CÁC TIN LIÊN QUAN
Những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024

Trong một số dự báo vừa được các tổ chức cập nhật đã thể hiện cái nhìn lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024, bất chấp đối mặt với không ít thách thức khó lường.

 

Dẫn dự báo của Bloomberg, theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 sẽ đạt 6% vào quý I và II/2024, trong khi cả năm 2024, mức tăng trưởng được dự báo đạt 6%, sau đó vượt lên 6,4% trong năm 2025. Lạm phát trong cả năm 2024 được dự báo sẽ ở mức 3,5%, trước khi giảm xuống mức 3,2% trong năm 2025 - thấp hơn mục tiêu là 4 - 4,5%.

Cũng với góc nhìn khá lạc quan, dự báo của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, kỳ vọng trong năm 2024, tăng trưởng GDP sẽ khởi sắc hơn khi đạt 6-6,5% với sự phục hồi của thương mại, tiêu dùng và đầu tư công. Chính phủ duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng khi thông điệp đưa ra vẫn tập trung vào tăng trưởng, do ổn định vĩ mô đã được đảm bảo. Tuy nhiên, tình trạng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, cũng như các xung đột địa chính trị gia tăng là các rủi ro cần quan sát trong năm 2024. Trong ngắn hạn, sự chú ý sẽ tập trung vào chi tiết kế hoạch hành động của Chính phủ cho năm 2024.

Điểm tích cực là khảo sát xu hướng sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo có kết quả dự báo quý I/2024 tốt hơn, với sự cải thiện từ cả nhóm doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xét theo các chỉ số thành phần, cả số lượng đơn hàng, sử dụng lao động và khối lượng sản xuất đều tăng trưởng nhẹ. Tỷ lệ giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khá tích cực, khi giải ngân được 56,1% kế hoạch Thủ tướng giao. Điểm đáng chú ý là Quốc hội đã thông qua phương án cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đã bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024…

Cũng theo ý kiến của tổ chức nghiên cứu thuộc SSI, trong tháng giao dịch đầu tiên của năm 2024, biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam nghiêng nhiều về xu hướng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân. Một số nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ câu chuyện riêng như: (1) Chi tiết kế hoạch hành động năm 2024 của Chính phủ, trong đó đáng chú ý là kế hoạch đầu tư công và các biện pháp hỗ trợ tiêu dùng; (2) Các xung đột địa chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa và (3) Kết quả kinh doanh quý IV/2023. Nhóm ngân hàng tuy có định giá khá thấp, nhưng thách thức đối với ngành vẫn còn cao trong các quý tới. Xu hướng dòng tiền trước dịp Tết nguyên đán sẽ thường có nhiều biến động mạnh. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn nên giữ tỷ trọng cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt để có dư địa tận dụng cơ hội khi biến động thị trường diễn ra…

Với góc nhìn thận trọng hơn, Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 đạt 5,5%. Do có mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm hơn sẽ có tác động tiêu cực đến cầu ở cả khu vực. Tăng trưởng khu vực sản xuất, chế tạo chậm lại ở Trung Quốc sẽ làm giảm thương mại khu vực, đặc biệt là với các nền kinh tế mở, hướng mạnh vào xuất khẩu như Malaysia và Việt Nam.

Phân tích về các động lực cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay, theo góc nhìn của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2024, đầu tư công, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng. Niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước về triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam, cũng như nền tảng vĩ mô tương đối tích cực. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2023 tăng trên 32% so với cùng kỳ năm trước và đặc biệt FDI thực hiện đạt khoảng trên 23 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022 – đây là mức cao nhất trong 5 năm qua. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, tăng trưởng tích cực hơn, giúp ổn định hàng hóa thiết yếu, an sinh xã hội, góp phần giảm áp lực lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa nhờ du lịch bùng nổ trở lại, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024 cũng đối mặt với không ít thách thức. Theo đó, khu vực doanh nghiệp được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn do xuất khẩu chưa hồi phục, đơn hàng giảm. Ngoại trừ một số mặt hàng nông sản, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu được dự báo sẽ không tăng nhiều, thậm chí tiếp tục giảm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, khi mà tăng trưởng của các khu vực này được dự báo đều giảm so với năm 2023. Đơn đặt hàng mới của nhiều ngành xuất khẩu giảm, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất. Tiêu dùng trong nước có thể không tăng nhiều so với năm 2023, do hiệu ứng nền thấp và niềm tin tiêu dùng còn chịu nhiều tác động. Việc làm bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng của người dân…

Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng chỉ ra những thách thức về điều kiện tài chính như: (i) Khả năng huy động nguồn vốn trung và dài hạn vẫn còn hạn chế; (ii) Lợi nhuận và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu chi phí đầu vào cao…

Trong một thế giới đầy biến động động khó lường như hiện nay, việc củng cố vững chắc các yếu tố vĩ mô trong nước, cùng tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách thông thoáng, có độ linh hoạt cao, để vừa giải phóng các nguồn lực của nền kinh tế, vừa tận dụng nhanh các cơ hội mới là những vấn đề các cơ quan quản lý cần quan tâm, để tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng tích cực trong năm 2024./.

TV




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/