HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Những ngày tháng năm của Chủ Tịch Hồ Chí Minh(Giai đoạn 1946--1954)

* Tháng 12-1946 - Đầu tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt cho việc di chuyển cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước khi cần thiết.

 

* Tháng 12-1946

- Đầu tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt cho việc di chuyển cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước khi cần thiết.

- Ngày 3: Chiều, mặc dù ốm mệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp ông J.Xanhtơny. Cùng dự có các ông Hoàng Minh Giám và Hoàng Hữu Nam. Người cho rằng Pháp phải chịu trách nhiệm về các vụ xung đột ở Hải Phòng và Lạng Sơn. Người đề nghị: các Uỷ ban hỗn hợp đã được tổ chức sẽ tiếp tục công việc trước đây; thành lập hai ban đặc biệt để giải quyết vấn đề về quân sự và thuế quan. Cuối cùng, Người đề nghị các lực lượng Pháp và Việt Nam trở về các vị trí chiếm đóng cũ trước khi xảy ra các vụ xung đột.

- Ngày 6: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề: Chiến đấu vì chính nghĩa, ký tên Q.T., đăng trên báo Cứu quốc, số 427. Người vạch rõ chiến lược, chiến thuật của quân và dân ta cần thực hiện. Đó là “chiến thuật phòng ngự, bảo tồn lực lượng để chờ thời cơ trừ diệt địch quân” và nhấn mạnh: “Thế thủ không phải cố chết để mà giữ, không phải chống địch ở ngoài cửa ngõ, mà phải dụ địch vào sâu để diệt. Chiến lược tiêu hao lực lượng của địch là chiến lược rất mầu nhiệm trong cuộc chiến tranh tự vệ”. Phân tích về điều kiện "nhân hoà", yếu tố quyết định để tiêu diệt quân địch, Người cho rằng “chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có điều kiện nhân hoà”, chúng ta chiến đấu vì chính nghĩa, nên chúng ta có đủ điều kiện nhân hoà. Ngoài yếu tố đó, chúng ta còn có thêm lợi thế nữa, ấy là địa lợi và thiên thời. Có chiến thuật đúng đắn, lại có đủ ba điều kiện nhân hoà, địa lợi và thiên thời, "cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công".

- Ngày 7: Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp, đăng trên báo Cứu quốc, số 428. Sau khi nêu rõ thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tố cáo những hành động gây hấn của binh lính Pháp ở Việt Nam, phá hoại Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9, Người kêu gọi: “Quốc hội và Chính phủ Pháp hãy nghĩ đến quyền lợi chung tối cao của hai dân tộc Pháp-Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1956, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài”.

17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông L.A.Môpha (L.A.Moffat), Giám đốc Cục châu á Bộ Ngoại giao Mỹ, mới tới Hà Nội.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tiếp nhà báo Bécna Đrăngbê (Bernard Dranber), phóng viên báo Paris - Saigon. Người nói: "Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp cũng không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập, nhưng nước Việt Nam độc lập ở khối Liên hiệp Pháp.

Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang chờ đợi chúng tôi. Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy.

Cả nước Pháp lẫn nước Việt Nam đều không thể phí sức gây một cuộc chiến tranh khốc hại, và nếu phải kiến thiết trên đống hoang tàn thì thật là điều tai hại".

- Trước ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn Công nhân cứu quốc làng Cổ Nhuế đã may và gửi biếu Người một bộ quần áo. Người đã gửi bộ quần áo đó tới Uỷ ban vận động Mùa đông binh sĩ để tặng lại các chiến sĩ ngoài mặt trận.

- Ngày 12: mục "V. Khẩu hiệu tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến" trong văn kiện "Toàn dân kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi:

"1. Những khẩu hiệu chính

1. Toàn dân đoàn kết!

Kháng chiến lâu dài!

2. Liên hiệp dân Pháp!

Đánh thực dân Pháp!

3. Bảo toàn lãnh thổ

Giữ vững chủ quyền!

4. Đánh đổ chính quyền thực dân bù nhìn

Củng cố Cộng hoà dân chủ! ( Chỉ có nơi Pháp lập chính quyền bù nhìn mới nêu khẩu hiệu này ra)

5. Việt Nam thống nhất độc lập!

Trung, Bắc, Nam nhất định thống nhất".

- Ngày 13: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Q.T., đăng trên báo Cứu quốc, số 434.

Trong bài Chiến lược của quân ta và của quân Pháp, tác giả dựa vào ý đồ cướp nước và phân tích hành động chiến tranh của thực dân phản động Pháp ở Nam Bộ và Hải Phòng, Lạng Sơn đã nhận định "Chiến lược của chúng là chiến lược tiến công, đánh chớp nhoáng" nhằm giải quyết nhanh vấn đề chiếm đóng và tiêu diệt chủ lực của quân ta, buộc ta phải khuất phục. Nhưng chiến lược đó của chúng, vì tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh, nên chắc chắn sẽ thất bại. Còn phía quân ta, do tương quan lực lượng, xuất phát từ mục đích chiến đấu để tự vệ, vì vậy, "chiến lược của ta là chiến lược phòng ngự. Về phương pháp tác chiến, chúng ta áp dụng vận động chiến song song với du kích chiến".

Với chiến lược đó, ta phải kháng chiến lâu dài, mà "kháng chiến lâu dài cần phải chuẩn bị đầy đủ và tất nhiên phải qua nhiều giai đoạn khổ sở, gian lao". Song từ bài học nhờ trường kỳ kháng chiến mà quân đội Trung Hoa đã đánh thắng phát xít Nhật có lực lượng mạnh hơn, nhờ chiến tranh du kích mà quân đội Nam Tư đã đánh thắng phát xít Đức, Người khẳng định: "Chúng ta nhất định sẽ thắng trong cuộc chiến đấu tự vệ của chúng ta".

Bài Động viên kinh tế nêu rõ ý nghĩa và mục đích của việc động viên kinh tế đối với cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta. Theo tác giả, việc động viên kinh tế phải được tiến hành trên nhiều phương diện: lao động, giao thông, công nghệ, nông nghiệp, tài chính, tiết kiệm, có như vậy mới tập trung được hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến. Kết luận, bài báo viết: "Cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta được thắng lợi là do nơi chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực của chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ. Rất mong toàn thể quốc dân gắng gỏi trong công việc này".

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu ông J.Xanhtơny chuyển tới Thủ tướng Pháp Gioócgiơ Biđôn một Thông điệp trong đó đề nghị một giải pháp làm hoà dịu tình hình như sau: phía Việt Nam đưa dân sơ tán trở về sinh hoạt bình thường trong các thành thị, chấm dứt các hoạt động đề kháng trong thành phố. Phía Pháp rút quân về những vị trí trước ngày 20-12, ngừng các hoạt động càn quét, đàn áp ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hai bên cho phái bộ xúc tiến việc thi hành hiệp định tại Hà Nội và Sài Gòn bằng một hiệp ước chung.

- Ngày 18: Tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng), quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tiếp một bức điện cho Thủ tướng Pháp Lêông Blum. Bức điện có đoạn: “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Ngài, chúng tôi sẽ chứng kiến chính sách của Đảng Xã hội Pháp và cá nhân Ngài được thực thi ở Việt Nam, một chính sách tôn trọng những hiệp định hợp tác trung thực và hữu nghị...”.

Người cũng nói rõ bức điện ngày 15-12 là “nhằm chuẩn bị một bầu không khí thuận lợi cho những cuộc đàm phán quyết định như đã dự kiến về sau”, và “tin chắc rằng việc cử một phái đoàn Quốc hội Pháp sang Việt Nam mang tinh thần hữu nghị của nhân dân Pháp tới nhân dân Việt Nam và để nắm bắt tình hình tại chỗ sẽ góp phần đáng kể vào việc tạo ra bầu không khí tin tưởng và hữu nghị đó...”.

- Ngày 19: Sáng sớm, sau khi nhận được tối hậu thư  của Bộ chỉ huy quân đội Pháp( Pháp yêu cầu đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, tước vũ khí của tự vệ Hà Nội, trao việc duy trì trật tự an ninh của thành phố cho Pháp), Hồ Chí Minh viết một bức thư gửi J.Xanhtơny, Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Đông Dương. Nội dung bức thư như sau: “Những ngày vừa qua tình hình trở nên căng thẳng hơn. Thực là rất đáng tiếc. Trong khi chờ đợi quyết định của Pari, tôi mong rằng ông sẽ cùng ông Giám tìm một giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ toạ Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc.

Trong ngày, tại gác hai ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương (làng Vạn Phúc), Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi có đoạn:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

...

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”

Cả dân tộc nhất tề cầm vũ khí lao vào cuộc kháng chiến theo lệnh của Người.

18 giờ 40 phút cùng ngày, Người rời Vạn Phúc chuyển đến Xuân Dương (Thanh Oai, Hà Đông), bắt đầu cuộc hành trình lên Việt Bắc.

- Ngày  21: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư Gửi dân chúng Việt Nam, dân chúng Pháp, dân chúng các nước Đồng minh, tố cáo dã tâm của thực dân Pháp muốn cướp nước Việt Nam một lần nữa, khẳng định ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu đến cùng để giành lại tự do, độc lập và bày tỏ thiện chí đối với nhân dân và binh lính Pháp.

- Ngày 23: Hồ Chí Minh viết bài Hỏi và Trả lời, để giải đáp ba vấn đề:

1. Kháng chiến sẽ bao giờ thắng lợi?

2. Toàn dân kháng chiến là thế nào? 3. Chiến sĩ đánh trước mặt trận, đồng bào ở hậu phương nên làm việc gì?

Trả lời câu hỏi thứ nhất, Người chỉ rõ: "Giồng khoai 3 tháng mới có củ, giồng lúa 4 tháng mới được ăn. Giồng tự do độc lập ít nhất cũng phải 1 năm, hoặc 5, 7 tháng... Muốn trị lửa phải dùng nước. Địch muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng".

Người giải thích về toàn dân kháng chiến: "Toàn dân kháng chiến nghĩa là toàn cả dân, ai cũng đánh giặc. Bất kỳ đàn ông đàn bà, người già con trẻ, ai cũng tham gia kháng chiến", và kết luận:

"Dân ta phải giữ nước ta,

Dân là con nước, nước là mẹ chung".

Người tóm tắt nội dung đã trả lời trong câu hỏi thứ ba bằng bốn câu thơ:

"Tiền phương chiến sĩ hy sinh,

Đem xương máu mình, giữ nước non ta.

Hậu phương sản xuất tăng gia.

Cũng là kháng chiến, cũng là vẻ vang".

Cùng ngày, điện trả lời Thủ tướng Pháp L. Bơlum về bức điện của ông ta mà Người mới nhận được chiều hôm trước (22-12). Trong điện văn, Chủ tịch đã nói rõ thêm về hành động tàn bạo ngang ngược của các nhà chức trách Pháp ở Hà Nội từ ngày 17-12 đến ngày 19-12, và hy vọng phía Pháp sẽ nhận được lệnh "phải rút quân đội về những vị trí trước ngày 17-12 và phải đình chỉ những cuộc hành binh mệnh danh là tảo thanh, để cho cuộc xung đột chấm dứt ngay".

- Ngày 24: viết Thư gửi đồng bào Công giáo nhân ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh, Người chỉ rõ hành động xâm lược của thực dân Pháp đã "làm trái hẳn với lòng bác ái của Đức Giêsu" và kêu gọi đồng bào "không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do". Người chúc phúc toàn thể đồng bào Công giáo và "kính cẩn cầu Đức Thượng đế phù hộ dân tộc Việt Nam và giúp cho Việt Nam đi đến cuộc thắng lợi cuối cùng".

Cùng ngày, Người còn viết Thư gửi các kiều dân Pháp và Gửi các tù binh Pháp. Trong cả hai bức thư, Người đều bày tỏ sự thông cảm trước cảnh ngộ hiện nay của họ - những người Pháp mà Người vẫn coi là bạn - đang là nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược do bọn thực dân phản động gây ra chỉ vì quyền lợi ích kỷ của chúng. Người mong một ngày gần đây, nhân dân hai nước Pháp và Việt Nam sẽ có thể cùng nhau hợp tác trong hoà bình và thân ái để mưu hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc.

- Ngày 26: Tối, Người tới một địa điểm thuộc tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Tây) chủ trì phiên họp mở rộng của Hội đồng Chính phủ với sự tham gia của Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban kiến thiết để bàn biện pháp đẩy mạnh công cuộc kháng chiến. Kết luận phiên họp, Người khẳng định lại quyết tâm kháng chiến đến cùng để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

- Ngày 27: trong bài Một vài ý kiến về các Uỷ ban kiến thiết, động viên dân chúng, tăng gia sản xuất, Uỷ ban tản cư. Sau khi phân tích ý nghĩa của sự phân công và nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác trong hoạt động, trong việc phối hợp kế hoạch... giữa các cơ quan chuyên môn đó, Người nêu những ý kiến cụ thể hướng dẫn việc tổ chức, cách thức hoạt động và nội dung công việc của các uỷ ban trên trong việc động viên nhân dân về tinh thần và vật chất vào công cuộc trường kỳ kháng chiến.

- Ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi anh em Hoa kiều bày tỏ sự thông cảm với những nỗi khổ cực của họ dưới ách thống trị của thực dân Pháp trong hơn 80 năm qua, vạch trần thủ đoạn "bảo hộ Hoa kiều" của chúng, đồng thời biểu dương tình nghĩa của Hoa kiều đối với nhân dân Việt Nam và mong rằng: "Trong cơn hoạn nạn, Hoa - Việt anh em,  cảm tình càng nồng, đoàn kết càng chặt".

Người gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, căn dặn: phải đối đãi tử tế, chăm sóc chu đáo những tù binh và thường dân Pháp để họ thấy rõ mục đích kháng chiến của nhân dân ta và chính sách nhân đạo của Chính phủ.

Trong thư viết cùng ngày gửi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam, Người nhắc "cần có sự giúp đỡ để Hội nghị trí thức và quan lại cũ thành công", "cần thận trọng việc mua sắm vũ khí cho kháng chiến".

- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam đề nghị nên mời cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Uỷ ban tản cư hoặc Uỷ ban động viên dân chúng.

* Tháng 12- 1947

- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại Khuổi Tẩu, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

- Ngày 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam và nước ngoài.

Về cuộc gặp gỡ giữa Vĩnh Thuỵ và Cao uỷ Pháp Bôlaéc, trong tuyên bố của Người có đoạn: "Chính phủ và nhân dân ta rất mong cố vấn Vĩnh Thuỵ không có những hành động trái ngược với những lời cố vấn đã thề trước Tổ quốc và trước đồng bào, trái với nguyện vọng của dân tộc. Dù sao vận mệnh của dân tộc sẽ không vì một người, hoặc một nhóm người mà thay đổi".

Cùng ngày, Người điện gửi Giám mục Lê Hữu Từ nhân dịp lễ Thiên Chúa giáng sinh. Người chúc Giám mục "mọi sự lành" để phụng sự Đức Chúa, để lãnh đạo đồng bào Công giáo tham gia kháng chiến và nhờ chuyển lời chúc phúc của Người tới toàn thể đồng bào Công giáo.

- Ngày 12: viết thư Gửi Chính phủ Cao Miên giải phóng, Người nhiệt liệt hoan nghênh việc thành lập Uỷ ban Giải phóng Việt - Miên - Lào nhằm mục đích theo đuổi đến cùng cuộc chiến đấu chung chống đế quốc và thực dân Pháp.

Bức thư có đoạn: "Tôi tin chắc rằng các dân tộc ta, đã có sẵn một tinh thần đấu tranh cao, lại gắng đi tới một sự cộng tác chặt chẽ thì thắng lợi thế nào cũng về ta, và chúng ta nhất định sẽ giành được độc lập cho đất nước".

- Ngày 19: Nhân kỷ niệm một năm Ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Người kêu gọi các tầng lớp đồng bào, chiến sĩ cả nước hãy ra sức phấn đấu, đóng góp cho kháng chiến, và trịnh trọng tuyên bố: "Nhân dân Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp, song nhân dân Việt Nam quyết không đầu hàng, quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ một lần nữa.

Và Chính phủ Hồ Chí Minh thề quyết lãnh đạo nhân dân và quân đội chiến đấu đến cùng, để phá tan xiềng xích của bọn thực dân, để tranh lại quyền thống nhất và độc lập. Chính phủ Hồ Chí Minh quyết làm trọn cái nhiệm vụ vẻ vang mà quốc dân đã giao cho, và quyết không phụ lòng tin cậy mà đồng bào đã đặt vào Chính phủ".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết sáu bức thư: Thư gửi cán bộ Khu I; Thư gửi đồng bào và tướng sĩ Khu II; Thư gửi đồng bào và chiến sĩ Khu III; Thư gửi đồng bào và chiến sĩ Khu X; Thư gửi đồng bào, vệ quốc quân, dân quân du kích, cán bộ xung phong cảm tử Khu XI; Thư gửi đồng bào và tướng sĩ Khu XII và bài Kỷ niệm ngày thành lập Giải phóng quân Việt Nam.

Trong các bức thư, ngoài nội dung biểu dương quân dân các vùng trong một năm kháng chiến vừa qua đã phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hăng hái chiến đấu, lập nhiều chiến công, Người đã thẳng thắn vạch rõ những khuyết điểm cụ thể của từng vùng, phân tích nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm cho "năm kháng chiến mới".

Trong bài Kỷ niệm ngày thành lập Giải phóng quân Việt Nam, Người nêu lên sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Việt Nam từ Giải phóng quân đến Vệ quốc quân, và căn dặn: "Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân".

- Khoảng ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời sáu câu hỏi của các nhà báo về những kinh nghiệm trong một năm kháng chiến, về triển vọng cuộc kháng chiến năm tới, về cuộc tấn công mùa đông của địch...

Trả lời câu hỏi: "Theo Chủ tịch, kết quả cuộc hành quân mùa đông của địch sẽ thế nào?", Người khẳng định:

"Cũng như các cuộc hành quân khác, kết quả địch sẽ thất bại, vì:

a) Địch chỉ hoạt động được mấy tháng. Sau mùa mưa thì chúng hết thiên thời.

b) Việt Bắc địa thế hiểm trở, quân địch không có địa lợi.

c) Địch càng lan rộng thì người càng thiếu, sức người càng mỏng, chúng dễ bị tiêu diệt, chúng càng đánh lan ra, càng giở thói tham ô tàn nhẫn, càng làm cho đồng bào ta, miền ngược cũng như miền xuôi, đoàn kết chặt chẽ chống lại chúng, thế là địch không có nhân hoà.

- Ngày 23: Lời kêu gọi tướng sĩ Vệ quốc quân, dân quân du kích nhân cuộc vận động luyện bộ đội lập chiến công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Vệ quốc quân, số 16. Người nêu rõ ý nghĩa của cuộc vận động luyện bộ đội, lập chiến công do Bộ Tổng chỉ huy quân đội phát động và kêu gọi cán bộ chiến sĩ phải ra sức thi đua diệt giặc lập công.

- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nôen 1947. Bức thư có đoạn: "Chúng ta toàn dân, giáo cũng như lương, đoàn kết kháng chiến để Tổ quốc được độc lập, tôn giáo được tự do. Đức Chúa phù hộ chúng ta, chúng ta chắc sẽ thắng lợi. Trong cuộc kháng chiến, nhiều đồng bào công giáo đã hăng hái hy sinh. Tôi đề nghị toàn thể đồng bào công giáo trong kỳ lễ Nôen này cầu nguyện cho linh hồn các chiến sĩ giáo và lương đã bỏ mình vì nước và cầu nguyện cho Tổ quốc ta được thắng lợi".

- Cuối năm

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại bản Ca, Bình Trung, Chợ Đồn (Bắc Cạn).

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Việt Bắc anh dũng (ký bút danh Tân Sinh). Cuốn sách vạch rõ những thất bại của Pháp trong cuộc phiêu lưu quân sự lên Việt Bắc, khái quát những nguyên nhân quyết định thắng lợi và dự báo những âm mưu mới của địch. Tác giả nhắc nhở mọi người chớ kiêu căng, chủ quan khinh địch, mà phải luôn luôn chuẩn bị, cẩn thận đề phòng, phải ra sức sửa chữa những khuyết điểm và phát huy các ưu điểm, làm trọn bổn phận công dân.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp giáo sư Hồ Đắc Di sau khi Trường đại học Y ở Chiêm Hoá (Tuyên Quang) bị quân Pháp phá hủy. Người nói: Nước nhà đang kháng chiến, còn gặp nhiều khó khăn, các chú phải "tự lực cánh sinh", bàn bạc với nhau, tự tìm cách giải quyết. Chính phủ cũng sẽ cố gắng giúp đỡ.

* Tháng 12- 1948

- Ngày 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Cù Huy Cận, góp ý kiến rất cụ thể và chi tiết về bản "Nội quy kiểu mẫu của Quỹ nghĩa thương" ( Quỹ do nông dân tự nguyện đóng góp (bằng thóc) trong kháng chiến, dùng vào mục đích giúp bà con nông dân địa phương gặp khó khăn vay). Kết luận, Người viết: "Nói tóm lại: Phải làm nội quy giản đơn hơn, thì dân mới dễ hiểu, dễ làm hơn".

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân kỷ niệm hai năm Ngày toàn quốc kháng chiến. Phân tích những diễn biến chính trị, quân sự, kinh tế giữa ta và địch qua hai năm kháng chiến, Người khẳng định: "năm đầu là vất vả, năm thứ hai là tiến bộ" và tiên đoán tình hình cuộc chiến sắp tới: "năm thứ ba sẽ là năm bước gần đến thắng lợi hoàn toàn".

Người kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước chớ chủ quan, khinh địch, hãy hăng hái xung phong Thi đua ái quốc để giành lấy thắng lợi cuối cùng.

Cùng ngày, Người gửi điện tới nhân dân Pháp tố cáo những hành động "khủng khiếp ngu dại" của thực dân Pháp đã gây ra trong cuộc chiến tranh "đang giày vò tâm can hai dân tộc" nhằm mục đích "lừa bịp dân tộc Pháp, chia rẽ dân tộc Việt Nam".

Bức điện một lần nữa nêu rõ quyết tâm chiến đấu của nhân dân Việt Nam, và khẳng định "một quốc gia đã nhất định tranh thủ độc lập tự do cho mình thì nó phải chiến thắng, không gì cản nổi".

- Trước ngày 20: Được tin Giám mục Hồ Ngọc Cẩn từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chia buồn tới Toà Giám mục Bùi Chu. Người lấy làm tiếc vì chiến sự không thể về dự đám tang của Giám mục và đã nhờ Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu III thay mặt đến dự lễ và chia buồn cùng đồng bào công giáo địa phận Bùi Chu.

- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới đồng bào công giáo cả nước nhân ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh. Bức thư có đoạn:

"Hôm nay, đồng bào lễ Chúa trong một bầu không khí chiến tranh, vì giặc Pháp còn đang giày xéo trên đất nước ta. Song rồi đây, thắng lợi sẽ cho chúng ta lễ Chúa long trọng hơn, trong một bầu không khí vui vẻ và tươi sáng của một nước hoàn toàn thống nhất và độc lập.

Vậy đồng bào hãy cùng tôi cầu nguyện Chúa cho ngày thắng lợi sắp tới của dân tộc. Tôi cầu nguyện Chúa luôn luôn ban phúc lành cho đồng bào".

* Tháng 12- 1949

- Ngày 1: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Giải thưởng cháu Bác Hồ, đăng trên báo Vệ quốc quân, số 57. Nhân dịp Tết Trung thu, các cháu nhi đồng xã Nam Hồng gửi biếu Người một bộ áo nâu và biếu các chiến sĩ 1.400 đồng để tặng đơn vị nào giết được nhiều giặc Pháp nhất. Người đã quyết định dành cả áo và tiền (Người thêm 600 đồng nữa cho đủ 2.000 đồng) để làm một giải thưởng gọi là "Giải thưởng cháu Bác Hồ" tặng cho bộ đội Vệ quốc quân và dân quân du kích nào đến cuối tháng 12-1949 giết được nhiều giặc, cướp được nhiều súng, lập được nhiều công nhất ở mặt trận Trung du.

- Ngày 2: gửi thư cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích và đồng bào đường số 4, Người thay mặt Chính phủ, khen ngợi quân và dân địa phương đã đánh thắng hai trận lớn ngày 3-9, ngày 17-9 và căn dặn: Chớ vì thắng mà kiêu ngạo, chủ quan khinh địch; bộ đội phải kính trọng và giúp đỡ dân; dân phải thương yêu và ủng hộ đồng bào; quân và dân phải luôn luôn đoàn kết nhất trí.

- Ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn tới Chủ tịch Mao Trạch Đông, mừng Ngày thành lập Chính phủ nước Trung Hoa. Bức điện viết: "Tôi rất vui mừng được tin Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập. Thay mặt nhân dân và Chính phủ Việt Nam, tôi kính mừng Ngài, Chính phủ và nhân dân Trung Hoa. Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hoà bình lâu dài".

- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa Hội nghị Đảng đoàn Chính phủ mở rộng. Người nói về tình hình thế giới, những chuyển biến lớn có lợi cho cuộc kháng chiến của ta, và sự cần thiết có một cuộc kiểm điểm kỹ lưỡng công việc năm 1949 và định hướng mới cho năm 1950.

- Ngày 12: Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến huấn thị cho Hội nghị Đảng đoàn, yêu cầu mọi người:

+ Làm kế hoạch cho đầy đủ, thiết thực.

+ Liên hệ giữa bộ phận với toàn cục.

+ Mỗi người đều cố gắng làm nhiệm vụ để thực hiện kế hoạch chung.

+ Giữ bí mật.

+ Tiến mạnh tới tổng phản công. Quân sự làm trọng tâm.

+ Thi đua để thực hiện kế hoạch.

Trong ý kiến phát biểu tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ để đánh giá tình hình thế giới năm 1949; nghe báo cáo tổng kết của các Bộ; nghe kiểm điểm của Chính phủ về một năm chuẩn bị tổng phản công và ấn định những điểm chính trong chương trình công tác năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví tình hình thế giới trong năm 1949 như một ván cờ, trong đó hai phe "trắng" "đỏ" đang giành giật với nhau, thế bên "đỏ" thắng lợi rõ ràng, bên "trắng" càng ngày càng vào nước bí. Về tình hình giữa ta và địch, Người nhận định lực lượng địch còn mạnh nhờ sự viện trợ của Anh và Mỹ, nhưng thế của chúng vẫn yếu. Lực lượng của ta còn kém địch vì ta không có sự giúp đỡ của ai, nhưng thế của ta rất vững. Nếu ta cố gắng thêm nữa, với một sự chuyển biến xảy ra có lợi cho sự kháng chiến, cuộc tổng phản công sẽ chắc chắn thắng lợi. Cuộc cờ thế giới ảnh hưởng rất lớn đến tình hình Việt Nam. Sang năm mới, nhân dân Việt Nam, mọi người, mọi ngành, mọi nơi đều phải ra sức thi đua chuẩn bị đầy đủ, để mau chuyển sang tổng phản công, để chơi cho giặc Pháp một nước pháo trùng, thì giặc Pháp nhất định sẽ hoàn toàn thất bại, kháng chiến nhất định sẽ hoàn toàn thành công.

- Ngày 17 và ngày 18: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục điều khiển phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Tổng kết phiên họp, Người chỉ thị:

1- Cần hợp lý hoá việc họp hành.

2- Chính quyền và đoàn thể nhân dân phải liên lạc mật thiết và thiết thực hơn nữa. Làm cho mọi người dân đều hiểu về chính sách của Chính phủ.

3- Hoạt động của các Bộ phải ăn khớp với nhau.

4- Tổ chức thi đua ái quốc giữa các Bộ.

- Trước ngày 19: Người góp ý kiến và sửa chữa trực tiếp vào bản thảo Lời kêu gọi của Quốc hội nhân ngày 19-12, sau đó viết thư gửi ông Chánh văn phòng Chủ tịch Chính phủ Phan Mỹ đề nghị trình lại cụ Tôn Đức Thắng và cụ Phạm Bá Trực, xem hai cụ có đồng ý không, nếu hai cụ đồng ý thì gửi đi ngay cho kịp thời.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp ba năm toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi có đoạn: "Bốn phần gian nan cực khổ, ta đã vượt được ba phần. Chỉ còn một phần nữa. Nhưng phần này là phần cuối cùng, nó sẽ gay go hơn. Với lực lượng đại đoàn kết của toàn dân, với chí khí anh dũng của toàn quân, chúng ta quyết khắc phục phần khó khăn cuối cùng này, cũng như chúng ta đã khắc phục những khó khăn trong ba, bốn năm vừa qua. Vượt khỏi phần khó khăn này, là ta hoàn toàn thắng lợi".

Một lần nữa, Lời kêu gọi khẳng định quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta: "Hễ còn một tên lính thực dân trên đất nước Việt Nam, thì Việt Nam cứ đánh, cứ đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn, đánh cho đến độc lập và thống nhất thật sự".

Cùng ngày, thư của Người Gửi đồng bào Công giáo toàn quốc nhân dịp Lễ Nôen, đăng trên báo Sự thật, số 125. Người gửi lời chúc phúc tới đồng bào Công giáo, cùng đồng bào kính cẩn cầu nguyện Đức Chúa ban phúc cho đất nước, và quả quyết tuyên bố với đồng bào rằng: "Ta nhất định thắng lợi". Bức thư có đoạn: "Chúng ta ăn tết Nôen này trong sự đau thương, vì giặc Pháp đã tiến công Phát Diệm, đã xâm phạm đến đất Thánh ta, và vì đồng bào công giáo Phát Diệm, Bùi Chu và nhiều nơi khác đang đau khổ dưới gót sắt của giặc Pháp dã man.

Vậy trong tết Nôen này, chúng ta phải nhớ đến đồng bào trong những nơi ấy, chúng ta phải đoàn kết hơn nữa, kiên quyết hơn nữa, để giải phóng đất Thánh của chúng ta, và giải phóng tất cả đất nước của chúng ta".

- Ngày 22: gửi thư cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân giải phóng Việt Nam. Điểm lại quá trình phát triển của quân đội ta, từ nhóm du kích đầu tiên thành lập đến ngày nay trở thành một quân đội lớn mạnh, Người chỉ rõ: "Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ. Quân đội ta luôn luôn giữ gìn và phát triển truyền thống anh dũng của Quân giải phóng Việt Nam và đạo đức cách mạng gồm trong mười điều kỷ luật".

- Ngày 24: viết thư gửi nhân dân Pháp nhân dịp Lễ Nôen và Năm mới 1950. Sau khi vạch rõ những nguyên nhân của cuộc chiến, những tội ác ghê tởm của thực dân Pháp đã gây ra ở Việt Nam, những tổn thất về của cải, tính mạng của thanh niên Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Chúng tôi biết rằng các bạn không tán thành cuộc chiến tranh phi nghĩa này và các bạn thiết tha mong đợi hoà bình. Chúng tôi cũng muốn hoà bình. Vậy chúng ta hãy hợp sức lại. Các bạn hãy chiến đấu kỳ cho đạt được mục đích mà các bạn đã theo đuổi, đòi phải đình chỉ tức khắc cuộc chiến tranh và phải cho ngay các thanh niên Pháp về nước. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ mở cuộc tấn công để quét sạch bọn thực dân xâm lược khỏi đất nước chúng tôi. Thực dân phản động sẽ bị thất bại. Lúc đó hai dân tộc chúng ta sẽ có thể bắt tay nhau trong hoà bình và nhất trí".

- Trong tháng

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với các ông Hoàng Quốc Việt, Trần Danh Tuyên để nghe trình bày và trao đổi về kế hoạch tiến hành Đại hội lần thứ nhất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Người căn dặn: "Cần tổ chức cho đoàn viên học tập nắm chắc nội dung thi đua trong tình hình mới, tất cả chuẩn bị cho tổng phản công. Đại hội phải hết sức tiết kiệm, tránh phô trương hình thức và phải thật sự dân chủ, bình đẳng. Chú ý có nữ đại biểu công nhân".

Người tỏ ý tiếc không đến dự Đại hội được vì sắp phải đi công tác xa, nhưng hứa sẽ có thư gửi Đại hội.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn anh chị em thương binh đã gửi áo biếu Người và khen ngợi tinh thần cố gắng của anh chị em thương binh trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Về món quà tặng của anh em, thư Người viết: "Còn bộ áo anh em gửi biếu, không nhận chúng thì anh em tủi. Nhận chúng thì tôi không yên lòng. Tôi định giải quyết thế này: nhờ các đoàn thể bán đấu giá bộ áo ấy, được bao nhiêu tiền thì đưa dùng vào việc nghĩa".

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể Vệ quốc quân và dân quân du kích báo tin: Trong phiên họp cuối năm, khi kiểm điểm công tác chuẩn bị cho tổng phản công, Hội đồng Chính phủ nhận thấy Vệ quốc quân và dân quân du kích đã lập được nhiều chiến công, nên Chính phủ đã quyết định khen ngợi toàn thể Quân đội quốc gia và Dân quân du kích. Người rất vui lòng được thay mặt Chính phủ chuyển lời khen ngợi đó. Bức thư viết tiếp: "Năm mới là năm chuyển mạnh sang tổng phản công, tôi chắc rằng toàn thể quân đội ta, với sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân sẽ ra sức thi đua lập những chiến công quyết định để mau đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn đặng đáp lại lòng tin cậy của đồng bào và Chính phủ".

