[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]

Nguồn vốn của các doanh nghiệp cũng được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là vay từ các ngân hàng (chiếm trên 95% số vay nợ của các DN). Những khoản vay này chủ yếu dùng để bổ sung cho vốn lưu động, đầu tư tài sản cố định phục vụ cho sản xuất kinh doanh và dùng để mua nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa. Trong tỷ lệ vốn phân bổ trong năm của DN, ngoại trừ số vốn từ nguồn nội bộ và lợi nhuận để lại thì số vốn vay từ các ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguồn vốn lưu động vay từ ngân hàng chiếm 19,3%, trong đó 30,1% số vốn dùng để đầu tư mới tài sản cố định trong năm. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các ngân hàng thương mại trong việc cho vay vốn đối với các DN, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (30,3%), xây dựng (32,4%), thương mai (6,4%) và du lịch (9,1%). Trong tổng số DN có vay tín dụng thì có đến 89,6% DN sử dụng hình thức vay thế chấp, trong đó hình thức vay thế chấp đất, nhà xưởng chiếm 97,1%. Đây cũng là một trong những hình thức vay khá phổ biến hiện nay. Với nguồn hỗ trợ từ chính quyền, các ngân hàng, gia đình, bạn bè luôn chiếm trên 50% các nguồn hỗ trợ, điều đó cho thấy khi gặp khó khăn thì tầm ảnh hưởng của các nhóm hỗ trợ này là khá lớn, đây cũng là khu vực có nguồn vốn chủ động nhất, không qua một nhân tố trung gian nào và cũng tạo được sự tin tưởng cho các DN. Khu vực công nghiệp – xây dựng vẫn là nơi cần các nguồn hỗ trợ này mạnh nhất, vì nhu cầu về nguồn vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này rất lớn.

Có đến 69,1% DN cho biết các cơ quan quản lý nhà nước có thể hiện sự quan tâm đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN, thông qua các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với lãnh đạo địa phương. Vì thế việc tốn thời gian để giải quyết các vấn đề có liên quan đến các quy định của Nhà nước cũng giảm đáng kể, với 79,8% DN đồng ý với nhận định này. Có 74,5% DN được hỏi cho biết đã được cơ quan thuế hỗ trợ, hướng dẫn về chính sách thuế trong năm, điều đó cho thấy sự phối hợp khá gắn kết giữa DN với cơ quan quản lý thuế.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp cũng cho thấy tỷ lệ thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế là cao nhất (89,8% DN trả lời có). Nhìn vào tỷ lệ trên, có thể làm chúng ta có cái nhìn tiêu cực về phía cơ quan thuế, nhưng thật ra đây là công tác cần thiết của cơ quan thuế trong vấn đề chống thất thu ngân sách, gian lận thuế. Tương tự như vậy, tỷ lệ số DN được thanh tra, kiểm tra trong năm 2009 của một số cơ quan chức năng cũng phù hợp với lĩnh vực họ phụ trách, như tài nguyên môi trường 57,6% DN; phòng cháy chữa cháy 29,1%; lao động thương binh và xã hội 29,4%; quản lý thị trường 18,9% và các cơ quan khác....

Vấn đề đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường là lĩnh vực rất nhạy cảm, tình hình chiếm dụng đất trái phép, ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Phòng cháy chữa cháy luôn là công tác quan trọng của địa phương, ai cũng biết sự nguy hiểm như thế nào khi để xảy ra cháy nổ, nhất là vùng đất Bình Thuận là vùng đất khô hạn, nắng nóng quanh năm. Công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động luôn là vấn đề thiết yếu của xã hội, hiện tượng công nhân làm việc không có phương tiện bảo hộ lao động đang diễn ra nhiều nơi và nhiều DN ít quan tâm, chú trọng đến vấn đề này. Tình hình gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả hàng nhái, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng trái phép….. luôn diễn ra với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Vì thế việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng là rất cần thiết, công tác bảo đảm các vấn đề an sinh an toàn xã hội được thực hiện khá tốt.0

Số doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý khá thấp, chỉ chiếm 11% tổng số DN được điều tra. Tuy vậy, có đến 63,4% số doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ pháp lý cho biết họ đã sử dụng dịch vụ được cung cấp từ cơ quan Nhà nước, điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý từ các cơ quan Nhà nước vẫn được các DN tin tưởng và đã đáp ứng phần nào nhu cầu của họ. Các DN sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng 61,5% số DN này. Trên thực tế với việc gia nhập WTO, sự cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu hay nội địa ngày càng gia tăng sẽ khiến các tranh chấp về kinh tế sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, yếu tố chất lượng sản phẩm xuất khẩu ngày càng được các thị trường nhập khẩu kiểm tra gắt gao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đã làm cho các nước có xu hướng bảo hộ sản phẩm nội địa nhiều hơn. Những yếu tố trên khiến cho các DN địa phương phải tăng cường nghiên cứu kỹ hơn luật pháp quốc tế, thông qua sự tư vấn pháp lý của các cơ quan chức năng hay các cơ quan tư vấn luật quốc tế.

Nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra về những yếu tố tác động đến việc DN được thành lập, tuy nhiên yếu tố do Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là được 59,9% DN đồng ý với lý do trên. Điều đó cho thấy, cơ sở hạ tầng tại Bình Thuận đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, với nguồn nguyên liệu, hàng hóa sẽ được các DN địa phương cung cấp, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh đã khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy an tâm và đưa ra quyết định thành lập DN tại đây.

Số lượng doanh nghiệp tham gia hiệp hội ngày càng tăng, vai trò của các hiệp hội từng bước được củng cố và phát triển mạnh hơn. Chỉ có 1,6% số DN được hỏi cho rằng tham gia vào hiệp hội không có lợi, cho thấy sức hút từ lợi ích có được khi tham gia hiệp hội là khá tốt.

[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]