[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

 

 

 

 

PHẦN BA : KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đánh giá chung:

Nhìn chung, trong 10 năm đầu thế kỷ 21 doanh nghiệp Bình Thuận số lượng doanh nghiệp có nhiều biến động lớn. Trong cơ chế thị trường, không ít doanh nghiệp phải giải thể do làm ăn không hiệu quả, điều kiện cạnh tranh kém, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp tích cực đầu tư phát triển và các dự án đưa vào sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều hơn. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng có nhiều nét khả quan qua thể hiện mức tăng của một số chỉ tiêu cơ bản đã nói trên. Với sự nỗ lực không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất và nhiều doanh nghiệp còn đang trong quá trình xây dựng cơ bản hoàn thiện cơ sở sản xuất sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Nếu khó khăn vướng mắc nêu trên được tháo gỡ kịp thời giúp các doanh nghiệp sản xuất thuận lợi thì trong năm đến chắc rằng khối lượng hàng hoá, dịch vụ sản xuất sẽ tăng khá hơn nữa.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, các thành phần kinh tế ở tỉnh phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, nhờ có Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp và các văn bản, quy định của Chính phủ... nên khuôn khổ pháp lý, môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế được thiết lập và từng bước được hoàn thiện. Các thành phần kinh tế đã đạt được những thành tựu quan trọng và khẳng định vai trò của mình trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số ưu điểm góp phần chuyển biến nền kinh tế :

- Các doanh nghiệp phát triển đa dạng nhiều ngành nghề, sản phẩm hàng hoá dịch vụ ngày càng phong phú hơn, góp phần tạo ra sản phẩm hữu dụng cho thị trường.

- Nhanh chóng thực hiện Nghị quyết Ðại hội IX và Nghị quyết TW 3 khóa IX về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, xây dựng kế hoạch từng thời kỳ, từng năm, đồng thời tổng kết đánh giá kịp thời để có biện pháp thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu huy động vốn của công nhân viên chức trong doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức kinh tế trong nước để đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện để những người góp vốn và công nhân viên chức trong doanh nghiệp có cổ phần, nâng cao vai trò làm chủ thực sự và tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.

- Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ-TU của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh (khóa X) Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động, để cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng chính sách, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết còn cụ thể hóa các văn bản pháp quy của UBND tỉnh và Bộ, ngành Trung ương một cách đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, nhằm tạo môi trường thể chế thuận lợi và tâm lý xã hội cho sự phát triển kinh tế tư nhân. Trong thời gian qua đã thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp, triển khai đầu tư xây dựng các các dự án... Do vậy đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong tỉnh, ngoại tỉnh và nước ngoài. Qua kết quả điều tra doanh nghiệp trong 10 năm vốn sản xuất, giá trị sản xuất của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tăng khá.

- Các thành phần kinh tế đã góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm trong xã hội, thể hiện rõ nét nền kinh tế nhiều thành phần, lao động chuyển dịch từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân và ngày càng mở rộng. Cơ cấu số lượng doanh nghiệp sử dụng trên 200 lao động cũng có chuyển hướng khá. Đặc biệt là thu nhập người lao động ngày càng cao, đó là một trong những yếu tố khuyến khích tăng năng suất lao động. Một vấn đề không kém phần quan trọng mang tính chiến lược đó là phát huy cao nhất nội lực và lợi thế so sánh của tỉnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để tạo ra những sản phẩm mũi nhọn, lợi thế. Trong thời gian qua với những Nghị quyết đúng đắn của Tỉnh uỷ, sự nỗ lực chỉ đạo UBND tỉnh cùng với các ngành các cấp đã thể hiện qua các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã phát huy được các sản phẩm lợi thế như chế biến thuỷ sản (các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản kể cả xuất khẩu với sản lượng ngày càng nhiều hơn), khai thác khoáng sản lớn như là cát trắng thuỷ tinh, phát triển các sản phẩm còn đang ở dạng tiềm năng và các cơ sở du lịch phát triển nhanh. Điều rõ nhất là vấn đề đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, quy hoạch các khu sản xuất, hoạt động du lịch tạo một môi trường thuận lợi, sạch đẹp, thông thoáng và hấp dẫn nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư.

- Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ biến hơn, đáp ứng được phần nào yêu cầu công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp thu khoa học công nghệ mới, Website www.binhthuan.gov.vn của UBND tỉnh Bình Thuận được xây dựng hoàn chỉnh, mạng Internet Bình Thuận đi vào hoạt động ổn định và được cấp giấy phép chính thức ngày 8/1/2004. Website được thường xuyên cập nhật các thông tin về chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thông tin về thị trường trong và ngoài nước, giới thiệu sản phẩm, dự báo trung, dài hạn về xu hướng phát triển của các ngành, các chương trình, dự án quốc gia, các dự án phát triển khác có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước khác. Riêng đối với các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đã xây dựng thiết kế Website được trên 100 DN và các đơn vị quản lý Nhà nước, hành chính sự nghiệp. Do vậy tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng khả quan hơn. Đây cũng một sự quan tâm đặc biệt của tỉnh nhằm giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng các thông tin mới, đồng thời cũng giới thiệu được sản phẩm một cách rộng rãi trong tỉnh, ngoài tỉnh và trên thị trường quốc tế.

Nếu nông nghiệp chậm phát triển sẽ tạo ra những áp lực làm chậm quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn xã hội. Với thế mạnh cây trồng (bông, điều, cao-su, thanh long và bò là "bốn cây, một con") được tỉnh Bình Thuận tập trung phát triển nhằm nâng cao tỷ suất hàng hóa trên cơ sở đi vào chuyên canh một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương. Mặc dù số lượng doanh nghiệp khu vực ngành này hiện nay chưa cao, nhưng với tốc độ tăng như những năm gần đây thì xu thế cũng sẽ tăng khá. Về Thuỷ sản các doanh nghiệp tham gia chủ yếu phát triển các vùng nuôi tôm giống, tôm sú và tăng cường khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao phục vụ cho chế biến xuất khẩu khẳng định hướng chuyển dịch cơ cấu trong ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Những tồn tại và nguyên nhân yếu kém:

- Việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và của cơ quan chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và hiệu quả quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp. Việc thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” còn mới mẻ ở các cấp chính quyền, ngành chức năng, nên còn lúng túng, quan hệ trong phối hợp giữa các ban ngành chưa chặt chẽ. Do vậy, số các dự án lớn được cấp phép nhưng triển khai đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh quá chậm. Hiện nay "cơn sốt giá đất" đã và đang là vấn đề nổi cộm, nên không ít kẻ cơ hội lợi dụng chiếm giữ đất chờ sang nhượng. Vì vậy cần phải nhanh chóng rà soát chấn chỉnh những mặt còn tồn tại để bộ phận “một cửa” phát huy tốt nguyên tắc phối hợp giữa các sở ban ngành có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Khẩn trương giải quyết các tồn đọng không để một số lớn doanh nghiệp được cấp phép nhưng đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tỷ lệ quá thấp, thậm chí còn vướng mắc ở ngay khâu đầu tiên là đền bù, giải toả kéo thời gian quá dài.

- Công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước làm chậm như việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tuy có thực hiện phát huy được một số doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp chần chừ trong việc thực hiện lộ trình, xin lùi lại thời gian, thay đổi phương án cổ phần. Nguyên nhân do phải xử lý tình hình tài chính phức tạp (Công ty Xây dựng Thuỷ lợi, Công ty Vận tải biển), không định hướng được hoạt động hoặc thiết bị phương tiện lạc hậu khó cạnh tranh (Công ty Vận tải biển, Công ty Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu), tình hình tiêu thụ sản phẩm khó khăn như là vấn đề giá cả không thuận lợi (Công ty đường Bình Thuận). Bên cạnh việc xác định giá trị doanh nghiệp thông qua việc thuê các đơn vị kiểm toán chưa chủ động được thời gian, năng lực cán bộ quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển cổ phần hoá trong giai đoạn mới. Sự phát triển của ngành du lịch Bình Thuận vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch chưa cao, chất lượng phục vụ còn hạn chế

- Một số mặt hàng do Doanh nghiệp nhà nước sản xuất có giá thành cao, một số Doanh nghiệp nhà nước ở những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm, làm ăn thua lỗ kéo dài, đang là gánh nặng cho ngân sách và các ngân hàng như Nhà máy Đường càng lúc càng lỗ nặng thêm, Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư. Nhiều doanh nghiệp cơ sở vật chất hạn chế, công nghệ lạc hậu, thô sơ, sản xuất thủ công là phổ biến; nhiều sản phẩm có chi phí tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, khấu hao, tiền lương,... cao, do đó thiếu sức cạnh tranh, nhìn chung hiệu quả sản xuất còn thấp. Trong cơ chế thị trường không tránh khỏi một số doanh nghiệp quá yếu kém, không có khả năng thanh toán nợ dẫn đến phá sản. Đồng thời ảnh hưởng đến tình hình người lao động mất việc làm, tình hình tài chính của các doanh nghiệp khác và kể cả các ngân hàng (đối với Doanh nghiệp nhà nước ngân sách Nhà nước không chỉ giảm thu, mà còn phải bỏ ra để xử lý các khoản lỗ mà các doanh nghiệp để lại). Trong các năm vừa qua đã giải thể 3 doanh nghiệp nhà nước (Công ty nước mắm, Công ty sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu, Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Bình Thuận, chuyển 2 doanh nghiệp qua hoạt động sự nghiệp (Công ty Điện ảnh Bình Thuận và Công ty Vận tải biển). Các doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng phải thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh, giải thể hàng năm trên 100 doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

- Tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng như trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản (khả năng sản lượng khai thác 130- 150 ngàn tấn/năm ), chế biến nông sản (thanh long, cao su, điều), khai thác khoáng sản. Nhiều khu du lịch chưa được đầy đủ cơ sở hạ tầng như cam kết. Đây là những vấn đề Nhà nước vừa đầu tư, đồng thời bắt kịp thời đại kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát triển đa dạng các loại hình du lịch và phục vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách...

- Thiếu lao động chất lượng cao như các vị trí kỹ sư, quản lý, điều hành có tầm hiểu biết rộng. Còn hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh; thị trường và thông tin về thị trường còn yếu, trình độ quản lý doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Lao động doanh nghiệp phần lớn chưa qua đào tạo; lao động có trình độ tay nghề cao rất thấp. Điều này dẫn đến năng suất lao động các doanh nghiệp vẫn còn thấp so với yêu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá. Đây là một trong những điểm yếu có tính quyết định, cần phải có có kế hoạch mở nhiều lớp đào tạo tay nghề, xây dựng tiêu chuẩn tay nghề, nâng cao khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

- Tỷ lệ số lượng doanh nghiệp có đóng BHXH so với tổng số doanh nghiệp hiện đang hoạt động sản xuất kinh doanh và tiền đóng BHXH so với thu nhập còn quá thấp. Cần có kế hoạch kiểm tra đôn đốc các chủ DN thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người lao động để đảm bảo cho mọi người lao động ở bất cứ thành phần kinh tế nào cũng đều có nghĩa vụ tham gia và thụ hưởng những quyền lợi về chế độ BHXH.

- Trình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục giải quyết kịp thời nhất là các hoạt động chế biến thuỷ sản, hoạt động du lịch kể cả kinh doanh lưu trú là những ngành có liên quan đặc biệt tới môi trường. Trong khi đó, khách du lịch quan tâm đặc biệt tới vấn đề này và họ cho rằng đó là thứ mà có thể thu hút họ tới tham quan trở lại. Vì thế để phát triển ngành chế biến, ngành du lịch bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường. Nếu không chú trọng tới vấn đề này sẽ gây tác hại tiêu cực và làm lãng phí tài nguyên, thậm chí suy thoái môi trường. Công tác này cần được đẩy mạnh hơn nữa đối với các bãi biển đang thu hút nhiều khách du lịch của Bình Thuận như Mũi Né, Hòn rơm,…

Tăng trưởng cao là mục tiêu mong đợi của nhiều DN, địa phương. Tăng trưởng cao phải gắn liền giữa số lượng và chất lượng mới là mục tiêu cần đạt đến. Tăng trưởng phải bao hàm ý nghĩa tăng trưởng năng suất thông qua đầu tư cho nghiên cứu và triển khai và phát triển nguồn nhân lực thông qua đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Hơn thế nữa tăng trưởng phải có gắn với phúc lợi xã hội được nâng cao công bằng xã hội; và cuối cùng tăng trưởng phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Tăng trưởng phải làm tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ đói nghèo và thoát khỏi lạc hậu trong bối cảnh hội nhập.

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo