[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]

b. Những tồn tại trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của DN, thì có một số yếu tố quan trọng mà từ đó chúng ta cần phải rút ra bài học kinh nghiệm cho những năm tiếp theo:

- Yếu tố thứ nhất là điện: Đây là vấn đề nan giải không những đối với các DN mà cả đối với các hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Nếu như năm 2008, số DN cho biết sự cản trở về điện là khá ít thì năm 2009, số lượng DN than phiền về việc cung cấp điện tăng khá cao. Có đến 82,8% DN trong tổng số DN được hỏi cho biết có bị cắt điện, bình quân số ngày cắt điện là 18 ngày/1DN, bình quân giá trị thiệt hại là 22 triệu đồng/1DN. Trong đó, DN sản xuất công nghiệp chiếm tỷ lệ 30,2%; DN thương nghiệp chiếm tỷ lệ 29,9%; DN du lịch chiếm tỷ lệ 6,5%.... Với tình hình trên cho ta thấy mức độ ảnh hưởng của điện có tầm quan trọng như thế nào đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Vấn đề ở đây không phải là việc giá điện tăng mà là do cúp điện quá nhiều, trong khi giá xăng dầu thay đổi liên tục khiến cho nhiều DN cũng như hộ dân gặp khá nhiều khó khăn, nhất là điện phục vụ cho sản xuất thanh long trái vụ, điện phục vụ cho ngành chế biến hải sản, may mặc, cơ khí, khách sạn, nhà hàng và nhiều ngành nghề khác.

- Yếu tố thứ hai là giao thông: Tỷ lệ doanh nghiệp than phiền về vấn đề giao thông vận tải tăng khá cao, nếu như năm 2008 tỷ lệ tương đối cản trở chỉ là 12,4% thì năm 2009 tỷ lệ đó đã tăng lên là 29,3%; cản trở đáng kể tăng 1,8%; cản trở rất nghiêm trọng tăng 0,3%. Mặc dù cơ sở hạ tầng đã được cải thiện khá mạnh, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất hợp lý khiến cho một số DN chưa thực sự an tâm hoạt động.

Tình hình cầu đường xuống cấp đang gây cản trở cho hoạt động vận tải hàng hóa của các DN, đơn cử như ở thị xã La Gi các DN muốn vận chuyển hàng hóa đi tỉnh khác thì phải dùng nhiều xe có trọng tải nhỏ chở hàng ra quốc lộ 1A và bốc dỡ lên các xe có trọng tải lớn hơn, bởi các cây cầu ở La Gi đều quá yếu không đủ đáp ứng tải trọng của các xe hàng này. Đối với các DN xuất khẩu hàng hóa còn phải tốn thêm chi phí vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển ở TP Hồ Chí Minh hoặc Khánh Hòa vì tại Bình Thuận vẫn chưa có cảng biển nào đáp ứng yêu cầu tải trọng của các tàu hàng. Bên cạnh đó, các DN còn gặp phải bỏ ra những chi phí phụ thu về vận tải khá vô lý, trạm phu phí Sông Phan là một ví dụ điển hình cho tình trạng trên, trạm này được đặt trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam nhằm thu phí cho dự án cầu Đồng Nai, vô lý ở chỗ bất cứ xe ô tô nào đi qua đây đều phải đóng phí mà không cần biết có đi qua cầu Đồng Nai hay không. Tuyến đường này là tuyến đường lưu thông hàng hóa, hành khách từ các huyện phía bắc Bình Thuận, kể cả thành phố Phan Thiết đi các huyện, thị phía nam Bình Thuận, Lâm Đồng, Vũng Tàu.

[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]