và thành phố.

- UBND tỉnh đã ra Công văn số 1390/UBND-VX ngày 30/3/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 2484/CT-BGDĐT ngày 23/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tham gia công tác tuyên truyền TĐTDS và nhà ở 2009, đối với các đơn vị: Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Trung cấp Nghề.

2.1 Ban chỉ đạo tỉnh:

- Tổ chức dán áp phích, lô gô tại các nơi công cộng;

- Phối hợp với Trung tâm Văn hóa Triển lãm tỉnh treo 8 băng rôn tuyên truyền căng nganh đường; thực hiện tuyên truyền bằng xe loa phóng thanh 100 giờ, bắt đầu từ ngày 20/3/2009.

- Đài Truyền hình tỉnh từ ngày 15/3 - 20/4/2009 mỗi ngày vào lúc 11h30 trưa và 16h45 tối phát chương trình “45 giây quảng bá về TĐTDS và nhà ở 2009” bằng băng Betacam, ngoài ra Đài Truyền hình và Truyền thanh còn tiếp sóng chương trình tuyên truyền của Đài Truyền hình Việt nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Trước và trong Tổng điều tra, Đài Truyền hình tỉnh còn thực hiện 11 bài phóng sự, 2 bài phỏng vấn và 6 bản tin phục vụ công tác tuyên truyền, được phát sóng từ 15/3 - 20/4/2009; trong đó phát sóng liên tục và nhiều nhất vào ngày 1/4/2009.

- Báo Bình Thuận liên tục đưa tin, nội dung tập trung chủ yếu: gồm 18 câu hỏi - trả lời trong sổ tay hướng dẫn công tác tuyên truyền.

2.2 Ngành Giáo dục và Đào tạo :

- Chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở cấp huyện và xã phường, thị trấn tổ chức quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp điều tra cho cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân địa phương.

- Các trường tổ chức mít tinh, băng rôn, khẩu hiệu để tuyên truyền, giải thích rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và mục đích của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

- Giáo dục học sinh tích cực tham gia, làm nồng cốt trong gia đình và giúp đỡ những người xung quanh nơi cư trú kê khai đầy đủ, chính xác những thông tin theo biểu mẫu điều tra.

- Huy động cán bộ, giáo viên, học sinh phổ thông tham gia các Tổ, nhóm điều tra tại địa bàn nơi cư trú để hỗ trợ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ.

2.3 Các Ban chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố :

- BCĐ các huyện, thị xã và thành phố đã cung cấp kịp thời các tài liệu: sổ tay hướng dẫn công tác tuyên truyền, lô gô, áp phích, đĩa CD Audio phục vụ các nội dung tuyên truyền cho công tác Tổng điều tra cho BCĐ các xã, phường, thị trấn.

- Do có sự phối hợp chặt chẽ giữa BCĐ tỉnh với các cấp, các ngành tại địa phương; đặc biệt là các cơ quan quan truyền thông: tivi, đài, báo, ngành Giáo dục và Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phồ; cùng với Ban chỉ đạo các xã, phường, thị trấn; nên công tác tuyên truyền trên phạm vi toàn tỉnh được thực hiện tốt theo yêu cầu và nhiệm vụ đã đề ra.

Tuyên truyền là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho cuộc Tổng điều tra thành công, vì nó tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đối với cuộc Tổng điều tra. Dựa trên chương trình truyền thông chi tiết, bằng việc sử dụng tập trung các kênh thông tin đại chúng đã giúp được nhân dân hiểu được ý nghĩa, mục đích và trách nhiệm của mỗi người dân trong cuộc Tổng điều tra. Chiến dịch tuyên truyền đã huy động tất cả các phương tiện thông tin đại chúng cần thiết như: đài phát thanh, truyền hình, báo chí của địa phương. Đặc biệt là hình thức tuyên truyền trực tiếp đến mỗi người dân của các xã/phường/thị trấn, nhờ vậy mà hầu hết nhân dân đều nắm được mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra; thông qua đó có sự ủng hộ và sự tham gia nhiệt tình để cuộc Tổng điều tra diễn ra được thuận lợi. Các hình thức tuyên truyền đã được sử dụng bao gồm: panô, khẩu hiệu, các bài hát về TĐT, xe lưu động, học sinh mít tinh, cổ động, họp dân,…

3. Vẽ sơ đồ, lập bảng kê

Một cuộc Tổng điều tra chỉ thành công khi mỗi điều tra viên có đầy đủ thông tin về địa bàn và vị trí của mỗi hộ đã được phân công. Các sơ đồ và bảng kê đã giúp cho điều tra viên nhận biết được địa bàn và khối lượng công việc phải hoàn thành và toàn bộ các hộ trong địa bàn được điều tra. Một khối lượng công việc rất lớn cần được hòan thành trong bước công tác này. công tác vẽ sơ đồ được bắt đầu chuẩn bị từ năm trước TĐT, nhưng được triển khai chính thức từ tháng 11/2008 đến tháng 3/2009. Trong TĐT 2009, toàn tỉnh được chia ra thành các địa bàn điều tra. Mỗi địa bàn điều tra cho thấy ranh giới của địa bàn, các đường quốc lộ, đường đất, kênh/ao/hồ,… vị trí của từng ngôi nhà mà điều tra viên phải tới điều tra. sơ đồ địa bàn điều tra đã chỉ ra được ranh giới rõ ràng với các địa bàn khác, cần phải có các vật định hướng, ... nhằm giúp cho điều tra viên dễ theo dõi. Để tạo thuận lợi cho công tác vẽ sơ đồ địa bàn điều tra, theo kế hoạch quy định, Ban chỉ đạo các cấp đã tiến hành rà soát ranh giới lãnh thổ hành chính và điều chỉnh, cập nhật hệ thống bản đồ có sẵn cho tất cả các đơn vị hành chính từ xã, huyện đến tỉnh.

Việc lập bảng kê số nhà, số hộ, số người được thực hiện cùng với công việc vẽ sơ đồ. Bảng kê số nhà, số hộ, số người được hoàn thành trước khi bắt đầu tập huấn điều tra viên và tổ trưởng điều tra. Bảng kê số nhà, số hộ, số người sẽ cung cấp cho điều tra viên các thông tin của địa bàn do họ phụ trách, giúp họ trong việc lập kế hoạch để hòan thành công việc của mình, tránh bỏ sót và đăng ký trùng nhân khẩu. Bảng kê số nhà, số hộ, số người được lập theo từng nhà, từng hộ, bao gồm các tiêu thức như: số thứ tự nhà, số thứ tự hộ, tên chủ hộ, địa chỉ của hộ, tổng số nhân khẩu, số nam và số nữ.

* Tập huấn cán bộ vẽ sơ đồ lập bảng kê

Công tác tập huấn vẽ sơ đồ, lập bảng kê được tiến hành theo hai cấp, tập huấn hai cấp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo.

- Để chuẩn bị cho công tác vẽ sơ đồ lập bảng kê, Ban chỉ đạo TĐT dân số và nhà ở tỉnh đã có Công văn số 05/VP-BCĐ ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Trưởng ban chỉ đạo tỉnh, về việc tuyển chọn cán bộ vẽ sơ đồ lập bảng kê TĐT dân số và nhà ở năm 2009 và các công tác chuẩn bị để mở hội nghị tập huấn tại các huyện.

- Đã mở 11 lớp tập huấn, có 730 học viên tham dự: 730 người, trong đó nữ: 105, chiếm 14,4% trong tổng số học viên tham dự

- Sử dụng phương tiện, tài liệu giảng dạy: sổ tay vẽ sơ đồ và lập bảng kê, sổ tay đào tạo cán bộ vẽ sơ đồ và lập bảng kê, bài giảng Powerpoint, sơ đồ nền, sơ đồ địa bàn và bảng kê mẫu hiệu quả sử dụng rất tốt.

- Do BCĐTW khống chế số lượng học viên theo quy mô dân số của từng xã, trong khi đó cán bộ trong từng thôn mới là người nắm rõ nhà ở và nhân khẩu thực tế thường trú của xã, vì vậy với số lượng học viên ít nên có một số người của thôn này phải vẽ sơ đồ và lập bảng kê của thôn khác, do đó chất lượng một số địa bàn chưa cao và thời gian để đảm bảo tiến độ bị ảnh hưởng.

* Vẽ sơ đồ và lập bảng kê:

- Toàn tỉnh đã vẽ sơ đồ và lập bảng kê của 2.062 địa bàn, (toàn bộ: 1.658 và mẫu: 404).

- Qua kiểm tra việc vẽ sơ đồ xã, sơ đồ địa bàn và bảng kê tuy vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng cơ bản các huyện đã hoàn thành xong phần việc này; qua đánh giá của Văn phòng BCĐ tỉnh, tất cả các huyện đều hoàn thành và đạt yêu cầu, chỉ có huyện Bắc Bình thực hiện còn chậm so với kế hoạch được giao (do một số địa bàn khi vẽ sơ đồ xong không khớp với danh sách địa bàn báo cáo ban đầu, phải vẽ lại một số địa bàn của các xã).

* Một số thuận lợi, khó khăn:

- Thuận lợi:

+ Do có sự quan tâm của các cấp ủy và chính quyền địa phương, vì vậy công tác triển khai vẽ sơ đồ tại các địa phương diễn ra tương đối thuận lợi.

+ Công tác tập huấn do cấp tỉnh triển khai trực tiếp đến cấp xã, vì vậy đã hạn chế bớt phần nào sai sót trong việc nắm bắt nghiệp vụ của các cán bộ vẽ sơ đồ và lập bảng kê.

- Khó khăn:

+ Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, vì vậy 2 lớp tập huấn tại La Gi và Phú Quý phải dời lại chậm hơn so dự kiến, điều này cũng làm chậm lại tiến độ các địa phương trên, nhất là thị xã La Gi.

+ Một số địa bàn gặp những khó khăn, trở ngại như: điạ bàn phức tạp, một số nhà dân ở xa tận trong các rẫy; đồi núi, sông, suối,…

+ Một số cán bộ vẽ sơ đồ, lập bảng kê khi dự tập huấn không chú ý nghe giảng và ít nghiên cứu tài liệu hướng dẫn, dẫn đến chưa nắm kỹ nghiệp vụ khi tiến hành vẽ sơ đồ và lập bảng kê.

+ Do công tác chuyên môn cuối năm tập trung nhiều, đặc biệt là công tác thu ngân sách và một số công tác khác của địa phương, do đó một số xã (cụ thể là cán bộ địa chính) ít quan tâm và không tập trung thực hiện nhiệm vụ triển khai, mặc dù BCĐ huyện nhiều lần nhắc nhở và đôn đốc.

+ Một số xã có số người đi tập huấn và số người trực tiếp làm chưa phù hợp, có tình trạng người tập huấn về không làm (do: bệnh, đi học, …), người không tập huấn lại làm, do vậy dẫn đến nhiều sai sót và ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ chung của huyện và của tỉnh.

- Kiến Nghị:

+ Qua kiểm tra của BCĐ tỉnh một số BCĐ các xã chưa quan tâm, tập trung cho công tác vẽ sơ đồ, lập bảng kê hoặc nếu có thì cũng triển khai rất chậm và thiếu đôn đốc kiểm tra, còn khoán trắng cho điều tra viên.

+ Việc phân chia địa bàn điều tra chưa hợp lý, chưa đúng theo quy mô địa bàn chuẩn, có địa bàn số hộ quá cao hoặc ngược lại có địa bàn số hộ quá thấp.

+ Cần tuyển chọn cán bộ điều tra cấp xã là những người thực sự có trách nhiệm và chấp hành tốt theo các yêu cầu của BCĐ cấp xã, huyện và tỉnh

+ Một số thành viên của BCĐ huyện mặc dù rất bận với công việc cuối năm của đơn vị, nhưng các đồng chí đó cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác này, chưa chỉ đạo và tạo điều kiện cho cán bộ chuyên viên giúp việc BCĐ tham gia, để bám sát các địa bàn đã được phân công phụ trách để theo dõi, đôn đốc, uốn nắn kịp thời những sai sót của cán bộ vẽ sơ đồ, lập bảng kê.

- Một số thành viên của văn phòng BCĐ huyện đã được phân công còn ít xuống địa bàn để kiểm tra, đôn đốc cho công tác vẽ sơ đồ và lập bảng kê.

4. Tuyển chọn điều tra viên

Qui định về tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng điều tra đã căn cứ vào những kinh nghiệm rút ra từ cuộc TĐT 1999; điều tra viên và tổ trưởng được tuyển chọn trên cơ sở có trình độ văn hóa để tiếp thu nghiệp vụ, có kinh nghiệm, hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương và có sức khỏe để làm việc. Trong thực tế, từng địa phương đã căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình để lựa chọn cán bộ điều tra cho phù hợp, họ có thể là: nông dân, cán bộ, giáo viên, sinh viên. Một số nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, không có khả năng tuyển đủ cán bộ điều tra theo tiêu chuẩn, thì được tăng cường từ Văn phòng BCĐ huyện. Một số nơi mà phần lớn cư dân thuộc dân tộc ít người, yêu cầu phải tuyển chọn cán bộ điều tra là những người hiểu biết về phong tục của địa phương.

