[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

 

 

 

 

8. Lao động

 Lao động của doanh nghiệp là toàn bộ số lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và trả lương, trả công.

 Lao động của doanh nghiệp Không bao gồm:

 + Những người nhận vật liệu của doanh nghiệp về gia công tại gia đình.

 + Những người đang trong thời gian học nghề của các trường, trung tâm giáo dục gửi đến thực tập mà doanh nghiệp không quản lý và không trả lương, trả công.

 + Lao động của các liên doanh gửi đến mà doanh nghiệp không quản lý trả lương, trả công.

 Đối với các doanh nghiệp tư nhân những thành viên trong gia đình có tham gia quản lý doanh nghiệp hoặc trực tiếp sản xuất, nhưng không nhận tiền lương, tiền công - thu nhập của họ là thu nhập hỗn hợp, bao gồm cả lãi kinh doanh – thì cũng được tính là lao động của doanh nghiệp.

9. Thu nhập của người lao động

 Là tổng các khoản mà người lao động nhận được khi tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập của người lao động không bao gồm:

 + Tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp, thu nhập khác có tính chất như lương: Gồm tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp và tiền thưởng trong lương; Các khoản phụ cấp và thu nhập khác của người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, vào giá thành phẩm phụ cấp ca 3, phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp đi lại, ăn giữa ca, trợ cấp thuê nhà và các khoản phụ cấp thường xuyên khác cho người lao động. Bao gồm các hình thức trả bằng tiền, bằng hiện vật như: Thực phẩm, đồ uống, nhiên liệu, quần áo (trừ quần áo bảo hộ lao động).

 + Bảo hiểm xã hội trả thay lương: Là các khoản cơ quan BHXH chi trả cho người lao động của doanh nghiệp

 + Các khoản thu nhập khác không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh: Là các khoản trực tiếp cho người lao động nhưng không hạch toán vào chi phí sản xuất mà lấy nguồn chi từ quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, lợi nhuận của doanh nghiệp hoặc từ nguồn khác (quà tặng, thưởng của cấp trên...).

 10. Đóng góp của chủ doanh nghiệp tới BHXH, Bảo hiểm Y tế, Kinh phí Công đoàn

 Là số phát sinh đã trích trong năm mà chủ doanh nghiệp sẽ nộp cho người lao động tới cơ quan Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế và Kinh phí công đoàn. Đây là số đã trích trong năm, bao gồm cả số đã nộp và chưa nộp còn nợ cơ quan bảo hiểm xã hội, y tế và tổ chức Công đoàn.

 11. Nguồn vốn

Là toàn bộ số vốn của doanh nghiệp được hình thành từ các nguồn khác nhau: Nguồn vốn chủ sở hữu và các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp. Nguồn vốn gồm:

 + Nguồn vốn chủ sở hữu: Là toàn bộ nguồn vốn của doanh nghiệp, của các thành viên trong công ty liên doanh hoặc các cổ đông trong công ty cổ phần, kinh phí quản lý do các đơn vị trực thuộc nộp lên…

 + Nợ phải trả: Là tổng các khoản nợ phát sinh mà doanh nghiệp phải trả, phải thanh toán cho các chủ nợ, bao gồm tiền vay (vay ngắn hạn, vay dài hạn, vay trong nước, vay nước ngoài), các khoản nợ phải trả cho người bán, cho Nhà nước, các khoản phải trả cho công nhân viên và các khoản khác.

 12. Tài sản

 Là tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Tài sản doanh nghiệp bao gồm: Tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn, tài sản cố định và đầu tư dài hạn.

 + Tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn: là những tài sản thuộc quyền sở hữu và sử dụng của doanh nghiệp; có thời gian sử dụng, luân chuyển, thu hồi vốn trong một chu kỳ kinh doanh hoặc trong thời gian một năm. Tài sản lưu động tồn tại dưới hình thái tiền (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, các chứng chỉ có giá trị như tiền, vàng bạc, đá quý), giá trị vật tư hàng hóa, các khoản phải thu, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

 + Tài sản cố định và đầu tư dài hạn: Là toàn bộ giá trị còn lại của tài sản cố định, giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang, các khoản ký quỹ, ký cược dài hạn và các khoản đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp.

 Tài sản cố định là những tư liệu lao động có thời gian sử dụng trên 1 năm và có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên. Tài sản cố định bao gồm Tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình và tài sản cố định thuê tài chính.

 13. Lợi nhuận

 Là số lợi nhuận thu được trong năm của doanh nghiệp từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính và hoạt động khác phát sinh trong năm trước khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là tổng lợi nhuận của doanh nghiệp, tức là đã bù trừ giữa các hoạt động có lãi và hoạt động bị thua lỗ.

 14. Nộp ngân sách

 Là các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản nộp khác mà doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước trong năm. Cụ thể gồm:

 + Các khoản thuế: Thuế GTGT bán hàng nội địa, thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế hàng hóa nhập khẩu, thuế môn bài, thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp…

 + Các khoản phí: Chỉ tính những khoản phí phải nộp ngân sách nhà nước, như: Phí giám định hàng hóa xuất, nhập khẩu, phí kiểm dịch…

 + Các khoản lệ phí: Chỉ tính những khoản lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước, như: Lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lệ phí địa chính, lệ phí bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, lệ phí cấp phép xây dựng, lệ phí quản lý phương tiện giao thông, lệ phí cấp hạn ngạch, giấy phép xuất nhập khẩu…

 + Các khoản phụ thu và các khoản phải nộp khác.

 Nộp ngân sách không bao gồm các khoản: Đóng góp từ thiện, ủng hộ các phong trào đoàn thể, ủng hộ xây dựng địa phương nơi doanh nghiệp đặt địa điểm sản xuất kinh doanh…

15. Vốn đầu tư

Vốn đầu tư là vốn bỏ ra để thực hiện mục đích đầu tư của doanh nghiệp như đầu tư cho XDCB, mua sắm, sửa chữa lớn TSCĐ, bổ sung thêm vốn lưu động từ nguồn vốn tự có của DN,... nhằm sau một chu kỳ hoạt động, hoặc sau một thời gian nhất định thu về một giá trị lớn hơn giá trị vốn đã bỏ ra ban đầu.

Đối với doanh nghiệp, vốn đầu tư trong năm bao gồm cả các khoản đầu tư mang tính chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu giữa các cá nhân, các đơn vị, các tổ chức trong nội bộ nền kinh tế. Cụ thể là vốn đầu tư trong năm của DN được tính cả tiền mua quyền sử dụng đất, tiền mua các thiết bị, nhà cửa, kho tàng đã qua sử dụng của đơn vị, cá nhân trong nước. Vốn đầu tư cũng được phân tổ chia theo nguồn vốn, chia theo khoản mục đầu tư và chia theo ngành kinh tế đầu tư.

 16. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn

 Là tỷ lệ của tổng lợi nhuận trước thuế thu được từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính và các hoạt động phát sinh trong năm của doanh nghiệp chia (:) cho tổng nguồn vốn bình quân của doanh nghiệp.

Tổng nguồn vốn bình quân năm =(Tổng nguồn vốn đầu năm + Tổng nguồn vốn cuối năm)/2

 Tỷ suất lợi nhuận trên vốn phản ánh: Một đồng vốn bỏ ra trong năm sinh lời được bao nhiêu đồng lợi nhuận.

17. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu

Là tỷ lệ của tổng số lợi nhuận trước thuế thu được từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính và các hoạt động khác phát sinh trong năm của doanh nghiệp (:) cho tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp do tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, cung cấp các dịch vụ và các thu nhập khác.

Chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu phản ảnh kết quả tiêu thụ được một đồng doanh thu thì được bao nhiều đồng lợi nhuận.

18. Tỷ suất lợi nhuận trên Lao động

Là tỷ lệ của tổng số lợi nhuận trước thuế thu được từ các hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh trong năm của doanh nghiệp (:) cho tổng lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp.

Tổng lao động bình quân hàng năm = (Tổng lao động đầu năm + Tổng lao động cuối năm)/2

 Chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên lao động phản ảnh: kết quả một lao động tham gia SXKD mang lại bao nhiều đồng lợi nhuận.

 

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo