Thông cáo báo chí Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025 của tỉnh Bình Thuận
Trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều bất ổn và rủi ro gia tăng; sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các cường quốc và sự leo thang của các xung đột địa chính trị; chủ nghĩa bảo hộ và các chính sách thương mại tiềm ẩn nguy cơ gây gián đoạn chuỗi thương mại toàn cầu. Song song đó, các thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, biến đổi khí hậu,… tiếp tục gây áp lực trực tiếp lên chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2025 dự ước tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,25%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 1,47% (công nghiệp giảm 0,82%, xây dựng tăng 14,10%); khu vực dịch vụ tăng 9,69%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,78%. Thể hiện trên các lĩnh vực sau:
I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sáu tháng đầu năm 2025, tình hình sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định. Vụ đông xuân 2025, nguồn nước tưới tương đối thuận lợi cho trồng trọt, không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng trên cây trồng, vật nuôi. Các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xã hội hóa giống lúa tiếp tục được quan tâm. Ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì mức tăng ổn định, tiếp tục xu hướng chuyển đổi từ mô hình truyền thống nhỏ lẻ sang mô hình chăn nuôi trang trại, ứng dụng công nghệ cao và hướng tới phát triển bền vững. Sản lượng thủy sản tăng khá do thời tiết và ngư trường thuận lợi; không xảy ra tình trạng tàu thuyền đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
1. Trồng trọt
* Cây hàng năm:
Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 51.224,7 ha, tăng 1,21% so với cùng kỳ năm trước; trong đó Cây lương thực diện tích đạt 43.789,9 ha, tăng 2,22% (cây lúa diện tích đạt 41.202 ha, tăng 3,11%, năng suất ước đạt 68,53 tạ/ha, tăng 0,72 tạ/ha; sản lượng ước đạt 282.355,1 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước); giá lúa vẫn đang giữ ổn định. Vụ đông xuân 2025 đã phát huy hiệu quả sử dụng đất, tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới và hạn chế sâu bệnh, đã thực hiện chuyển đổi 3.227 ha đất lúa kém hiệu quả chưa chủ động được nguồn nước sang trồng các cây ngắn ngày khác (trong đó 1.330 ha cây ngô, 427 ha cây lạc, 822 ha cây rau các loại, 437 ha cây đậu các loại 205 ha trồng dưa hấu, 06 ha các loại cây khác).
Tiến độ sản xuất vụ hè thu: Do mùa mưa năm nay đến sớm, lượng mưa phân bổ đều trên các địa phương, hầu hết nông dân xuống giống sớm ngay từ đầu vụ. Ước tính đến ngày 15/6/2025 toàn tỉnh xuống giống vụ hè thu ước đạt 52.626,4 ha, tăng 6,78% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cây lúa diện tích đạt 38.777,5 ha, tăng 6,91%; cây bắp diện tích đạt 3.374,1 ha, tăng 9,08%)
* Cây lâu năm: Trong 6 tháng đầu năm 2025, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung thu hoạch và chăm sóc diện tích cây lâu năm hiện có, đồng thời chuyển đổi một phần diện tích trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Tổng diện tích trồng cây lâu năm ước đạt 109.790 ha, tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích cây công nghiệp 66.781,1 ha, tăng 0,64%; cây ăn quả 42.383,9 ha, tăng 3,30%; các loại cây lâu năm khác 624,9 ha, tăng 0,44%; diện tích, sản lượng một số cây trồng chính như sau: cây thanh long sản lượng ước đạt 326.000 tấn, tăng 2,19% so với cùng kỳ năm trước (Tính đến ngày 15/6/2025, toàn tỉnh đã có 9.243,5 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP); cây sầu riêng sản lượng ước đạt 14.660 tấn, tăng 22,17% so với cùng kỳ năm trước; cây cao su sản lượng ước đạt 16.000 tấn, tăng 3,23% so với cùng kỳ năm trước; cây điều sản lượng ước đạt 13.000 tấn, tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước...
2. Chăn nuôi
Sáu tháng đầu năm 2025, hoạt động chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu khởi sắc cả về quy mô lẫn hiệu quả kinh tế. Giá thịt hơi các loại gia súc, gia cầm như lợn, gà, vịt,... duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng chung chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất. Đặc biệt, công tác phòng chống dịch bệnh tiếp tục được triển khai đồng bộ và hiệu quả, các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng,... được kiểm soát kịp thời.
- Chăn nuôi trâu, bò: Toàn tỉnh hiện có 8.550 con trâu, giảm 0,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2025 thị trường tiêu thụ thịt trâu nhìn chung ổn định, không có biến động lớn. Tỷ lệ bò lai trong tổng đàn ngày càng tăng, chất lượng con giống cũng được cải thiện rõ rệt so với trước đây. Toàn tỉnh có 186.950 con bò, tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước; mức tăng trưởng này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong đầu tư của người dân vào chăn nuôi bò, phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, gắn với nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho nông hộ.
- Chăn nuôi lợn: Toàn tỉnh có 420 nghìn con lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 5,70% so với cùng kỳ năm trước; nguyên nhân tăng do các doanh nghiệp và trang trại tăng quy mô tổng đàn.
- Chăn nuôi gia cầm: Đàn gia cầm phát triển khá, toàn tỉnh có 7.168 nghìn con, tăng 7,83% so với cùng kỳ năm trước; trong đó đàn gà 5.712 nghìn con, tăng 7,65%; đàn vịt 1.287,5 nghìn con, tăng 9,10%; đàn ngan 28 nghìn con, giảm 0,53%; đàn ngỗng 2,9 nghìn con, giảm 0,33%; đàn chim cút 115 nghìn con, tăng 6,78%; đàn bồ câu 7,6 nghìn con, tăng 1,33%.
3. Sản xuất lâm nghiệp
- Công tác trồng rừng: : Trong tháng 6 năm 2025 trên địa bàn tỉnh thời tiết có mưa trên diện rộng, các đơn vị trồng rừng đã tiến hành trồng rừng sản xuất đạt 940 ha, lũy kế trồng rừng ước 6 tháng năm 2025 đạt 940 ha, tăng 21,29% so với cùng kỳ năm trước. Đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp 70.600 ha, tăng 19,81% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị chủ rừng tiếp tục tập trung gieo ươm, chăm sóc cây giống, trồng cây phân tán theo kế hoạch; đến nay gieo ươm được 2,7 triệu cây giống các loại, tăng 4,80% so với cùng kỳ năm trước. Cây giống chủ yếu là keo lai, keo lá liềm, keo lá tràm, bạch đàn.
- Công tác phòng, chống cháy rừng: Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã xảy ra 03 trường hợp cháy dưới tán rừng trồng với diện tích 0,5 ha, các trường hợp cháy được phát hiện sớm và chữa cháy kịp thời nên không gây thiệt hại tài nguyên rừng.
- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Ngành chức năng tập trung phối hợp với các đơn vị chủ rừng và các địa phương tăng cường triển khai hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét các vùng trọng điểm phá rừng. Chú trọng theo dõi, nắm bắt diễn biến, tình hình tại vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và các vùng trọng điểm nội tỉnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp góp phần ổn định tình hình. Số vụ vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2025 là 105 vụ; trong đó phá rừng trái phép 8 vụ, khai thác rừng trái phép 19 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 49 vụ, vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã 28 vụ, vi phạm khác 1 vụ. Số tiền phạt, bán tang vật nộp vào ngân sách là 172,5 triệu đồng.
4. Thuỷ sản
- Nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.272 ha, tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Diện tích nuôi cá ước đạt 913 ha, giảm 1,19%; diện tích nuôi tôm đạt 336 ha, tăng 4,32%). Sản lượng nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 4.200 tấn, tăng 4,69% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: Cá các loại ước đạt 1.884,1 tấn, tăng 4,05%; tôm thẻ đạt 2.200 tấn, tăng 4,52%).
- Sản lượng khai thác: Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 25.015 tấn, tăng 4,42% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 116.274,6 tấn, tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước (trong khai thác biển ước đạt 116.021,2 tấn, tăng 3,57%).
- Sản xuất giống thuỷ sản: Tình hình sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh thuận lợi do tiêu thụ ổn định; sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,7 tỷ con, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt 26 trường hợp vi phạm nguồn lợi thủy sản, với số tiền 342,3 triệu đồng. Đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên 100% tàu cá có chiều dài tàu từ 15m trở lên đang hoạt động. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa.
5. Công tác ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt: Tiếp tục nghiệm thu các mô hình khuyến nông năm 2024 chuyển sang, với nhiều mô hình mới như Mô hình trồng thâm canh cây vú sữa theo hướng hữu cơ (quy mô 1,5 ha; tỷ lệ sống đạt 85%, chiều cao cây bình quân 60 cm, cây sinh trưởng và phát triển bình thường); Mô hình trồng thâm canh cây chanh dây định hướng theo hữu cơ (quy mô 0,5 ha; tỷ lệ sống đạt trên 85%, hiện nay chanh dây sinh trưởng và phát triển bình thường, đang nuôi trái chuẩn bị thu hoạch).
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, nuôi trồng thủy sản: Mô hình nuôi cá bè trắng trên biển bằng lồng tròn HDPE (quy mô 530m3; qua 6 tháng nuôi trọng lượng cá đạt 250g/con, tỷ lệ sống 75%, cá sinh trưởng và phát triển tốt); Mô hình nuôi cá lăng nha lồng bè kết hợp du lịch trải nghiệm (quy mô 680 m3 tại xã Tân Hà - huyện Đức Linh, 190m3 tại xã Trà Tân - huyện Đức Linh và 150m3 tại xã Hồng Sơn - huyện Hàm Thuận Bắc, hiện nay cá phát triển bình thường).
6. Phát triển nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2025. Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 79 xã/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, duy trì 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Phú Quý, Đức Linh).
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm; đến nay toàn tỉnh có 180 sản phẩm OCOP, trong đó có 07 sản phẩm OCOP 4 sao và 173 sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm OCOP đa dạng và phong phú, từ miền biển, hải đảo đến các vùng đồng bằng, miền núi gắn với lợi thế của tỉnh như nước mắm, sản phẩm chế biến từ thủy sản, sản phẩm chế biến từ thanh long, sản phẩm từ yến và các sản phẩm từ nông sản khác. Hiện nay tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
II. Công nghiệp; xây dựng; đầu tư phát triển
1. Công nghiệp
Sáu tháng đầu năm 2025, mặc dù trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức của tình hình thế giới, ngành công nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng, nhờ vào sự phục hồi của một số ngành chủ lực và sự đóng góp của các dự án mới đi vào hoạt động. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực chính, một số ngành như sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan;… có mức tăng khá so với cùng kỳ. Đây cũng là điểm sáng góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp của địa phương.
1.1. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2025, ước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 0,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,22%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,41%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 3,76%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,13%.

1.2. Một số sản phẩm chủ yếu
- Sản phẩm trang phục: Áo sơ mi dự ước sản lượng đạt 10.589,0 nghìn cái, tăng 7,16% so với cùng kỳ; bộ Com-lê (Jacket) dự ước sản lượng đạt 4.755,9 nghìn cái, tăng 16,75% so với cùng kỳ.
- Sản phẩm giày, dép: Dự ước sản lượng đạt 3.023,6 nghìn đôi, tăng gấp 2,06 lần so với cùng kỳ do doanh nghiệp nhận thêm đơn hàng và năng lực tăng thêm ở công Ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam.
- Sản phẩm thủy sản: Thịt cá đông lạnh ước sản lượng đạt 6.869,6 tấn, tăng 9,61% so với cùng kỳ; tôm đông lạnh ước sản lượng đạt 953,9 tấn, tăng 50,01% so với cùng kỳ; mực đông lạnh ước sản lượng đạt 2.555,4 tấn, giảm 3,32% so với cùng kỳ.
- Sản phẩm thức ăn cho gia súc: Dự ước sản lượng đạt 124,69 nghìn tấn, tăng 9,75% so với cùng kỳ.
- Sản phẩm nước khoáng: Nước khoáng có ga dự ước sản lượng đạt 11,39 triệu lít, tăng 11,12% so với cùng kỳ; nước khoáng không có ga dự ước sản lượng đạt 36,05 triệu lít, giảm 7,40% so với cùng kỳ.
- Sản phẩm điện sản xuất: Dự ước sản lượng đạt 16.091,64 triệu kwh, giảm 3,79% so với cùng kỳ.
* Chỉ số sử dụng lao động trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng 5,01%; trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 24,71%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,46%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,43%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,52%.
* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,21% so với cùng kỳ.
* Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng ước tăng 7,10% so với tháng trước và giảm 19,60% so với cùng kỳ.
* Tình hình xu hướng sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo
Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo cho thấy có 27,28% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 33,33% đánh giá khó khăn và 39,39% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý III so với quý II/2025: Có 63,64% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó (22,27% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn, 40,91% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định); 36,36% dự báo khó khăn hơn. Trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý II/2025 qua khảo sát có: 57,58% doanh nghiệp đánh giá do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 28,79% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên nhiên vật liệu; 21,21% doanh nghiệp cho rằng do gặp khó khăn về tài chính; 30,30% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 59,09% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng trong nước cao; 24,24% doanh nghiệp cho rằng lãi xuất vay vốn cao; 18,18% không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; 15,15% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao và có 4,55% doanh nghiệp đánh giá lý do chính sách pháp luật của nhà nước và một số lý do khác.
* Tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN)
Lũy kế đến nay các KCN thu hút được 93 dự án đầu tư, trong đó có 66 dự án đầu tư trong nước và 27 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 17.415,26 tỷ đồng và 328,41 triệu USD, diện tích cho thuê là 281,79 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 29,41%.
2. Xây dựng
Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành ước 6 tháng đầu năm 2025, giá trị sản xuất xây dựng theo giá hiện hành ước đạt 9.117,2 tỷ đồng, tăng 14,6% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất chia theo loại công trình 6 tháng đầu năm 2025, giá trị sản xuất xây dựng theo giá hiện hành loại công trình nhà ở đạt 2.798,6 tỷ đồng, tăng 10,4% so cùng kỳ; công trình nhà không để ở đạt 1.760,1 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ; công trình kỹ thuật dân dụng 3.872,9 tỷ đồng, tăng 15,8%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 685,6 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất theo giá so sánh ước 6 tháng đầu năm 2025, giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh ước đạt 5.220,8 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Trong đó, công trình nhà ở đạt 1.603,6 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ; công trình nhà không để ở đạt 1009,2 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ; công trình kỹ thuật dân dụng 2.219,1 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 388,8 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Dự báo trong thời gian tới, ngành xây dựng vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Cần sự vào cuộc đồng bộ từ các chính sách điều hành, hỗ trợ tài chính và giải ngân đầu tư công hiệu quả để phục hồi niềm tin và năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành.
3. Đầu tư phát triển
- Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.489,7 tỷ đồng, đạt 29,6% so với kế hoạch năm, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, do các dự án năm nay được phân bổ vốn sớm, rất nhiều nghị quyết được ban hành nhằm đôn đốc vốn đầu tư công đạt theo kế hoạch đề ra; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.309,4 tỷ đồng, tăng 5,58%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 169 tỷ đồng, giảm 2,31%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 8,32%.
- Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2025 vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 21.952,3 tỷ đồng, tăng 9,35% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Vốn nhà nước ước đạt 4.379,1 tỷ đồng, chiếm 19,95% trong tổng số vốn đầu tư, tăng 6%; Vốn đầu tư ngoài nhà nước ước đạt 16.018,6 tỷ đồng, chiếm 72,97%, tăng 10,17%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1.554,6 tỷ đồng, chiếm 7,28%, tăng 10,74%.

- Trong 06 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh thu hút được 15 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.039,5 tỷ đồng (trong đó có 03 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 992,7 tỷ đồng); có 04 dự án triển khai xây dựng, 03 dự án đi vào hoạt động và thu hồi 05 dự án. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.634 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích 50.489 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 1.766.523 tỷ đồng.
- Trong 6 tháng đầu năm 2025 (đến ngày 20/6/2025), có 505 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 36,12% so cùng kỳ), với 3.056,01 tỷ đồng vốn đăng ký mới (giảm 10,85% so cùng kỳ); 78 doanh nghiệp giải thể (tăng 17,48% so cùng kỳ); 383 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 9,86% so với cùng kỳ) và 162 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại (tăng 22,73% so với cùng kỳ).
III. Thương mại; giá cả; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải
1. Thương mại
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, kết hợp với việc triển khai các Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Xây dựng chính sách và các chương trình kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến khích mua sắm, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước.
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 61.100,7 tỷ đồng, tăng 13,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ước tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 38.706,6 tỷ đồng, tăng 11,44% so với cùng kỳ; doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt 14.498,7 tỷ đồng, tăng 20,46% so với cùng kỳ; doanh thu các ngành dịch vụ khác ước đạt 7.895,3 tỷ đồng, tăng 12,21% so với cùng kỳ.

2. Giá cả
* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Giá điện sinh hoạt, xăng dầu, vật liệu bảo dưỡng nhà ở, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 2,48% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,67% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,19%. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 10 nhóm hàng tăng giá: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,19%; Giao thông tăng 0,85%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,41%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,29%; Hàng hóa và dịch vụ khác 0,23%; Bưu chính viễn thông tăng 0,17%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; Giáo dục tăng 0,02%. Có 01 nhóm hàng giảm giá: May mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,06%.

* Tình hình biến động giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; giá sản xuất công nghiệp và giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất: Trong quý II/2025, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,33% so với quý trước và tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý II/2025 tăng 0,23% so với quý trước và tăng 1,28% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất công nghiệp quý II/2025 tăng 1,03% so với quý trước, tăng 3,23% so cùng kỳ năm trước.
3. Hoạt động du lịch
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các kỳ nghỉ lễ, tết nhiều ngày, tại địa phương diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao (Tết Novaworld, khai mạc phố ẩm thực đêm, Lễ hội đua thuyền thúng, giải chạy vượt đồi cát Mũi Né, giải leo núi Tà Cú, giải vượt đồi cát Bình Thạnh, giải Lướt ván buồm quốc tế Mũi Né mở rộng, chuỗi sự kiện “Chào hè - Summer Fest 2025” với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn như: Bắn pháo hoa nghệ thuật, Lễ hội té nước, Show thời trang Summer Fashion Fest, Lễ hội bia….) thu hút đông đảo khách du lịch đến tỉnh. Đặc biệt, chuỗi sự kiện quy mô kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương Bình Thuận và Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Festival khinh khí cầu, bắn pháo hoa nghệ thuật tầm cao, chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp,…) đã tạo sức hút lớn. Bên cạnh đó công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch được đẩy mạnh, cũng như những yếu tố thuận lợi về giao thông, thời tiết,…đã làm cho lượt khách đến tỉnh tăng khá (tăng 18,48% so với cùng kỳ năm trước).
Lượt khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2025 lượt khách ước đạt 5.539,9 nghìn lượt, tăng 18,48% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 10.636,8 nghìn ngày khách, tăng 22,77% so với cùng kỳ năm trước.
Lượt khách quốc tế 6 tháng đầu năm 2025 lượt khách quốc tế ước đạt 280,8 nghìn lượt khách, tăng 35,46% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 1.174,6 nghìn ngày khách, tăng 37,89% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến tỉnh chiếm tỷ trọng lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Đức, Mỹ, Anh…
Doanh thu dịch vụ lưu trú 6 tháng đầu năm 2025 doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 3.432,3 tỷ đồng, tăng 19,97% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 10.732,7 tỷ đồng, tăng 18,51% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành đạt 333,7 tỷ đồng, tăng gấp 2,81 lần so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2025 doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 15.040,1 tỷ đồng, tăng 19,35% so với cùng kỳ năm trước.

4. Xuất, nhập khẩu
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp và nhiều biến động như căng thẳng chính trị, thương mại giữa Hoa Kỳ với các quốc gia, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... đã làm gia tăng rủi ro đối với an ninh hàng hải, chuỗi cung ứng hàng hóa, đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng tích cực và tăng trưởng khá (tăng 29,82% so với cùng kỳ).
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 85,8 triệu USD, tăng 9,74% so với tháng trước và tăng 15,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: nhóm hàng thủy sản ước đạt 21,6 triệu USD, tăng 12,86% so với tháng trước và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản ước đạt 3,8 triệu USD, tăng 11,35% so với tháng trước và tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa khác ước đạt 60,4 triệu USD, tăng 8,57% so với tháng trước và tăng 10,15% so với cùng kỳ. Xuất khẩu trực tiếp ước đạt 85 triệu USD, tăng 15,03% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 455,1 triệu USD, tăng 29,82% so với cùng kỳ năm trước.
- Kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 147,9 triệu USD, tăng 8,16% so với tháng trước và tăng 13,73% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 816 triệu USD, tăng 25,32% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 75,47% giá trị, nhập từ Singapore, Mỹ), hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may, da giày, giấy, hạt điều thô….
5. Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động giao thông vận tải, kho bãi 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 2.104,6 tỷ đồng, tăng 20,63% so với cùng kỳ năm trước.
- Vận tải hành khách: số lượt khách vận chuyển 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8.866,8 nghìn HK, tăng 15,13% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách luân chuyển ước đạt 935.659 nghìn HK.Km, tăng 20,30% so với cùng kỳ năm trước.
- Vận tải hàng hóa: khối lượng vận chuyển trong 6 tháng đầu năm 2025, khối lượng vận chuyển ước đạt 3.936,6 nghìn tấn, tăng 9,83% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 361.434,3 nghìn tấn.Km, tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 2.104,6 tỷ đồng, tăng 20,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 910,6 tỷ đồng, tăng 24,26% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 884,4 tỷ đồng, tăng 14,51%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 305,6 tỷ đồng, tăng 29,65%; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 4 tỷ đồng, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước.
- Khối lượng hàng hóa vận tải qua cảng quốc tế Vĩnh Tân 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 685,24 nghìn tấn, trong đó xuất cảng 624,65 nghìn tấn (muối xá, tro bay, cát, xỉ than); nhập cảng 60,59 nghìn tấn (túi xi măng, máy móc, muối xá).
IV. Thu ngân sách; hoạt động tín dụng
1. Thu ngân sách
Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5.684,9 tỷ đồng, đạt 54,66% dự toán năm, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa 5.169,1 tỷ đồng, đạt 55,88% dự toán năm, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng thu ngân sách gồm: thu thuế, phí và thu khác 4.488,1 tỷ đồng, đạt 55,2% dự toán năm, tăng 4,25%; thu tiền nhà, đất 681 tỷ đồng, đạt 60,86% dự toán năm, tăng 27,42% ; thu thuế xuất nhập khẩu 515,8 tỷ đồng, đạt 44,86% dự toán toán năm và giảm 35,35% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng khối huyện, thị xã, thành phố kết quả thu 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 2.332,3 tỷ đồng, đạt 63,57% dự toán năm, tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Phan Thiết 885,4 tỷ đồng (đạt 60,77% dự toán, giảm 5,45%); La Gi 188 tỷ đồng (đạt 83,55% dự toán, giảm 7,03%); Tuy Phong 174,4 tỷ đồng (đạt 46,51% dự toán, giảm 9,16%); Bắc Bình 185,6 tỷ đồng (đạt 44,72% dự toán, giảm 7,65%); Hàm Thuận Bắc 277,1 tỷ đồng (đạt 70,5% dự toán, tăng 19,25%); Hàm Thuận Nam 215,1 tỷ đồng (đạt 66,8% dự toán, tăng 24,65%); Tánh Linh 78,4 tỷ đồng (đạt 68,16% dự toán, tăng 21,79%); Đức Linh 147,5 tỷ đồng (đạt 98,34% dự toán, tăng 25%); Hàm Tân 149,6 tỷ đồng (đạt 78,33% dự toán, tăng 11,96%) và Phú Quý 31,2 tỷ đồng (đạt 120,17% dự toán, tăng 38,49%).

Chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 ước thực hiện 7.804,4 tỷ đồng, tăng 80,42% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Chi đầu tư phát triển 2.365,8 tỷ đồng, tăng 26,44%; chi thường xuyên 5.437,6 tỷ đồng, tăng 2,2 lần.
2. Hoạt động tín dụng
Đến cuối tháng 5/2025, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh ổn định, an toàn, thông suốt, cụ thể:
- Lãi suất huy động VNĐ đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 01 tháng hiện phổ biến ở mức 0,1%-0,5%/năm, kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng 1,6%-4,0%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 2,9%-5,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 4,2%-5,5%/năm; lãi suất huy động USD 0%/năm. Lãi suất cho vay VNĐ các đối tượng ưu tiên ngắn hạn 4%/năm, cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, ngắn hạn ở mức 7%-10,5%/năm, trung dài hạn 8,5%-11,5%/năm; lãi suất cho vay USD ngắn hạn 5,5%-7%/năm, trung và dài hạn 5,5%-8%/năm. Tỷ giá niêm yết ngày 31/5/2025 đạt 25.810 VND/USD - 25.840 VND/USD. Doanh số mua bán ngoại tệ lũy kế đến 31/5/2025 đạt 145 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 42,3 triệu USD. Hiện nay toàn tỉnh có 55 đại lý đổi ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu đổi tiền của du khách.
- Giá vàng miếng SJC bình quân giao động ở mức 116,5 - 121 triệu đồng/lượng. Đến ngày 31/5/2025, giá vàng miếng SJC ở mức 116 triệu đồng/lượng - 118,5 triệu đồng/lượng. Toàn tỉnh có 06 doanh nghiệp được cấp phép mua bán vàng miếng tại 22 điểm giao dịch và có 181 đơn vị đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
- Tổng huy động vốn đạt 64.591 tỷ đồng, tăng 0,78% so với đầu tháng, tăng 5,55% so đầu năm và tăng 11,56% so với cùng kỳ. Trong đó: huy động bằng đồng Việt Nam là 63.407 tỷ đồng, tăng 0,75% so với đầu tháng, tăng 5,57% so với đầu năm và tăng 10,35% so với cùng kỳ; bằng ngoại tệ là 725 tỷ đồng, tăng 10,68% so với đầu tháng, tăng 7,11% so với đầu năm và tăng 64,4% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay đạt 96.501 tỷ đồng, tăng 0,71% so với đầu tháng, tăng 1,57% so với đầu năm và tăng 7,47% so với cùng kỳ. Dư nợ bằng đồng Việt Nam đạt 94.811 tỷ đồng, tăng 0,74% so với đầu tháng, tăng 1,54% so với đầu năm và tăng 7,46% so với cùng kỳ. Dư nợ bằng ngoại tệ đạt 1.690 tỷ đồng, giảm 1,29% so với đầu tháng, tăng 3,09% so với đầu năm, tăng 8,19% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn là 5,12%/tổng dư nợ tăng 1,34% so với đầu năm.
- Dư nợ cho vay ngành du lịch - dịch vụ - thương mại đạt 56.771 tỷ đồng, chiếm 61,94% tổng dư nợ, tăng 3,4% so với đầu năm; ngành công nghiệp - xây dựng đạt 14.641 tỷ đồng, chiếm 15,17% tổng dư nợ, giảm 7,15% so với đầu năm; nông - lâm - thủy sản đạt 22.088 tỷ đồng, chiếm 22,89% tổng dư nợ, tăng 3,03% so với đầu năm.
- Dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản đến 31/5/2025 đạt 10.587 tỷ đồng, giảm 0,09% so với đầu năm, chiếm 12,04% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay doanh nghiệp trên địa bàn 23.631 tỷ đồng, giảm 1.087 tỷ đồng, với 4,4% so với đầu năm. Cho vay hỗ trợ mua nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đến 31/5/2025 đạt 224,4 tỷ đồng với 590 khách hàng còn dư nợ. Chương trình hỗ trợ ngư dân vay vốn phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ từ đầu chương trình 1.075,5 tỷ/120 tàu; doanh số thu nợ từ đầu chương trình 214,4 tỷ đồng; dư nợ (nội bảng) 44,1 tỷ đồng/18 tàu; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ 18 tỷ đồng/16 tàu, nợ ngoại bảng 809,5 tỷ đồng/88 tàu, số tàu đã trả hết nợ 14 tàu; vay lĩnh vực nông, lâm, thủy sản 97 tỷ đồng, lũy kế vay từ đầu chương trình 239 tỷ/190 lượt khách hàng với lãi suất từ 5,7%-8,5%. Dư nợ cho vay đạt 5.732,6 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 6,81%. Dư nợ cho vay các đối tượng ưu tiên đạt 69.026 tỷ đồng, chiếm 71,5% tổng dư nợ, tăng 173 tỷ đồng với 0,25% so với đầu năm. Trong đó: Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn 51.729 tỷ đồng, tăng 2,55% so với đầu năm; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 16.665 tỷ đồng, giảm 5,43% so với đầu năm; dư nợ cho vay phục vụ xuất khẩu 534 tỷ đồng, giảm 15,25% so với đầu năm; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ 96,9 tỷ đồng, giảm 27,3% so với đầu năm.
V. Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
1. Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao
Trong 6 tháng đầu năm 2025 đã tuyên truyền, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm, sự kiện chính trị của đất nước. Thể dục thể thao quần chúng sôi nổi: Tổ chức giải vô địch các Câu lạc bộ Võ thuật Cổ truyền tỉnh Bình Thuận mở rộng năm 2025 với hơn 260 vận động viên đến từ 17 đoàn thuộc các huyện, thị xã, thành phố tham gia; tổ chức Ngày Olympic, Lễ Khai mạc hè và Phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2025. Thể thao thành tích cao đã thẩm định, cử đội tuyển JuJitsu, Taekwondo, Bơi Lặn, Judo, Karate, Đua thuyền truyền thống,… tham dự các giải cụm, khu vực, quốc gia, đạt 46 huy chương (10HCV, 11HCB, 25HCĐ). Tính đến nay, đã tham gia 22 giải thể thao, đạt 111 huy chương (23HCV, 28HCB, 60HCĐ). Cử 13 vận động viên tập trung đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia (01 KickBoxing, 01 Jujitsu, 07 Judo, 01 Vovinam, 01 Canoeing, 01 Điền kinh, 01 Taekwondo).
2. Giáo dục và đào tạo
Hoạt động giáo dục ổn định, tiếp tục triển khai có hiệu quả; đã tổ chức xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập trường THPT chuyên và THPT không chuyên năm học 2025-2026 và kỳ kiểm tra sát hạch xét tuyển sinh vào lớp 10 Trường PTDT Nội trú tỉnh; công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tính đến ngày 10/5/2024 các trường đã hoàn thành công việc tiếp nhận và hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra từ các ngày 25 - 28/6/2025, toàn tỉnh tổ chức một Hội đồng thi và 28 điểm thi đặt tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh với tổng số thí sinh đăng ký dự thi đến thời điểm hiện nay là 13.600 thí sinh; dự kiến bố trí 597 phòng thi. Đến thời điểm 15/6/2025 toàn tỉnh có 282/531 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 53,11%; trong đó: Cấp mầm non có 64/141 trường, đạt tỷ lệ 45,39%; cấp tiểu học có 127/233 trường, đạt tỷ lệ 54,51%; cấp trung học cơ sở có 85/131 trường, đạt tỷ lệ 64,89%; cấp trung học phổ thông có 06/26 trường, đạt tỷ lệ 23,08.
3. Y tế
- Phòng chống sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác: sốt xuất huyết 6 tháng đầu năm 2025 có 669 ca mắc, 22 ca nặng; có 01 trường hợp tử vong; bệnh tay chân miệng có 533 ca mắc, không có tử vong; bệnh dại có 05 ca mắc/nghi và tử vong do dại; bệnh sởi có 1.682 ca sốt phát ban nghi sởi và có 20 ca dương tính do sởi.
- Tiêm chủng mở rộng: Trong 6 tháng năm 2025, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin là 7.457/20.005 trẻ, đạt 37,28%, tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm đủ mũi phòng ngừa uốn ván sơ sinh (UV2+) là 6.391/19.802 phụ nữ có thai, đạt 32,27%.
- Công tác phòng chống Phong: Trong 6 tháng đầu năm 2025 không có trường hợp mắc bệnh phong mới, tích lũy số bệnh nhân đang quản lý tại tỉnh là 339 bệnh nhân.
- Công tác phòng chống Lao: Tích lũy 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có 739 bệnh nhân lao thu dung điều trị, 541 bệnh nhân lao AFB (+).
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Lũy kế từ trước đến nay 1.877 ca nhiễm HIV; 1.132 ca nhiễm HIV chuyển AIDS; 555 ca tử vong do AIDS.
- Công tác khám chữa bệnh: công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 78,4%.
- Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm: toàn tỉnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm làm 06 người mắc, trong đó có 01 người tử vong.
- Dịch Covid-19 đang được kiểm soát chặt chẽ, không có trường hợp mắc Covid-19.
4. Thông tin, truyền thông
Tiếp tục thực hiện tốt hoạt động quản lý về xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, quản lý chặt chẽ việc thẩm định và cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh. Thực hiện rà soát chặc chẽ thông tin trên trên báo chí, các trang mạng xã hội viết về Bình Thuận (có 10.491 tin, bài viết; trong đó có 4.379 tin, bài viết đăng tải nội dung có từ khóa đề cập đến Bình Thuận; tin, bài tích cực 5.115; trung lập là 3.616 tin, bài, tin; tiêu cực là 1.761 tin, bài). Tiếp tục đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, ngăn chặn thông tin xấu độc, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng tối đa các nhu cầu thông tin liên lạc của mọi tầng lớp nhân dân.
5. Lao động việc làm và thực hiện các chính sách xã hội
Trong 6 tháng đầu năm 2025 đã giải quyết việc làm cho 14.000 lao động, đạt 58,33% so kế hoạch năm và bằng 104,91% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, cho vay vốn giải quyết việc làm cho 4.000 lao động, đạt 133,33% so với kế hoạch năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp 5.181 người đạt 51,81% so với kế hoạch năm và bằng 111,71% so với cùng kỳ năm trước.
Quỹ đền ơn đáp nghĩa vận động được 6.246,9 triệu đồng, đạt 104,12% kế hoạch năm; trong đó: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh 1.024,9 triệu đồng; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện 5.222,0 triệu đồng.
Công tác chính sách người có công: Đã triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và chế độ thăm, tặng quà các dịp Lễ, tết Nguyên Đán Kỷ Tỵ năm 2025 cho các đối tượng kịp thời, đầy đủ. Ban hành Quyết định điều dưỡng cho 3.433 người có công và thân nhân đến thời gian điều dưỡng, trong đó: điều dưỡng tập trung là 770 người và tại nhà là 2.663 người. Đã tổ chức đưa 321 người đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm điều dưỡng người có công tại các tỉnh Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đà Lạt.
6. Chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số
Tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội và hoạt động tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, không xảy ra các vụ việc phức tạp. Các tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động theo đúng chương trình đã đăng ký, tuân thủ pháp luật. Các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đầy đủ, kịp thời. Đến nay đã tạo điều kiện cho 997 hộ dân tộc thiểu số ký hợp đồng đầu tư với tổng diện tích 1.894 ha (trong đó: 897 hộ bắp lai với diện tích 1.818 ha; 100 hộ lúa nước với diện tích 76,1 ha). Hoạt động thu mua, tiêu thụ nông sản tiếp tục được triển khai, tính đến ngày 10/6/2025 đã thu mua với trên 1,5 tấn mủ cao su trị giá trên 20 triệu đồng và gần 200 tấn bắp lai thương phẩm trị giá trên 1,2 tỷ đồng.
7. Hoạt động bảo hiểm
Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng. Tính đến 23/6/2025, toàn tỉnh có 100.244 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 6,53% so với cùng kỳ năm trước; 91.938 người tham gia BHTN, tăng 2,59% so với cùng kỳ năm trước; số người tham gia BHXH tự nguyện 9.417 người, tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước; số người tham gia BHYT 1.068.911 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.551 người), giảm 7,94% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 83,91% dân số (chưa bao gồm người dân Bình Thuận lao động, học tập ngoài tỉnh có tham gia BHYT).
8. Tai nạn giao thông (tính đến ngày 20/6/2025)
Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 193 vụ (trong đó có 02 vụ đường sắt), giảm 107 vụ so với cùng kỳ năm trước; bị thương 174 người, giảm 111 người so với cùng kỳ năm trước; số người chết 73 gười, giảm 01 người so với cùng kỳ năm trước.
Chia theo các huyện, thị xã, thành phố 6 tháng năm 2025: thành phố Phan Thiết xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, 40 người bị thương, 11 người chết; thị xã La Gi xảy ra 12 vụ, 12 người bị thương, 04 người chết; huyện Tuy Phong xảy ra 16 vụ, 12 người bị thương, 07 người chết; huyện Bắc Bình xảy ra 16 vụ, 16 người bị thương, 04 người chết; huyện Hàm Thuận Bắc xảy ra 33 vụ, 25 người bị thương, 19 người chết; huyện Hàm Thuận Nam xảy ra 25 vụ, 20 người bị thương, 13 người chết; huyện Tánh Linh xảy ra 19 vụ, 18 người bị thương, 04 người chết; huyện Đức Linh xảy ra 20 vụ, 20 người bị thương, 05 người chết; huyện Hàm Tân xảy ra 14 vụ, 11 người bị thương, 06 người chết; huyện Phú Quý không có xảy ra tai nạn giao thông.
9. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường
Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 05 vụ thiên tai (giảm 08 vụ so với cùng kỳ năm trước), ước thiệt hại 805 triệu đồng; 11 vụ cháy, giảm 17 vụ so với cùng kỳ năm trước, ước giá trị thiệt hại 9,8 triệu đồng; 17 vụ vi phạm môi trường (giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm trước), xử phạt 2.958 triệu đồng.
* Đánh giá chung:
Trong bối cảnh thế giới, khu vực còn nhiều biến động phức tạp khó lường, nền kinh tế trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua các số liệu thống kê cho thấy, kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2025 đạt được nhiều kết quả tích cực có nhiều điểm sáng.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản duy trì ổn định. Các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cơ bản được khắc phục. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện tốt.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,41%. Đã thu hút được 15 dự án, trong đó 04 dự án khởi công xây dựng, 03 dự án đi vào hoạt động. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước tăng 9,35% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và du khách. Số lượng khách du lịch đến tỉnh tăng 18,48% so cùng kỳ năm trước, hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,56% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có sự tăng trưởng tốt, ước tăng 29,82% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều tăng.
Thu ngân sách nhà nước (thu nội địa) tăng 6,80% so cùng kỳ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm.
Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện tốt. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì. Hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí, rèn luyện sức khoẻ của nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Bên cạnh các kết quả đạt được, một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2025 vẫn còn tồn tại, khó khăn, hạn chế nhất định, đó là:
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thề và tạm ngừng hoạt động tăng, số vốn đăng ký mới giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đang rất chậm so với kế hoạch.
CHI CỤC THỐNG KÊ BÌNH THUẬN
TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:
Trang:
/