[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

 

 

 

 

3. Các yếu tố sản xuất kinh doanh không được đáp ứng đầy đủ

3.1 Lao động

Là tỉnh có “cơ cấu dân số vàng”, tại thời điểm 01/01/2011 số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người trong độ tuổi phụ thuộc, chiếm đến 63,7%. Đây là một trong những cơ hội “vàng” cho việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung và khu vực doanh nghiệp nói riêng. Trong 10 năm qua, mỗi năm khu vực doanh nghiệp tuyển mới thêm 3.445 lao động, riêng năm 2010 khu vực doanh nghiệp tuyển mới thêm 6.736 lao động. Tuy nhiên thực trạng hiện nay vẫn không ít các doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn về vấn đề lao động. Theo kết quả khảo sát điều tra về môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2010 về trình độ kỹ năng lao động ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp như sau: không trở ngại 22,6%, đôi chút cản trở 38,5%, tương đối cản trở 22%, cản trở đáng kể 10,2%, cản trở rất nghiêm trọng 1,3%, không biết 1,9%, không liên quan 3,5%. Kết quả trên cho thấy, vấn đề tuyển dụng được lao động có trình độ kỹ thuật, chuyên môn giỏi đối với các doanh nghiệp là vấn đề khó khăn, đây là câu hỏi đặt ra về chất lượng lao động ở Bình Thuận hiện nay. Thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng.

So sánh giữa kết quả Tổng điều tra cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp năm 2007 và kết quả Điều tra doanh nghiệp năm 2010 về trình độ chuyên môn người lao động như sau:

Cơ cấu trình độ chuyên môn người lao động trong doanh nghiệp (2007 – 2010).

Đơn vị tính: %

Trình độ chuyên môn

Kết quả TĐT CSKTHCSN 2007

Kết quả ĐT DN 2010

Chênh lệnh

Cao đẳng trở lên

10,3

9,3

-1,0

Trung học chuyên nghiệp

11,5

9,2

-2,3

Nghề dài hạn (từ 1-3 năm)

8,2

9,4

1,2

Không qua đào tạo

70,0

72,1

2,1

Số lao động thực tế đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp có trình độ Cao đẳng trở lên chỉ chiếm 10,3% năm 2007 đến năm 2009 lại giảm xuống còn 9,3% (giảm 1,0%).

Số lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp chiếm 11,5% năm 2007 nhưng đến năm 2009 giảm xuống còn 9,2% (giảm 2,3%).

Số lao động có trình độ nghề dài hạn (từ 1 đến năm) chiếm 8,2 năm 2007 đến năm 2009 tăng lên 9,4% (tăng 1,2%).

Số lao động không qua đào tạo chiếm 70,0% năm 2007 tăng lên 72,1% năm 2009 (tăng 2,1%).

Lao động có trình độ kỹ thuật, có tay nghề, công nhân kỹ thuật trong khu vực doanh nghiệp ngày càng có xu hướng giảm, trong khi lao động không có trình độ ngày càng tăng. Lao động được thu hút vào khu vực doanh nghiệp ngày càng nhiều nhưng cơ cấu lao động có trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng giảm, rõ ràng việc đào tạo lao động chưa đáp ứng kịp thời với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung và khu vực doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động ở những ngành đòi hỏi trình độ kỹ thuật, quản lý cao như: công nghiệp điện tử, tài chính, các resort cao cấp,…

Ngoài nguyên nhân khách quan trên còn có nguyên nhân chủ quan do chính bản thân các doanh nghiệp tạo nên như:

- Tình hình giá cả tăng cao, cuộc sống người lao động vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn khiến không ít người lao động sẵn sàng nghỉ việc ở doanh nghiệp này sang làm ở doanh nghiệp khác có thu nhập cao hơn, đã dẫn đến trình trạng nhiều doanh nghiệp thiếu lao động.

- Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp tuyển dụng lao động chủ yếu để thay thế, dự phòng lao động nhảy việc. Trong tổng số nhu cầu tuyển dụng, chỉ khoảng 50% tuyển vào chỗ làm mới, số còn lại chủ yếu thay thế cho sự biến động lao động của doanh nghiệp.

- Một số doanh nghiệp tuyển mới để thay thế số công nhân cũ nhằm trốn tránh nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động. Cũng có những doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển lao động phổ thông, vừa học vừa làm, hưởng lương học việc để giảm gánh nặng về chi phí.

- Một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là vấn đề tiền lương. Nhìn chung, thu nhập bình quân/lao động/tháng còn thấp (mức thu nhập bình quân chung chỉ 1,33 triệu đồng/lao động/tháng). Đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Bình Thuận khó tìm được lao động giỏi, có trình độ kỹ thuật, quản lý.Thực tế hiện nay cho thấy, hàng năm sinh viên ở địa phương trong các trường đại học lớn thường có khuynh hướng tập trung làm việc ở các thành phố lớn có thu nhập cao như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,…

3.2 Vốn sản xuất kinh doanh

Trong 1.941 doanh nghiệp thì có tới 73,8% số doanh nghiệp có số vốn dưới 5 tỷ đồng, trong khi số doanh nghiệp có vốn trên 5 tỷ đồng chỉ chiếm 26,2%. Có thể nói đại đa số doanh nghiệp đang hoạt động trong trình trạng thiếu vốn kinh doanh. Chỉ xét riêng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có số lượng doanh nghiệp chiếm 97,4% trong tổng số doanh nghiệp của toàn tỉnh, nhưng nguồn vốn chủ sở hữu khu vực này giảm đáng kể trong 10 năm trở lại đây từ 66,4% năm 2000 xuống còn 45,5% năm 2010. Trong đó: HTX từ 68,6% xuống còn 38,2%, doanh nghiệp tư nhân 84,2% xuống còn 55,9%, công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân từ 56,7% xuống còn 52,2%, công ty cổ phần vốn nhà nước dưới 50% từ 45,7% xuống còn 32,4%, công ty cổ phần không có vốn nhà nước từ 47,7% xuống còn 31,4%. Đây là khu vực có số lượng doanh nghiệp nhỏ chiếm đa số, có tiềm lực kinh tế yếu, hiệu quả hoạt động thấp, trình độ quản lý thiếu tính chuyên nghiệp chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Do hạn chế về nhân lực và quản lý các doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc xây dựng trong các dự án đầu tư. Hầu hết các dự án vay vốn được xây dựng trong điều kiện như thế nên chất lượng không tốt, khó thuyết phục ngân hàng cho vay để sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, các doanh nghiệp này ít có tài sản nên không đủ điều kiện thế chấp nên ngân hàng khó chấp nhận cho vay. Hệ thống sổ sách kế toán, nội dung và phương pháp hạch toán kế toán doanh nghiệp thường không đầy đủ, chính xác và thiếu minh bạch.

Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp còn có nguyên nhân từ phía các ngân hàng. Các dự án vay vốn của các doanh nghiệp ngoài nhà nước thường là các dự án có quy mô nhỏ. Nhiều ngân hàng ngại cho vay vì chi phí cho thủ tục, thẩm định cao, rủi ro cao. Về nhận thức nhiều ngân hàng chưa đánh giá đúng tầm quan trọng đặc biệt của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

3.3 Đất đai

 Đối với doanh nghiệp đất đai là yếu tố quan trọng, nhưng thực tế trình trạng sử dụng đất của các doanh nghiệp hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu, thừa đối với các doanh nghiệp nhà nước thành lập trước đây do lịch sử để lại, nhưng thiếu đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới thành lập gần đây, nhất là các khu vực thuộc trung tâm thương mại ở thị xã và thành phố. Theo kết quả điều tra môi trường đầu tư năm 2010, số doanh nghiệp không có trở ngại về đất đai chiếm 33,1%, số doanh nghiệp có đôi chút trở ngại về đất đai chiếm 12,9%, số doanh nghiệp tương đối cản trở chiếm 26,1%, số doanh nghiệp cản trở đáng kể chiếm 8,1%, số doanh nghiệp cảng trở rất nghiêm trọng chiếm 3,2%, số doanh nghiệp không biết 6,2%, số doanh nghiệp không liên quan 10,5%. Qua kết quả trên cho thấy, việc có được mặt bằng kinh doanh đối với các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Với chi phí thuê mặt bằng quá cao sẽ làm ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư ít vốn, công nghệ trung bình, nhất là doanh nghiệp di dời. Trong khi đó hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án, bến bãi, cấp thoát nước, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường vẫn còn yếu kém mặc dù nhiều công trình lớn về giao thông đường bộ đã được nâng cấp. Ngoài ra địa phương vẫn không thực sự quan tâm đến những khó khăn của nhà đầu tư, đặc biệt sự chậm trễ trong việc cấp đất, đền bù mặt bằng, thời gian nhận đất kinh doanh khá lâu. Một số doanh nghiệp chậm triển khai hoạt động sản xuất vì công tác đền bù giải tỏa còn nhiều vướng mắc.