Để việc chuẩn bị triển khai cuộc Tổng điều tra đạt kết quả, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh đã yêu cầu Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở các huyện, thị xã, thành phố tuyển chọn lực lượng Điều tra viên (ĐTV) và Tổ trưởng (TT) điều tra thuộc phạm vi của địa phương mình, với các nội dung sau:

- Điều tra viên là lực lượng trực tiếp thực hiện cuộc điều tra. Vì vậy, yêu cầu phải chọn những người có tinh thần trách nhiệm cao, viết chữ và số rõ ràng, có trình độ học vấn từ lớp 10/12 trở lên (tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, thấp nhất phải học xong lớp 7/12), tuổi đời tốt nhất từ 25 - 50. Để ngăn ngừa hiện tượng sao chép từ sổ sách vào phiếu điều tra, ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn không nên sử dụng cán bộ đang quản lý tài liệu đăng ký (hộ khẩu, hộ tịch, ghi chép ban đầu về dân số) làm ĐTV. Tùy theo điều kiện địa lý và quy mô cụ thể của mỗi địa bàn, với quy mô địa bàn trung bình của từng vùng mà bố trí ĐTV phù hợp. Cụ thể:

+ Địa bàn điều tra chọn mẫu (ghi phiếu dài): 1 ĐTV phụ trách 01 địa bàn;

+ Địa bàn điều tra toàn bộ (ghi phiếu ngắn): đối với vùng núi cao 1 ĐTV phụ trách 1 địa bàn; đối với vùng núi thấp và các vùng còn lại 1 ĐTV phụ trách: 2 địa bàn (đối với địa bàn dưới 200 hộ) và 1 địa bàn (đối với địa bàn từ 200 hộ trở lên).

- Tổ trưởng điều tra là lực lượng trực tiếp quản lý công việc của ĐTV, việc tuyển chọn tổ trưởng nên ưu tiên cho người: có khả năng tổ chức làm việc theo nhóm và phải cam kết dành 100% thời gian để quản lý ĐTV trong thời gian điều tra tại địa bàn; quy định: đối với vùng núi cao 1 tổ trưởng phụ trách 2 ĐTV, vùng núi thấp và các vùng còn lại 1 tổ trưởng phụ trách 4 ĐTV.

Các huyện, thị xã, thành phố đã căn cứ vào số lượng hộ sau khi đã lập bảng kê và thông báo cho từng xã, phường, thị trấn số lượng cán bộ điều tra viên và tổ trưởng cần tuyển chọn.

5. Đào tạo điều tra viên

* Tập huấn nghiệp vụ cho giảng viên cấp huyện và giám sát viên: đã tổ chức tập huấn trong 6 ngày (từ ngày 4/2 - 9/2/2009); đã tập huấn nghiệp vụ cho 51 người (Văn phòng ban chỉ đạo huyện: 35 người; Văn phòng ban chỉ đạo tỉnh và Cục Thống kê: 16 người).

* Tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên và tổ trưởng: từ 15/02/2009 đến ngày 23/03/2009 Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh, đã tập trung vào các công việc chỉ đạo cho tập huấn nghiệp vụ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của cấp huyện, cho điều tra viên và tổ trưởng và BCĐ các cấp.

- Công tác chuẩn bị tập huấn:

+ BCĐ tỉnh đã phân phối các tài liệu cho BCĐ huyện bao gồm: sổ tay điều tra viên toàn bộ, sổ tay điều tra viên mẫu, sổ tay tổ trưởng điều tra, phiếu điều tra toàn bộ, phiếu điều tra mẫu, phiếu toàn bộ bằng nhựa, phiếu mẫu bằng nhựa, sổ tay đào tạo điều tra viên toàn bộ, sổ tay đào tạo điều tra viên mẫu.

+ BCĐ tỉnh đã chuẩn bị và phân phối cho BCĐ huyện toàn bộ: bài tập toàn bộ, bài tập mẫu, viết bi màu đen, bài tập xác định nhân khẩu thực tế thường trú và danh mục hành chính của tỉnh để phát cho toàn bộ cán bộ dự tập huấn.

- Tập huấn nghiệp vụ cho cấp xã:

+ Các huyện đã hoàn thành tốt việc tập huấn cho điều tra viên (ĐTV) và tổ trưởng (TT) của các địa phương, thành phần tập huấn ngoài ĐTV và TT còn có BCĐ huyện, Văn phòng BCĐ huyện và BCĐ xã.

+ Toàn tỉnh đã tập huấn cho 33 lớp, lớp tập huấn sớm nhất bắt đầu từ ngày 19/02/2009 và muộn nhất kết thúc vào ngày: ngày 23/3/2009

+ Đối với các lớp tập huấn tại: La Gi, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Phú Quý BCĐ tỉnh đã cử cán bộ Văn Phòng BCĐ tỉnh dự các lớp tập huấn.

+ Đối với các lớp tập huấn tại: Phan Thiết, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh và Hàm Tân BCĐ tỉnh đã cử cán bộ Văn Phòng BCĐ tỉnh cùng tham gia tập huấn với giảng viên của BCĐ huyện.

- Kết quả tổng hợp của 33 lớp đã tập huấn cho cấp xã :

+ Địa bàn toàn bộ: có 23 lớp, thời gian tập huấn (4 ngày/lớp), với 1.397 học viên; trong đó: có 1.084 điều tra viên và 357 nữ, tỷ lệ học viên đạt yêu cầu: 100%.

+ Địa bàn mẫu: có 10 lớp, thời gian tập huấn (8 ngày/lớp), với 611 học viên; trong đó: có 447 điều tra viên và 141 nữ, tỷ lệ học viên đạt yêu cầu: 100%.

* Chất lượng các lớp tập huấn:

- Giảng viên các lớp tập huấn đều áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực;

- Trong các lớp tập huấn các giảng viên đều sử dụng các tài liệu: sổ tay đào tạo ĐTV toàn bộ (đối với các lớp toàn bộ) và sổ tay đào tạo ĐTV mẫu (đối với các lớp mẫu);

- Các giảng viên còn sử dụng thêm các phương tiện hỗ trợ tập huấn: phiếu điều tra toàn bộ bằng nhựa và phiếu mẫu bằng nhựa, đèn chiếu;

- Ngoài ra các giảng viên còn chuẩn bị: bài tập về xác định NKTTTT, bài tập trắc nghiệm và danh mục hành chính;

- Trong quá trình tập huấn: tất cả các lớp đều chú trọng đến việc thực hành phỏng vấn sau khi giảng viên thực hiện xong một nhóm câu hỏi và khi kết thúc phần phiếu phỏng vấn hộ (từng cặp học viên lên thực hành); ngoài ra còn gọi từng học viên (hoặc in ra giấy) để học viên thực hành ghi mẫu chữ số;

- Cuối lớp tập huấn học viên còn làm bài tập trắc nghiệm và đi thực địa để thực hành phỏng vấn hộ.

Nhìn chung các lớp tập huấn diễn ra nghiêm túc, đảm bảo thời gian, chất lượng đạt yêu cầu.

6. Công tác thu thập thông tin và giám sát điều tra

Công tác chuẩn bị và hậu cần đã đảm bảo cho tất cả các đội điều tra trong toàn tỉnh được trang bị đủ kiến thức và các phương tiện cần thiết, có mặt đúng thời gian tại địa bàn được phân công, tiến hành tổng soát xét, kiểm tra thực tế và hoàn chỉnh các tài liệu cần thiết để đến từng hộ phỏng vấn. Sự thành công của TĐT có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ điều tra viên và tổ trưởng điều tra. Trong cuộc TĐT này, mặc dù mức thù lao được trả không cao, nhưng hầu hết điều tra viên và tổ trưởng đều nhiệt tình, tận tâm và cố gắng khắc phục khó khăn để hòan thành công việc được phân công.

Trong thời gian điều tra, điều tra viên đã đến từng hộ để phỏng vấn, ghi phiếu. Điều tra viên đã trực tiếp phỏng vấn chủ hộ - người được các thành viên trong hộ thừa nhận. Trong trường hợp chủ hộ đi vắng, điều tra viên đã phỏng vấn người có trách nhiệm cùng sống trong hộ đó. Với những hộ không có trong sơ đồ địa bàn điều tra, nếu điều tra viên phát hiện là hộ bị bỏ sót trong bước vẽ sơ đồ và lập bảng kê, thì điều tra viên điều tra cả những hộ đó.

Trên thực tế, cuộc TĐT đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân toàn tỉnh. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân và sự quan tâm của chính quyền địa phương, bước điều tra đã diễn ra khá thuận lợi, đảm bảo được kế hoạch đã định. Trong trường hợp điều tra viên bị chủ hộ từ chối phỏng vấn hay gặp khó khăn, vướng mắc trong công việc, thì tổ trưởng và điều tra viên cùng bàn bạc để có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, số trường hợp bị chủ hộ từ chối phỏng vấn là rất cá biệt, đồng thời công tác tuyên truyền đã giúp nhân dân nhận được thông tin đầy đủ về cuộc TĐT nên các bước điều tra diễn ra suôn sẻ, theo đúng kế hoạch.

* Công tác điều tra:

- Tiến hành điều tra ở tất cả các địa phương từ 7 giờ sáng ngày 01 tháng 4 và kết thúc chậm nhất vào ngày 20/4/2009.

- Hàng ngày, Ban chỉ đạo các cấp phải đi kiểm tra và báo cáo Ban chỉ đạo cấp trên trực tiếp những vướng mắc phát sinh để xin ý kiến chỉ đạo, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo thống nhất trong toàn tỉnh. Định kỳ 3 ngày/lần, Ban chỉ đạo các cấp phải báo cáo Ban chỉ đạo cấp trên trực tiếp về tiến độ điều tra đăng ký thuộc phạm vi cấp mình phụ trách. BCĐ tỉnh đã gửi các báo cáo tiến độ cho BCĐTW vào các ngày: 1/4, 4/4, 7/4, 10/4, 12/4, 15/4, 18/4 và 21/4.

* Công tác giám sát điều tra:

Qui trình giám sát điều tra được quy định khá chặt chẽ đã đảm bảo cho thông tin thu được chính xác.

- Đối với tổ trưởng: Hàng ngày tổ trưởng kiểm tra từng ĐTV và kịp thời phát hiện để uốn nắn, sửa chữa ngay những sai sót. Tổ trưởng có trách nhiệm quan sát và kiểm tra công việc của điều tra viên, phải trực tiếp phỏng vấn lại một số hộ và kiểm tra ngẫu nhiên một số phiếu để đảm bảo phiếu điều tra đạt chất lượng cao. Công tác kiểm tra, giám sát của tổ trưởng như sau:

+ Quan sát phỏng vấn ít nhất 1 hộ/ngày/ĐTV để xem xét về: cách đặt câu hỏi, thực hiện quy trình phỏng vấn, cách ghi câu trả lời vào phiếu điều tra.

+ Kiểm tra ngẫu nhiên một số hộ để thẩm định ĐTV có đến hộ để phỏng vấn không, số nhân khẩu thực tế thường trú đã ghi trên phiếu có chính xác không.

+ Kiểm tra toàn bộ phiếu mà các ĐTV trong tổ đã hoàn thành trong ngày để phát hiện các lỗi lôgíc, ghi phiếu có đầy đủ và rõ ràng không.

Hàng ngày, tổ trưởng đã kịp thời báo cáo với Ban chỉ đạo xã/phường về những trường hợp vướng mắc, khó khăn mới phát sinh để được giải quyết dứt điểm.

- Đối với Ban chỉ đạo các cấp:

+ Đối tượng quản lý chính của Ban chỉ đạo cấp xã và cấp huyện là mạng lưới tổ trưởng điều tra. Dưới sự chỉ đạo tập trung của Ban chỉ đạo cấp huyện, các thành viên Ban chỉ đạo cấp xã và cấp huyện phối hợp và phân công từng thành viên giám sát chặt chẽ các tổ trưởng điều tra, đặc biệt chú ý những tổ điều tra có địa hình khó khăn phức tạp và những tổ điều tra có nhân lực yếu.

+ Những địa bàn phức tạp về an ninh chính trị hoặc có nhiều người thường đi vắng dài ngày (như nhóm người du canh du cư, người làm nghề ra khơi đánh bắt hải sản, ...), Ban chỉ đạo cấp huyện và cấp xã cần nắm chắc tình hình, lập kế hoạch cử ĐTV và tổ trưởng đến điều tra các đối tượng này trước thời điểm quy định vào thời gian thích hợp.

+ Hàng ngày, đại diện của Ban chỉ đạo cấp huyện và cấp xã phải phân công thành viên tham dự các cuộc họp tổ điều tra để giải quyết kịp thời những vướng mắc về tổ chức chỉ đạo và nghiệp vụ điều tra. Tất cả các trường hợp gây khó khăn cho ĐTV phải được Ban chỉ đạo xử lý kịp thời để bảo đảm an toàn cho cuộc Tổng điều tra.

