[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]

b. Nâng cao chất lượng lao động thông qua đào tạo ngành nghề

Năm 2010, thông qua các chương trình kinh tế - xã hội, mở mang ngành nghề ... đã tạo việc làm cho gần 23 ngàn lao động, song chất lượng lao động còn thấp và chưa thật ổn định. Qua điều tra cho thấy có 48,8% chủ hộ đề nghị Nhà nước tạo việc làm, tăng thu nhập và tập trung nhiều ở hộ thủy sản, công nghiệp-TTCN, xây dựng, thương nghiệp, làm công ăn lương, ở 2 khu vực thành thị nông thôn và tất cả các vùng.

Công tác đào tạo, dạy nghề và phát triển các trường chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên luôn được quan tâm, song qua điều tra cho thấy số tỷ lệ người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo ngành nghề còn khá cao (toàn tỉnh 71,2%, trong đó thành thị 62,9%, nông thôn 75,3%) và tỷ lệ người có trình độ từ trung cấp nghề trở lên còn quá thấp (toàn tỉnh 7,2%; trong đó thành thị 11,6%, nông thôn 5%). Nếu so với số người từ 15 tuổi trở lên đã được đào tạo ngành nghề chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật qua trường lớp (hoặc tự trưởng thành từ tay nghề) thì tỷ lệ người có trình độ từ trung cấp nghề trở lên chỉ đạt 24,9% (trong đó thành thị 31,2%, nông thôn 21,1%). Do vậy trong thời gian tới cần phải có những giải pháp tích cực hơn nữa trong việc đào tạo, dạy nghề.

c. Khắc phục những tồn tại, hạn chế đưa sản xuất kinh doanh phát triển ổn định

Mặc dù trong những năm gần đây kinh tế tỉnh nhà đã có những chuyển biến nhất định, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, song trên một số lĩnh vực vẫn còn những khó khăn nhất định: Trong nông nghiệp, việc chuyển đổi cây trồng còn lúng túng, nhiều nơi còn chậm và chưa rõ nét, một số cây trồng chủ lực phát triển không đạt kế hoạch; các chính sách hỗ trợ đầu vào cho công tác chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ về tín dụng triển khai có lúc thiếu đồng bộ; phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến phát huy chưa đồng bộ. Sản xuất công nghiệp có phát triển song tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, hiệu quả sản xuất thấp; các làng nghề hoạt động nhìn chung chưa khởi sắc; xuất khẩu từ chế biến nguyên liệu tại địa phương còn ít; tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp còn chậm. Phát triển du lịch chưa đi vào chiều sâu, chưa tập trung chú ý thu hút các dự án có quy mô lớn và phát triển các tuyến du lịch theo ven biển, tổ chức các thông tin quảng bá du lịch với nhiều hình thức phong phú. Phần lớn lao động làm nghề du lịch của Bình Thuận không giỏi ngoại ngữ; không được huấn luyện các phương pháp quản lý mới; tư duy chưa năng động… Những khó khăn đó ít nhiều tác động đến việc làm của người lao động, ảnh hưởng đến thu nhập của các tầng lớp dân cư.

Liên quan đến việc đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, qua điều tra cho thấy:

- Có 55,7% chủ hộ đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn để sản xuất kinh doanh và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao, hải đảo

- Có 18,6% chủ hộ đề nghị được Nhà nước hỗ trợ dịch vụ sản xuất và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, công nghiệp-TTCN, thương nghiệp, khu vực nông thôn, trung du, miền núi

- Có 32,4% chủ hộ đề nghị Nhà nước hỗ trợ dịch vụ tiêu thụ sản phẩm và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, công nghiệp-TTCN, thương nghiệp; khu vực nông thôn, trung du, miền núi.

Riêng về nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh qua điều tra có 15,6% chủ hộ cho biết họ đang cần vay vốn dưới 10 triệu đồng để làm ăn; 31,7% cần vay với mức từ 10-20 triệu đồng; 35,1% cần vay từ 20-50 triệu đồng; 9,1% cần vay từ 50-100 triệu đồng; 5,9% cần vay từ 100-200 triệu đồng; 2,2% cần vay từ 200-500 triệu đồng; 0,4% hộ cần vay từ 500 triệu đồng trở lên. Như vậy là có trên 80% hộ cần vay vốn dưới 50 triệu đồng; với nhu cầu tiền vay như vậy là không cao nhưng với mong muốn trên đòi hỏi các cấp, các ngành hữu quan phải xem xét và sớm mở rộng diện cho vay không cần thế chấp để các hộ có thu nhập ổn định.

  

d. Tổ chức thực hiện an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiếp tục giúp đỡ hộ nghèo, quan tâm các đối tượng chính sách

Cùng với việc xây dựng nguồn lực không ngừng tăng lên cần phải tiếp tục đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội; tổ chức thực hiện an sinh xã hội, phúc lợi xã hội ngày càng tốt hơn, góp phần quan trọng vào nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thông qua cuộc điều tra cho thấy: Có 66,6% chủ hộ đề nghị Nhà nước đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng ở địa phương và tập trung nhiều ở hộ công nghiệp-TTCN, thương nghiệp, dịch vụ, làm công ăn lương, cả 2 khu vực thành thị, nông thôn, đồng bằng, trung du, miền núi; Có 65,2% chủ hộ đề nghị Nhà nước nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, công nghiệp-TTCN, xây dựng, thương nghiệp, làm công ăn lương, ở 2 khu vực thành thị, nông thôn, vùng đồng bằng, miền núi.

            Riêng công tác xoá đói giảm nghèo phải được triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt như: Giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt; Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề; Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội vẫn còn nhiều bất cập: giảm nghèo chưa bền vững, số hộ cận nghèo còn nhiều, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, khoảng cách thu nhập của các tầng lớp dân cư còn lớn. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng đô thị hoá và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều. Nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Kết quả điều tra cho thấy khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa khu vực, giữa các vùng vẫn còn khá xa. Nhóm có thu nhập cao nhất ở thành thị so với mức thấp nhất ở nông thôn chênh lệch gấp 8,2 lần (2009: gấp 7 lần); nhóm hộ có mức mức thu nhập cao nhất ở miền núi so với mức thấp nhất ở vùng cao, hải đảo chênh lệch gấp 7,6 lần. Nhóm hộ có thu nhập cao thường có tài sản, vốn SXKD khá, đầu tư trên nhiều lĩnh vực nên dễ ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Nhóm hộ có thu nhập thấp thường là hộ có vốn sản xuất kinh doanh ít, đông nhân khẩu ăn theo và lao động trong hộ có việc làm không ổn định nên dễ dẫn đến tình trạng “tái nghèo” nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước.

[1][2][3][4][5][6][7][8][9][10]