[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]

Trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ người từ 15 tuổi trở lên giữa các khu vực, các vùng cũng khác nhau nhiều. Tỷ lệ người được đào tạo từ trung cấp nghề trở lên ở thành thị là 13,5%, trong khi ở nông thôn chỉ có 5,9%; ở vùng đồng bằng là 13,5%, trong khi ở trung du là 6,8%, ở miền núi là 7,0% và ở vùng cao, hải đảo chỉ có 2,2%.

Những kết quả trên cho thấy cả trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ ở khu vực thành thị, ở vùng đồng bằng đạt cao hơn khu vực nông thôn và càc vùng khác.

3. Nhà ở, sử dụng điện, nguồn nước, vệ sinh môi trường và tiện nghi sinh hoạt

Thông qua điều tra năm 2010 cho thấy tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố là 11,9%, nhà bán kiên cố 83,4%, nhà tạm và nhà khác 4,7%. Phân theo ngành nghề: hộ thương nghiệp có tỷ lệ nhà kiên cố cao nhất (17,2%); kế đến là hộ Công nghiệp –TTCN (14%); hộ thuỷ sản (11,6%); hộ làm công ăn lương (11,4%); hộ dịch vụ (10,8%); hộ nông lâm nghiệp (9,9%). Về nhà ở tạm, nhà khác: cao nhất là hộ nông lâm nghiệp (6%); kế đến là hộ thủy sản (5,1%); hộ công nghiệp-TTCN (5%); vùng đồng bằng là 5,9%; trung du 1,7%; miền núi 4,1%; vùng cao, hải đảo 8,3%.

Chỉ tiêu này ở năm 2009 là: tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố 12%, nhà bán kiên cố 81,8%. Về nhà ở tạm, nhà khác: vùng đồng bằng là 6,41%; trung du 5%; miền núi 6,44%.

Như vậy so với năm trước, chất lượng nhà ở được tiếp tục cải thiện, tỷ lệ nhà ở tạm các vùng đã giảm dần. Đây là kết quả của quá trình tích luỹ từ phát triển kinh tế gia đình để xây dựng, nâng cấp nhà ở cùng với sự vận động xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xây sửa nhà ở các đối tượng chính sách trong năm qua.

Bằng nhiều nguồn vốn, trong năm qua các địa phương đã tiếp tục chú trọng đến việc đầu tư hạ tầng như phát triển điện lưới, thực hiện chương trình hệ thống nước sạch nông thôn, hệ thống thoát nước… Do vậy số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, sử dụng điện lưới tiếp tục tăng thêm. Kết quả khảo sát năm 2010 cho thấy tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ở vùng đồng bằng và trung du là 100%; miền núi 96,8%; vùng cao, hải đảo 86,7%; tỷ lệ hộ dùng điện lưới quốc gia ở vùng đồng bằng và trung du đạt 100%; miền núi, vùng cao, hải đảo 99,2%. (năm 2009, tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ở vùng đồng bằng là 99,2%; miền núi 97,8%; trung du 94,2%; vùng cao, hải đảo 80,8%; tỷ lệ hộ dùng điện lưới quốc gia ở vùng miền núi, vùng cao, hải đảo 99,2%).

          Về sử dụng hố xí và rác thải sinh hoạt, qua khảo sát cho thấy toàn tỉnh còn 15,1% số hộ không có hố xí, trong đó ở thành thị là 5,2%, nông thôn 19,8%; vùng miền núi 16,9%; vùng cao, hải đảo 41,7%. Tỷ lệ hộ xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp là 56,3%, trong đó thành thị 21,7%, nông thôn 72,5%, miền núi 77,5%, vùng cao, hải đảo 65%; xử lý bằng hình thức vứt xuống ao hồ, sông suối 3,7%, trong đó thành thị 4,2%, nông thôn 3,4%, vùng cao, hải đảo 10%. Kết quả này cho thấy ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng cao số hộ chưa có hố xí vẫn còn nhiều và hầu hết chưa có phương tiện thu gom rác thải; rác thải sinh hoạt được xử lý bằng hình thức chôn lấp, vứt xuống bờ ao, bờ biển, bờ ruộng… còn khá phổ biến. Tình trạng này sẽ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh. Vì vậy cần có giải pháp để khắc phục để không ảnh hưởng đến môi trường sống và mỹ quan chung ở khu vực nông thôn.

Về sử dụng các thiết bị, tiện nghi sinh hoạt hộ gia đình, qua khảo sát cho thấy tỷ lệ hộ có thiết bị, tiện nghi sinh hoạt gia đình có giá trị cao đã tăng hơn năm trước như: tỷ lệ hộ có tủ lạnh đạt 53,8% (năm 2009: 53,4%), có máy giặt 16,3% (năm 2009: 14,5%), có xe máy 86,7% (năm 2009: 79%), có máy vi tính 14,5% (năm 2009: 12,6%). Tỷ lệ hộ có ti vi, đầu đĩa, dàn nghe nhạc… (thiết bị tiếp cận thông tin, văn hoá hàng ngày) nhìn chung không có chênh lệch xa giữa các loại hộ và các vùng. Hộ nông lâm nghiệp có tỷ lệ sử dụng tủ lạnh thấp nhất so với các hộ ở ngành nghề khác. Tỷ lệ có xe máy ở hộ nông lâm nghiệp, thuỷ sản, hộ làm thuê thấp hơn so với những hộ ở ngành nghề khác. Các thiết bị: máy giặt, máy vi tính tập trung nhiều ở khu vực thành thị và các hộ thương nghiệp, công nghiệp-TTCN, thương nghiệp, hộ CBCC làm công ăn lương.

Trị giá đồ dùng lâu bền bình quân 1 hộ đạt 29,1 triệu đồng (năm 2009: 26,3 triệu đồng), trong đó hộ thành thị đạt 32,2 triệu đồng, hộ nông thôn đạt 27,6 triệu đồng. Phân theo ngành nghề cho thấy hộ thương nghiệp có trị giá đồ dùng lâu bền đạt cao nhất (44,2 triệu đồng/hộ); kế đến là hộ công nghiệp -TTCN (37,8 triệu đồng), hộ làm công ăn lương (34,9 triệu đồng), hộ xây dựng (32,8 triệu đồng); hộ dịch vụ (31,1 triệu đồng); hộ thủy sản (30 triệu đồng); hộ nông lâm nghiệp (20,4 triệu đồng). Phân theo vùng, cho thấy hộ sinh sống ở vùng đồng bằng có trị giá đồ dùng lâu bền đạt cao nhất (35,2 triệu đồng); kế đến là hộ trung du (30,8 triệu đồng); thấp nhất là ở vùng cao, hải đảo (20,1 triệu đồng).

Tỷ lệ hộ sử dụng đồ dùng lâu bền, đắt tiền nhìn chung khá hơn năm trước; riêng các thiết bị có giá trị cao ở khu vực nông thôn có một chút thay đổi. Tỷ lệ hộ có tủ lạnh năm 2010 đạt 47,7% (năm 2009: 46,8%), có xe máy 85,8% (năm 2009: 76,1%).

Không những tỷ lệ hộ sử dụng thiết bị, tiện nghi phục vụ sinh hoạt được tăng lên; số lượng đồ dùng trong hộ cũng tăng thêm khá. Năm 2010, bình quân 100 hộ gia đình có 54,3 tủ lạnh (năm 2009: 53,0 cái); 140,5 chiếc xe máy (năm 2009: 125 chiếc); 15,3 bộ máy vi tính (năm 2009: 13 bộ). Đây là kết quả tất yếu của việc tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư có thu nhập tăng thêm, mua sắm thêm các trang thiết bị, đồ dùng gia đình…. đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngày càng tăng.  

4. Thu nhập của hộ gia đình

Những kết quả thay đổi về nhà ở, môi trường sống, tiện nghi sinh hoạt … trong năm 2010 bắt nguồn từ kết quả thu nhập. Kết quả khảo sát năm 2010 cho thấy, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 1,341 triệu đồng (năm 2009: 1,072 triệu đồng), trong đó thành thị 1,544 triệu đồng (2009: 1,317 triệu đồng); nông thôn 1,246 triệu đồng (2009: 956 ngàn đồng). Phân theo vùng cho thấy hộ sinh sống ở vùng đồng bằng đạt 1,566 triệu đồng; trung du 1,602 triệu đồng; miền núi 1,235 triệu đồng; vùng cao, hải đảo 1,082 triệu đồng. Nếu phân theo ngành nghề SXKD chính của hộ thì: hộ thương nghiệp đạt 1,84 triệu đồng/người/tháng (2009: 1,42 triệu đồng); dịch vụ 1,61 triệu đồng (2009: 1,27 triệu đồng); hộ công nghiệp-TTCN 1,52 triệu đồng (2009: 1,19 triệu đồng); hộ nông lâm nghiệp 993 ngàn đồng (2009: 791 ngàn đồng).  

Như vậy mức thu nhập 1 người/ tháng năm 2010 ở các khu vực, các vùng, các ngành nghề đều tăng hơn năm trước. Thu nhập bình quân/người ở khu vực thành thị gấp 1,24 lần so với nông thôn (năm 2009: gấp 1,37 lần); vùng trung du gấp 1,3 lần miền núi (2009: gấp 1,43 lần); vùng đồng bằng gấp 1,45 lần so với vùng cao, hải đảo (năm 2009 gấp 1,9 lần). Kết quả trên cho thấy khoảng cách chênh lệch về mức thu nhập giữa các khu vực, giữa các vùng năm 2010 đã được rút ngắn một chút so với năm trước

Phân tích cụ thể hơn về từng mức thu nhập bình quân đầu người 1 tháng theo từng khu vực, từng vùng cho thấy cơ cấu như sau:

- Khu vực thành thị:

Thu nhập từ 1 triệu đồng/người/tháng trở xuống chiếm 30,21% (2009: 34,17%); từ trên 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng 30,21% (2009: 35,21%); từ trên 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng 18,96% (2009: 16,88%); từ trên 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng 16,25% (2009: 9,58%); trên 3 triệu đồng 4,38% (2009: 4,17%).

[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]