[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

 

 

 

 

 

PHẦN HAI : THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP BÌNH THUẬN 10 NĂM ĐẦU THẾ KỶ 21 (2000-2010)

I. Vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế xã hội Bình Thuận

 Trong 10 năm đầu thế kỷ 21, bên cạnh những thuận lợi đang tiếp tục tạo ra thế và lực mới cho cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng; còn có những khó khăn thách thức mới do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới; thiên tai bệnh dịch xảy ra ở nhiều nơi (SARS, cúm gia cầm H5N1, bệnh lở mồm long móng ở trâu bò, dịch heo tai xanh…). Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục những khó khăn, phát huy những tiềm năng và lợi thế sẵn có, tập trung mở rộng đầu tư, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch kinh tế theo hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:

Giai đoạn 2001 - 2005, tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) tăng khá, bình quân đạt 12%/năm; tỷ trọng nhóm ngành nông lâm thủy sản giảm từ 42% xuống 32%; công nghiệp, xây dựng tăng từ 22,7% lên 29,2%; thương mại và dịch vụ từ 35,3% lên 38,8%. Thu ngân sách bình quân hàng năm tăng 33,8%, tỷ lệ thu ngân sách so với GDP tăng từ 9% lên 15,6%.

 Giai đoạn 2006 - 2010, tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) tỉnh tăng bình quân đạt 12,8%/năm; tỷ trọng nhóm ngành nông lâm thủy sản giảm còn 20,5%, công nghiệp-xây dựng tăng 35,7%, thương mại dịch vụ tăng 44,6%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.090 USD, tăng gấp 2,57 lần so với năm 2005.

Để đạt được những kết quả trên, sự đóng góp của các doanh nghiệp là rất lớn. Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp trên địa tỉnh Bình Thuận có những bước phát triển vượt bậc, đã góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nguồn nội lực vào việc phát triển kinh tế xã hội, góp phần quyết định tăng trưởng kinh tế của địa phương, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và đặc biệt là giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tạo nhiều phúc lợi xã hội…

Nếu năm 2000, các khu vực doanh nghiệp tạo ra 657 tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng GDP của toàn tỉnh (còn lại là khu vực hành chính, sự nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh cá thể). Trong đó: Khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 297 tỷ đồng, chiếm 9,6% tổng GDP toàn tỉnh; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 343 tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng GDP toàn tỉnh; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra 18 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng GDP toàn tỉnh. Thì đến năm 2010, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh do các khu vực doanh nghiệp tạo ra đã nâng lên 6.882 tỷ đồng, gấp 10,5 lần, chiếm 28,2% tổng GDP toàn tỉnh, bình quân hàng năm tăng 26,5% (tăng 623 tỷ đồng). Trong đó: Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 840 tỷ đồng, gấp 2,8 lần, chiếm 3,4 tổng GDP toàn tỉnh, bình quân hàng năm tăng 11,0% (tăng 54 tỷ đồng); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 5.755 tỷ đồng, gấp 16,8 lần, chiếm 23,6% tổng GDP toàn tỉnh, bình quân hàng năm tăng 32,6% (tăng 541 tỷ đồng); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 287 tỷ đồng, gấp 15,9 lần, chiếm 1,2% tổng GDP toàn tỉnh, bình quân hàng năm tăng 31,9% (tăng 27 tỷ đồng).

`Tổng sản phẩm GDP Bình Thuận theo giá thực tế

 

Năm 2000

2010

Số tuyệt đối (tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

Số tuyệt đối (tỷ đông)

Tỷ trọng (%)

Tổng sản phẩm Bình Thuận (GDP)

3.101

100,0

24.404

100,0

1. Khu vực doanh nghiệp

657

21,2

6.882

28,2

- Doanh nghiệp nhà nước

297

9,6

840

3,4

- Doanh nghiệp ngoài nhà nước

343

11,1

5755

23,6

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

18

0,6

287

1,2

2. Khu vực còn lại

2.444

78,8

17.522

71,8

Qua tốc độ tăng doanh thu, GDP của khu vực doanh nghiệp, có thể đưa ra một số nhận định như sau: xem biểu đồ

- Doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, quyết định đến chuyển dịch các cơ cấu lớn của kinh tế tỉnh trong những năm gần đây như: Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu kinh tế giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

- Doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ tăng nhanh là nhân tố đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ vững ổn định và tạo thế mạnh hơn về năng lực cạnh tranh của kinh tế địa phương.

Có thể nói, doanh nghiệp không những có vai trò quyết định sự phát triển bền vững về mặt kinh tế mà còn có vai trò quyết định đến sự ổn định về mặt chính trị xã hội. Thực tế đó sẽ được phản ánh qua kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở phần sau.

1. Doanh nghiệp Bình Thuận 10 năm đầu thế kỷ 21 tăng trưởng và phát triển nhanh.

Với sự ra đời của các Luật, Nghị định như: Luật Doanh nghiệp ban hành năm 1999, có hiệu lực từ ngày 01/01/2000, Nghị định 125/2004/NĐ-CP về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 03/2000/NĐ-CP, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp”. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật DNNN mới với những nội dung đổi mới cơ bản so với luật DNNN năm 1995, tạo tiền đề để tiến tới hình thành một khung pháp lý thống nhất, bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Luật doanh nghiệp mới này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004, Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần ngày 16/11/2004 nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp. Đã đánh dấu bước đột phá lớn trong việc đổi mới chủ trương và chính sách của Nhà nước, tạo sân chơi bình đẳng, thực sự thổi luồng gió mới cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc tất cả các ngành kinh tế ở cả quy mô số lượng và chất lượng.

Cùng với cả nước, Bình Thuận đã sớm có những triển khai nhất định nhằm phát huy hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp trong toàn tỉnh như: Chỉ thị số 04/2001/CT-CTUBBT ngày 23 tháng 2 năm 2001 và chỉ thị số 43/2002/CT-UBBT ngày 05 tháng 9 năm 2002 về việc đẩy mạnh thực hiện Luật doanh nghiệp nhằm bảo đảm Luật doanh nghiệp đi nhanh vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội; Và hàng loạt một số văn bản chủ yếu khác trong những năm gần đây như: QĐ về chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư và thủ tục đầu tư vào Khu Công nghiệp Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; QĐ Phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất Công nghiệp tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2001 – 2010; Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nước mắm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; QĐ về việc ban hành bản quy định về quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; QĐ về Chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng giai đoạn 2003 – 2005; QĐ về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; QĐ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đến năm 2010. Ngoài ra còn một số văn bản đi vào chi tiết khác như về chính sách thuế doanh nghiệp ngoài quốc doanh, khuyến khích phát triển phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu mía, phát triển sản phẩm nước suối và các sản phẩm lợi thế khác, quy chế hoạt động khu du lịch,…Với những điều kiện thuận lợi trên, doanh nghiệp Bình Thuận trong 10 năm đầu thế kỷ 21 đã phát triển vượt bậc về nhiều mặt:

 1.1 Về số lượng

Trong những năm gần đây, việc quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp, đầu tư phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài được tỉnh tập trung chú trọng.

* Các Khu Công nghiệp

 Khu Công nghiệp Phan Thiết I

Được Chính phủ phê duyệt ngày 11/9/1998 đến nay đã thu hút được 28 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 527,73 tỷ đồng và 28,554 triệu USD, và lấp đầy 100% diện tích cho thuê.

+ Vị trí: KCN Phan Thiết giai đoạn I nằm trên giao lộ 1A và quốc lộ 28 thuộc 2 xã Phong Nẫm - Tp Phan Thiết và Hàm Liêm huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận; Có diện tích 68 ha, đến nay đã lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê; điều kiện cơ sở hạ tầng KCN: Lợi thế nằm kề ngay trung tâm Tp Phan Thiết, có trạm biến áp 110KV/220KV: 17.000KVA, có trạm cung cấp nước 3500 m3/ngày đêm, có trạm xử lý nước thải 1000 m3/ngày đêm.

+ Các ngành công nghiệp ưu tiên đầu tư trong KCN: Công nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển nông lâm, thủy sản; Sản xuất hàng tiêu dùng: may mặc, sản phẩm gia dụng, điện cơ kim khí, đồ điện, điện tử, đồ gỗ, VLXD, trang trí nội thất và các ngành công nghiệp sạch thu hút nhiều lao động.

+ Về giá thuê đất và phí hạ tầng KCN: Giá cho thuê đất : 0,45 - 0,7 USD/m2/năm; Phí hạ tầng: 0,15 USD/m2/năm; Giá điện : từ 505 - 1775đ/kWh; Giá nước : 5143 đồng/m3.

+ Tình hình hoạt động: Đến nay đã đăng ký lấp đầy 100% diện tích đất xây dựng 48,3 ha với 24 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 443 tỷ đồng và gần 25,4 triệu USD, thu hút trên 3.075 lao động. Thu nhập bình quân khoảng 1,6 triệu đồng/lao động/tháng.

Năm 2010, doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Phan Thiết 1 khoảng 1.200 tỷ đồng, đạt 92,3% kế hoạch điều chỉnh và giảm 8% so với năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 28 triệu USD, đạt 77,8% kế hoạch và tăng 2,2% so với năm 2009. Nộp ngân sách 25 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch điều chỉnh và giảm 17,5% so với cùng kỳ.

Khu Công nghiệp Phan Thiết II

+ Vị trí: Nằm trên 02 xã Phong Nẫm - Tp Phan Thiết và Hàm Liêm - huyện Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận. Mở rộng về phí Tây KCN Phan Thiết giai đoạn I. Hiện đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng KCN và đang kêu gọi đầu tư. Có diện tích 40,7 ha, tổng số vốn đầu tư 26,791 tỷ đồng

+ Các ngành công nghiệp ưu tiên đầu tư trong KCN: Công nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển nông lâm, thủy sản; Sản xuất hàng tiêu dùng: dệt, may, điện cơ khí; đồ dùng điện, điện tử, đồ gỗ, VLXD, trang trí nội thất và các ngành công nghiệp sạch thu hút nhiều lao động.

+ Giá thuê đất và phí hạ tầng KCN: Giá cho thuê đất dự kiến từ 0,75 - 0,85 USD/m2/năm; Phí hạ tầng : 0,15 USD/m2/năm; Giá điện : từ 505 - 1775 đồng/kWh; Giá nước : 5143 đồng/m3.

+ Tình hình hoạt động: Năm 2010 đã thu hút được 4 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký 50 tỷ đồng và diện tích cho thuê là 3,33 ha. Hiện nay, dự án kho vận đã đi vào hoạt động, các dự án này đang triển khai các thủ tục liên quan để đầu tư xây dựng cơ bản.

Khu Công nghiệp Sơn Mỹ I

 + Vị trí: xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nằm trong Quy hoạch chung xây dựng Khu Liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tinh Bình Thuận (4.100 ha) đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tại Quyết định số 3074/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2007. Được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép đầu tư xây dựng KCN Sơn Mỹ I tại văn bản số 548/TTg-KTN ngày 16/4/2008. Có diện tích 1.256,8 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.695 tỷ đồng.

+ Điều kiện cơ sở hạ tầng KCN Sơn Mỹ: Nằm liền kề ven biển Hàm Tân, quốc lộ 55 đi Bà Rịa - Vũng Tàu, cách trung tâm Thị xã La Gi – tỉnh Bình Thuận 17km, cách Tp Phan Thiết 90km, cách Tp HCM khoảng 180km, cách Tp Vũng Tàu 80km, cách cảng nước sau Cái Mép - Thị Vãi 60km; Cảng tiếp nhận tàu trên 60.000 DWT tại KCN Sơn Mỹ I đang được Tổng Công ty IDICO khảo sát, lập dự án đầu tư; Giao thông: tuyến quốc lộ 55 đi qua KCN được nâng cấp mở rộng nối Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu; Lưới điện quốc gia 110KV Xuyên Mộc - Hàm Tân; Nguồn nước được lấy từ hồ sông Dinh 3 tổng lượng 195,7 triệu m3/năm, đáp ứng nhu cầu cho cả Khu Liên hợp Sơn Mỹ (gồm KCN Sơn Mỹ I, KCN Sơn Mỹ II và khu dân cư đô thị Sơn Mỹ).

+ Các ngành công nghiệp ưu tiên đầu tư trong KCN:

Là KCN tập trung, đa ngành, trong đó tập trung chủ yếu : Các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; Các ngành sản xuất chế tạo thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin; Công nghiệp cơ khí chế tạo; Công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng, thực phẩm; Trung tâm điện lực.

+ Tình hình thực hiện: Hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Công tác kiểm kê phục vụ đền bù giải tỏa đã bắt đầu từ tháng 7/2010. Đến nay đã kiểm kê hơn 220 ha/1.258 ha. Hội đồng bồi thường đang tổ chức áp giá đền bù trước phần diện tích trên để trình huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để đền bù giải tỏa. Riêng việc áp giá và tổ chức bồi thường cho hộ dân đang chờ Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh lại quyết định 28/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Khu Công nghiệp Sơn Mỹ II

+ Vị trí: KCN Sơn Mỹ II được xây dựng tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân , tỉnh Bình Thuận. Có diện tích 1.240 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.600 tỷ đồng

+ Điều kiện cơ sở hạ tầng: Lợi thế có vị trí địa lý nằm liền kề ven biển Hàm Tân, quốc lộ 55 đi Bà Rịa – Vũng Tàu, cách trung tâm huyện lỵ và thị xã La Gi 17 km, cách thành phố Phan Thiết 90 km, cách TP. Hồ Chí Minh 180 km, cách Vũng Tàu 80 km, cách Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải 60km; Giao thông nằm tuyến quốc lộ 55 đi qua KCN được nâng cấp mở rộng và nối Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, nên việc vận chuyển hàng hóa từ KCN Sơn Mỹ đi cảng nước sâu Thị Vải rất thuận lợi; có lưới điện quốc gia 110 KV Phan Thiết – Hàm Tân – Xuyên Mộc; Nguồn nước được lấy từ hồ sông Dinh 3 tổng lượng 195,7 khối/năm, đáp ứng nhu cầu cho cả Khu liên hợp Sơn Mỹ (bao gồm KCN Sơn Mỹ I, KCN Sơn Mỹ II và khu dân cư đô thị Sơn Mỹ).

Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 được đầu tư xây dựng theo mô hình khu công nghiệp tổng hợp đa ngành nghề với quy mô 1.240 ha, được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ Phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị IDICO-UDICO làm chủ đầu tư tại văn bản số 2558/UBND – ĐTQH ngày 02/6/2009 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung đưa vào danh mục phát triển các Khu công nghiệp tại tỉnh Bình Thuận tại văn bản số 1441/TTg ngày 24/08/2009.

+ Tình hình thực hiện dự án: Quy hoạch chi tiết KCN 1/2000 đã được phê duyệt. Công tác công bố quy hoạch đã được tổ chức. Hiện nay chủ đầu tư đang lập dự án đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đo đạc địa chính phục vụ cho đền bù giải tỏa.

Khu Công nghiệp Hàm Kiệm I

 Được thành lập theo Quyết định giao đất số 3706 QĐ/UBND ngày 25/10/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

 + Ví trí: xã Hàm Kiệm và xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Tổng diện tích 146,2 ha, có vị trí thuận lợi cách TP HCM 190 km, cách phía nam Thành Phố Phan Thiết 9 km, phía đông cách đường 707 từ Ngã Hai đi ga Mương Máng khoảng 1300 m , phía tây giáp KCN Hàm Kiệm II, phía Bắc giáp với đất sản xuất nông nghiệp, cách tuyến đường Bắc Nam khoảng 2 km.

+ Điều kiện cơ sở hạ tầng: Đường chính 45m, đường nội bộ 24 – 35m, được trải thảm bê tông nhựa nóng và được thiết kế chịu tải trọng H30 theo tiêu chuẩn Việt Nam; nguồn điện 110/22kv, công suất 2*65 MVA; có Nhà máy nước Phan Thiết công suất 10.000 m3/ngày đêm và Nhà máy nước Ba Bàu có công suất 20.000 m3 ngày đêm. Hệ thống ống chính F 200 mm – 300 mm và ống nhánh F 150 mm; có hệ thống xử lý nước thải công suất nhà máy 6.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn 1: 2.000 m3/ngày đêm.

+ Tình hình hoạt động: đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 02 dự án thuê 9,5 ha với tổng vốn đầu tư 370 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đầu tư nhà máy sản xuất nước mắm sạch của Cty TNHH Hồng Phú đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ bản, đã hoạt động vào tháng 9/2010 với công suất 96 triệu lít/năm. Riêng dự án nhà máy sản xuất kết cấu kiện thép và cấu kiện bê tông đang trong quá trình hoàn chỉnh các thủ tục liên quan.

Khu Công nghiệp Hàm Kiệm II

 + Vị trí: được xây dựng tại xã Hàm Kiệm huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, có tổng vốn đầu tư 491 tỷ VNĐ. Lợi thế nằm ngay cạnh QL1A đoạn Phan Thiết đi Tp HCM cách trung tâm Tp Phan Thiết 11,3km; cách Tp HCM 188km; cách cảng Kê Gà 25km.

+ Các ngành công nghiệp ưu tiên đầu tư trong KCN:

Ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất nông lâm, thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng : dệt, may; sản phẩm gia dụng: điện kim khí; đồ điện; điện tử; đồ gỗ; VLXD và trang trí nội thất; công nghiệp phụ trợ cho các ngành sản xuất tiêu dùng kỹ thuật cao; công nghiệp sản xuất hàng hóa mang hàm lượng chất xám cao như công nghệ vi sinh, công nghệ Nano,... cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Khu Công nghiệp Tuy Phong:

Đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt bổ sung vào danh mục phát triển các Khu công nghiệp tại tỉnh Bình Thuận tại công tại văn bản số 1.441/TTg ngày 24/08/2009, quy hoạch xây dựng KCN Tuy Phong đã được UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2008.

+ Vị trí: xã Vĩnh Hảo, Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nằm cạnh Quốc Lộ 1A, cách ga Vĩnh Hảo khoảng hơn 1 km về phí Bắc, cách trung tâm huyện 1,8 km và cách Phan Thiết 100 km. Có diện tích: 150 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng.

 + Điều kiện cơ sở hạ tầng: Nằm giáp với tuyến đường Quốc lộ 1A, đây là tuyến đường trục chính đi từ Bắc vào Nam của Quốc gia, cách Ga Vĩnh Hảo (tuyến đường sắt Bắc - Nam) khoảng hơn 1km về phía Bắc. Có nguồn nước dự kiến lấy từ Hồ Đá Bạc (dung tích 4,388 triệu m3), hướng thoát nước thải cho khu quy hoạch ra biển - cách KCN khoảng hơn 2km. Có tuyến cao thế 110KV đi qua khu quy hoạch và tuyến trung thế 22KV chạy dọc QL 1A.

+ Các ngành công nghiệp ưu tiên đầu tư trong KCN : Các ngành sản xuất nước suối, sản xuất các chế phẩm từ tảo, các hóa chất sau muối, các chế phẩm từ sét Bentônit, chế biến thủy sản, nông sản. 

+ Tình hình Hoạt động: đã ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư, lập báo cáo ĐTM và đo đạc địa chính phục vụ đền bù giải tỏa. Hiện nay, hồ sơ đo đạc địa chính phục vụ đền bù giải tỏa đã hoàn thành.

Khu Công nghiệp Tân Đức:

+ Vị trí: xã Tân Đức huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận, có diện tích 908,2 ha, được khởi công xây dựng năm 2011. Có điều kiện thuận lợi nằm trong quy hoạch chung xây dựng KCN và Khu dân cư dịch vụ công nghiệp Tân Đức (1.226 ha) đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt quy hoạch trong năm 2009. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.900 tỷ đồng.

+ Điều kiện cơ sở hạ tầng: Lợi thế nằm ngay cạnh QL1A, nằm giữa QL1A và đường cao tốc Bắc – Nam dự kiến xây dựng. Giáp với tỉnh Đồng Nai, cách Tp HCM 130km. Đường thủy cách cảng Thị Vãi khoảng 90km, cách cảng Kê Gà khoảng 70km (đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư).Lưới điện quốc gia 110KV Phan Thiết - Hàm Tân. Nguồn nước lấy được từ hồ Biển lạc W = 17,18 triệu m3.

+ Các ngành công nghiệp ưu tiên đầu tư trong KCN:

Ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển nông lâm, thủy sản; Sản xuất hàng tiêu dùng: dệt, may; sản phẩm gia dụng, điện cơ kim khí, đồ điện, điện tử; đồ gỗ, VLXD và trang trí nội thất.Các ngành công nghiệp cần diện tích lớn như kéo sợi - dệt may; công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp phương tiện vận tải, xây dựng; sản xuất cấu kiện sắt, thép. 

+ Tình hình hoạt động: Quy hoạch chi tiết 1/2000 và Phương án bồi thường tổng thể đã được phê duyệt. Báo cáo ĐTM đã hoàn chỉnh, đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Công tác kiểm kê phục vụ đền bù giải tỏa chưa tiến hành do tính toán chi phí đền bù giải tỏa theo quyết định 28/2010/QĐ-UBND quá cao.

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo