[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]

8. Nhận định của chủ hộ về một số vấn đề xã hội

Trong năm qua song song với việc đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển đưa nền kinh tế tăng trưởng ổn định, các cấp các ngành đã triển khai, xây dựng nhiều chương trình phát triển xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, vấn đề vệ sinh môi trường an toàn thực phẩm.

Công tác giáo dục đã có chuyển biến tích cực. Đã tiếp tục đẩy mạnh kiên cố hóa trường học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học; phát triển quy mô các ngành học, bậc học; đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Mạng lưới trường, lớp được xây dựng và bố trí khắp các địa bàn dân cư tạo điều kiện thuận lợi cho con em nhân dân đến trường đến lớp được thuận lợi. Chất lượng dạy và học ở các cấp phổ thông được tiếp tục chú trọng, đạt nhiều tiến bộ so với năm học trước, tỷ lệ học sinh yếu kém học lực năm 2010 ở bậc Trung học cơ sở giảm 3,77%, THPT giảm 0,74% so với năm 2009. Tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình cấp tiểu học đạt 99,69% (tăng 0,39% so với năm 2009); tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 83,75% (tương đương với năm 2009); tốt nghiệp bổ túc THPT đạt 31,05% (tăng 14,68%). Tỷ lệ học sinh bỏ học 1,9% (giảm 0,09% so với năm học trước). Tỷ lệ trẻ 6 tuổi huy động ra lớp 1 đạt 99,98% (tương đương năm trước). Đến cuối năm 2010 toàn tỉnh có 38 trường đạt chuẩn Quốc gia (tăng 11 trường so với năm trước).

Tuy vậy thực trạng học thêm ngoài giờ ở bậc học phổ thông hiện nay vẫn còn khá phổ biến. Đây là một nhu cầu chính đáng, xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận học sinh muốn nâng cao kiến thức, muốn được vào trường điểm, vào trường công lập, vào đại học…. song cũng có một bộ phận học sinh đi học thêm có tính chất phong trào hoặc vì ham chơi, cha mẹ bận việc công tác, lo làm ăn không thể quản lý nổi nên gửi cho giáo viên nhằm hạn chế việc chơi bời lêu lỏng… và có không ít một bộ phận học sinh học thêm là do sự thúc ép của giáo viên do tâm lý chung của cha mẹ là: học yếu kém muốn được lên lớp “an toàn”; học trung bình và khá giỏi thì muốn được “ưu ái” để kết quả có thể cao hơn khả năng. Do vậy cần phải tiếp tục chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan, phân bổ giờ giấc học chính khóa, học thêm như thế nào cho hợp lý, tránh tình trạng học nhồi nhét, học quá tải, có khi dẫn đến “lợi bất cập hại”. Theo kết quả điều tra, năm 2010 tỷ lệ hộ có thành viên đang đi học phổ thông chiếm 60,1%; tỷ lệ người từ 6-18 tuổi đang đi học phổ thông là 75,6%; tỷ lệ hộ có thành viên học thêm ngoài giờ so với hộ có thành viên đang học phổ thông là 56,9%. Đáng chú ý là tỷ lệ người phải học thêm ngoài giờ so với người đang đi học phổ thông còn khá cao (46,4%), trong đó thành thị 66,8%; nông thôn 38%; đồng bằng 64,9%; trung du 46,6%; miền núi 44,3%; vùng cao, hải đảo 13,4%. Mức học phí ngoài giờ trung bình ở thành thị là 172,9 ngàn đồng/người/tháng; ở nông thôn là 90,3%/người/tháng. Tỷ lệ học phí ngoài giờ của hộ ở khu vực thành thị chiếm 4% trong tổng chi tiêu; ở nông thôn chiếm 2,4%. Nhìn chung việc trang trải cho chi phí học thêm ngoài giờ không nhiều, phù hợp trong cơ cấu chi tiêu

Nhận định về chất lượng giáo dục ở địa phương nơi cư trú, qua điều tra có 51,1% hộ gia đình nhận định khá hơn năm trước; 48,5% cho là vẫn như cũ và có 0,5% cho là kém thua năm trước; trong đó: Vùng đồng bằng 48,2% cho là khá hơn năm trước; 51,8% cho là vẫn như cũ. Vùng trung du 53,3% cho là khá hơn năm trước; 46,7% cho là vẫn như cũ; Vùng miền núi 52,2% cho là khá hơn năm trước; 47,7% cho là vẫn như cũ; 0,8% cho là kém thua năm trước; Vùng núi cao, hải đảo 50% cho là khá hơn năm trước; 50% cho là vẫn như cũ.

