[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]

3. Phân tích môi trường đầu tư của Bình Thuận trong năm 2009.

Khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu vào cuối năm 2008, đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi đó môi trường đầu tư của địa phương cũng có nhiều ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, dựa vào kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2009, Cục Thống kê Bình Thuận đã chọn mẫu trên 300 doanh nghiệp để điều tra về môi trường đầu tư của địa phương. Kết quả điều tra đã cho thấy những tín hiệu khả quan về môi trường đầu tư tại Bình Thuận, và cũng còn một số tồn tại nhất định mà tới đây địa phương cần phải rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

a. Những phát triển khả quan trong năm qua.

Các doanh nghiệp Bình Thuận trong những năm qua đã có những phát triển khá tốt, thể hiện rõ qua đánh giá về kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của lực lượng lãnh đạo doanh nghiệp. Số giám đốc doanh nghiệp có trên 10 năm kinh nghiệm kinh doanh trong năm 2009 chiếm 15,3% trong tổng số doanh nghiệp (DN) toàn tỉnh. Đặc biệt, số giám đốc DN có kinh nghiệm từ 1 - 5 năm chiếm đến 50,8% tổng số DN toàn tỉnh, số DN này rơi vào giai đoạn 2005 - 2009 đây cũng là giai đoạn mà số lượng DN mới tăng khá mạnh.

Chuyên ngành được đào tạo của các doanh nghiệp cũng có nhiều khác biệt với ngành nghề đang kinh doanh. Có một số ngành như dịch vụ nông nghiệp, khai khoáng, thương mại, du lịch, kinh doanh bất động sản đều có tỷ lệ chủ doanh nghiệp có chuyên môn đào tạo không phù hợp với ngành nghề kinh doanh chiếm trên 50% tổng số DN được tham khảo ý kiến. Đây là vấn đề thực tế đang diễn ra tại Bình Thuận, điển hình ở các lĩnh vực du lịch, khai khoáng, bất động sản. Các DN thuộc loại hình này đều đa phần là có vốn mở ra kinh doanh nhưng lại chưa hiểu biết nhiều về lĩnh vực mình hoạt động, nên những vi phạm về đất đai, môi trường thường xảy ra tại nhóm này là khá cao.

Tình hình cấp các loại giấy phép, giấy đăng ký trong năm 2009 đã được rút ngắn thời gian, tạo sự tin tưởng cho doanh nghiệp. Nếu như trong năm 2008, thời gian cấp giấy phép trên 1 tháng chiếm đến 45% ý kiến của các doanh nghiệp, thì sang năm 2009 chỉ còn khoảng 9,7% DN là còn gặp phải tình trạng này. Đây cũng là một sự tiến bộ rất tốt của cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, đảm bảo cho DN tiết kiệm được thời gian đi lại rất nhiều. Đa số DN cho biết không gặp khó khăn gì khi thành lập mới.

Nền kinh tế phát triển kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh được mở rộng, nguồn lao động tăng lên đáng kể. Sự phát triển kinh tế xã hội của Bình Thuận đã thu hút khá nhiều lao động ngoài tỉnh vào làm việc, tỷ lệ lao động ngoài tỉnh trực tiếp làm việc thường xuyên chiếm 7,8% tổng số lao động của các doanh nghiệp được điều tra. Số lao động làm việc thường xuyên ở một số ngành kinh tế trọng điểm chiếm tỷ lệ rất cao, như trong ngành sản xuất công nghiệp có tỷ lệ là 93,4%; ngành xây dựng có tỷ lệ là 95,7%; ngành thương nghiệp là 97,1%; ngành du lịch là 99%.... Tương tự như vậy, số lao động thời vụ cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các ngành này, đây cũng là yếu tố phù hợp với tính chất công việc của từng ngành. Với sự gia tăng của người lao động ngoài tỉnh, các loại hình dịch vụ cá thể ăn theo cũng gia tăng khá nhanh như dịch vụ phòng trọ, nhà hàng ăn uống, dịch vụ giải trí các loại…

Chính sách tiền lương đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt sau khi Chính phủ thông qua các chính sách về tiền lương của người lao động đối với các loại hình doanh nghiệp, điều đó cho thấy các DN cũng đã biết coi trọng hơn đối với vấn đề thu nhập của người lao động, bảo đảm được nhu cầu nhân lực trong sản xuất kinh doanh của mình. Thu nhập của lao động nữ từng bước được nâng lên, tỷ lệ DN có mức lương dưới 1 triệu đồng/tháng cho lao động nữ chiếm 14,2%; trong khi đó tỷ lệ DN có mức lương từ 1 triệu đến dưới 1,5 triệu/tháng chiếm 52,4%; còn lại là mức lương từ 1,5 triệu/tháng trở lên. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang gây những ảnh hưởng khá nghiêm trọng, các DN vẫn bảo đảm được hoạt động sản xuất kinh doanh của mình qua đó đã tạo được tin tưởng của người lao động với DN.

[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]