+ Cán bộ Ban chỉ đạo các cấp đã tiến hành công tác kiểm tra, giám sát công tác tổ chức chỉ đạo và giúp đỡ Ban chỉ đạo cấp dưới uốn nắn các sai sót, làm “Báo cáo kết quả giám sát” gửi Ban chỉ đạo cùng cấp để có căn cứ lập báo cáo gửi lên Ban chỉ đạo cấp trên trực tiếp.

+ Điều tra viên và tổ trưởng đã tiến hành bàn giao phiếu điều tra và các tài liệu khác cho Ban chỉ đạo TĐTDS và nhà ở xã/phường ngay sau khi hoàn thành việc điều tra, những địa bàn chậm nhất đến hết ngày 21/4/2009 đã hoàn tất.

Khi kết thúc bước đăng ký, toàn bộ phiếu điều tra đã được cán bộ của Ban chỉ đạo xã/phường kiểm tra lại. Khi phát hiện các sai sót, các cán bộ của Ban chỉ đạo xã/phường đều trao đổi với tổ trưởng và được sửa ngay tại chỗ, cũng có trường hợp phải quay lại hộ để phỏng vấn lại.

Sau khi Ban chỉ đạo xã/phường hoàn thành việc kiểm tra, soát xét toàn bộ phiếu điều tra thì phiếu điều tra mới được Ban chỉ đạo cấp huyện, tỉnh nghiệm thu. Ban chỉ đạo cấp huyện, tỉnh cũng kiểm tra, nghiệm thu theo một qui trình thống nhất. Về mặt lý thuyết, trong bước kiểm tra, nghiệm thu này vẫn có những trường hợp phải quay trở lại địa phương để xác minh, nhưng trong thực tế việc này rất hiếm khi xảy ra.

- Trong khoảng thời gian từ 1/4 - 20/4/2009, để đôn đốc, giám sát và kiểm tra việc thực hiện công tác Tổng điều tra tại các địa phương; Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh phân công các thành viên Ban chỉ đạo và Văn phòng Ban chỉ đạo phụ trách các địa bàn được phân công liên tục bám địa bàn, để có kế hoạch và biện pháp chỉ đạo kịp thời.

- Các thành viên Ban chỉ đạo và Văn phòng Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh; đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, giám sát từ khâu chuẩn bị điều tra đến khi kết thúc cuộc Tổng điều tra, có kế hoạch đi công tác cụ thể và chịu trách nhiệm về kết quả Tổng điều tra trên địa bàn mình phụ trách.

* Công tác kiểm tra tại địa bàn:

- Qua công tác kiểm tra phiếu tại địa bàn, BCĐ tỉnh nhận thấy tất cả các ĐTV và TT đều làm tốt các nhiệm vụ của mình khi được phân công. Tuy nhiên cũng có một số vấn đề chủ yếu cần được rút kinh nghiệm trong quá trình tiến hành điều tra.

- Một số sai sót mà các ĐTV thường mắc phải trong quá trình điều tra:

+ Một số điều tra viên chưa nắm rõ khái niệm nhân khẩu thực tế thường trú;

+ Viết số cẩu thả, không rõ ràng và một số viết không đúng mẫu;

+ Đánh dấu (x) không rõ ràng hoặc lệch khỏi ô mã;

+ Ghi sai trang bìa;

+ Bỏ sót phần định danh bên trong phiếu;

+ Ghi sót hoặc thừa các chỉ tiêu trong phiếu;

+ Ghi không rõ nghề và ngành của đối tượng điều tra;

+ Một số ĐTV còn sai về logic phiếu như: tuổi giữa 2 con cách nhau ít nhất 8 tháng, tuổi giữa cha (mẹ) cách con đầu tiên ít nhất 13 tuổi, tuổi và lớp đang đi học,…

- Tại một số địa bàn, tổ trưởng không thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình điều tra của ĐTV. Các phiếu điều tra không được kiểm tra xem xét kỹ nên không phát hiện được các sai sót của ĐTV để sữa chữa kịp thời. Một số tổ trưởng khi thực hiện phỏng vấn lại và kiểm tra không ghi vào mẫu phiếu đã in sẵn.

* Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai điều tra

- Thuận lợi: được chỉ đạo sát sao và kịp thời của Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến huyện, xã.

- Khó khăn:

+ Một số xã, phường, thị trấn trong quá trình vẽ sơ đồ và lập bảng kê, đã chia địa bàn quá lớn, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của phiếu điều tra.

+ Một số ĐTV và TT mặc dù được các địa phương tuyển chọn kỹ càng, nhưng trình độ vẫn còn nhiều hạn chế, do vậy chất lượng ĐTV chưa đồng đều trong cùng một đơn vị cấp xã.

+ Một số ĐTV gặp khó khăn do tuổi cao sức yếu, một số khác chưa sử dụng thành thạo băng xóa khi sửa lỗi.

* Nhận xét và đánh giá chung:

Qua công tác tổ chức, chỉ đạo và thực hiện cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh nhận thấy bước chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện khá tốt. Chính quyền và Ban chỉ đạo các cấp đã có nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo đúng phương án của Ban chỉ đạo Trung ương: từ khi thành lập Ban chỉ đạo các cấp, xác định ranh giới từng địa bàn, vẽ sơ đồ, lập bảng kê, tập huấn nghiệp vụ, chuẩn bị kinh phí, công tác tuyên truyền đến việc rà soát sơ đồ bảng kê trước ngày điều tra. Bước chuẩn bị thực hiện tốt, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức điều tra ghi phiếu tại hộ và góp phần quyết định vào sự thành công của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trên phạm vi toàn tỉnh.

Đây là cuộc điều tra có quy mô lớn, từ khi triển khai đến khi kết thúc kéo dài trên 1 năm (từ tháng 8/2008 đến nay). Khối lượng công việc và số lượng người huy động tham gia nhiều, công việc liên tục, yêu cầu đòi hỏi cao, thực hiện từng bước công việc phải hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch và yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương. Song các điều kiện vật chất và kinh phí cho cuộc Tổng điều tra còn hạn chế, do vậy làm cho công tác tổ chức, chỉ đạo và thực hiện còn gặp nhiwều khó khăn. Nhưng với tinh thần quyết tâm, nỗ lực và nhiệt tình của Ban chỉ đạo các cấp đã góp phần làm cho cuộc Tổng điều tra lần này hoàn thành tốt theo các yêu cầu đã đặt ra.

* Một số bài học kinh nghiệm:

- Địa phương nào mà cấp ủy và chính quyền thật sự quan tâm và có chỉ đạo thường xuyên thì nơi đó làm tốt và đạt kết quả chất lượng cao.

- Ban chỉ đạo các cấp phải xây dựng kế hoạch cho từng khâu công việc thật cụ thể, việc chỉ đạo phải theo đúng yêu cầu đề ra, phải phân công trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện công việc.

- Công tác chỉ đạo Tổng điều tra phải được tổ chức chặt chẽ và phải có kế hoạch cụ thể rõ ràng cho từng loại công việc. Việc tuyển chọn điều tra viên, tổ trưởng điều tra phải đáp ứng được yêu cầu của cuộc Tổng điều tra, phải chọn những người thật sự nhiệt tình, chịu khó, có trình độ năng lực nhất định, đồng thời cũng cần am hiểu về đặc điểm tình hình địa bàn mình điều tra và một số kiến thức cơ bản về xã hội để nắm bắt được nghiệp vụ chuyên môn, đồng thời không ngại khó trong việc đến từng hộ để điều tra. Hạn chế huy động điều tra viên còn quá trẻ (thiếu kinh nghiệm) hoặc quá lớn tuổi (dễ sai sót) trong ghi phiếu.

- Ban chỉ đạo các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền với các kế hoạch chi tiết, nội dung cụ thể bằng nhiều hình thức phong phú để mọi người dễ tiếp cận. Công tác tuyên truyền sâu rộng làm cho người dân nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với Tổng điều tra; qua đó sẵn lòng hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của điều tra viên từ lúc triển khai đến khi kết thúc, kịp thời chấn chỉnh những sai sót của điều tra viên ngay từ lúc bắt đầu cuộc Tổng điều tra.

- Cần phê phán những hiện tượng làm qua loa, đại khái miễn xong công việc, để đối phó, trong khi chất lượng sơ đồ, bảng kê, phiếu điều tra thì quá yếu kém, thiếu sót thông tin lại vin vào đủ thứ khó khăn để tập trung cho công việc khác có thu nhập hơn,... làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng điều tra chung của toàn tỉnh.


Mở đầu

Chương II: Quy mô và cơ cấu dân số

Chương III: Mức độ sinh, chết, di cư

Chương IV: Chất lượng dân số

Chương V: Điều kiện ở và sinh hoạt của dân cư

Các Phụ lục