+ Nhân dịp có đoàn đại biểu đi công tác vùng Công giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào Công giáo. Người nêu rõ: "Nhờ sức đại đoàn kết của toàn dân, và sự hăng hái tham gia kháng chiến của mọi người, giáo cũng như lương" mà kháng chiến ngày càng thắng lợi. Vì vậy, "đồng bào lương cũng như giáo, đã đoàn kết phải đoàn kết khăng khít hơn nữa, đã tham gia kháng chiến phải thi đua tham gia mạnh hơn nữa", để đến ngày Tổ quốc thống nhất và độc lập thực sự, ai cũng có thể tự hào rằng mình đã góp một phần vào thắng lợi chung.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ, tỏ ý lo lắng cho sự an toàn của Giám mục từ khi Pháp nhảy dù xuống Bùi Chu - Phát Diệm. Người đề nghị: "Nếu cụ vui lòng ra vùng tự do để cùng toàn dân kháng chiến chống Pháp thì tôi sẽ ra lệnh cho địa phương rước cụ đi", và khẳng định: "Còn Chính phủ thì quyết dùng lực lượng để giải phóng đất Thánh, cũng như để giải phóng toàn bộ đất nước ta".

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội nghị công giáo, cho biết Người rất muốn đến tham dự, "nhưng tiếc vì bận việc quá không đến được. Vậy tôi có nhờ ông Bộ trưởng Hoàng Minh Giám tới thay mặt tôi chúc phúc các vị và nhờ các vị chuyển lời chúc phúc của tôi cho đồng bào công giáo".

Người mong "các vị sẽ nỗ lực kêu gọi đồng bào lương giáo đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, thi đua tham gia kháng chiến mạnh hơn nữa để mau đi đến thắng lợi hoàn toàn, để thực hiện khẩu hiệu:Phụng sự Đức Chúa, Phụng sự Tổ quốc".

* Tháng 12- 1950

- Từ ngày 18 đến ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ để xem xét tình hình thế giới từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12, kiểm điểm công tác của chính quyền trong năm 1950, kiểm điểm tình hình một năm chuẩn bị tổng phản công, thông qua chương trình hoạt động năm 1951 và quyết định về một số vấn đề quan trọng.

Tổng kết Hội nghị, sau khi nhắc lại những nhiệm vụ nặng nề của Chính phủ, của các cấp các ngành chính quyền, của các đoàn thể và của toàn dân, Người nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của chúng ta không những là phải giải phóng đất nước, xây dựng một nước Việt Nam mới - độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường, mà còn phải góp sức vào công cuộc bảo vệ hoà bình và dân chủ thế giới".

Tối ngày 19, để kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến, Người cho tổ chức lửa trại và liên hoan văn nghệ. Các vị trong Quốc hội và Chính phủ đều tham gia. Người cũng tham gia một tiết mục: đọc thơ của vợ chồng một ông cụ trên 70 tuổi gửi tiền biếu Người.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Toàn quốc kháng chiến. Đánh giá sự thay đổi lực lượng giữa địch và ta mấy năm vừa qua, Người chỉ rõ: "Tình thế bên địch ngày càng khó khăn", còn "ta đã từ bị động chuyển dần sang chủ động, từ thế yếu chuyển dần sang thế mạnh, từ thế thủ chuyển dần sang thế công". Người kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: "Tuyệt đối chớ vì thắng mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch. Chúng ta phải nhớ rằng: càng gần thất bại, địch càng cố gắng, càng hung dữ, càng liều mạng. Càng gần thắng lợi ta càng gặp nhiều sự gay go. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và lực lượng để đối phó với những khó khăn mới".

Cùng ngày, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân giải phóng Việt Nam, Người gửi thư tới Quân đội quốc gia, bộ đội địa phương và dân quân Việt Nam. Bức thư có đoạn: "Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân nên hy sinh kham khổ.

Quân đội ta luôn luôn giữ gìn và phát triển truyền thống anh dũng của Quân giải phóng Việt Nam và đạo đức cách mạng gồm 10 điều kỷ luật.

Với quân đội ấy, kháng chiến nhất định thắng lợi".

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 477/SL, tặng thưởng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, huân chương Hồ Chí Minh hạng ba về thành tích: "Đã chỉ huy quân đội và dân quân chiến thắng giặc trong 5 năm kháng chiến trên các chiến trường, đặc biệt trong trận bảo vệ Việt Bắc - Thu Đông 1947 và trong Chiến dịch giải phóng biên giới mùa thu 1950".

- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Liên khu IV do ông Lê Viết Lượng, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu IV làm Trưởng đoàn. Người nghe ông Lượng báo cáo tình hình mọi mặt của các tỉnh trong Liên khu, và căn dặn các vị trong Đoàn phải chú ý chăm lo sản xuất và chăm lo đời sống của nhân dân, phải đi sát dân giúp đỡ kế hoạch và động viên nhân dân sản xuất, chiến đấu.

- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư Gửi các tù binh Pháp đang bị giam giữ tại Việt Nam. Bức thư viết:

"Các bạn thân mến,

Tôi xin chúc các bạn một Nôen tốt đẹp. Đành rằng các bạn còn thiếu thốn rất nhiều cho lễ đó, nhưng lỗi là thuộc về phía thực dân Pháp...

Nhân dân Việt Nam xem các bạn như những người bạn và tìm mọi cách để cuộc sống của các bạn được tốt hơn.

Hãy kiên nhẫn và giữ gìn kỷ luật.

Một lần nữa, chúc các bạn một Nôen, một năm mới tốt đẹp.

H.C.M"

- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nôen. Bức thư có đoạn: "Lâu nay, đồng bào đã ghi nhớ lời dạy của Đức Chúa và lời kêu gọi của Tổ quốc, đã đoàn kết và kháng chiến. Ngày nay, cuộc kháng chiến cứu nước đang chuyển sang giai đoạn mới, đồng bào càng phải vì Đức Chúa, vì Tổ quốc mà đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kháng chiến hăng hái hơn nữa, để sớm đến ngày thắng lợi và thái bình".

- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các chiến sĩ và cán bộ tham gia Chiến dịch Trung du, căn dặn: "Lần này các chú phải cố gắng hơn nữa, vì chiến dịch này rất là quan trọng. Vả chăng, chiến dịch này là lần đầu tiên ta đánh ở đồng bằng, và địch thì có chuẩn bị.

Chính vì lẽ đó mà ta quyết phải thắng".

Người nhắc nhở:

"Mỗi một người, mỗi một đơn vị, mỗi một bộ phận đều phải:

Bí mật hơn

Nhanh chóng hơn

Kiên quyết hơn.

Chiến dịch này, các chú nhất định phải đánh thắng".

* Tháng 12- 1951

- Ngày 3: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 1 nhân với 8 thành hơn 825, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1962.

Qua kết quả cao của việc bán đấu giá một tờ phiếu công trái, tác giả cho rằng “nếu khéo tổ chức khắp các tỉnh, thì chắc kết quả sẽ to gấp mấy” và nêu rõ ý nghĩa của nó chính là “tinh thần nồng nàn yêu nước của đồng bào luôn luôn sẵn sàng hy sinh cho những việc đáng làm, những việc kháng chiến...”.

- Ngày 5: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một chuyện buồn cười, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1964. Bài báo chỉ trích sự tuyên truyền phản động của Mỹ đã làm cho nhân dân Mỹ hoang mang đến nỗi không dám ký tên vào bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ.

- Ngày 6: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 35.

+ Bài Tổ quốc độc lập tôn giáo mới tự do, nêu gương phong trào công giáo yêu nước ở Trung Quốc và qua đó biểu dương đồng bào công giáo Việt Nam hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc.

+ Bài Tiền bán nước, tố cáo chính quyền bù nhìn Bảo Đại quyên tiền của nhân dân để phục vụ cho lũ thực dân cướp nước. Đó là tội ác chồng tội ác, nó làm cho đồng bào ta càng thêm căm thù, kiên quyết tiêu diệt chúng.

- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời các chiến sĩ quân đội. Người khen ngợi thành tích chiến đấu của bộ đội và căn dặn các chiến sĩ phải giữ vững tinh thần quyết chiến, quyết thắng, giúp đỡ nhân dân, không chủ quan khinh địch, đối đãi tử tế với tù binh địch và cố gắng thắng nhiều trận hơn nữa.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa toàn quốc năm 1951. Sau khi chỉ rõ “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận” và “Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, Người đã nêu lên nhiệm vụ và những chỉ dẫn cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ đó cho các chiến sĩ trên mặt trận văn hoá nghệ thuật và khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

- Từ ngày 10 đến ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị đại biểu những người công giáo kháng chiến Liên khu 3 ( Hội nghị họp từ ngày 12 đến ngày 13-12-1951). Trong thư, Người biểu dương tinh thần yêu nước của đồng bào công giáo và kêu gọi đồng bào hăng hái thi đua, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

- Ngày 13: Ba bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 36:

+ Bài Tinh thần trách nhiệm, nêu lên nguyên nhân những thiếu sót của phê bình và tự phê bình ở các nơi là do chưa nêu rõ tinh thần trách nhiệm, đồng thời chỉ rõ thế nào là tinh thần trách nhiệm và kết luận: “...với lòng kiên quyết dùi mài tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chúng ta nhất định chiến thắng khuyết điểm, cũng như nhất định chiến thắng thực dân”.

+ Bài Thi đua ái quốc, nêu lên phương pháp thi đua ở các cấp, các ngành ở Trung Quốc và kêu gọi đồng bào Việt Nam hãy thi đua với anh em Trung Quốc.

+ Bài Những trí thức gương mẫu, nêu những gương thi đua mẫu mực của những người trí thức cao tuổi ở Trung Quốc và kết luận:

“Tuổi cao chí khí càng cao,

Tấm lòng yêu nước xiết bao nồng nàn!”.

- Ngày 14: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tự do và hòa bình kiểu Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1970. Thông qua việc dẫn các sự kiện diễn ra trong xã hội Mỹ về sự đối xử tàn ác của Chính phủ Mỹ đối với các chiến sĩ hoạt động cho hòa bình ở Mỹ và các nước khác, cũng như thực tế ở Triều Tiên, tác giả vạch trần sự thật về “tự do và hòa bình” kiểu Mỹ.

- Khoảng giữa tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nghe ông Hoàng Quốc Việt báo cáo kết quả chuyến đi thăm Trung Quốc, Triều Tiên. Khi ông Hoàng Quốc Việt trao khẩu súng tiểu liên do công binh xưởng Triều Tiên tặng, Người xúc động nói: “Đây là một biểu hiện của chuyến đi đánh dấu tình hữu nghị anh em Việt - Trung - Triều” chiến đấu và chiến thắng.

- Ngày 17: Bài viết Mình làm mình chịu, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1972. Bằng cách dẫn chứng những sự kiện của các nguồn tin Mỹ, Người nêu lên tác hại của việc chuẩn bị và thực tập chiến tranh do chính quyền Mỹ tiến hành. Tác hại đó không chỉ đối với nhân dân mà cả với các chính khách Mỹ. Điều đó chỉ rõ: “Mỹ gieo hạt chiến tranh thì được hứng chiến tranh”.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm ngày toàn quốc kháng chiến. Sau khi nêu lên những thuận lợi của tình hình thế giới đối với cách mạng nước ta, những thắng lợi đã đạt được của công cuộc kháng chiến, kiến quốc trong thời gian qua và chỉ rõ mục tiêu cuộc đấu tranh của dân tộc ta cho độc lập, hòa bình là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân thế giới, Người chỉ rõ cuộc kháng chiến càng gần thắng lợi càng gặp nhiều khó khăn, vì vậy “Quân và dân ta phải luôn luôn ghi nhớ: Kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ”. Người đã chỉ dẫn những nhiệm vụ, biện pháp mà quân và dân ta phải thực hiện để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và kêu gọi toàn dân, toàn quân vượt mọi khó khăn thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 37:

+ Bài Địch làm ta phá, nêu lên kết quả của trận đánh xe cơ giới địch ở đường Hà Đông - Hòa Bình và cho rằng ta phá nhiều hơn địch làm ra nên ta hơn địch. Tuy nhiên, để có kết quả đó ta phải chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng, khó nhọc, bí mật, vì vậy cuộc “kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ”.

+ Bài Nhân định thắng thiên, nêu gương đấu tranh khắc phục thiên tai của nông dân Trung Quốc và khẳng định: Việc gì anh em nông dân Trung Quốc làm được thì đồng bào nông dân Việt Nam ta cũng làm được.

- Trước ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các vùng mặt trận, khen ngợi bộ đội thi đua giết giặc lập công, đồng bào thi đua giúp đỡ bộ đội, nhất là đồng bào tham gia dân công và khuyên mọi người cố gắng để giành lấy nhiều thắng lợi hơn nữa.

- Ngày 21: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 4 thành 0, 6 thành 4, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1975. Bài báo nêu lên sự thất bại của địch trên đường số 4, thì nhất định sẽ thất bại ở đường số 6 và kết luận: “Quân ta hăng hái thi đua giết giặc lập công. Dân ta hăng hái thi đua nộp thuế nông nghiệp để nuôi bộ đội giết giặc. Thì giặc Pháp sẽ hết ngõ, cùng đường”.

- Trước ngày 22: Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 7 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang. Người biểu dương thành tích của các lực lượng vũ trang đã giành được trong chiến đấu và căn dặn cán bộ, chiến sĩ cần “phát huy tinh thần anh dũng của quân giải phóng, cần phải thấm nhuần tư tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng phải trường kỳ và gian khổ, cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và đi sát với nhân dân, để thắng nhiều trận to hơn nữa, để tiêu diệt sinh lực địch, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”.

- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen cán bộ, chiến sĩ Đại đội 756 trong một ngày đánh trận vận động phục kích diệt gọn đoàn tàu địch 5 chiếc ở gần bến Lạc Song (dưới thị xã Hòa Bình 10km). Người quyết định tặng Đại đội 756 lá cờ “chiến thắng Lạc Song”.

- Trước ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào công giáo nhân dịp lễ Nôen năm 1951, “chúc mừng ngày sinh nhật Đức Chúa”. Cuối thư, Người viết: “Tôi mong đồng bào đoàn kết thêm chặt chẽ trong công cuộc kháng chiến để phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc, và để thực hiện lời Chúa dạy “Hòa bình cho người lành dưới thế”.

Tôi xin gửi đồng bào lời chào thân ái và quyết thắng và kính cầu Đức Chúa ban cho đồng bào mọi phúc lành”.

- Ngày 25: Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ, kiểm điểm công tác năm 1951, bàn kế hoạch năm 1952, nghe báo cáo tình hình quân sự từ sau cuộc hành quân của địch vào tỉnh Hòa Bình và quyết định một số vấn đề quan trọng khác, Người nhấn mạnh đến nhiệm vụ của năm 1952 là đẩy mạnh kháng chiến, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, quyết giành thắng lợi to lớn hơn nữa.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tóm tắt tình hình thế giới, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1978. Qua báo Mỹ và châu Âu, sau khi nêu lên thái độ của Liên Xô và Mỹ về việc cấm bom nguyên tử và giảm bớt binh bị, tác giả kết luận “Hòa bình Liên Xô chủ trương là hòa bình thật. Hòa bình phe Mỹ đưa ra là hòa bình giả”.

- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến đi kiểm tra tuyến đường số 3, thăm cơ quan tiếp nhận biên giới và thăm Nam Ninh (Trung Quốc). Tối, Người đến Nà Phạc (Cao Bằng) và nghỉ tại đây. Cùng đi với Người có đồng chí Trần Đăng Ninh và một số cán bộ khác.

- Ngày 27: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 38.

+ Bài Vì sao, chỉ rõ nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của quân dân ta khi đánh vào vùng Phát Diệm ngày 10-12-1951 chủ yếu do bộ đội, người lương - giáo giữ bí mật và giúp đỡ bộ đội.

+ Bài Chuyện cũ, ý nghĩa mới, dẫn báo Mỹ nêu lên thắng lợi trong binh vận của những người cộng sản Trung Quốc với quân Tưởng Giới Thạch và chỉ rõ “nếu cán bộ ta khéo thuyết phục thì ngụy binh lầm đường sẽ quay về với Tổ quốc”, thực dân Pháp, bù nhìn Việt gian và bọn can thiệp Mỹ sẽ thất bại cũng như Mỹ và Tưởng đã thất bại ở Trung Quốc.

- Ngày 28: Tối, từ Nà Phạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường qua Bô Ca - Cao Bằng - Quảng Uyên.

Cùng ngày, bài viết Nhi đồng xã Hiệp Hòa, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1980. Người biểu dương tinh thần thi đua của các cháu thiếu  niên, nhi đồng xã Hiệp Hòa (Thái Nguyên) trong việc tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc và chỉ rõ: “Nếu được cán bộ thanh niên và phụ nữ khéo tổ chức và hướng dẫn phong trào Trần Quốc Toản chắc sẽ lan rộng và lên cao”.

- Ngày 29: 5 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Đoàn bộ ôtô (Quảng Uyên), Người và đoàn nghỉ tại đây.

- Ngày 30 : Nhân dịp sắp đón năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm và chúc Tết nhân dân tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Buổi tối, Người từ Quảng Uyên đến Thủy Khẩu (huyện Long Châu, Quảng Tây) và nghỉ đêm ở đó.

- Ngày 31: 4 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi từ Thủy Khẩu, qua Long Châu, Minh Giang, Tuy Lộc và đến Nam Ninh Trung Quốc (270km) lúc 19h. Người vào Nhà khách Giao tế (nay là Khách sạn Minh Viên). Tại đây, Người đã nói chuyện với Tư lệnh Quân khu Quảng Tây nhân dịp đón năm mới.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh Huyện Định Hóa thi đua, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1982, nêu gương phong trào thi đua đóng thuế nông nghiệp, làm đường, giúp đỡ bộ đội của nhân dân huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và khuyên các địa phương khác thi đua với Định Hóa.

- Trong tháng

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312, khen ngợi thành tích trong chiến dịch Lý Thường Kiệt và căn dặn cán bộ, chiến sĩ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để lập nhiều chiến công hơn nữa.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi và biểu dương tinh thần làm việc hăng hái của Bác sĩ Tôn Thất Tùng, động viên bác sĩ gắng sức phấn đấu, phục vụ công cuộc kháng chiến đang trên đà thắng lợi.

* Tháng 12- 1952

- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị để bàn việc sửa và làm rõ thêm một số điểm kỷ luật trong đợt cải cách ruộng đất.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm sáu năm toàn quốc kháng chiến.

Sau khi điểm lại những thắng lợi của cuộc kháng chiến, phân tích và chỉ rõ những nguyên nhân khiến “ta thắng to, địch thua to”, trong thời gian qua, Người đặc biệt nhấn mạnh về chủ trương của Chính phủ, của Đảng, và Mặt trận “sẽ kiên quyết phát động nông dân thực hiện triệt để chính sách giảm tô, giảm tức để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nông dân”, nhằm tăng cường lực lượng của kháng chiến, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Người kêu gọi nông dân phải “tự động, tự giác, tổ chức chặt chẽ, hăng hái ủng hộ chính sách ấy”, kêu gọi các chủ ruộng nên vì Tổ quốc, vì kháng chiến mà “tự động, tự giác, vui lòng triệt để giảm tô, giảm tức”.

Cuối cùng, Người kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ, cán bộ “hãy cố gắng hơn nữa để tranh lấy thắng lợi nhiều hơn nữa và to lớn hơn nữa”.

- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho bộ đội và dân công ở mặt trận Tây Bắc và đồng bằng, căn dặn mọi người phải luôn luôn làm đúng phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”. Phải thật thà tự phê bình và phê bình để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tăng cường đoàn kết. Phải luôn luôn giữ vững kỷ luật, tôn trọng dân, yêu thương dân.

Cùng ngày, Người gửi thư cho đồng bào công giáo toàn quốc nhân dịp lễ Đức Chúa giáng sinh. Người thân ái gửi lời chúc phúc và mong đồng bào công giáo “đoàn kết chặt chẽ với đồng bào toàn quốc, kháng chiến mạnh hơn để tiêu diệt bọn xâm lược và bè lũ Việt gian bán nước, giải phóng cho Tổ quốc và làm sáng danh Đức Chúa”.

- Ngày 29: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về những thắng lợi trong chiến dịch Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, kiểm điểm công tác của Chính phủ năm 1952, thảo luận chương trình công tác của Chính phủ năm 1953. Người kết luận: Khuyết điểm chính còn tồn tại trong năm 1952 là lãnh đạo không sát dẫn đến tội tham ô, quan liêu, lãng phí. Để khắc phục các khuyết điểm trên, Người nhắc nhở: “Chúng ta đã bắt đầu tiến hành ba chống (chống tham ô, lãng phí, quan liêu). Năm 1953, phải cố gắng làm ba chống triệt để - cán bộ lãnh đạo phải xung phong gương mẫu đi đầu trong phong trào… Phải có chính sách cán bộ: Cải tiến sinh hoạt, cất nhắc khen thưởng, giáo dục đào tạo, mạnh dạn cất nhắc cán bộ mới, cân nhắc đức, tài”.

- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi tù binh Pháp nhân dịp lễ Thiên chúa giáng sinh và Tết dương lịch. Mở đầu thư, Người viết: “Trong ngày lễ này, tư tưởng của các bạn lẽ tự nhiên là nhớ tới gia đình ở chốn xa xôi đang chờ đợi các bạn trở về. Các bạn trước đây là kẻ địch của chúng tôi, nhưng ngày nay là những khách của chúng tôi mà chúng tôi bắt buộc phải tiếp, và tôi có thể nói là các bạn đã là bạn của chúng tôi, vì chúng tôi phân biệt bọn đế quốc tay sai của Mỹ, vì các bạn là con cái của nhân dân cần lao Pháp”.

Cuối thư, Người chúc "các bạn được một lễ giáng sinh vui vẻ, một năm mới tốt lành và được sức khoẻ hơn".

* Tháng 12- 1953

- Ngày 1: Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày báo cáo về Tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất. Trong phần đầu báo cáo, Người khái quát những nét lớn về tình hình thế giới và trong nước; phân tích tương quan lực lượng giữa ta và địch. Phần chính báo cáo là ý nghĩa, đường lối chung, phương châm của cải cách ruộng đất. Báo cáo cũng xác định vai trò của hai nhiệm vụ trung tâm là kháng chiến và cải cách ruộng đất và mối quan hệ khăng khít của hai nhiệm vụ ấy trong cách mạng Việt Nam. Phần cuối báo cáo, Người lưu ý những điểm cần chú ý, những kinh nghiệm, biện pháp cần được sử dụng để Luật cải cách ruộng đất được thông qua, công cuộc cải cách ruộng đất được thành công, kháng chiến thắng lợi.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2480, viết về phong trào nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam và cho rằng, giặc Pháp tuy đã thất bại "nhưng chúng chết thì chết nết không chừa", do vậy, ta không được chủ quan khinh địch, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động của chúng.

Cũng trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cụ già 120 tuổi, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 151, nêu gương cụ Hà Văn Quận ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh nghệ An, một lão nông cốt cán trong cuộc phát động quần chúng, triệt để giảm tô ở Nghệ An.

- Ngày 2: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bài phát biểu, sau khi lưu ý các đại biểu nghiên cứu kỹ các báo cáo, đề án Luật cải cách ruộng đất và trọng tâm của cải cách ruộng đất, Người khẳng định: Luật cải cách ruộng đất của ta "chí nhân, chí nghĩa, hợp tình, hợp lý". Cuối cùng, Người đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ một lần nữa và thông qua Luật cải cách ruộng đất.

Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nông nghiệp ở Liên Xô, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2481. Người cho biết: Sau Cách mạng Tháng Mười thành công, Đảng và Chính phủ Liên Xô đã thực hiện chính sách "Người cày có ruộng", đem lại ruộng đất cho nông dân. Nhờ đó mà nông dân phấn khởi, hăng hái tham gia kháng chiến, đánh thắng thù trong giặc ngoài. Ngày nay, với những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, đời sống của nhân dân Liên Xô ngày càng dư dật, ấm no.

- Ngày 3: Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi trình bày về chính sách ngoại giao của Chính phủ, Người phân tích ý nghĩa những câu Người vừa trả lời một nhà báo Thụy Điển và nói: "Chúng ta ủng hộ phong trào hòa bình thế giới, nhưng chúng ta tuyệt đối chớ có ảo tưởng rằng, hòa bình là một việc dễ dàng. Hòa bình phải do đấu tranh gian khổ mới giành được".

- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất do Chính phủ đề nghị, Người thay mặt Chính phủ hứa với Quốc hội sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, cải cách ruộng đất đến thành công, để xứng đáng với lòng tin cậy của Quốc hội, của nhân dân.

Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không chắc có tiền mua tiên cũng được, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2482. Bài báo viết: "Mỹ tưởng rằng nhiều tiền thì mua gì cũng được, thậm chí mua được cả lòng nhân dân, nhiều tiền thì đi đến đâu cũng được mọi người kính sợ". Nhưng Mỹ đã lầm to! ở khắp các nước á cũng như Âu, phong trào chống Mỹ và "tẩy chay" Mỹ diễn ra rất mạnh mẽ. Các báo chí Mỹ cũng phải thừa nhận rằng: Đối với các nước, ảnh hưởng của Mỹ ngày càng kém sút.

- Trước ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi cụ Hà Văn Quận (ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), 120 tuổi mà vẫn hăng hái lao động, làm gương mẫu cho con cháu trong cuộc phát động quần chúng triệt để giảm tô. Bức thư có đoạn: "Tôi chắc rằng đến ngày thực hiện cải cách ruộng đất, người cày có ruộng, cụ sẽ được sung sướng thanh nhàn hơn". Người còn biếu cụ Quận một cái áo lụa và một huy chương để làm kỷ niệm.

- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được...".

Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hội nghị đại biểu toàn quốc "bù nhìn", ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 152, vạch trần thủ đoạn của thực dân Pháp trong việc tổ chức cái gọi là "Hội nghị đại biểu toàn quốc" cho bọn tay sai ở Việt Nam. Người kết luận: Chỉ có Quốc hội ta là Quốc hội thật sự đem lại quyền lợi cho nhân dân.

- Ngày 7: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tư tưởng tự do" ở Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2484. Bài viết vạch trần mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm về "tư tưởng tự do" ở Mỹ. Người Mỹ cho rằng nhân dân Mỹ là người tự do nhất trên thế giới. Hiến pháp Mỹ cũng khởi đầu bằng câu "Mọi người đều tự do, tự do tư tưởng...". Nhưng trên thực tế, cái gọi là "tự do" ở Mỹ lại là sự mất tự do, mọi người không có quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại... Bài báo kết luận: "Tự do như vậy, ai cầu tự do".

- Ngày 11: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 153:

+ Bài Vài ưu điểm và khuyết điểm trong việc phát động quần chúng, nêu lên những ưu điểm trong đợt phát động quần chúng đợt hai và chỉ ra những khuyết điểm của các cán bộ làm công tác phát động quần chúng như: bệnh hình thức, bao biện, quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, không làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.

+ Bài Một phút đồng hồ, kêu gọi các cơ quan, đoàn thể chống lãng phí thời giờ, và nhắc nhở: Muốn tiết kiệm thời giờ, mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ, phải có tinh thần phụ trách và phải coi "một phút đồng hồ, một nén vàng".

- Ngày 12: Trong thư gửi cho đồng bào và cán bộ tỉnh Lai Châu. Người đề ra bốn nhiệm vụ để đồng bào và cán bộ Lai Châu thực hiện:

"1. Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau.

2. Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự.

3. Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no.

4. Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng".

Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết".

- Ngày 16: Bài viết Tội ác của địa chủ phong kiến, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2491. Bằng những dẫn chứng cụ thể về hành vi và tội ác của bọn địa chủ phong kiến, Người đặt ra nhiệm vụ quan trọng là: Phải giải phóng nhân dân khỏi ách bóc lột của địa chủ phong kiến, xây dựng một xã hội bình đẳng, ấm no.

Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 154:

+ Bài Tình nghĩa quốc tế đoàn kết giai cấp. Với những con số và sự kiện sinh động, Chủ tịch khẳng định tình đoàn kết quốc tế của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta và tin tưởng rằng, với sự ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi.

+ Bài Mâu thuẫn Mỹ - Anh - Pháp trong Hội nghị Bécmuýt, nêu thành phần, nội dung của Hội nghị Bécmuýt, vạch trần âm mưu của Mỹ trong Hội nghị hòng buộc các nước này đẩy mạnh chạy đua vũ trang. Do ý kiến không thống nhất, Hội nghị đã không thu được kết quả gì. Bài báo kết luận: Hội nghị Bécmuýt là "đầu voi đuôi chuột".

- Ngày 18: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bán mắt nuôi miệng, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2492, lên án chính sách vô nhân đạo của Mỹ và tố cáo những kẻ bán Tổ quốc, bán nhân dân cho bọn đế quốc xâm lược để hưởng sung sướng cho cá nhân.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm 7 năm toàn quốc kháng chiến. Sau khi tổng kết những thắng lợi mà quân và dân ta đã giành được trong bảy năm qua trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa... Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam cảm ơn nhân dân Pháp, nhân dân các nước bị Pháp thống trị và giai cấp công nhân thế giới đã lấy ngày 19-12-1953 là "Ngày quốc tế tích cực đoàn kết với nhân dân Việt Nam"; cảm ơn nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã hăng hái ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Người kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ ra sức thực hiện tốt hai nhiệm vụ trung tâm trong năm 1953 là: Đẩy mạnh kháng chiến và thực hiện cải cách ruộng đất.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 197/SL, công bố thi hành Luật cải cách ruộng đất do Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa I, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 4-12-1953.

- Ngày 21: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mừng ngày Chúa giáng sinh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 155, nêu nguồn gốc ra đời của Giêsu, những lời răn dạy của Chúa về lòng yêu nước, quyền tự do bình đẳng bác ái. Người kêu gọi "đồng bào ta, lương cũng như giáo đoàn kết kháng chiến, ủng hộ chính sách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, tức là làm đúng lời dạy của Chúa Giêsu, tức là thật thà tôn kính Chúa Giêsu".

- Trước ngày 22: Nhân kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến và "Ngày quốc tế tích cực đoàn kết với nhân dân Việt Nam", Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định phóng thích cho gần 300 tù binh Pháp vào dịp lễ Nôen năm 1953.

- Ngày 22 : Trong thư gửi toàn thể chiến sĩ và cán bộ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Người đề ra nhiệm vụ cho quân đội ta là: Ra sức thi đua diệt giặc lập công, ra sức giúp đỡ đồng bào nông dân thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ; cố gắng học tập chính trị và quân sự để tiến bộ mãi. Người gửi cho mỗi đại đoàn và mỗi liên khu một lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" để làm giải thưởng luân lưu.

- Trước ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào công giáo nhân dịp lễ Nôen. Trong thư có đoạn: "Phúc âm dạy chúng ta rằng: Chúa Cơ Đốc sinh ra làm gương cho mọi giống phúc đức như: hy sinh vì nước vì dân, làm gương lao động, công bằng ruộng đất, tin thờ Chúa bằng tinh thần. Chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm".

- Ngày 26: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vài khuyết điểm trong việc phát động quần chúng, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 156, nhắc nhở cán bộ cần sửa chữa một số khuyết điểm về nhận thức, lập trường, tiếp thu chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ trong công tác phát động quần chúng. Người căn dặn: "Cán bộ ta phải nghiên cứu thật kỹ, thấm nhuần thật sâu, thi hành thật đúng chính sách của Đảng và Chính phủ - Đó là con đường duy nhất để đi đến thành công".

- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ. Bức thư có đoạn:

"Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng.

Năm nay, sau những cuộc chỉnh huấn chính trị và quân sự, các chú đã tiến bộ hơn. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh:

Quyết tâm tiêu diệt địch,

Quyết tâm giữ vững chính sách,

Quyết tâm tranh nhiều thắng lợi".

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ cung cấp và dân công tham gia chiến dịch Thu Đông, Người căn dặn: Phải chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, giúp sức bộ đội tranh nhiều thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ vượt mức. Đồng thời phải giữ vững chính sách của Đảng và Chính phủ.

Riêng đối với Tổng cục Cung cấp, Người đặt giải thưởng cờ thi đua "Quyết tâm làm tròn nhiệm vụ".

* Tháng 12- 1954

- Ngày 1: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nam Bộ anh hùng, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 277. Bài báo biểu dương gương chiến đấu hy sinh của nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Sáu (tức Võ Thị Sáu) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ và chỉ rõ đó là tấm gương cho thanh thiếu niên cả nước học tập.

- Ngày 3: Phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn về kế hoạch đẩy mạnh công tác đấu tranh nhằm thi hành Hiệp định Giơnevơ, Người nói: "Chính sách của ta bây giờ là chĩa mũi nhọn vào Mỹ. Đối với Pháp, ta cố gắng gây không khí hòa dịu, nhất là các báo, đài phát thanh phải chú ý khi nào cần nói hãy nói. Đối với Bửu Hội, Hinh và Bảo Đại, cần cho người gần gũi để tranh thủ. Về đối nội, nhiệm vụ quan trọng là giải quyết vấn đề lương thực, việc làm và thuế. Người lưu ý hoạt động của các ngành văn hóa, nghệ thuật cũng phải phục vụ nhiệm vụ chống Mỹ”.

Cùng ngày, bài viết của Người: Một cái mề đay, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 279. Bài báo dẫn tin của báo Pháp Diễn đàn thông tin quốc tế ngày 12-11: Chính phủ Pháp tặng Thủ tướng Xri Lanca Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì Chính phủ nước này cho phép máy bay Pháp quá cảnh sang Đông Dương trong những ngày diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Người so sánh với nhiệm vụ của tướng Mỹ Côlin trong chuyến sang công cán ở Đông Dương và mỉa mai rằng; "Chính phủ Pháp sẽ tặng cho tướng Côlin 2 cái mề đay "Nam tào bội tinh".

- Ngày 4: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh sự Mỹ ở các nước, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 280. Bài báo đề cập đến sự can thiệp thô bạo của Mỹ ở những nước Mỹ đặt lãnh sự như Hương Cảng, Canađa và kết luận: "Nước Anh và Canađa là "đồng văn đồng chủng" và đồng xu hướng chính trị với Mỹ, mà các đại biểu Mỹ còn đối xử như vậy, thì đối với các nước khác chắc họ đối xử còn lố bịch gấp mấy!".

- Ngày 5: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khoa học ở Mỹ và ở Liên Xô, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 281. Bài báo đưa ra những số liệu so sánh giữa Mỹ và Liên Xô trong lĩnh vực đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật để nêu rõ sự khác nhau giữa hai chế độ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.

- Ngày 7: Phát biểu với hội nghị Bộ Chính trị bàn về vấn đề cải cách ruộng đất ở vùng mới giải phóng, Người đề nghị sắp xếp lại một số nội dung, một số từ ngữ trong bản báo cáo và nhắc nhở: Các địa phương làm như thế nào thì phải báo cáo kết quả như thế ấy. Không nên đề ra việc điều chỉnh ruộng đất. Những ruộng đất Pháp chiếm làm trại tập trung, nay phá đi trả lại cho dân.

Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tuyên truyền chiến tranh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 282. Trích dẫn bài của tờ báo Mỹ Tin tức hàng ngày, Người phê phán việc tuyên truyền chiến tranh của giới hiếu chiến Mỹ.

- Ngày 8: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Báo Anh nói chuyện Việt Nam, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 283. Bài báo trích dẫn lời của tờ báo Anh Tin tức, phê phán việc chính quyền Ngô Đình Diệm cưỡng ép và dụ dỗ đồng bào theo đạo Thiên Chúa miền Bắc di cư vào Nam. Tác giả bài báo kêu gọi đồng bào hãy mau tỉnh ngộ và đấu tranh đòi trở về quê cũ.

- Ngày 9: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về đường lối, phương châm khôi phục kinh tế. Sau khi nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Người nhắc nhở phải coi trọng vấn đề cán bộ và thi đua.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chính phủ" ung thư Ngô Đình Diệm, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 284. Dẫn các nguồn tin của phe đối lập trong chính quyền Ngô Đình Diệm và báo chí ở Sài Gòn nói về sự bê bối, thối nát của chính quyền Sài Gòn, Người chỉ rõ: thực chất chính quyền đó là bộ máy tay sai Mỹ. Nhân dân ta ở miền Nam sẽ kiên quyết phá tan âm mưu của Mỹ và sẽ đánh đổ chính quyền đó.

- Ngày 10: dự họp Bộ Chính trị để thảo luận tiếp đề án khôi phục kinh tế, Người khen cán bộ ta có tinh thần hăng hái, nhưng phê bình tính "đại khái" của cán bộ các ngành; ngay cả Trung ương cũng chỉ lãnh đạo về đường lối, còn kỹ thuật, kế hoạch tổ chức cụ thể thì không biết. Muốn khắc phục tình trạng đó, trước hết phải đào tạo cán bộ, tự lực cánh sinh, không nên ỷ lại nhiều quá.

Về phương hướng phát triển kinh tế, Người nói: "Anh em ta chưa thông ở chỗ: mấy năm kháng chiến, ta chỉ có nông thôn, bây giờ mới có thành thị... Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì là chủ quan. Cho nên trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp. Làm trái với Liên Xô, đó cũng là mácxít. Trung Quốc phát triển cả công nghiệp nặng, nhẹ, đồng thời cả nông nghiệp. Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi tiến đến thủ công nghiệp, sau mới đến công nghiệp nặng".

Về việc tuyên truyền vận động đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống Mỹ, Người gợi ý nên lấy những tấm gương trong phong trào chống Mỹ viện Triều có nội dung phù hợp để tiến hành đấu tranh đòi tổng tuyển cử, không nhất thiết lúc nào cũng phải nói đến bộ ba: Mỹ, Pháp, Diệm. Có thể làm một đợt thi đua ngắn đến ngày 1-5 thì tổng kết...

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tình hình Sài Gòn, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 285. Bài báo đã trích các nguồn tin của báo chí Sài Gòn nói về tình hình hỗn loạn ở thành phố này và sự xung đột tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ đó, tác giả bài báo cho rằng, nguyên nhân của tình hình ấy chính là sự can thiệp của đế quốc Mỹ.

- Ngày 11: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Khẩu Phật, tâm xà", ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 286. Bài viết nói về thái độ hai mặt của chính quyền nước Anh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, vừa tham gia Đồng minh chống phát xít vừa ngấm ngầm thỏa hiệp với chính quyền Hítle trong việc chống lại Liên Xô.

- Ngày 12: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nhất trên thế giới", ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 287. Bài báo dẫn số liệu về tình hình tội phạm ở Mỹ và lời nhận xét của chính Giám đốc công an Mỹ: "Nếu cứ như vậy thì năm 1954 sẽ là một năm ở Mỹ có nhiều tội phạm nhất thế giới và trong lịch sử".

- Ngày 14: Báo Nhân dân, số 288, đăng trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phóng viên báo Regards về một số vấn đề trong chính sách của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vấn đề quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và với các nước khác trong tương lai.

Trả lời câu hỏi: "Chính sách chung của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên lãnh thổ của mình là gì?", Người trả lời: "Chúng tôi hết sức làm việc để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam".

Về quan hệ Việt - Pháp, Người nói: "Chúng tôi muốn lập với nước Pháp những mối quan hệ kinh tế và văn hóa trên cơ sở bình đẳng, hai bên đều có lợi và cộng tác thẳng thắn, tin cậy lẫn nhau, v.v.".

Số báo trên còn đăng bài viết của Người nhan đề: Năm cán bộ gương mẫu số 1, ký bút danh C.B. Bài báo biểu dương thành tích xuất sắc "xứng đáng được giải thưởng" của năm cán bộ khu Việt Bắc trong đợt 1 cải cách ruộng đất.

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập duyệt binh để tham gia Lễ đón Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô. Người khen ngợi bộ đội đã lập nhiều công trong cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng. Người căn dặn: Bộ đội phải tập luyện tốt để tham gia ngày lễ long trọng và đầy ý nghĩa này.

Cùng ngày, đến thăm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nói chuyện với cán bộ, nhân viên Bệnh viện, Người căn dặn: "... Đã là người tự do, người chủ trì thì phải làm thế nào cho xứng đáng. Từ công việc, tư tưởng đến thái độ đều phải có tư cách người chủ".

Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một mẩu chuyện của Mặt trận dân tộc thống nhất Trung Hoa, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 289.

Bài báo nói về chính sách đại đoàn kết dân tộc của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong công cuộc xây dựng đất nước.

- Giữa tháng: Nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ một đơn vị quân đội ở ngoại thành Hà Nội, Người căn dặn: mọi người phải biết khắc phục khó khăn, giữ gìn kỷ luật, cần kiệm xây dựng quân đội, không được lơ là mất cảnh giác, phải thực sự đoàn kết để cùng nhau tiến bộ... Người còn kể câu chuyện "Chiếc đồng hồ" để nhắc nhở mọi người phải làm tốt công việc được phân công, phải an tâm công tác, có như vậy mới xây dựng đơn vị trở nên vững mạnh.

- Ngày 16: lúc 2 giờ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi các đơn vị miền Nam tập kết, căn dặn các cán bộ và chiến sĩ phát huy truyền thống trong những năm kháng chiến, tranh thủ điều kiện để học tập thêm, chống tư tưởng chủ quan "tưởng rằng trong thời kỳ hòa bình và ở vùng tự do, thì cái gì cũng sẵn sàng, cũng dễ dàng". Bức thư có đoạn: "Các chú cần phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết chặt chẽ giữa chiến sĩ với nhau, giữa cán bộ với nhau, giữa chiến sĩ và cán bộ, giữa quân và dân. Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Cần phải giữ vững truyền thống anh dũng, tác phong đúng đắn, tinh thần chịu đựng gian khổ, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Nói tóm lại: giữ vững và phát triển đạo đức cách mạng của Quân đội nhân dân".

Cùng ngày, bài viết của Người: Quốc hội lâm thời hay "Quốc hội" làm thối? ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 290, phê phán Mỹ và chính quyền miền Nam nặn ra cái gọi là "Quốc hội lâm thời" trong khi bản thân chính quyền đó thực chất là tay sai của Mỹ và hết sức thối nát. Người khẳng định trò hề "dân chủ" này là một hành động bịp bợm.

- Ngày 18: nói chuyện với học sinh các trường phổ thông trung học: Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Trưng Vương (Hà Nội). Sau khi xác định vai trò quan trọng của thanh niên trong xã hội, phân biệt mục đích khác nhau giữa giáo dục nô lệ thực dân với giáo dục mới hiện nay, Người căn dặn các học sinh cần phải học như thế nào để xứng đáng là người chủ nước nhà và nhấn mạnh nhiệm vụ của thanh niên là phải học tập, phải học để: Yêu Tổ quốc; yêu nhân dân; yêu lao động; yêu khoa học; yêu đạo đức. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Học phải đi đôi với hành, phải thi đua giữa các trường, các lớp, v.v..

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 35 mà ít, 11 mà nhiều, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 292. Bài báo so sánh việc các nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính quyền miền Nam Việt Nam.

- Ngày 19: Trong Lời kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ, cán bộ và kiều bào ở nước ngoài nhân dịp kỷ niệm chín năm ngày toàn quốc kháng chiến, Người nhấn mạnh: "So với đấu tranh vũ trang trong kháng chiến, thì đấu tranh chính trị trong hòa bình cũng phải trường kỳ và gian khổ và còn gay go, phức tạp hơn". Vì vậy, "nhân dân, quân đội và cán bộ ta chớ có chủ quan, tự mãn, mà phải giữ vững chí khí đấu tranh, tinh thần anh dũng", "chúng ta phải đoàn kết rộng rãi đồng bào cả nước, và đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới". Như vậy chúng ta nhất định thắng lợi.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kỷ niệm kháng chiến, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 293. Bài báo chỉ rõ: qua chín lần kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến, lực lượng của ta ngày càng mạnh. Nay dù khó khăn gian khổ, ta vẫn nhất định giành được thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển nơi ở từ Nhà thương Đồn Thủy đến ngôi nhà ngói nhỏ trong Phủ Chủ tịch (Nay ngôi nhà này được gọi là "nhà 54").

- Ngày 20: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ ngày nhân dân ta bắt đầu kháng chiến, đế quốc Mỹ đã nhúng tay vào chiến tranh xâm lược Đông Dương, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 294. Bài báo điểm lại một số sự kiện chứng tỏ Mỹ đã nhúng tay vào cuộc chiến tranh Đông Dương như cổ vũ Pháp phá hoại Hiệp định sơ bộ 6-3; hỗ trợ Pháp dùng con bài Bảo Đại (1947 và 1950); từ 1950 đến 1954 chi một khoản lớn viện trợ quân sự cho Pháp đẩy mạnh chiến tranh; cử các tướng lĩnh Mỹ làm cố vấn cho Pháp...

Bài báo khẳng định: "Sự can thiệp của đế quốc Mỹ đã làm cho cuộc chiến đấu của nhân dân Đông Dương kéo dài và gặp thêm nhiều khó khăn, nhưng chúng không thể ngăn cản nổi nhân dân Đông Dương đánh cho bọn xâm lược những đòn chí tử, không ngăn cản nổi nhân dân Đông Dương giành những thắng lợi oanh liệt và nhất định sẽ thu được thắng lợi cuối cùng".

Cũng số báo trên, đăng bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 90 và 19, ký bút danh C.B. Bài báo giới thiệu một số đại biểu tiêu biểu trong Quốc hội Trung Quốc như cụ già tuổi cao tóc bạc, anh hùng nông nghiệp, công nghiệp, phụ nữ, thanh niên... Tất cả đều cùng một quyết tâm xây dựng một nước Trung Quốc theo chủ nghĩa xã hội sung sướng và mạnh giàu.

- Ngày 21: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đế quốc Mỹ ráo riết phá Hội nghị Giơnevơ nhưng chúng đã thất bại nhục nhã, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 295. Bài báo dẫn một số sự kiện chứng tỏ ngay từ khi Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương nhóm họp, Mỹ đã có những hoạt động phá hoại, gây sức ép để phía Pháp thương lượng thiếu nghiêm chỉnh và cả khi Hiệp định sắp ký kết, Mỹ vẫn cố giật dây cho những hoạt động phá đám. Bài báo kết luận: thành công của Hội nghị Giơnevơ và thắng lợi của xu hướng hòa bình là một thất bại của đế quốc Mỹ.

Cùng số báo trên đăng bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chính sách quân sự và chính trị của Mỹ, ký bút danh C.B, phê phán thủ đoạn của Mỹ dùng chính sách viện trợ kinh tế đưa một số nước ở châu á vào vòng lệ thuộc Mỹ. Bài báo kết luận: Với chính sách bạo lực quân sự, Mỹ đã thất bại ở Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Vì mục đích đen tối, chính sách viện trợ kinh tế của Mỹ cũng sẽ thất bại.

- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng vũ trang nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Người khen ngợi những thành tích của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và chỉ rõ nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Người quyết định tặng cho mỗi đại đoàn và mỗi liên khu một lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" để làm giải thưởng luân lưu.

Cùng ngày, bài viết của Người: Mừng ngày sinh nhật Quân đội nhân dân, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 296. Bài báo khái quát lịch sử quân đội ta và chỉ rõ nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn mới.

- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ để kiểm điểm công tác năm 1954 và định chương trình công tác năm 1955.

Sau khi nghe Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo tình hình trong nước và quốc tế, nghe Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình thi hành hiệp định đình chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ mâu thuẫn giữa Mỹ với Pháp trong vấn đề Hiệp ước Pháp - Liên Xô, trong vấn đề Việt Nam và mâu thuẫn giữa Mỹ - Diệm; nêu rõ thái độ Liên Xô chủ động cải thiện quan hệ với các nước tư bản và nhấn mạnh: "Dù sao cũng không được chủ quan khinh địch, cây mục cũng phải xô mới đổ".

Cùng ngày, bài Bệnh tinh thần ở Pháp, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 297, chỉ rõ nguyên nhân của chứng bệnh thần kinh đang phát triển ở Pháp là do hậu quả của chiến tranh và do một số chính sách xã hội của Chính phủ Pháp.

- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Hội đồng Chính phủ.

Cùng ngày, báo Nhân dân, số 298, đăng bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ, thư của Người gửi đồng bào công giáo nhân dịp Nôen và bài viết Văn nghệ Liên Xô, ký bút danh C.B.

Trong bài nói chuyện với cán bộ, công nhân, Người biểu dương thành tích đấu tranh bảo vệ nhà máy, đảm bảo dòng điện khi ta tiếp quản Thủ đô và nêu rõ vai trò, nhiệm vụ lớn lao của giai cấp công nhân trong sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế hiện nay.

Bức thư của Người gửi đồng bào công giáo có đoạn: "Chính phủ ta thật thà tôn trọng tín ngưỡng tự do. Đối với những giáo hữu đã nhầm di cư vào Nam, Chính phủ đã ra lệnh cho địa phương giữ gìn cẩn thận ruộng vườn, tài sản của những đồng bào ấy và sẽ giao trả lại cho những người trở về".

Bài Văn nghệ Liên Xô, phản ánh mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ, thư viện trong đời sống tinh thần ở Liên Xô và khuyên: "Văn nghệ nước ta cần học tập văn nghệ Liên Xô".

- Ngày 25: Tại phiên họp bế mạc của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu kết luận: "Trong năm 1954, chúng ta đã đạt nhiều thắng lợi trên các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế và văn hóa. Do thắng lợi mà có thêm nhiều việc. Khó khăn sẽ nhiều hơn, nhưng thuận lợi cũng nhiều hơn. Vì vậy, mọi người phải ra sức cố gắng, đoàn kết chặt chẽ hơn và hết sức tránh chủ quan. Cần giữ kỷ luật công tác nghiêm ngặt hơn và phải chỉnh đốn lại lề lối làm việc. Như thế thì ta sẽ khắc phục được khó khăn và phát triển được thuận lợi"...

Cùng ngày, bài viết của Người: 3 chiến sĩ lao động kiểu mẫu của Liên khu IV, ký bút danh C.B, đăng trên báo Nhân dân, số 299. Bài báo nêu gương ba chiến sĩ lao động kiểu mới trong nông nghiệp, công nghiệp và nhà buôn bán nhỏ đã đạt được thành tích cao. Cuối cùng, tác giả kết luận “3 chiến sĩ trẻ có già có, nam có nữ có, công, nông, thương nhưng họ có cùng mục đích là hăng hái thi đua nâng cao năng suất, để phục vụ nhân dân”.

- Ngày 27: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lại "đạo đức" Mỹ, ký bút danh C.B, đăng trên báo Nhân dân, số 301. Tác giả phê phán đạo đức của Mỹ dựa trên đồng tiền, vũ khí, gián điệp, cho nên Chính phủ Mỹ “ kêu gọi sinh viên thời gian rảnh rỗi dò xét những người tiến bộ để được hưởng tiền, và hãy tham gia vào đặc vụ...”.

- Ngày 28: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thuần phong mỹ tục, ký bút danh C.B, đăng trên báo Nhân dân, số 302. Để giữ gìn nền nếp, Người khuyên dân ta ăn nói cho đúng với thuần phong mỹ tục, bỏ lối xưng hô coi rẻ như thời đế quốc, phong kiến.

- Ngày 29: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chiến sĩ dân công kiểu mẫu, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 303. Qua thành tích lao động của hai chiến sĩ dân công trên công trường xây dựng đường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan, tác giả rút ra những bài học: a) Sáng kiến và lực lượng của nhân dân rất to lớn; b) Cán bộ cần phải học hỏi quần chúng để lãnh đạo quần chúng; c) Tăng năng suất và tiết kiệm là một cách thiết thực của nhân dân ta chống âm mưu của Mỹ phá hoại hòa bình.

- Ngày 30: Bài viết của Người: Tên các đường phố, ký bút danh C.B, đăng trên báo Nhân dân, số 304. Bài báo đề nghị xoá bỏ những phố mang tên người nước ngoài mà hãy trở lại tên danh nhân của đất nước mình.

- Ngày 31: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Đài liệt sĩ Hà Nội.

Diễn từ của Người do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc tại lễ viếng, có đoạn:

"Hỡi các liệt sĩ,

Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc...

Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh".

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch: Nhân dân Pháp anh dũng, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 305. Bài báo chỉ rõ: trước đây nhân dân Pháp đã ủng hộ ông Măngđét Phrăngxơ khi ông chủ trương chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Nhưng sau đó, họ lại đấu tranh phản đối ông khi ông đưa nước Pháp gia nhập khối quân sự Đông Nam á (SEATO) và ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm. Đó chính là hành động anh dũng của những người yêu chuộng hòa bình ở nước Pháp.

- Trong tháng

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ. Trong thư, Người nhắc lại truyền thống "Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc" và kêu gọi: "Trước đây đồng bào đã đoàn kết kháng chiến nay cần đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa, không phân biệt đảng phái, chính kiến; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, hãy đi theo con đường chính nghĩa tăng cường cuộc đấu tranh đòi hòa bình thống nhất Tổ quốc".

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của Đoàn "Thái Nguyên - Bắc Giang". Người đã phân tích kỹ về những khuyết điểm và căn dặn các cán bộ cải cách ruộng đất phải quyết tâm sửa chữa, phải làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, phải giữ vững kỷ luật, nâng cao tính tổ chức, phải có quyết tâm làm cải cách ruộng đất đợt 3 cho thật tốt. Người hứa sẽ tặng 15 giải thưởng cho các cán bộ có nhiều cố gắng và có thành tích.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho các cán bộ phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Người khen ngợi những thành tích mà anh chị em đã đạt được trong đợt 2 cải cách ruộng đất và đợt 6 phát động giảm tô. Đồng thời cũng chỉ ra những khuyết điểm mà các cán bộ còn mắc phải như: Thái độ mỏi mệt, không thật "ba cùng"; lập trường không vững, làm việc rụt rè; bao biện, mệnh lệnh; chủ quan hình thức... Người mong các đoàn, các đội và các cán bộ ra sức thi đua học tập kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để cho những đợt sau thành công tốt đẹp hơn.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về lễ đón Đảng và Chính phủ trở về Hà Nội sau tám năm kháng chiến. Người căn dặn: Phải cử người đi theo đồng bào dự mít tinh. Không được để người lạ xen vào. Phải có hoạt động “Hồng thập tự” lưu động. Khách các tỉnh về phải tổ chức nơi ăn, ngủ. Đồng bào thiểu số phải có thẻ ghi nơi ở. Phải bố trí hố vệ sinh. Tối đốt cây bông.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với các đơn vị sẽ tham dự cuộc duyệt binh ngày 1-1-1955 tại Thủ đô Hà Nội.

Người nêu lên những khó khăn và thuận lợi của tình hình nước ta từ chiến tranh chuyển sang hòa bình và khẳng định thuận lợi là căn bản, lâu dài, khó khăn sẽ khắc phục được nếu chúng ta có quyết tâm.

Người cũng chỉ ra nhiệm vụ của quân đội ta là phải cố gắng tiến lên chính quy. Muốn vậy, cần phải học tập, học chính trị, học kỹ thuật... Đồng thời phải ngăn ngừa những tư tưởng lệch lạc, sai lầm; phải biết quý trọng của công, tiết kiệm, giữ kỷ luật cho nghiêm, đoàn kết, thi đua học tập, phải có sức khỏe, yên tâm công tác; cán bộ phải làm gương và chăm lo đến đời sống của chiến sĩ...

Cuối cùng, Người nhắc lại nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hiện nay là "đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước". Trong nhiệm vụ đó, quân đội giữ một phần rất quan trọng, mà muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải làm đúng những lời Người căn dặn.

- Cuối năm

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội Tây Nguyên tập kết ra Bắc đang trú quân tại sân bay Bạch Mai. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ bộ đội, căn dặn anh em phải giữ ấm, chống rét, học tập. Người hỏi: Các chú có nguyện vọng gì cứ đề xuất. Ưu tiên các chú người dân tộc.

Chiến sĩ A Zun Hới ( quê ở xã Ia Ko huyện  Chư Sê tỉnh Gia Lai) mạnh dạn dù là chưa nói sõi tiếng Kinh: Cần thuốc hút. Anh em dân tộc nghiện thuốc, cơm nước không bằng thuốc hút đâu. Cái thuốc thôi.

 Nhiều anh em có ý trách A Zun Hới nói cộc lốc nhưng Bác lại hỏi thêm:

+ Được rồi! Còn gì nữa.

+ Chỉ còn cái súng nữa thôi. Súng dài và nặng lắm, anh em sức yếu không mang nổi.

Bác cười ra hiệu cho A Zun Hới ngồi xuống .

+ Bác sẽ nghiên cứu đề xuất của chú.

Sau đó anh em dân tộc được phát thuốc hút, đổi súng trường bằng súng cạcbin.

(Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử từ tập 3,4, 5, NxbCTQG,  năm 2008)

                                                              

 




CHUYÊN MỤC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/