Về y tế: Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố; đến cuối năm 2010 có 76/127 trạm y tế xã, phường có bác sĩ; bình quân có 5,0 bác sĩ/1 vạn dân. Thực hiện Đề án đạt Chuẩn Quốc gia y tế xã (2003-2010), đến cuối năm 2010 toàn tỉnh có 108/127 xã, phường, thị trấn đạt Chuẩn Quốc gia y tế. Công tác phòng chống dịch, giám sát dịch bệnh được tăng cường và duy trì thường xuyên. Việc phòng chống các bệnh xã hội (phong, mắt, lao phổi) được duy trì đều; 100% bệnh nhân phong tàn phế được quan tâm chăm sóc; số người mắc bệnh lao được theo dõi quản lý điều trị từ tuyến cơ sở. Công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống HIV/AIDS được thực hiện thường xuyên, nề nếp. ng tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở duy trì thường xuyên. Năm 2010 tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi còn 14% (năm trước 15%). Công tác khám chữa bệnh đáp ứng được nhiệm vụ, nhất là khám chữa bệnh người nghèo, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi ở các tuyến; công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 95%. Công tác xã hội hoá hoạt động y tế được đẩy mạnh, mạng lưới y tế tư nhân đã cùng với cơ sở y tế công lập đã làm tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hộ có thành viên chỉ khám chữa bệnh ở  cơ sở y tế nhà nước là 41,7%; ở cơ sở y tế tư nhân là 13,9%; ở cơ sở y tế cả nhà nước và tư nhân là 40,5%; tự điều trị tại nhà 3,9%. Số người lựa chọn khám chữa bệnh tại cơ sở y tế nhà nước thường là do đã đăng ký bảo hiểm, gần nhà, bệnh nặng. Còn người dân lựa chọn y tế tư nhân vì muốn được thuận tiện, không phải chờ đợi, thái độ người phục vụ tốt, thủ tục nhanh chóng và xu hướng chung là tùy theo bệnh, tùy theo chi phí điều trị họ có thể kết hợp chữa bệnh cả cơ sở y tế nhà nước và tư nhân.

Nhận định về chất lượng y tế ở địa phương nơi cư trú, qua điều tra có 53,9% hộ gia đình nhận định khá hơn năm trước; 45,8% cho là vẫn như cũ; trong đó: Vùng đồng bằng 50,8% cho là khá hơn năm trước; 48,7% cho là vẫn như cũ. Vùng trung du 56,7% cho là khá hơn năm trước; 43,3% cho là vẫn như cũ; Vùng miền núi 54,6% cho là khá hơn năm trước; 45,2% cho là vẫn như cũ; Vùng núi cao, hải đảo 56,7% cho là khá hơn năm trước; 43,3% cho là vẫn như cũ.

Nhận định về vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ở địa phương nơi cư trú, qua điều tra có 39,1% hộ gia đình nhận định khá hơn năm trước; 56,9% cho là vẫn như cũ; trong đó: Vùng đồng bằng 42,3% cho là khá hơn năm trước; 54,1% cho là vẫn như cũ. Vùng trung du 44,2% cho là khá hơn năm trước; 55% cho là vẫn như cũ; Vùng miền núi 38,1% cho là khá hơn năm trước; 56,8% cho là vẫn như cũ; Vùng núi cao, hải đảo 30,8% cho là khá hơn năm trước; 68,3% cho là vẫn như cũ.

Như vậy tuy có những nhận định khác nhau nhưng đại đa số dân cư trên các vùng đều cho rằng chất lượng giáo dục, y tế, vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay là chấp nhận được.

Bên cạnh việc phỏng vấn những nhận định về chất lượng giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường…. trong cuộc điều tra này, các hộ gia đình còn được phỏng vấn về việc huy động đóng  góp các loại quỹ, phí; việc phát huy tính dân chủ ở địa phương và nhận định; tình hình an ninh trật tự xã hội ở địa phương. Kết quả:

- Có 1,9% số chủ hộ cho mức huy động đóng góp các loại quỹ, phí trong thời gian qua còn thấp; 93,3% cho là chấp nhận được và 4,9% số chủ hộ nhận định mức đóng góp như vậy là cao.

- Có 45,2% chủ hộ nhận định tinh thần dân chủ ở địa phương so với những năm trước đây có khá hơn; 53,3% cho là vẫn như cũ và 1,5% chủ hộ cho là kém thua.

- Có 55,3% chủ hộ nhận định trật tự an toàn xã hội ở địa phương so với những năm trước đây có khá hơn; 38,4% cho là vẫn như cũ và 6,3% chủ hộ cho là kém thua

Về năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương, qua điều tra các chủ hộ nhận định đa số cán bộ đã phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương Bình Thuận, tích cực hoạt động, vượt qua khó khăn về hoàn cảnh gia đình, về chế độ chính sách đãi ngộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó nhiều lãnh đạo đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, là những tấm gương về nỗ lực vượt khó, phấn đấu học tập nâng cao trình độ, giữ vững đạo đức lối sống, trung thực với Đảng, làm hạt nhân đoàn kết quần chúng hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, chống tham nhũng, quan liêu ở cơ sở... góp phần thực hiện có kết quả công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; cụ thể như sau:

[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]