3.4 Các dịch vụ hỗ trợ công nghệ, thông tin

Nhìn chung, các doanh nghiệp còn lúng túng trong việc tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ công nghệ, dịch vụ cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, môi trường đầu tư đặc biệt là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp có sử dụng mạng LAN và kết nối Internet còn rất hạn chế (năm 2009 có 26% DN sử dụng mạng LAN và 64,1% DN sử dụng mạng Internet). Bên cạnh đó số doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử còn quá ít và chỉ mang tính chất phong trào (năm 2009 chỉ có 7,1% DN sử dụng Website). Việc quảng bá sản phẩm thông qua các Công ty quảng cáo, Đài tuyền hình, Truyền thanh,…chưa được doanh nghiệp quan tâm, còn khá nhiều doanh nghiệp chưa tiến hành quảng cáo sản phẩm của mình vì nhiều lý do khác nhau như: chi phí dịch vụ quảng cáo quá lớn; doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên chưa có nhu cầu quảng cáo; không tìm được nguồn cung cấp dịch vụ quảng cáo thích hợp,…

3.5 Hiệu quả sản xuất kinh doanh

Trong những năm qua hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có những tiến triển khả quan, nhưng nhìn chung qua các chỉ tiêu phản ánh còn thấp. Tại thời điểm 01/01/2011 như sau:

- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn sản xuất kinh doanh đạt 5,5%. Trong đó: khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 8,7%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 4,2%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,1%.

- Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 3,9%. Trong đó: khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 8,7%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 3,0%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,6%.

 Với các mức tỷ suất lợi nhuận trên còn thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng, vì vậy nếu doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh thì khi hoạt động kinh doanh có lãi chỉ đủ để trả lãi cho ngân hàng.

- Số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lỗ vẫn còn 16,0%, với tổng mức lỗ 101,5 tỷ đồng, bình quân 1 doanh nghiệp lỗ 322,3 triệu đồng. Trong đó: khu vực ngoài nhà nước là 16,0% DN, với mức tổng lỗ 74,9 tỷ đồng, bình quân 1 doanh nghiệp lỗ 243,9 triệu đồng; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 29,0%, với tổng mức lỗ 26,6 tỷ đồng, bình quân 1 doanh nghiệp lỗ 3,3 tỷ đồng. Riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước không bị lỗ.

Xét trong 3 khu vực doanh nghiệp thì khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lỗ chủ yếu do quy mô nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh còn mang tính tạm thời, không ổn định, trình độ kỹ thuật lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp không đủ sức cạnh tranh; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lỗ do: chí phí khấu hao tài sản cố định cao, chưa kiểm soát được giá đầu ra và giá đầu vào (giá đầu vào cao hơn giá đầu ra), các khoản chi phí dịch vụ, thuê chuyên gia tư vấn chưa hợp lý; khu vực doanh nghiệp nhà nước có kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, trong đó có yếu tố thuận lợi do Nhà nước đem lại cho doanh nghiệp như: được bổ sung ngân sách cấp vốn hàng năm, được vay vốn lớn và vay theo chế độ ưu đãi được dành cho doanh nghiệp nhà nước,… nhưng trên thực tế, hiệu quả kinh doanh khu vực này vẫn chưa cao.

3.6 Chính sách đối với người lao động chưa được đảm bảo tốt

Mặc dù mức thu nhập bình quân/lao động có tăng dần qua các năm (năm 2000 đạt 0,34 triệu đồng/tháng; năm 2001 đạt 036 triệu đồng/tháng; năm 2002 đạt 0,40 triệu đồng/tháng; năm 2003 đạt 0,43 triệu đồng/tháng; năm 2004 đạt 0,49 triệu đồng/tháng; năm 2005 đạt 0,57 triệu đồng/tháng; năm 2006 đạt 0,68 triệu đồng/tháng; năm 2007 đạt 0,80 triệu đồng/tháng; năm 2008 đạt 0,98 triệu đồng/tháng; năm 2009 đạt 1,17 triệu đồng/tháng; năm 2010 đạt 1,33 triệu đồng/tháng), nhưng có chênh lệch giữa các khu vực doanh nghiệp và giữa các ngành khác nhau.

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu nhập bình quân chỉ đạt 1,14 triệu đồng/tháng bằng 43,7% khu vực doanh nghiệp nhà nước (2,61 triệu đồng/tháng) và bằng 65,3% khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (1,75 triệu đồng/tháng).Trong đó: Hợp tác xã 0,73 triệu đồng/lao động/tháng; doanh nghiệp tư nhân 1,01 triệu đồng/lao động/tháng, công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân 1,08 triệu đồng/lao động/tháng; công ty cổ phần có vốn nhà nước 1,17 triệu đồng/lao động/tháng; công ty cổ phần không có vốn nhà nước (1,62 triệu đồng/lao động/tháng).

Những ngành lao động nặng nhọc, độc hại, rủi ro tai nạn lao động cao nhưng lại có thu nhập thấp hơn mức bình quân chung như: đánh bắt, ươm nuôi nuôi trồng thủy sản 1,13 triệu đồng/lao động/tháng; khai thác đá và khai thác mỏ khác 1,25 triệu đồng/lao động/tháng; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 0,69 triệu đồng/lao động/tháng; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất 1,16 triệu đồng/lao động/tháng; sản xuất các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại khác 1,15 triệu đồng/lao động/tháng; sản xuất kim loại 0,99 triệu đồng/lao động/tháng; sản xuất tủ, bàn, ghế 1,02 triệu đồng/lao động/tháng;…

Việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động ở các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Trong năm 2010 chỉ có 14,9% số DN tham gia đóng BHXH cho người lao động (thấp hơn mức 15,9% của năm 2000). Trong 3 khu vực doanh nghiệp khu vực doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ cao nhất 91,3% DN; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 53,6% DN; thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 13,4% DN. Như vậy còn đến 85,1% DN chưa thực nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội theo Luật lao động và tỷ lệ số tiền đóng bảo hiểm so với tổng quỹ lương chỉ được 5,6%. Thực tế trên cho thấy phần lớn các doanh nghiệp sử dụng lao động nhưng không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và đại đa số người lao động không được hưởng quyền lợi này. Nguyên nhân do:

Doanh nghiệp chưa nhận thức được ý nghĩa và quyền lợi của việc đóng bảo hiểm xã hội với việc phát triển doanh nghiệp.

Do tính chất của doanh nghiệp, sản xuất theo thời vụ, thiếu tính ổn định, hợp đồng lao động thường ngắn hạn (dưới 3 tháng), nhất là ở các doanh nghiệp hoạt động may gia công, sơ chế thủy hải sản, thu mua thanh long, sơ chế hạt điều, rang hạt dưa,…

Doanh nghiệp nhận lao động vào làm việc được thỏa ước bằng miệng nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm trích nộp đóng BHXH và dễ dàng chấm dứt hợp đồng lao động khi cần, đồng thời giảm các chi phí bắt buộc cho doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng theo quy định của Luật Lao động và đối phó khi có thanh tra, kiểm tra. Mặc dù lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, nhưng vì thu nhập thấp và gặp nhiều khó khăn về tài chính để đóng BHXH nên nhiều doanh nghiệp dựa vào “yếu điểm” này của người lao động để bao biện cho hành vi chiếm dụng tiền bảo hiểm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng lại chưa thực sự quan tâm đến chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động; chế tài chưa đủ mạnh để xử lý dứt điểm đơn vị vi phạm, cả nể...

Tóm lại, doanh nghiệp Bình Thuận trong 10 năm đầu thế kỷ 21, mà tiêu biểu là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển tràn lan, thiếu tính quy hoạch, chủ yếu chạy theo số lượng, phát triển về chiều rộng, chưa quan tâm đến chất lượng về chiều sâu, chưa chú trọng đến việc phát triển công nghệ kỹ thuật và lợi thế kinh doanh, còn mang nặng tính gia đình. Đây là nguyên nhân làm cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp, các mặt hàng tiềm năng lợi thế xuất khẩu như: thanh long, chế biến thủy hải sản, chế biến nước mắm, khai thác titan, đồ thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ gỗ trang thiết bị gia đình, dịch vụ du lịch, ... chưa được đầu tư đúng mức.

Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhiều, nhưng số thực tế đang hoạt động chỉ chiếm 48,2%, doanh nghiệp hoạt động thiếu tính ổn định và bền vững, hiệu quả kinh doanh cũng như ích lợi xã hội mang lại thấp.

Các yếu tố đồng bộ cho việc phát triển doanh nghiệp chưa được đáp ứng đầy đủ kịp thời như trình độ quản lý, lao động, vốn kinh doanh, đất đai, thị trường,…

Hoạt động tài chính còn tiềm ẩn những rủi ro, mất an toàn, năng lực tài chính nhà đầu tư kém..

 

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo