MỞ ĐẦU

Nền kinh tế Bình Thuận có tốc độ tăng trưởng cao liên tục. Tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn tăng ở mức khá, bình quân đạt 12,4%/năm. Tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2001 - 2010 thể hiện rõ nét qua việc tăng trưởng của cả 3 nhóm ngành: nhóm nông lâm thủy sản tăng bình quân 7,0%/năm; công nghiệp xây dựng tăng 16,0%/năm; dịch vụ tăng 15,1%/năm. Trong điều kiện nền kinh tế trên thế giới và cả nước có những khó khăn nhất định, kết quả tăng trưởng kinh tế trong 10 năm qua đạt được như vậy là rất ấn tượng so với các tỉnh trong khu vực

Cơ cấu các nhóm ngành có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng nhóm nông lâm thuỷ sản đã giảm đều đặn từ mức 42,0% năm 2000 xuống còn 20,5% năm 2010; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng nhanh trong thời kỳ đầu nhưng 2 năm gần đây đã chậm lại, đạt mức 34,9% năm 2010 (năm 2000 chiếm cơ cấu 25,7%); tỷ trọng dịch vụ tăng đều qua các năm, từ mức 35,3% lên 44,6% và là nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất. Ngành du lịch đã phát triển nhanh và chiếm vị trí quan trọng trong nhóm dịch vụ. Các ngành Bưu chính - Viễn thông, Vận tải - Kho bãi, Thương mại, Tài chính - Ngân hàng phát triển với tốc độ khá, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đầu tư phát triển xã hội tăng nhanh. Nếu năm 2000, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội là 850 tỷ đồng, thì đến năm 2010 tổng vốn đầu tư phát triển xã hội là 12.500 tỷ, gấp hơn 14,7 lần, bình quân tăng 30,8%/năm trong giai đoạn 2000-2010, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP thực tế của tỉnh trong cùng giai đoạn là 23%/năm; đồng thời tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP cũng tăng mạnh qua các năm, từ mức 27,4% (năm 2000) lên 51% (năm 2010). Do vậy, vốn đầu tư xã hội đã trở thành yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm, thể hiện tiềm lực kinh tế của tỉnh đã tăng lên và là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế tỉnh nhà.

Chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần của tỉnh thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai; ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư; triển khai các chưong trình hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh… đã huy động được các nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đến cuối tháng 9/2010, toàn tỉnh có 1.085 dự án đã được cấp phép đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký 87.750 tỷ đồng, gồm có 411 dự án du lịch, 74 dự án nuôi trồng thuỷ sản, 185 dự án nông lâm nghiệp, 182 dự án công nghiệp, 97 dự án dịch vụ, 123 dự án xăng dầu, 12 dự án khu dân cư; trong đó có 77 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1.100 triệu USD.

Cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng phân bổ nguồn lực lao động xã hội nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kết quả của việc chuyển dịch hoạt động nông lâm thủy sản sang các ngành khác đã làm cho lao động trong nông lâm thủy sản giảm xuống còn 53,3% trong tổng số lao động có việc làm trong năm 2009 so với mức 67,9% năm 1999, lao động trong nhóm ngành công nghiệp xây dựng tăng từ 10,9% (năm 1999) lên 16,6% (năm 2009), lao động trong nhóm ngành dịch vụ tăng từ 21,2% (năm 1999) lên 30,1% (năm 2009). Hàng năm đã giải quyết việc làm trên 2 vạn lao động

Tiêu dùng trên địa bàn cũng gia tăng cả về quy mô và tốc độ, trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế; quy mô bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tăng bình quân 20,8%/năm. Đây là kết quả của sự tăng trưởng kinh tế cao nên đã tác động đến thu nhập và sức mua của dân cư trong tỉnh thông qua thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 14,8%. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu so với GDP theo giá thực tế bằng khoảng 20%, chứng tỏ độ mở của nền kinh tế đạt tương đối khá. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, cơ cấu mặt hàng ngày càng phong phú, đa dạng, tập trung vào các mặt hàng thủy sản chế biến, quả thanh long, sản phẩm may mặc, nhân hạt điều và gần đây là cao su, gạo,…

Đời sống các tầng lớp dân cư ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2009 đạt 1,072 triệu đồng. Nhà ở gia đình đã có nhiều thay đổi so với trước đây; tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 88,2%, tỷ lệ hộ có nhà tạm chỉ còn 8,1%. Tiện nghi sinh hoạt hộ gia đình ngày càng nâng cao, đến nay tỷ lệ hộ có ti vi là 88,0%; có đầu đĩa, dàn nghe nhạc 74,8%, có tủ lạnh 32,9%, có xe máy 78,0%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, nếu năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo ở mức 14,2% thì đến năm 2009 chỉ còn 4,9%.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận vẫn còn bộc lộ những tồn tại, bất cập, đó là: Mô hình tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư; thị trường xuất khẩu chưa thật ổn định, tỷ trọng gia công hàng xuất khẩu còn nhiều. Trong nội bộ mỗi nhóm ngành kinh tế, sự chuyển dịch cơ cấu diễn ra chậm. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển của một số ngành. Nền kinh tế tỉnh nhà vẫn còn chậm trong việc rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ.

Phát triển kinh tế xã hội luôn gắn chặt với phát triển dân số, yếu tố dân số đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định các chính sách về phát triển kinh tế xã hội, quốc kế dân sinh, phát triển bền vững. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 01/4/2009 và các kết quả điều tra có liên quan, giúp chúng ta nhìn lại một cách toàn diện hơn về các chính sách phát triển kinh tế xã hội, chính sách về an sinh xã hội, chiến lược về phát triển dân số, chính sách xóa đói giảm nghèo,…


Chương I: Quá trình thực hiện cuộc Tổng điều tra

Chương II: Quy mô và cơ cấu dân số

Chương III: Mức độ sinh, chết, di cư

Chương IV: Chất lượng dân số

Chương V: Điều kiện ở và sinh hoạt của dân cư

Các Phụ lục